Kể chuyện về người thân của em
Đề bài: Những kỷ niệm sâu sắc với người thân trong gia đình mà em nhớ mãi, hãy kể chuyện về người thân của em? Trong gia đình của mỗi chúng ta, tình cảm giữa những thành viên trong gia đình luôn nồng ấm, chan hòa yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Những kỷ niệm sâu sắc mà em nhớ về những ...
Đề bài: Những kỷ niệm sâu sắc với người thân trong gia đình mà em nhớ mãi, hãy kể chuyện về người thân của em?
Trong gia đình của mỗi chúng ta, tình cảm giữa những thành viên trong gia đình luôn nồng ấm, chan hòa yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Những kỷ niệm sâu sắc mà em nhớ về những người thân trong gia đình là già, hãy kể chuyện về người thân của em để các bạn cùng nghe nhé!
Dưới đây là những bài kể chuyện về người thân của em mà chúng tôi đã sưu tầm để các bạn tham khảo:
Bài 1. Bài văn kể chuyện về người thân của em Lê Thanh Hải:
Tuổi thơ của em gắn liền với những bài thuốc lá hiệu nghiệm và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại. Bà đã chăm sóc em từ bé tớ giờ và luôn dành cho em những điều tuyệt vời nhất. Chẳng có gì lạ khi bà là người mà em yêu quý và kính trọng nhất trong gia đình.
- Ảnh minh họa
Bà em năm nay đã 76 tuổi rồi nhưng bà vẫn rất khỏe mạnh. Bà thường làm những việc nhà nhẹ nhàng như quét sân, quét nhà, tưới cây,… Bố mẹ em không muốn để bà động tay và những việc đó, mỗi lần thấy bà vậy, mẹ em đều nhắc khéo nhưng bà chỉ gật đầu cho qua rồi lại tiếp tục. Bà nói với em rằng, phụ giúp con cái chăm sóc nhà cửa, các cháu là niềm vui của tuổi già. Bà em già rồi, những chấm đồi mồi trên đôi bàn tay cũng xuất hiện nhiều. Mỗi ngày đi học về, em sà vào lòng bà và áp má vào lòng bàn tay ấm áp ấy. Những nếp nhăn trên mặt bà đếm không xuể, nhưng đôi mắt sáng thì vẫn thật tinh tường. Bà em thường đọc báo với cặp kính lão tròn tròn mỗi sáng. Nhìn bà thư thái ngồi đọc, em mới thấy thích làm sao. Những bài báo về cây thuốc là được bà em rất quan tâm.
Bà em có một vườn thuốc nhỏ trong vườn, cạnh vườn rau của mẹ, Em rất thích cách mà bà chăm sóc chúng. Hồi trước em cứ phụng phịu với mẹ rằng bà yêu chúng hơn cả em, có lần, em chót đổ bã chè của bố vào gốc một cây thuốc, bà liền nhắc nhở và dặn dò em luôn. Mẹ méo má em cười và bảo, bà chăm chúng để chữa bệnh cho cả nhà.Em nhớ có lần bà vào Nam thăm dì sinh em bé, em bị ho đến khản cả tiếng suốt một nửa tháng ròng, mẹ đưa em đến bệnh viện mà vẫn không đỡ được. Ấy vậy mà khi bà về, với những bài thuốc lá đơn giản, những cơn ho của em giảm dần rồi khỏi hẳn. Thế mới biết bà em tường tận những cây nhỏ của mình như thế nào, và những giá trị của vườn thuốc nhỏ kia lớn đến đâu…Giờ em học được cách cẩn thận của bà và cũng vui thích với thú chăm cây tao nhã này.
