18/06/2018, 12:35

IX. Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh

Chúng ta bắt đầu chuyến đi với Thăng Long - Hà Nội nay kết thúc ở Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. So với Hà Nội - Thăng Long, thì Sài Gòn còn rất “trẻ”, nhưng còn già hơn New York hay Washington. Từ cuối thế kỷ XVII đồng bào ta từ miền bắc, miền Trung đã vào đất khai phá mảnh đất còn ...

Chúng ta bắt đầu chuyến đi với Thăng Long - Hà Nội nay kết thúc ở Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. So với Hà Nội - Thăng Long, thì Sài Gòn còn rất “trẻ”, nhưng còn già hơn New York hay Washington. Từ cuối thế kỷ XVII đồng bào ta từ miền bắc, miền Trung đã vào đất khai phá mảnh đất còn hoang vu này, chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn vào lập thành dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định (1698) khi cư dân đã đông đúc là đường sông thuận tiện, sông Sài Gòn - mang nhiều tên khác nhau, tùy khúc: cho đến rạch cầu ông Lãnh gọi là sông Bến Nghé, từ Nhà Bè đến Ngã Bảy là sông Lòng Tàu, từ Ngã Bảy đến Cần Giờ là sông Ngã Bảy - nối liền với biển, ngày nay tàu trên 10.000 tấn có thể vào được. Thời Trịnh Hoài Đức đã thấy:
“Tàu buôn và những ghe thuyền lớn nhỏ nước ta và các nước liên tiếp đến đậu, trông thấy những trụ cột buồm liền nhau như một đô hội”.
(Gia Định thành thông chí)

Người Hoa, đình thần nhà Minh bị quân Mãn Thanh xua đuổi được chúa Nguyễn cho phép cư trú ở Cù Lao Phố (Biên Hòa ngày nay), sau 1777 dời về Bến Nghé tức Sài Gòn. Thành phố này qua mấy trăm năm đã mang nhiều tên: Tân Bình, Bình Dương, Chợ Lớn, Sài Gòn, Bến Nghé, Gia Định, Phiên An, từ 1856 chính thức gọi Sài Gòn, và ngày 2 - 7 - 1976, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, kỳ họp thứ nhất đã đổi là Thành phố Hồ Chí Minh.
Dân số năm 1900 là 17.000; đến năm 1945 đã gần nửa triệu. Đặc biệt trong chiến tranh, vì chính sách hủy diệt nông thôn và lập vành đai trắng của Mỹ, nhân dân nhiều vùng đã ùn ùn về thành phố, làm cho năm 1975 dân số lên đến 4 triệu, trong đó có đến hơn 70 vạn người Hoa, tập trung ở Chợ Lớn. Cũng phải nói, Sài Gòn trong 21 năm đã tiếp nhận 80% toàn bộ viện trợ Mỹ cho miền Nam, nên đã xây dựng thành đô thị lớn nhất nước ta.
Vào đầu thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức đã mô tả: “Phố chính hai bên đường quan lộ, chạy thẳng suốt qua ba phố ra bến sông. ở giữa có một phố nằm ngang và ở cuối có một phố dọc ăn thông với nhau, hình chữ điền. Nhà cửa liền mái sát vách. Phố dài gần ba dặm, bán các thứ gấm vóc, đồ sứ, giấy bút, hạt châu, sách vở, thuốc men, chè miến và các hóa vật ở miền Nam, miền Bắc; trong sông ngoài biển không thiếu thứ gì.
Những buổi hôm mai đẹp trời cùng những ngày tam nguyên, dân chúng treo đèn trần thiết, đua khéo thi lạ, trông như cây lụa cầu sao, hội tiên thành gấm. Chuông trống om sòm, đàn sáo ríu rít, gái trai chen chúc, thật là một cái phố đông đúc và náo nhiệt”.
Chiếm được Sài Gòn, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng cảng năm 1860, làm nơi xuất khẩu gạo, và sau này là cao su và nhập những hàng hóa công nghiệp từ Pháp sang. Nhiều công trình của thời trước, đặc biệt những thành lũy của thời chúa Nguyễn, thành Gia Định (1790), thời Minh Mạng đổi tên là Phiên An (1833), bị phá năm 1835, sau khi triều đình Huế dẹp loạn Lê Văn Khôi; năm 1836 Minh Mạng cho xây lại thành nhỏ hơn, bị quân Pháp chiếm phá. Chiến lũy Hoa Phong xây đắp năm 1700 để chống quân Xiêm nay cũng không còn nữa, cũng như lũy Bán Bích (1772). Nay còn dấu vết của đồn Chí Hòa do Nguyễn Chi Phương xây dựng để chống Pháp (1860).
Thành phố có nhiều chùa, cái xưa nhất trên dưới 200 năm, của người Việt có, của người Hoa có. Chùa Cây Mai, một thắng cảnh của đất Gia Định được sử sách ca tụng cất từ 1816, trên đường Chợ Lớn - Phú Lâm, xưa khách đến đua thuyền hái sen và các nhà văn đến ngâm vịnh, nay không còn. Còn một loạt chùa khác như Giác Lâm (quận Tân Bình) lập 1744, chùa Giác Viên (quận 11) dựng 1803, chùa bà Thiên Hậu ở Chợ Lớn, đình Minh Hương Gia Thành xây 1789 trên đường Trần Hưng Đạo.
                                            ***
Từ thời Pháp, công trình đầu tiên là bến Nhà Rồng, khởi công 1868 do Messageries Maritime - Công ty vận tải đường biển - nơi Bác Hè năm 1911 lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1865 dựng cột cờ Thủ Ngữ treo cờ hiệu cho tàu bè ra vào. Tòa nhà cũ nay thành nhà lưu niệm Bác Hồ.
Trong thành phố hiện nay, ta có thể đến thăm những công viên Tao Đàn, một vườn cây lớn (cổng vào chính đường Xô Viết Nghệ tĩnh), nay là nơi vui chơi tập luyện của trẻ em và người lớn (đây là một tụ điểm quan trọng của phong trào dưỡng sinh); rồi đến Thảo Cầm Viên quen gọi là Sở Thú hay vườn Bách Thảo, nằm biên bờ sông Thị Nghè trong đó có Đền Hùng Vương và bảo tàng lịch sử. Đây là nơi sưu tầm nhiều cây cỏ các loại, kể cả một số cây mà rừng Việt Nam không có, động vật thì ít hơn. Dạo quanh thành phố, ta có thể qua những đường phố với những hàng cây đẹp như me (Nguyễn Du, Phùng Khắc Khoan), sao (Minh Khai, Lê Duẩn), dầu (Hùng Vương, 3/2. Nguyễn Chí Thanh).
