Huyện Văn Yên
Khổng Đức Thiêm Huyện Văn Yên được thành lập ngày 1-3-1965 theo Quyết định số 117-CP do Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 16-12-1964 bao gồm 6 xã của Văn Bàn và 19 xã của Trấn Yên – Yên Bái cụ thể như sau: – Văn Bàn: Đông An, Lâm Giang, Lang Thíp, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng ...
Khổng Đức Thiêm
Huyện Văn Yên được thành lập ngày 1-3-1965 theo Quyết định số 117-CP do Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 16-12-1964 bao gồm 6 xã của Văn Bàn và 19 xã của Trấn Yên – Yên Bái cụ thể như sau:
– Văn Bàn: Đông An, Lâm Giang, Lang Thíp, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng và xã Phong Dụ – ngày 17-2-1965 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 44-NV chia thành 3 xã:
+ Phong Dụ Thượng gồm 8 thôn (Si Pàn, Khe Mạ, Khe Mang, Sùng Sâu, Trạng Dẹt, Tham Thi).
+ Phong Dụ Hạ gồm 5 thôn (Khe Kè, Khe Hào, Khe Lầu, Lụ, Nhớn).
+ Xuân Tầm gồm 5 thôn (Khe Lép, Khe Đóm, Khe Min, Cánh Giàng, Pén).
– Trấn Yên: An Bình, Đại Sơn, Đông Cuông, Hoàng Thắng, Mậu Đông, Quang Minh, Xuân Ái, Yên Hợp, Yên Hưng, Đoàn Kết, Yên Thành, Đồng Tâm, Đại Đồng, Nhất Trí, Xuân Lợi, Minh Đông, Mỏ Vàng, Mậu A và Yên Phú.
Ngày 3-4-1965 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 125-NV đổi tên năm xã: Đoàn Kết thành Ngòi A, Yên Thành thành Yên Thái, Đồng Tâm thành Tân Hợp, Đại Đồng thành Đại Phác, Nhất Trí thành Viễn Sơn.
Ngày 16-12-1967, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 52-NV chia xã Đại Phác thành 2 xã:
– An Thịnh gồm các hợp tác xã Chè Vè, Đại Thịnh, Đại An.
– Đại Phác gồm toàn thôn Đại Phác.
Ngày 2-3-1973, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ra Quyết định số 12-BT giải thể:
– Xã Xuân Lợi, sáp nhập thôn Thíp của xã này vào xã Mỏ Vàng, thôn Khe Giàng vào xã Đại Sơn.
– Xã Minh Đông, sáp nhập thôn Tân Hoa của xã này vào xã An Bình; thôn Minh Đông vào xã Đông Cuông.
Ngày 11-1-1986, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 03-HĐBT chia xã Mỏ Vàng thành:
– Xã Mỏ Vàng có diện tích tự nhiên là 8.625ha.
– Xã Nà Hẩu có diện tích tự nhiên là 4.270ha.
Ngày 19-12-1987, Hội đồng Bộ trưởng ra tiếp Quyết định số 15-HĐNT giải thể xã Mậu A để:
– Thành lập thị trấn Mậu A trên cơ sở tách 802ha và 7.2262 nhân khẩu của xã này đặt làm huyện lỵ Văn Yên giáp ranh với các xã Yên Thái (đông), Mậu Đông (tây), Ngòi A (bắc) và sông Thao (nam).
– Phần còn lại có diện tích 286,81 ha và 716 nhân khẩu sáp nhập vào xã Mậu Đông
Như vậy, sau hơn 22 năm kể từ khi thành lập, trải qua nhiều lần tách nhập, huyện Văn Yên đã đi vào thời kỳ ổn định các đơn vị cấp cơ sở với một thị trấn và 26 xã với các chỉ tiêu cơ bản như sau (tính đến ngày 1-7-1994).
1- Thị trấn Mậu A: 740 hộ nông nghiệp, 3.342 khẩu nông nghiệp(*), 804 ha đất tự nhiên, 120 ha đất thổ cư, 233 ha đất nông nghiệp, 256 ha đất lâm nghiệp, 32 ha đất rừng tự nhiên, 4 ha mặt nước, 141 ha đất chưa sử dụng.