Em luôn có một thắc mắc đó là tại sao kho chuyện cổ của bà chẳng khi nào vơi cả. Nào là chú cuội, nào là cô Tấm, đến Sọ Dừa, rồi cả Thánh Gióng nữa… Những câu chuyện đó là món thuốc tinh thần giúp em ngủ ngon mỗi đêm trong vòng tay bà. Thật không gì tuyệt hơn khi mỗi chiều thứ Sáu em lại được nằm úp mặt vào ngực bà, nằm nghe bà kể chuyện và vuốt tóc rồi ngủ quên lúc nào mà chẳng hay…
Bà ngoại của em tuyệt vời như thế đấy.Một cái Tết nữa lại sắp đến rồi, em háo hức mong chờ nó đến bao nhiêu thì nỗi sợ bà xa em một chút tăng bấy nhiêu.Ước sao bà mãi khỏe mạnh như bây giờ, em chỉ cần vậy thôi, chẳng cần lớn cũng được. Bà ơi, cháu yêu bà lắm…
------------------------------
Bài 2. Bài văn kể chuyện về người thân của em Nguyễn Hà Thủy:
"Cháu gái yêu của bà đã về đấy à? Dạo này lớn quá rồi”. Bà ngoại đã đứng đầu ngõ đón tôi. Bàn tay bà vuốt nhẹ lên mái tóc mượt mà của tôi. Được bà âu yếm, chiều chuộng, tôi rất thích. Bà yêu tôi lắm.
Bà ngoại tôi năm nay đã hơn sáu mươi nhưng dáng người nhỏ nhắn còn nhanh nhẹn lắm. Khuôn mặt bà đầy đặn, thật hiền. Mái tóc điểm bạc được búi lên gọn gàng. Bà rất hiền và rất nhân hậu. Hồi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi thường gửi tôi cho bà. Bà chăm sóc tôi chu đáo từ bữa ăn đến giấc ngủ. Có những hôm, bố mẹ tôi đi làm về muộn, bà dỗ dành để tôi khỏi khóc. Có những trưa, dù mệt mỏi nhưng bà vẫn không được ngả lưng vì còn phải chơi đồ hàng với tôi. Tôi đã lớn dần lên trong tình yêu thương của bà. Khi bắt đầu đi học mẫu giáo, dù không ở với bà nhưng tôi vẫn nhận được tình yêu thương ấp ủ của bà.
- Ảnh minh họa
Bà rất chiều tôi. Tôi còn nhớ rõ lần bà mua quà để tặng tôi vào dịp Nô-en. Tôi tưởng tượng ra những món quà bà sẽ tặng tôi ; nào là búp bê biết khóc biết cười, nào là những chú gấu bông xinh xắn… chờ mãi, cuối cùng ngày mong đợi đã đến. Ăn cơm xong, bà tặng tôi một hộp quà không trang trí cầu kì mà vẫn đẹp một cách trang nhã. Tôi nghĩ bên trong chắc phải là món quà mà mình rất thích. Tôi hồi hộp mở hộp quà. Hoá ra bên trong chỉ có một chú vịt nhồi bông nhô xíu. Quá thất vọng, mặt tôi xị xuổng, hai tay buông xuôi làm hộp quà rơi bịch xuống đất, chú vịt con lập tức lăn vào một góc nào đó. Tôi không hề để ý đến gương mặt sũng sờ xen lẫn buồn tủi của bà. Mẹ thấy thế chạy đến hỏi tôi tại sao nhưng tôi không trả lời, ngúng nguẩy bỏ chạy vào phòng. Suốt mấy tuần liền, tôi dỗi bà. Một tuần, hai tuần… rồi bốn, năm tuần trôi qua, tôi vẫn giận bà. Nhưng vào một buổi tối, khi đến gần phòng mẹ, tôi chợt nghe thấy mẹ và bà đang tâm sự. Vô tình nghe được câu chuyện giữa bà và mẹ, tôi bỗng giật mình vì những sai trái mà tôi đã làm trong thời gian qua. Tôi ân hận quá, nước mắt cứ thế trào ra.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm ra vườn ngồi. Một lúc sau, bà nhẹ nhàng đến ngồi bên tôi. Tôi gục vào lòng bà, xin lỗi. Bà cười hiền hoà, xoa đầu tôi bảo không sao. Tuy bà nói vậy nhưng tôi vẫn thấy áy náy, nước mắt cứ trào ra. Bà lại vỗ về an ủi tôi,
Bây giò tôi có rất nhiều em. Bà có bốn đứa cháu nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình yêu thương trọn vẹn từ bà. Mỗi lần về thăm bà, tôi lại được nghe cầu nói đầy yêu thương trìu mến:
- Cháu yêu của bà về rồi đấy à? Dạo này lớn quá nhỉ!
Bà nói đúng, tôi đã lớn nhiều nhưng tôi vẫn là đứa cháu yêu nhỏ bé của bà. Tóc bà mỗi ngày mỗi bạc, duy ánh mắt và nụ cười của bà thì vẫn như xưa, không hề thay đổi.