Ở hai quận trung tâm I và III, tập trung những công trình qui mô lớn từ hai thời Pháp - Mỹ để lại: Ủy Ban Nhân Dân thành phố hiện nay, xưa thường gọi là Dinh Xã Tây, khánh thành năm 1909, tức là toà Đô Chính thời Pháp, gần đó nhà thờ Đức Bà xây từ 1877, đến 1959 được công nhận là Basilique (Vương cung thánh đường). Pháp cũng xây dựng nhà hát thành phố, khánh thành 1900, Dinh Thống Đốc Nam kỳ, sau gọi là Dinh Gia Long, nay là Bảo tàng cách mạng. Dinh Soái Phủ của Pháp đến 1963 - 1966 xây lại thành Dinh Độc Lập (kiến trúc sư Ngô Viết Thụ) ngày 8 - 4 -1975 phi công Nguyễn Thành Trung dùng máy bay Mỹ ném hai quả bom làm sập cánh trái dinh, và 11 giờ 30 ngày 30 - 4 -1975, xe tăng giải phóng tiến thẳng vào buộc tổng thống Dương Văn Minh và chính phủ của ông ta (48 người) đầu hàng, ngày nay đổi thành Hội trường Thống Nhất.
Trên mảnh đất của hai nhà tù lớn, vừa là những nơi tra tấn khủng khiếp của thời Pháp - Mỹ là bót Catinat và khám lớn Sài Gòn, nay là trụ sở của Sở văn hóa thành phố và Thư viện Quốc gia II. Đại sứ quán Mỹ xây dựng năm 1965, bị quân ta chiếm trong cuộc tấn công tết Mậu Thân nay là trụ sở của Tổng cục Dầu Khí.
Về triển lãm, thì có Nhà triển lãm thành phố, đường Phó Đức Chính, Nhà trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy đường Võ Văn Tần, và hàng năm có hội chợ Quang Trung trưng bày sản phẩm của thành phố và của nhiều tỉnh khác từ Bắc chí Nam, khách có thể đến thăm các nhà văn hóa và câu lạc bộ, Nhà văn hóa Thanh Niên đường Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ), Nhà văn hóa Thiếu Nhi đường Nam Kỳ Khởi nghĩa, Câu lạc bộ Lao Động đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (xưa là nhà Xẹc Tây tức Cercle Sportif saigonnais dành cho bọn Pháp thượng lưu). Mồng một, rằm có thể viếng thăm những chùa mới như Vĩnh Nghiêm hay Xá Lợi. Để hiểu tình hình sản xuất hàng hóa buôn bán, nên dạo qua mấy chợ quan trọng: Bến Thành, Bình Tây, Tân Định, Bà Chiểu...
Ra ngoại thành, là để tham quan một bên là những căn cứ kháng chiến anh hùng, một bên là những nơi xây dựng kinh tế mới sau giải phóng. Đầu tiên là Củ Chi, với hệ thống địa đạo, mấy trăm ki-lô-mét, như một hệ thống métro, một căn cứ chỉ cách Sài Gòn 30km mà Pháp - Mỹ với bao nhiêu bom đạn không diệt nổi. Tháng 1-1966, chỉ huy Mỹ cho bắn vào đây hai vạn quả đạn đại bác, cho B-52 rải hai nghìn tấn bom rồi cho 600 xe bọc thép với 12.000 quân kéo vào vẫn bị đánh lui, mặc dù miếng đất ấy đã thành như cảnh mặt trăng. Bom đạn làm rung chuyển cửa kính các nhà ở Sài Gòn, thế mà sau đó, bà con thành phố về thăm Củ Chi, lại được tiếp đón ở dưới những căn hầm rộng rãi, kê ván gỗ, trải chiếu hoa, có trà ngon, có bánh mứt. Khó mà hiểu được, đất thì cứng, máy móc không có, mà đào sâu đến 12m, bao nhiêu tấn đất rải ra mà máy bay địch không phát hiện được; địch bắn suốt ngày đêm, khi tìm được một đoạn hầm thì phun hơi độc, thế mà dưới đất sinh hoạt vẫn tiếp tục, hội họp, cứu chữa thương binh,văn nghệ, sinh con, học hành... Củ Chi nay đã sống lại và đang vững bước tiến lên.
Xuôi dòng sông Sài Gòn cho đến biển là khu vực Rừng Sát với ba cửa Cần Giờ, Đồng Tranh, Soài Rạp, đây cũng là nơi đổ ra biển của sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông và Tây. Là một rừng rậm đước vẹt, sình lầy. Tàu vào sông Sài Gòn đi qua Rừng Sát, theo sông Lòng Tàu. Sông rạch chi chít là nơi để các chiến sĩ giải phóng nhiều lần đánh chìm tàu của Pháp - Mỹ, ngày nay lại là nơi để thanh niên xung phong và bà con lao động thành phố xây dựng một khu kinh tế mới có nhiều hứa hẹn. Một chuyến đi về miền Duyên Hải ôn lại chuyện cũ, nhìn vào công việc ngày nay sẽ giúp hiểu rất nhiều về thành phố này. Nhiều khu kinh tế mới chung quanh thành phố cũng có một lịch sử gần và xa không kém oanh liệt.
                                       ***
Nhưng thành phố này vẫn là nơi để quan sát, để suy nghĩ về tất cả những vấn đề về kinh tế - xã hội - văn hóa của nước ta hiện nay.
Ở đây tôi không dẫn các bạn tới những đường phố lớn, với những tòa nhà cao tầng; không nói về lịch sử xa xưa chúng ta đã có dịp nhắc đến ở nhiều nơi khác.
Vào thành phố này, tôi muốn cùng bạn suy nghĩ về hiện nay, nói đúng hơn về thời hiện đại của nước ta, một thời đại đã mở đầu với tiếng súng của quân Pháp. Năm 1859 Sài Gòn đi trước, 1975 Sài Gòn về sau. Nếu cả nước Việt Nam đã trở thành nơi giành giật quyết liệt giữa đế quốc và dân tộc ta, thì Sài Gòn lâu hơn hết đã 116 năm dài kiên cường đánh địch, không nơi nào lại có một vốn cách mạng dày như vậy. Nhưng cũng phải thấy ngay, không nơi nào đế quốc phương Tây cắm rễ lâu, bám sâu như vậy. Đó là hai mặt của Sài Gòn.
Ngày nay, cuộc chiến đấu còn tiếp diễn, vấn đề “ai thắng ai” chưa phải đã ngã ngũ trên toàn bộ đất nước, ở thành phố này tập trung đến mức cao nhất những mâu thuẫn mà cả nước phải giải quyết, những vấn đề mà đến đây chúng ta có thể thấy rõ hơn như xem qua một kính lúp. Nói đến những vấn đề ngày nay, mỗi người một ý, tôi chỉ nói lên ý riêng, chỉ muốn gợi lên một số điểm, một số điều tôi đã suy nghĩ qua mấy chuyến về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi đến Sài Gòn lần đầu tiên năm 1937, thời ấy chỉ nghĩ đến việc đáp tàu thủy qua Pháp du học, nên không quan tâm gì đến thành phố. Đại chiến thứ hai bùng nổ, trong mấy năm liền chúng tôi ở Pháp không biết trong nước ra sao cho đến ngày 23 - 9 -1945, các báo Pháp đưa tin quân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh chống lại Đông Dương. Sài Gòn lại đi trước. Rồi 30 năm liền, khi ở nước ngoài, khi ở Hà Nội, tôi phần vì ưu tư, phần vì nghề nghiệp, gần như theo dõi hàng ngày cuộc đấu tranh của bà con Sài Gòn.