2- Lang Thíp: 914 hộ, 5.136 nhân khẩu, 7.933 ha đất tự nhiên, 60 ha thổ cư, 519 ha đất nông nghiệp, 3.804 ha đất lâm nghiệp đều là rừng tự nhiên, 5 ha mặt nước, 3.521 ha chưa sử dụng.
3- Châu Quế Thượng: 545 hộ, 2.884 khẩu, 8.028 ha đất tự nhiên, 54 ha thổ cư, 167 ha nông nghiệp, 7.479 ha rừng tự nhiên, 134 ha chưa sử dụng.
4- Lâm Giang: 1.260 hộ, 6.437 khẩu, 10.264 ha đất tự nhiên, 75 ha thổ cư, 682 ha nông nghiệp, 4.642 ha rừng tự nhiên, 4.756 ha chưa sử dụng.
5- Châu Quế Hạ: 975 hộ, 5.633 khẩu, 7.852 ha đất tự nhiên, 56 ha thổ cư, 394 ha nông nghiệp, 3.892 ha rừng tự nhiên, 3.449 ha chưa sử dụng.
6- An Bình: 763 hộ, 3.664 khẩu, 3.552 ha đất tự nhiên, 70 ha thổ cư, 211 ha nông nghiệp, 1.564 ha lâm nghiệp, 1.445 ha rừng tự nhiên, 1.621 ha chưa sử dụng.
7- Đông An: 874 hộ, 4.441 khẩu, 3.940 ha đất tự nhiên, 58 ha thổ cư, 233 ha nông nghiệp, 1.802 ha rừng tự nhiên, 1.820 ha chưa sử dụng.
8- Quang Minh: 296 hộ, 1.752 khẩu, 4.918 ha đất tự nhiên, 25 ha thổ cư, 169 ha nông nghiệp, 2.319 ha rừng tự nhiên, 2.385 ha chưa sử dụng.
9- Phong Dụ Hạ: 497 hộ, 3.077 khẩu, 6.794 ha đất tự nhiên, 40 ha thổ cư, 341 ha nông nghiệp, 4.281 ha lâm nghiệp, 445 ha rừng tự nhiên, 10 ha mặt nước, 873 ha chưa sử dụng.
10- Đông Cuông: 1.116 hộ, 5.722 khẩu, 2.100 ha đất tự nhiên, 86 ha thổ cư, 462 ha nông nghiệp, 610 ha lâm nghiệp, 445 ha rừng tự nhiên, 10 ha mặt nước, 873 ha chưa sử dụng.
11- Phong Dụ Thượng: 437 hộ, 3.131 khẩu, 18.474 ha đất tự nhiên, 22 ha thổ cư, 338 ha nông nghiệp, 7.522 ha lâm nghiệp, 6.938 ha rừng tự nhiên, 10.837 ha chưa sử dụng.
12- Xuân Tâm: 257 hộ, 1.793 khẩu, 9.549 ha đất tự nhiên, 22 ha thổ cư, 405 ha nông nghiệp, 5.873 ha lâm nghiệp, 5.180 ha rừng tự nhiên, 3.241 ha chưa sử dụng.
13- Tân Hợp: 572 hộ, 3.251 khẩu, 6.188 ha đất tự nhiên, 37 ha thổ cư, 235 ha nông nghiệp, 1.870 ha lâm nghiệp, 1.552 ha rừng tự nhiên, 4.040 ha chưa sử dụng.
14- Mậu Đông: 807 hộ, 3.867 khẩu, 2.518 ha đất tự nhiên, 64 ha thổ cư, 345 ha nông nghiệp, 620 ha lâm nghiệp, 445 ha rừng tự nhiên, 5 ha mặt nước, 1.469 ha chưa sử dụng.
15- Ngòi A: 557 hộ, 2.960 khẩu, 3.607 ha đất tự nhiên, 32 ha thổ cư, 388 ha nông nghiệp, 2.852 ha lâm nghiệp, 2.628 ha rừng tự nhiên, 323ha chưa sử dụng.
16- An Thịnh: 1.254 hộ, 6.339 khẩu, 2.521 ha đất tự nhiên, 86 ha thổ cư, 383 ha nông nghiệp, 176 ha lâm nghiệp, 100 ha rừng tự nhiên, 2 ha mặt nước, 1.818 ha chưa sử dụng.