Cho nên sau giải phóng, mặc dù đặt chân lên thành phố tôi chưa hề biết tới, vẫn có cảm giác quen thuộc, vì ở đâu tôi cũng gặp lại một ký ức của 30 năm qua. Sông Sài Gòn, bến cảng tấp nập thuyền tàu, và buổi chiều bà con ra đây hóng mát, nhìn sang cột cờ Thủ Ngữ nhớ lại ngày 19 - 3 -1950, thanh niên và toàn thể nhân dân rầm rộ tới đây kéo lá cờ Mỹ xuống xé nát, ném đá vào hai chiếc tàu chiến Mỹ đến thị uy, giúp cho quân đội Pháp, 50 vạn đồng bào với luật sư Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu, bằng tay không đã buộc hai chiến hạm của Mỹ nhổ neo chuồn ra biển. Trận thất bại đầu tiên của Mỹ ở Việt Nam cũng như trận cuối cùng đều diễn ra ở Sài Gòn.
Nhắc đến 1950, lại nhớ đến cuộc biểu tình ngày 9 - 1 - 1950 của học sinh, cái chết và lễ tang của Trần Văn Ơn biến thành một trong những cuộc đấu tranh lớn nhất trong thời chống Pháp, không những ở Sài Gòn mà còn lan ra tận Huế, Cần Thơ, Hà Nội, Mỹ Tho. Biểu tình, đình công, người viết sử Sài Gòn khó mà kể lên hết; ai đến thăm thành phố đặt chân lên một góc đường, một khu phố nào cũng không thể không nhớ đến một vụ đấu tranh lớn nhỏ nào đó.
Không những chỉ có biểu tình đình công, ngay từ ngày đầu bà con Sài Gòn đã nổ súng vào địch, chiến đấu liên tục. Mỗi chiếc cầu, cầu Thị Nghè, cầu Công Lý, cầu Chữ Y đều có một lịch sử oanh liệt, mỗi góc đường mỗi quảng trường đều ghi lại một cuộc đấu tranh quyết liệt: đánh chìm chiến hạm Card của Mỹ, đánh sập các khách sạn Caravelle, Brink, Victoria, đốt cháy kho xăng Nhà Bè, đánh nhỏ, đánh to, đánh ngay vào trung tâm, vào đầu não được bảo vệ kín mít của đích, hàng chục vạn cảnh sát quân đội, mật vụ, cố vấn với những vũ khí và phương tiện hiện đại nhất, “sophistiqué” nhất cũng chịu bó tay chịu đòn. Không những chỉ có “Việt Cộng” chính cống, mà nào là Phật tử, nào Ki- tô, rồi đến cá dân biểu chính Diệm - Thiệu cử ra, đến cả binh lính sĩ quan cũng tham gia. Đơn cử cuộc mít tinh của một vạn đồng bào Ki-tô giáo vùng Chí Hòa ngày 6 - 10 -1974 nêu khẩu hiệu "Bất tín nhiệm tổng thống", làm cho linh mục Thanh Lãng phải thốt lên "Đây là một đột biến kinh hoàng, sửng sốt, ngỡ ngàng vì 20 giáo xứ Chí Hòa là một thành trì dũng mãnh từng ủng hộ và bảo vệ bằng mọi giá tổng thống Thiệu (theo báo Đối Diện hải ngoại số 3 tháng 1 - 1975).
Vào đầu những năm 60, lúc châu Phi bắt đầu nổi dậy chống thực dân, và nhân dân Algérie đã tiến hành đấu tranh vũ trang nhiều năm, trong giới sinh viên trí thức Phi, có xu hường nghĩ rằng chỉ có du kích nông thôn mới thực sự giải phóng được dân tộc, còn nhân dân các thành phố kể cả công nhân và các người lao động khác đều bất lực. Một quyển sách nổi tiếng "Les damnés de la terre" của Frantz Fanon người Martinique tham gia dấu tranh ở Algérie cũng thấm nhuần quan điểm ấy.
Fanon mất sớm, không thấy được tiến triển của cuộc kháng chiến Algérie dần dần cũng triển khai ở các thành phố. Thời ấy, một số đồng chí Pháp bảo tôi: đó là một số quan điểm sai lầm, nhưng trong lúc nước Pháp đang đánh lại kháng chiến Algérie, chúng tôi là người Pháp không tiện việc phê phán, anh làm hộ, vì anh đứng cương vị người Việt Nam nói dễ hơn. Dựa trên kinh nghiệm của thành phố ở nước ta đặc biệt của Sải Gòn, tôi viết bài “Si F.Fanon était vivant" cho tạp chí La Pensée với ý là, giả thử F.Fanon không mất sớm, chắc sẽ thấy quan điểm của mình là sai, cuộc đấu tranh của nhân dân thành phố quan trọng không kém gì của nông thôn, và một tổ chức cách mạng không thể viện bất cứ một lý do nào bỏ trống trận địa ở các thành phố.
Trong những năm chống Mỹ, nhiều nhà báo phương Tây cũng hay nêu lên luận điểm nhân dân các thành phố không chịu ảnh hưởng của “Việt Cộng” không tham gia đấu tranh, tôi đã phải nhiều lần đấu bút, đấu khẩu với họ, và cuộc đấu tranh liên tục của tất cả các tầng lớp nhân dân Sài Gờn đã giúp tôi đầy đủ chứng cớ tranh cãi với các đối thủ.
Vì vậy, đặt chân lên thành phố này, phải vượt qua cái cảnh ồn ào, quán nhậu nhẹt, nhớ lại cái “vốn cách mạng” to lớn mà tôi nghĩ là không có thành phố nào khác trên thế giới “giàu” đến như vậy. Nếu làm như ở các nước, nơi nào xảy ra một sự kiện lịch sử đều dựng lên một tấm bia, một tượng đài thì trên thành phố này không biết dựng bao nhiêu cho xuể.
                                        ***
Tôi không có ý nhắc lại chuyện cũ để che lấp những sai lầm nhược điểm như một số người thường làm, nhưng nếu chỉ nhìn vào những hiện tượng trước mắt, quên mất chiều dài của một lịch sử 30 năm dồn dập thì cũng chỉ có thể có một cách nhìn nông cạn.