17- Yên Thái: 416 hộ, 2.137 khẩu, 3.429 ha đất tự nhiên, 26 ha thổ cư, 421 ha nông nghiệp, 925 ha lâm nghiệp, 586 ha rừng tự nhiên, 2 ha mặt nước, 2.037 ha chưa sử dụng.
18- Đại Phác: 494 hộ, 2.604 khẩu, 756 ha đất tự nhiên, 39 ha thổ cư, 164 ha nông nghiệp, 260 ha lâm nghiệp, 244 ha rừng tự nhiên, 1 ha mặt nước, 280 ha chưa sử dụng.
19- Yên Hợp: 658 hộ, 3.358 khẩu, 1.817 ha đất tự nhiên, 53 ha thổ cư, 286 ha nông nghiệp, 1.159 ha lâm nghiệp, 989 ha rừng tự nhiên, 7 ha mặt nước, 253 ha chưa sử dụng.
20- Yên Hưng: 412 hộ, 1.919 khẩu, 953 ha đất tự nhiên, 31 ha thổ cư, 197 ha nông nghiệp, 395 ha lâm nghiệp, 313 ha chưa sử dụng.
21- Đại Sơn: 314 hộ, 1.954 khẩu, 8.607 ha đất tự nhiên, 11 ha thổ cư, 420 ha nông nghiệp, 3.810 ha lâm nghiệp, 3.050 ha rừng tự nhiên, 2 ha mặt nước, 4.320 ha chưa sử dụng.
22- Nà Hẩu: 173 hộ, 1.050 khẩu, 4.270 ha đất tự nhiên, 11 ha thổ cư, 551 ha nông nghiệp, 2.054 ha lâm nghiệp, 1.992 ha rừng tự nhiên, 1.647 ha chưa sử dụng.
23- Yên Phú: 722 hộ, 3.733 khẩu, 1.471 ha đất tự nhiên, 57 ha thổ cư, 289 ha nông nghiệp, 66 ha lâm nghiệp, 6 ha rừng tự nhiên, 10 ha mặt nước, 999 ha chưa sử dụng.
24- Xuân Ái: 611 hộ, 2.816 khẩu, 1.677 ha đất tự nhiên, 55 ha thổ cư, 202 ha nông nghiệp, 990 ha lâm nghiệp, 172 ha rừng tự nhiên, 4 ha mặt nước, 491,4 ha chưa sử dụng.
25- Mỏ Vàng: 432 hộ, 2.686 khẩu, 8.625 ha đất tự nhiên, 43 ha thổ cư, 599 ha nông nghiệp, 3.049 ha lâm nghiệp, 2.479 ha rừng tự nhiên, 4.914 ha chưa sử dụng.
26- Viễn Sơn: 366 hộ, 2.195 khẩu, 4.043 ha đất tự nhiên, 33 ha thổ cư, 91 ha nông nghiệp, 3.760 ha lâm nghiệp, 3.075 ha rừng tự nhiên, 37 ha chưa sử dụng.
27- Hoàng Thắng: 377 hộ, 1.872 khẩu, 1.617 ha đất tự nhiên, 30 ha thổ cư, 140 ha nông nghiệp, 1.291 ha lâm nghiệp, 1.099 ha rừng tự nhiên, 2 ha mặt nước, 128 ha chưa sử dụng.
Như vậy toàn huyện Văn Yên có diện tích là 136.307 ha (1.363 km2) với 16.839 hộ nông nghiệp và 89.753 nông dân. Tổng số đất giành cho sinh sống, làm nhà cửa là 1.312 ha, chiếm vào khoảng 1%. Cả huyện chỉ có 4.177 ha trồng lúa, 54 ha mặt nước và còn tới 57.877 ha chưa sử dụng. Trong tổng số 67.341 ha có khả năng lâm nghiệp có tới 59.948 ha rừng tự nhiên(1).
Huyện Văn Yên nằm ở tọa độ 104023′ – 104060′ kinh đông, 21023′ – 22012′ vĩ bắc, phía tây nam giáp Trấn Yên, phía đông bắc giáp Yên Bình và Lục Yên, phía bắc giáp Văn Bàn, Bảo Yên của Lào Cai. Chiều dài của huyện đo được 55km, nơi rộng nhất cũng đến 35km.
Địa hình của huyện cấu trúc khá đa dạng và phức tạp, cao dần từ đông sang tây, từ nam lên bắc. Vùng thượng nguồn sông Thao, phía tả ngạn là dãy Con Voi độ cao 1.460m; phía hữu ngạn là dãy Phan Si Phăng hùng vĩ, có nhiều đỉnh cao từ 1.300 – 1.900m. Vùng thấp quanh thị trấn Mậu A độ cao chỉ còn 75m. Có tới 79% diện tích của toàn huyện nằm trong khu vực địa hình dốc từ 250 trở lên.
Do những đặc điểm về địa hình kể trên nên rừng ở Văn Yên thuộc loại rừng á nhiệt đới và nhiệt đới núi cao với nhiều loại cây á kim (pơ mu, thông, sa mộc, sam mộc) xen lẫn các loại cây lá rộng thuộc họ sồi, dẻ, đỗ quyên. Bên cạnh loại gỗ quý như nghiến, táu, lát hoa, chò chỉ; các loại dược liệu như đẳng sâm, sơn tra, hà thủ ô, hoài sơn, sa nhân; các loại động vật hiếm như cày hương, lợn rừng, hươu, gấu, hổ, vượn; còn có nhiều khu rừng cho lâm đặc sản như cọ, song, quế, chè. Hiện cả huyện có 16.000 ha trồng quế. Các xã Châu Quế Thượng, Phong Dụ Thượng, Xuân Tầm, Lâm Giang, Phong Dụ Hạ, Lang Thíp, Châu Quế Hạ, Mỏ Vàng, Đại Sơn… diện tích rừng còn khá lớn. Một vài nơi trong huyện chỉ còn lại các vạt rừng thứ sinh (tre, nứa, cọ) hoặc lau sậy, cỏ sắc do tốc độ khai thác rừng mấy năm trước đây quá mạnh.
Khí hậu của Văn Yên thuộc loại thời tiết nhiệt đới gió mùa, nhiều nắng, nhiều mưa, nền nhiệt cao, chia làm 2 tiểu vùng bắc Trái Hút – nam Trái Hút tuy sự cách biệt không nhiều. Nhiệt độ trung bình trong năm là 220C, mùa đông nhiệt độ có thể xuống tới 30C, mùa hè cao nhất là 440C. Độ ẩm bình quân năm là 88%. Lượng mưa trung bình từ 1.400-1.500mm. Vào khoảng các tháng 6-7 thường có gió khô nóng tràn vào phía tây bắc của huyện. Do tổng lượng xạ dạt 100-120 kcal/cm2 và cân bằng bức xạ luôn luôn dương (60-70kcal/cm2), hàng năm có hàng ngàn giờ nắng cho tổng nhiệt độ xấp xỉ 7.0000 đã tạo ra sinh khối lớn giúp cho cây trồng phát triển. Khí hậu mát ở vùng cao cho phép trồng nhiều dược liệu quý và chăn nuôi gia súc có sừng (bò, dê, hươu, nai).
Sông Thao chia huyện thành 2 phần không đều nhau tạo ra một chế độ thủy văn phong phú. Lòng sông Thao ở Văn Yên tương đối rộng, vào khoảng 100m với nhiều bãi bồi. Độ xâm thực của sông ở đây khá mạnh, chứa nhiều phù sa màu mỡ trên một đoạn dài từ Lang Thíp đến Văn Tiến (Trấn Yên).
Ngoài đoạn trung lưu của sông Thao chảy qua, trong địa bàn của huyện còn có hơn ba chục con ngòi và con suối, trong đó đáng kể nhất là Ngòi Thia và Ngòi Hút.
Ngòi Thia là phụ lưu cấp 1 lớn nhất của sông Thao chảy theo hướng tây nam – đông bắc, qua Văn Chấn đổ vào hữu ngạn sông Thao tại Yên Hợp (Văn Yên). Độ cao bình quân lưu vực Ngòi Thia tới 907m, cao nhất về phía tây nam, bình quân tới 1.550m, phía đông bắc thấp hơn, dưới mức 1.000m. Nước lũ trên lưu vực Ngòi Thia khá ác liệt vì dòng chảy lớn nhất so với dòng chảy nhỏ nhất gấp tới 480 lần.