Tết 1976, tết đầu tiên sau giải phóng tôi chen vào giữa đám đông người trên các đường phố Sài Gòn, đi từ quận I đến Chợ Lớn, từ Nhà thờ Lớn đến Trần Hưng Đạo, Lăng Ông nghi ngút hương khói từ đầu hôm đến hai giờ sáng. Tết thống nhất sau 21 năm đợi chờ vui mừng khôn tả. Nhưng cũng vừa đi, vừa thấp thỏm lo ngại nữa: Biển người chen chúc, kẻ địch không khó gì mà tung một quả lựu đạn, lia một băng đạn, khiêu khích quấy rối. Tôi đã ghi lại cảm tưởng ấy trong một bài phóng sự đăng báo Nhân Dân, và có người bảo tôi, anh suy nghĩ gì lạ vậy?
Đến nay 11 năm sau giải phóng, tôi vẫn suy nghĩ như vậy, tôi vẫn ngạc nhiên là kẻ địch chưa bao giờ gây nên được một vụ bạo loạn đáng kể trong một thành phố đầy đủ điều kiện để cho chúng phá hoại. Vụ nhà thờ Vinh Sơn năm 1976, vụ Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, chung qui cũng chỉ là những vụ nhỏ. Mà ngay từ đầu, đêm 30 - 4 - 1975 tại sao đèn vẫn sáng trưng khắp thành phố. Khó khăn gì đâu mà không cho nổ được nhà máy điện Thủ Đức? Tại sao tất cả các cơ quan xí nghiệp đều giao lại cho quân ta toàn bộ thiết bị máy móc nguyên vẹn.
Đâu phải địch không có điều kiện để phá hoại? 400.000 lính và mấy vạn sĩ quan của chế độ cũ, cảnh sát, mật vụ, điệp viên, cán bộ chiêu hồi, Phượng Hoàng, Thiên Nga đâu có thiếu? Súng đạn chất nổ, điện đài muốn bao nhiêu cũng có. Đâu phải địch không có kế hoạch hậu chiến, đã không bố trí mạng lưới lật đổ từ trong đánh ra từ ngoài đánh vào. Tôi được một phóng viên báo Pháp Le Monde cho biết rằng ngay sau giải phóng Mỹ đã thuê một số sĩ quan Pháp quen thuộc ở Đông Dương tổ chức những trại huấn luyện điệp viên biệt kích ở Thái Lan để tung về phá hoại nước ta. Anh phóng viên ấy còn cho biết là chỉ huy Mỹ còn khoe có thể lấy trực thăng dẫn các nhà báo từ Thái Lan qua những căn cứ bên Lào, những nơi đầu mối để thâm nhập vào Việt Nam, và cũng là những nơi mà họ gọi là “chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba”.
Tháng 10-1978, tôi lên máy bay từ Sài Gòn đi châu Âu sau một mùa hè nóng bỏng: Ở miền Bắc gần 20 vạn người Hoa đã bỏ về Trung Quốc, làm rối loạn kinh tế xã hội của một vùng từ Hải Phòng đến Móng Cái. Trong Nam thì cả một cộng đồng 70 vạn người Hoa tập trung ở Chợ Lớn cũng xôn xao; ở biên giới Tây Nam quân Pol Pot không ngừng khiêu khích, và 19 sư đoàn được cố vấn Trung Quốc chỉ huy chuẩn bị đánh vào Tây Ninh. Còn phía Bắc thì quân Trung Quốc cũng tập trung mấy chục vạn áp sát biên giới. Lụt bão liên miên, mất ba triệu tấn thóc, từ máy bay tôi nhìn thấy cả một miền tây đồng bằng sông Cửu Long ngập trắng xóa. Tôi qua châu Âu với nhiệm vụ là giải thích cho bạn bè vấn đề quan hệ giữa ta và Trung Quốc. Đến Pari, qua Rôma, Stockholm, đâu đâu cũng đọc những tờ báo nảy lửa, những giọng nói hằn học tố cáo Việt Nam. Qua châu Phi thì các bạn của ta hết sức hoang mang bảo: Chúng tôi không hiểu gì hết, Việt Nam đang làm gì? Rồi sẽ đi đến đâu.
Mặc dù tôi bình thản giải thích cho bạn bè các nước là Việt Nam đủ sức đối phó, vì chính sách của Việt Nam không có gì sai trái cả, nhân dân và Đảng Việt Nam vẫn đứng vững, nhưng trong cả chuyến đi, tôi không khỏi lo âu, và đặc biệt cứ ngóng tin từ Sài Gòn, không biết có nổ ra vụ gì không? Rồi cũng như Tết 1976, suốt mấy tháng cuối 1978 đầu 1979, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh vẫn yên tĩnh. Rõ ràng là qua những lúc hiểm nghèo nhất, địch cũng không làm gì được để phá hoại chế độ ta, mặc dù trước mắt là những đế quốc hung mạnh, cáo già chuyên nghề can thiệp, lật đổ. Nếu không có “cái vốn cách mạng” to lớn thì làm sao thành phố này tránh được những tai họa ghê gớm mà kẻ địch mưu đồ gây ra.
                                          ***
Cũng năm 1976, trong một buổi họp của một số anh chị em nghiên cứu khoa học xã hội ở Sài Gòn (lúc ấy chưa đổi tên), tôi có dịp phát biểu: Anh chị em sôi nổi bàn về thuyết hiện sinh (Existentialisme), tôi nghĩ hiện sinh chỉ nhất thời còn tín ngưỡng và tôn giáo thì muôn thuở. Và ở thành phố này tôn giáo có một vai trò hết sức quan trọng.
Nói vậy tôi không nghĩ đến Kitô giáo La Mã (thường gọi là công giáo). Tôi không ngạc nhiên khi xảy ra vụ nhà thờ Vinh Sơn (một nhóm Kitô giáo đã biến nhà thờ này thành một ổ phản động có vũ khí bắn lại lực lượng an ninh đến khám xét); ngạc nhiên hơn khi nhìn lại mười tám năm qua rất ít xảy ra những vụ như vậy, và vui sướng khi thấy cộng đồng Kitô một khối gần nửa triệu người không những đã sinh sống yên lành, còn tỏ ra nhiều mặt tích cực trong cuộc sống mới. Năm 1978, tôi ở Rôma đúng ngày giáo hoàng Jean Paul II đắc cử, tôi nghĩ thầm: không biết rồi “tuần trăng mật” giữa cộng đồng Kitô và chế độ ta còn kéo dài nữa không? Tôi cũng nhận thấy sau đó có một số triệu chứng căng thẳng trở lại, phải chăng Giáo hoàng mới không ưa thích gì lắm Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam non trẻ này? Nhưng rồi năm 1980 Hội đồng giám mục Việt Nam ra đời và trong bức thư của Đại hội giám mục gửi cả linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước, có đoạn viết:
“Là Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam chúng ta, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình với cuộc sống hiện đại với đất nước… Chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người. Đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa. Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách là công dân vừa là thành phần Dân Chúa. Sự gắn bó và hòa mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể có thể tóm lại trong hai điểm chính:
1. Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
2. Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống vả một lối diễn tả Đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”.