Ngòi Hút dài 140km, có diện tích lưu vực tới 632km2. Tài nguyên khoáng sản của Văn Yên có kim loại quý hiếm như mỏ vàng ở Xuân Ái, Kiên Thành; mỏ đồng ở Châu Quế, Phong Dụ; mỏ sắt ở Đại Phác; mỏ graphit (phấn chì). Đất đai của huyện gồm feralit vàng đỏ chiếm tới 90%. Đất ở đây khá tốt, hàm lượng mùn cao, thích hợp với nhiều loại cây trồng (lúa, mía, chè, quế).
Trước đây việc đi lại ở địa phương trông vào đường Hóp – Trái Hút và đường sắt Hà Nội – Lào Cai chạy qua huyện với chiều dài 55km. Việc đi lại trên sông Thao chỉ sử dụng thuyền bè nhỏ. Các tuyến đường mòn xuyên sơn hoặc men theo sông, suối đi lại rất khó khăn. Mấy chục năm qua, hệ thống giao thông của huyện khá phát triển, bao gồm các tuyến Yên Bái – Khe Sang vào vùng mía bắc Văn Yên, đường Mậu A – Nà Hẩu và Trái Hút – Phong Dụ vào vùng quế…
Ngành công nghiệp khai khoáng đã có mặt ở Văn Yên để khai thác graphit – cung cấp hàng năm cho công nghệ đúc kim loại, sản xuất pin đèn, sản xuất bút chì… khoảng 300-500 tấn tinh lọc. Ở đây đã tìm thấy graphit dạng vẩy có giá trị gấp 3 lần tinh lọc mịn.
Do hầu hết diện tích tự nhiên của huyện là núi rừng nên từ xa xưa nghề khai thác và trao đổi lâm sản đã khá phát triển. Lực lượng sơn tràng hạ gỗ, đốt than hết năm này qua năm khác làm cho rừng ngày một cạn kiệt, diện tích che phủ ngày càng thu hẹp. Tre nứa của địa phương đã góp phần vào làm nhà cửa, sản xuất đồ dùng, làm thức ăn, làm giấy. Nhiều loại cây vừa cho gỗ, vừa cho hạt (mít, dẻ, trám, chay), cho dầu ăn (cây đen, dây mỡ lợn), cho lá lợp nhà, làm nón, đan mành (cọ). Các loại cây đặc sản như quế được trồng ở độ cao 800-2.000m, nhiệt độ 22-250C, mưa nhiều, tầng đất dầy thoát nước, phát triển trên sa thạch hoặc phiến thạch, cho vỏ làm thuốc và tinh dầu. Lâm trường Văn Yên có diện tích 2.357 ha và 102 lao động, ngoài việc khai thác gỗ, củi, tre, nứa, song, mây và nguyên liệu giấy hàng năm đang góp phần trồng hàng trăm ha rừng tập trung, cây phân tán và khoanh nuôi tái sinh.
Sản xuất nông – lâm nghiệp là thế mạnh của Văn Yên. Theo những số liệu mới nhất, vào cuối thế kỷ XX, diện tích dành cho gieo trồng lương thực mỗi năm khoảng trên dưới 10.000 ha, trong đó diện tích lúa chừng 60%, cho sản lượng 2-2,2 vạn tấn. Ngoài ruộng nước, còn có chừng 1.350-1.500 ha lúa nương mộ, năng suất trung bình 11 tạ/ha và sản lượng chừng 1.650-1.700 tấn. Hoa màu ở đây ngoài ngô (1.000-1.500 ha) còn có khoai lang (200-300 ha), sắn (2.000-2.300 ha), đậu (140-175 ha), mía (750-830 ha), chè (200 ha), cà phê (150 ha). Đặc biệt, tính đến hết năm 1997, toàn huyện có 40 ha quýt, 35 ha dứa, 180 ha chuối cùng một diện tích đáng kể khác về nhãn, vải, hồng, mận, táo, bưởi. Đàn trâu có tới 14.750 con, đàn bò 1.080 con và đàn lợn 49.280 con.
Kinh tế trang trại đặc biệt phát triển ở Văn Yên. Là một huyện được xác định có tiềm năng về kinh tế nông – lâm nghiệp với các đặc thù và thế mạnh riêng, những năm qua địa phương đã từng bước hình thành cơ cấu kinh tế nông, lâm, công nghiệp – dịch vụ và xuất khẩu.