Như vậy Hội đồng giám mục, cấp tối cao của giáo hội Ki- tô La Mã Việt Nam đã công nhận, về chính từ, đồng ý với đường lối bảo vệ độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, về văn hóa xã hội cố gắng hòa mình vào lối sống chung của dân tộc. Trong đoạn kết bức thư nói rõ:
“Chúng ta tự hào là công dân của nước Việt Nam anh hùng độc lập thống nhất; và trong đà phát triển chung của cả nước, chúng ta được tình đồng bào thông cảm và giúp đỡ trong khối đại đoàn kết dân tộc, nên chúng ta hãy hân hoan chu toàn sứ mạng vinh quang của mình”.
Xin trích thêm vài đoạn trong bức thư của Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình gửi giáo dân trong giáo phận thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng.
Từ 10 năm nay chúng ta đã cố gắng chứng tỏ rằng người công giáo là người Việt Nam như tất cả các đồng bào khác, là công dân đích thực của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi đó chúng ta đã hăng say làm tròn các bổn phận của người công dân… Trái với sự ước đoán của nhiều người, đạo công giáo trong thành phố chúng ta vẫn sống động. Sau giải phóng nhiều người công giáo lo sợ mình không được sống đạo nữa trong chế độ mới, do đó lúc đầu có thái độ tiêu cực nếu không phải là chống đối. Mối quan hệ thực tế giữa nhà nước và giáo hội phải nói là tích cực. Như Hội đồng giám mục Việt Nam được thành lập cho cả nước, giáo hội ở Việt Nam vẫn được liên lạc với tòa thánh ở Roma, những cuộc hành trình đi viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô tại Roma, những lần tham dự các hội nghị ở nước ngoài,… đã gây thêm niềm tin nơi chúng ta... Những thắc mắc, những nguyện vọng, những vấn đề phần lớn được giải quyết tốt, những thành kiến lâu đời ở hai bên giảm bớt dần, sinh hoạt tôn giáo trong thành phố nói chung là vấn đề bình thường”.
Phải chăng tôi quá ngây thơ, ai lại không biết các vị giám mục bao giờ cũng là những nhà chính trị cao tay, thời thế xoay vần, tuyên bố thế nào cũng được. Một trí thức phật tử từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội họp Đại hội thống nhất phật giáo bảo tôi: Đã Ki-tô giáo thì không có ai thật sự yêu nước cả, hễ giáo hoàng bảo bỏ nước là họ bỏ nước. Tôi hơi ngạc nhiên nhìn người bạn, một trí thức rất cởi mở rất hiền lành về các mặt khác, nhưng đụng đến Ki-tô giáo là như bị điểm huyệt.
Phía bên đạo, cũng như phía bên không đạo (trong đó những người cộng sản là số ít) không phải ai cũng tin rằng giáo hội Ki-tô đã thật hòa mình vào lòng dân tộc, nhất là một dân tộc Việt Nam nay lại xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của một Đảng cộng sản. Ki-tô giáo đúng là một trong những “huyệt” khó xử nhất trong cái cơ thể dân tộc Việt Nam. Không phải tôi không biết vẫn đang còn những linh mục, những tu sĩ và giáo dân còn ước mơ, còn mưu đồ trở về chế độ cũ, sống lại cái thời mà họ cho là “hoàng kim”, thời mà giáo hội nhận được một viện trợ vật chất to lớn, được chính quyền đưa lên hàng độc tôn, thời mà tổng thống và nhiều tướng tá, bộ trưởng đều theo đạo. Không phải tôi không biết tại Roma và nhiều nước Âu - Mỹ đang có những âm mưu mượn tôn giáo để chống phá nước ta.
Nếu có một hai vụ xảy ra như Vinh Sơn trong một vài năm tới, tôi không ngạc nhiên. Tôi cũng biết giữa những người cộng sản và Ki-tô giáo nếu có thề keo sơn với nhau để bảo vệ và xây dựng tổ quốc, bảo vệ và xây dựng một chế độ công bằng, vẫn không bao giờ gặp nhau được trong tư tưởng, có trời hay không có, Ki-tô có thật là Con Chúa giáng thế hay không, và loài người phải nhờ chúa Ki-tô và giáo hội La Mã cứu vớt cho hay không, những điều ấy chúng ta còn có thể tranh luận đời này qua đời khác.
Điều chắc chắn là ở Thành phố Hồ Chí Minh này, 18 năm qua tôi đã được chứng kiến một sự biến đổi sâu sắc ngay từ trong lòng giáo hội. Tôi đã có dịp trong những ngày làm việc ở các cơ sở chăm sóc dạy dỗ các em tàn tật cùng một vài anh chị em tu sĩ, ban ngày mặc quần áo bình thường công tác như một số cán bộ khác, tối về tu viện sống lại cuộc đời tu hành. Thái độ bình thản tự nhiên và lòng tận tụy của anh chị em nói lên một cách thuyết phục nhất là đã hòa mình vào chế độ mới. Bằng chứng ấy đã đủ chưa? Tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh thành phố này 18 năm trước còn sống trong một không khí tràn ngập tuyên truyền chống cộng, đây là một triệu chứng tiêu biểu. Mà Ki-tô giáo ở thành phố này biến chuyển sẽ lôi theo toàn bộ cộng đồng Ki-tô giáo ở cả nước, vì trung tâm đạo ngày nay không còn ở Bùi Chu, Phát Diệm nữa, mà ở ngay Thành phố Hồ Chí Minh.
18 năm qua ở thành phố này đã diễn ra một quá trình lịch sử không thể đảo ngược, dù ai nói ngả nói nghiêng, đồng bào Ki-tô giáo đã trở về lòng dân tộc (có thể trở về quận Tân Bình, nơi tập trung gần mười vạn giáo dân để thấy những thay đổi về nhiều mặt).
Ở Sài Gòn mười tám năm qua không có một biểu tình sinh viên và cảnh sát chạm trán dữ dội như ở Seoul (Nam Triều Tiên), không có những vụ đảo chính năm này qua năm khác hay bắn vào dân như Bangkok, không có những biến động chính trị lớn lao như ở Manila; cũng không xảy ra những vụ xưng đột tôn giáo nghiêm trọng như ở một số nước thuộc thế giới thứ ba. Không ai có thể bảo được là dân thành phố này không đủ can đảm nổi lên khi cần thiết. Lịch sử ba mươi năm qua chứng tỏ quá rõ rệt điều ấy, rõ ràng là nhân dân thành phố này đồng tình sâu sắc với chế độ mới.
                                          ***
Phải chăng không có điều gì để ca thán, để phản ứng, để đòi hỏi kêu ca? Trải lại, gặp bất kỳ ai cũng có một điều nào đó; hoặc đụng đến bản thân, hoặc về chính sách chung để nói lên sự không đồng tình, sự bất bình và nhiều khi phẫn nộ. Được về mặt an ninh chính trị, về căn gốc của chế độ, hỏng về mặt kinh tế xã hội đó là cảm tưởng chung, là ấn tượng rõ nét. Giá gạo leo thang và dĩ nhiên lôi theo mọi giá khác, kỷ cương xã hội bị xói mòn nghiêm trọng, ngày nay không còn ai chối cãi nữa. Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Ngày mới giải phóng, những anh em ở “rừng” lâu ngày về, từ miền Bắc vào đứng trước một cảnh đối với họ rất lạ mắt: Một thành phố đồ sộ, hàng hóa tràn trề. Đúng là một thành phố cỡ lớn, độc nhất ở nước ta, 3 triệu dân nội thành (tôi xin tạm gác ngoại thành hơn gấp ba lần dân số ở Hà Nội; nhà cửa, trang bị đồ đạc, tóm lại cơ sở vật chất ít nhất cũng bằng 10 lần Hà Nội. Các cơ quan tuyên truyền của ta bèn nêu lên từ “phồn vinh giả tạo”. Trong một bài đăng báo Nhân Dân tôi góp ý kiến phồn vinh này lả thật, không có gì giả tạo cả, nhà cửa, hàng hóa là thật cả, chỉ có một điều là từ đâu ra, phải trả giá nào? Trong 21 năm, Sài Gòn tiếp nhận 80% viện trợ Mỹ cho cả miền Nam, tính ra cũng khoảng 20 tỉ đô la, chỉ có một điều là để có những đô la ấy, phải đóng góp cho Mỹ hơn một triệu quân, người Việt phải đứng lên bắn, giết, tra tấn người Việt, đây là những đô la phải trả bằng xương máu. Không thể xem những của cải ấy lả giả tạo, mà cũng không thể nuối tiếc thời “vàng son” đô la thừa mứa ấy. Vấn đề là làm sao sử dụng tốt cơ sở vật chất kỹ thuật đã phải trả bằng xương máu ấy.
Bảo rằng việc sử dụng ấy đã đưa đến toàn bộ những thành công tốt đẹp quả là tô hồng, nhưng nói rằng chỉ có thất bại cũng không đúng. Cách đây vài năm, trong một bài phóng sự, tôi đã nêu lên tính hai mặt của thành phố, một trung tâm rất năng động giúp cho cả nước nhiều kinh nghiệm và phương tiện để tiến lên, đồng thời cũng là một nơi mà những hiện tượng gọi là tiêu cực phát triển ở mức độ cao nhất, gây tác hại cho cả nước. Một số người phản ứng khá mạnh về điểm thứ hai, đó là trước đại hội VI của Đảng người ta chưa quen nghe báo chí nói đến các nhược điểm sai lầm.
Trong báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành khóa III tại đại hội Đáng bộ thành phố ngày 23 - 10 -1986 có đoạn viết: Thành ủy cùng với Đảng bộ và nhân dân đã phát huy tính năng động, chủ động sáng tạo thúc đẩy các hoạt động ở thành phố phát triển theo hướng đi lên góp phần đáng kể vào việc tháo gỡ những ràng buộc của cơ chế quản lý cũ, từng bước xây dựng cơ chế quản lý mới. Nhưng có lúc quá nhấn mạnh những ưu điểm này tạo ra tâm lý chủ quan thỏa mãn đối với những mặt tiêu cực, chưa lường hết những tác hại do nó gây ra”.
Ông Nguyễn Văn Linh lúc đó còn làm Bí thư Thành ủy tổng kết 10 năm sau giải phóng viết:
“Chúng ta chưa thể yên tâm về tính vững chắc tuyệt đối của tình hình... còn phải ngăn chặn các vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa hiện nay còn rất lớn, đang đục khoét nghiêm trọng thành quả lao động của nhân dân ta… còn phải tiếp tục bài trừ… chấm dứt nạn hống hách, thậm chí xâm phạm tài sản và tự do của nhân dân…”.
(Trong quyển, Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm tr. 217 – 1986)
Xin nhắc lại đã đến Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay bao giờ cũng phải nhớ đến hai mặt trái ngược, không nơi nào tích nực năng nổ như đây, mà tiêu cực cũng không nơi nào so bì được. Chính những cơ sở vật chất to lớn, những khoản tiền và hàng không ngừng từ ngoài tuôn vào tạo điều kiện cho nhiều cơ sở và cá nhân phát huy hết tài năng. Đi đâu ta cũng gặp những xí nghiệp, đơn vị nghiên cứu, văn hóa, thể thao năng động với nhiều cách làm ăn sáng tạo, cũng từ đó đẻ ra tiêu cự “cỡ bự”.
Có người bảo có nhiều điều ở miền Bắc thì hay nhưng đưa vào đây thì hỏng, tôi không nghĩ thế, cái gì hay thì ở đâu cũng hay, như khoán trong nông nghiệp chẳng hạn, bắt đầu thực hiện ở miền Bắc rồi đưa vào Nam, còn không hay không đúng thì áp dụng ở Bắc Nam đều hỏng việc. Nhưng một điều sai đưa vào thành phố này áp dụng cho những cơ sở vật chất, những khả năng to lớn, thì bộc lộ nhược điểm rõ nét hơn nhiều và đòi hỏi sửa sai cấp bách hơn.
Như quan điểm ấu trĩ là muốn xóa bỏ những đơn vị sản xuất và dịch vụ tư nhân, cứ thấy một cửa hàng, một xưởng thủ công nhỏ là đã sợ họ trở thành tư bản, ở miền Bắc trong nhiều năm cũng đã gây tác hại không nhỏ, nhưng áp dụng vào thành phố này thì quả là một tai hại to lớn.
Còn “chính danh thủ phạm” cái cơ chế tập trung quan liêu bao cấp mà ngày nay mọi người đều nguyền rủa, thì trong cả một thời gian dài, mọi sự tập trung vào đánh giặc và Nhà nước nhận được một viện trợ to lớn, tác hại không thấy rõ lắm (mặc dù cũng có người đã vạch ra mặt trái của nó), nhưng đến lúc áp dụng vào những xí nghiệp lớn trong hoàn cảnh hòa bình, viện trợ ngoài không còn nữa, thị trường thường bị biến động thì làm tê liệt một bộ phận lớn của kinh tế quốc dân.
Một xí nghiệp mà toàn bộ công việc đều do cấp trên từ trung ương xa xôi quyết định tất cả, giám đốc không biết gì, không có chút quyền hành nào về các công việc chạy mua vật tư nguyên liệu, quy định phương hướng, giá hàng bán ra, không cần biết hàng sản xuất ra người tiêu dùng có tán thưởng không, chỉ cần báo cáo lên cấp trên là đã thực hiện kế hoạch theo số lượng. Có những người lao động không cần biết đến kết quả cuối cùng của việc mình làm ra, tốt xấu gì cũng ăn lương như nhau cả, công việc làm sao mà chạy được. Có khi cùng một sản phẩm mà ba bốn nơi quản lí cũng một lúc(về một hộp sữa, thì hộp do Bộ Công Nghiệp, bò do Bộ Nông Nghiệp, chế biến do Bộ Thực Phẩm, bán ra do Bộ Nội Thương) quản lí theo ngành dọc từ trên xuống, còn theo chiều ngang, quan hệ giữa xí nghiệp này với xí nghiệp khác, ngành này với ngành khác thì hầu như không có, chỉ một chi tiết cần thay đổi phải báo cáo lên cấp trên, mà nhiều khi lại nhiều cấp, nhiều nơi.
                                       ***
Không cần đến những vị tiến sĩ kinh tế phân tích ai cũng thấy những điều kiện bất hợp lý quá mức như vậy. Điều lạ là bất hợp lý rành rành mà cứ kéo dài năm này qua năm khác, không thay đổi, để cho tư nhân làm ăn, giao quyền chủ động cho các cơ sơ kinh tế, hai điều nghe ra đơn giản làm sao, nhưng tại sao mãi đến nay chưa thực hiện được? Lúc chúng ta làm một bài toán đại số nghĩ ra được, hay ai nói cho cách giải quyết là xong. Làm kinh tế không như vậy, thường nghĩ ra giải pháp đúng không đến nỗi khó khăn lắm, nhưng thực hiện cho được những điều đã nghĩ ra thì đỗ đến ba bằng tiến sĩ cũng chưa chắc làm được. Vì không có vấn đề kinh tế đơn thuần, rút dây động cả rừng, cả một xã hội với bộ máy Nhà nước, Đảng, đoàn thể, với những cách suy nghĩ, ứng xử, với những tín ngưỡng tôn giáo, những quyền lợi riêng tư hay địa phương hay bản vị chằng chịt lấy nhau, cái này níu cái kia kìm giữ xã hội không cho tiến lên.
Nói đúng hơn, là trong xã hội đang diễn ra một cuộc đấu tranh gay gắt giữa những xu thế bảo thủ, phản động và những xu thế tiến bộ, nếu vấn đề “ai thắng ai” chưa thật ngã ngũ trên phạm vi cả nước, thì ở thành phố nay lại càng thấy rõ. Cái vốn cách mạng to lớn của thành phố ở đây đụng đầu với một lực lượng phản dân tộc tập trung nhất.
Đứng về thành phần xã hội, đã hình thành trong cả nước và rõ nét nhất là ở thành phố này một liên minh kiểu mafia gồm bốn loại người:
- Những con buôn phe phẩy buôn lậu, đầu cơ ngoại tệ, vàng, tuồn hàng xa xỉ vào, làm hàng giả, lừa gạt.
- Những cán bộ xấu lạm dụng chức quyền đục khoét tiền của Nhà nước móc ngoặc với con buôn làm giàu. Nói đến con buôn phe phảy tất phải nói đến những cán bộ tha hóa đồng lõa, hai bên đi với nhau như hình với bóng.
- Những đám lưu manh côn đồ thường làm tay sai cho bọn trên, không chịu lao động, dễ dàng phạm tội ác, đâm thuê, chém mướn.
- Những tay sai của nước ngoài.
Tôi dùng chữ liên minh, vì khách quan mả nói, cũng như đứng về tổ chức mối quan hệ giữa bốn loại người này thường chặt chẽ. Ngày nay mà còn nhắc đến ngụy quân ngụy quyền để đánh giá một con người về chính trị là sai lầm, người nào làm ăn lương thiện không nằm trong liên minh nói trên đều là công dân, ai lợi dụng chức quyền bắt tay với con buôn một cách có hệ thống cũng phải xem là phản dân tộc.
                                       ***
Cái gì đã làm sợi dây nối kết giữa những con buôn và một số cán bộ Đảng viên thoái hóa? Trả lời câu hỏi này cũng không khó lắm: đó là cái mà người ta thường gọi là tiêu dùng hay tiêu xài (chữ consommation có thể dịch là tiêu dùng hay tiêu xài); tiêu dùng là bình thường, là chính đáng, tiêu xài là tiêu pha quá mức mình. Có người nhân một buổi liên hoan linh đình của một cơ quan báo tôi: Chúng tôi làm ra làm, ăn ra ăn. Tôi nhìn quan khách nghĩ bụng, đa số những người đến ăn chưa chắc đã là những người làm, mà chính những người làm lại vắng mặt. Đa số công nhân và cán bộ sống còn khá chật vật, nhất là sau vụ đổi tiền 1985, nhưng một số người không ít vẫn chơi sang, ăn nhậu, xài hàng ngoại. Một chiếc xe cúp vài chục triệu đồng, một chai rượu ngoại vài trăm nghìn, kể cả một chiếc Ô tô Toyota vài trăm triệu đồng (lấy từ quỹ Nhà Nước) đối với họ không có gì đáng kể.
Thực ra, trong một nước công nghiệp phát triển như ở châu Âu thì những hàng hóa ấy cũng không có gì là sang trọng quá mức, nhưng trong một nước mới thoát khỏi 100 năm chế độ thực dân, chưa hàn gắn hết vết thương của 30 năm chiến tranh còn phải tích lũy vốn để xây dựng lâu dài, để cho hình thành cả một tầng lớp ăn xài vô tội vạ thì khó mà ổn định được kinh tế. Hơn nữa tầng lớp ấy lại tạo ra một lối sống, những thị hiếu ăn mặc, khen chê phim ảnh, sân khấu không lành mạnh lây lan cả xã hội. Một cuộc điều tra của trường Đại học Sư phạm vào năm 1986 cho biết trong thành phố này có đến 41% thanh niên thích rượu, 12% thanh niên đã nghiện rượu. Nếu lấy lứa tuổi từ 25 đến 28 tuổi, thì có đến 78% thích và nghiện rượu. Vào đầu 1987, báo Sài Gòn Giải Phóng nhiều lần lại phải báo động về tệ cờ bạc và sự trỗi dậy của những luồng văn hóa đồi trụy. Rõ ràng là nói như ông Nguyễn Văn Linh chúng ta chưa thể an tâm được.
Tệ hại nhất là sự thoái hóa của một số cán bộ đảng viên đã làm xói mòn cái vốn cách mạng do bao nhiêu xương máu xây dựng nên, làm nhân dân mất lòng tin đối với Đảng, Nhà Nước. Không phải đợi đến ngày nay, 2500 năm về trước thầy Khổng đã bảo, đối với một chính quyền, quan trọng hơn cả của cải, hơn sức mạnh của quân đội là lòng tin của dân. Và lúc đã sa vào ăn xài, đục khoét tài sản Nhà nước móc ngoặc với con buôn tất nhiên phải lấy quyền hành bịt miệng cấp dưới và dân, vi phạm pháp luật và dân chủ.
Sự suy thoái ấy càng có hậu quả nghiêm trọng khi bộ máy Đảng đã chịu những tổn thất nặng nề, do sự tàn sát khốc liệt của địch. Lúc mới giải phóng, trong một thành phố 4 triệu dân, chi còn sống sót 1290 đảng viên hoạt động trong nội thành và đứng trước hơn 500.000 hộ đăng ký là buôn bán, chỉ có 90 cán bộ vào mở đầu công tác nội thương. Bộ máy Nhà nước trong hoàn cảnh ấy tuy đã lớn lên nhanh chóng, nhưng không tránh khỏi tính vô cùng phức tạp, vì gồm nhiều thành phần hỗn hợp: Có những người ở “rừng” lâu năm về, có người từ miền Bắc, từ khu Năm vào, có những người của chế độ cũ ngồi với nhau, làm việc với nhau có nhiều vấp váp.
Một bộ máy như vậy lại phải hoạt động trong một môi trường xã hội không đơn giản. Sau 18 năm, mặc dù số lượng đã tăng gần gấp đôi, số công nhân công nghiệp mới đến 90.000, số người làm thủ công và tiểu công nghiệp mới đến 170.000. Có 200.000 hộ tức khoảng hơn một triệu người lãnh tiền và hàng từ nước ngoài, vô số đông người không nghề nghiệp ổn định, buôn đi bán lại ít nhiều hàng - thứ thì từ nước ngoài gửi về, thứ lấy từ kho Nhà nước có lẽ lên đến cả triệu. Hướng đi lên là từ một thành phố tiêu xài trở thành một thành phố lao động nhưng còn phải cố gắng nhiều năm mới đạt được mục tiêu ấy.
Tâm lý tiêu xài tạo ra không khí vọng ngoại, chỉ có các thứ từ các nước tư bản về mới tin cậy, cũng là aspirin nhưng nếu là thuốc của Việt Nam thì bệnh không lành, nếu là của Pháp - Mỹ mới hết đau đầu nhức xương. Cuộc sống bấp bênh cũng dễ dẫn đến mê tín ít ai mà không cầu cúng, bói toán hoặc kiêng kỵ (không ra đi ngày 3 ngày 7... )
Tóm lại, nếu xã hội ở đây đã định hướng, tức không còn lực lượng nào đáng kể có khả năng đứng lên chống lại, thì rõ ràng là chưa định hình được phương thức xây dựng những cơ cấu kinh tế xã hội và có những cơ chế mới.
                                        ***
Khoán 10 trả lại quyền làm chủ cho nông dân trên mảnh đất của mình, mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển, mở cửa cho tư bản nước ngoài đầu tư, giao quyền chủ động cho giám đốc các xí nghiệp quốc doanh, xóa bỏ chế độ bao cấp, từ 1988, một loạt chính sách mới đã được tiến hành. Rõ ràng là Đại hội VI Đảng cộng sản Việt Nam đã mở ra một con đường mới. Những kết quả ban đầu - xuất khẩu gạo, giảm mức lạm phát, cán cân xuất nhập khẩu bắt đầu thăng bằng phần nào - tạo ra một bức tranh kinh tế sinh động làm cho một số người ảo tưởng là thành công đã nắm chắc trong tay.
Nhưng trong cuộc tiến lên của cả một dân tộc, cuộc đổi mới của cả một xã hội, cả một nền văn hóa, đâu chỉ có kinh tế. Mà ngay trong kinh tế, cũng như trong bất kỳ lĩnh vực nào, mặt phải mặt trái quyện lấy nhau. Dù muốn dù không, một bộ phận tư bản, tư bản trong nước, liên minh chặt chẽ với tư bản quốc tế đã hình thành và lớn lên nhanh chóng. Kinh tế thị trường đã truyền cho xã hội tính năng động, tạo điều kiện cho khoa học kỹ thuật tiến lên, tạo ra của cải mới: ta không còn mơ tưởng xây dựng một xã hội mới trong đó không còn thành phần tư bản nữa, không còn mơ tưởng xây dựng một nền kinh tế quốc gia tách khỏi thị trường quốc tế. Nhưng rồi bộ phận tư bản ấy sẽ mãi mãi ngoan ngoãn phục vụ lợi ích của dân tộc, của toàn dân, hay dần dần lấn át mọi thành phần khác, buộc mọi người, mọi lĩnh vực phục vụ lợi ích của bản thân? Đã có nhiều triệu chứng của xu thế này: Cần thấy hết sức năng động ghê gớm của tư bản, đâu có thị trường, đâu có lãi là thức khuya dậy sớm, tranh thủ từng phút từng giây lao vào cuộc, cần thấy hết sức mạnh của tư bản thế giới, của các công ty xuyên quốc gia, hùng hậu ghê gớm không kém gì chính phủ các nước lớn nhất. Và theo quy luật, bộ phận tư bản này đã nhanh chóng liên kết với một bộ phận không nhỏ trong bộ máy Nhà nước, bộ máy tuyên truyền văn hóa của ta.
Mà đã nói tư bản, thì lợi nhuận là cứu cánh, có tài có lãi, lãi cao là chiếc xe lăn cứ thế mà tiến, bất chấp tác hại đến môi trường, vùi dập văn hóa dân tộc, bất chấp phân hóa giàu nghèo, miễn bàn chuyện nhân nghĩa. Người ta thường phân biệt tư bản man rợ, tàn nhẫn, chụp giật và tư bản văn minh biết tôn trọng dân chủ, công bằng xã hội. Thực ra, chính vì biết tính toán mà tư bản biết mềm nắn rắn buông, ở đâu nhân dân cam phận thì tha hồ bóc lột tàn nhẫn, ở đâu dân trí cao, sức tranh đấu của nhân dân mãnh liệt thì tư bản trở nên văn minh. Cũng một hãng ấy, ở chính quốc thì văn minh, đến nước nghèo thuộc địa lại man rợ. Chỉ gặp trở lực mạnh, gặp đối tượng tương xứng mới đành lòng giảm mức lãi, tôn trọng dân chủ công bằng, tôn trọng luật pháp và bảo vệ môi trường.
Liệu nhân dân ta, với cái vốn cách mạng to lớn, tích lấy từ những năm chiến đấu, có thể tạo ra được sức đối trọng ấy không, để buộc tư bản trở nên văn minh, giảm nhẹ những đau khổ, những sa đọa hiện đang còn khá phổ biến ở nước ta? Một câu hỏi không dễ gì giải đáp, nhưng cũng không thể tránh né.  

0