Căn cứ vào quy hoạch phân vùng, điều kiện tự nhiên, thế mạnh từng khu vực và tập quán canh tác, Văn Yên được chia thành 3 vùng kinh tế (lúa – màu – quế). Huyện đã sáp nhập Xí nghiệp cơ điện với Công ty Xây dựng, Xí nghiệp lâm nghiệp với Lâm trường Văn Yên. Các hộ tiểu nông đã lập được hơn 1.300 trang trại sản xuất hàng hóa. Nhiều trang trại ở Mậu A, Ngòi A, Lâm Giang, Châu Quế Thượng đã có hàng ngàn ha cây ăn quả (nhãn, mơ mẫn). Đã chú trọng công tác giao đất trống, đồi núi trọc để trồng keo, bồ đề, mỡ, quế. Bình quân mỗi năm trồng mới từ 700-800 ha quế. Mô hình lúa nương, sắn, quế (năm đầu trồng lúa nương, năm sau trồng sắn xen quế) đạt được hiệu quả kinh tế cao. Công ty thu mua, sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu của huyện đã hoàn thành tốt việc thu mua mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao là quế vỏ, tinh dầu quế, gỗ pơmu. Việc tạo điều kiện cho Văn Yên trở thành vùng quế và vùng nguyên liệu gỗ phát huy được thế mạnh của mình. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong các trang trại khá đa dạng. Các trang trại ở Viễn Sơn, Đại Sơn tập trung vào trồng quế còn ở Lâm Giang, Lang Thíp thì chú trọng trồng cây công nghiệp. Ở những vùng này có tới 60% số hộ đã có máy phát điện nhỏ, 30% có máy thu hình và 20% có xe gắn máy.
Kinh tế trang trại ở Văn Yên đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm nông nghiệp độc canh đã chuyển sang chuyên canh gắn với kinh doanh tổng hợp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Trong tương lai, những tiềm năng thiên nhiên và sự năng động sáng tạo của địa phương sẽ trở thành thế mạnh để đưa Văn Yên tiến lên con đường ấm no, hạnh phúc.
*
* *
Cách đây hàng vạn năm, tại vùng gò đồi và thềm sông thuộc Khe Quỷ (Yên Hợp), Bến Nhoi, Cầu Đôi (Yên Hưng), Ngòi Tháp, Cát Nội (Hoàng Thắng), Phấn Chì, Bến Mậu (Mậu A), Xóm Đền, Sặt Ngọt (Đông Cuông), Trái Hút (An Bình), Bến Đông An… người nguyên thủy đã sinh sống và để lại nhiều công cụ đá cuội thuộc nền văn hóa Sơn Vi. Ba, bốn ngàn năm trước cư dân địa phương cũng để lại nhiều rìu đồng, nhiều đồ gốm trên các khu vực thuộc Yên Hợp, Yên Hưng. Đây chính là những minh chứng về sự gắn bó từ rất sớm của cư dân Văn Yên với đất nước.
Hiện tại, cộng đồng cư dân Văn Yên có 11 dân tộc đang chung sống để cùng nhau đóng góp công sức xây dựng quê hương, làng bản ngày càng tươi đẹp. Đây là các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến và nhóm ngôn ngữ Hoa. Xếp theo số lượng tính đến thời điểm 2007 ta thấy như sau:
1- Người Kinh: có 6.517 người chiếm 56,33%. Phần lớn người Kinh ở đây mới chuyển cư từ các tỉnh đồng bằng và trung du tới địa phương từ đầu thế kỷ XX tới nay. Người Kinh tập trung ở các xã vùng thấp dọc đôi bờ sông Hồng, các thị tứ và thị trấn thuận tiện về giao thông thủy bộ; làm nghề nông, buôn bán, thủ công hoặc công nhân, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
2- Người Dao: có 26.487 người, chiếm 22,91%, sống tập trung ở các xã Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Viễn Sơn, Đại Sơn, Châu Quế Thượng, Lang Thíp – tức là những vùng núi thấp, dọc theo các con suối. Họ cư trú thành các bản riêng biệt, khoảng cách thưa thớt. Các xã có đông người Dao thường nằm ở thượng huyện hoặc nơi tiếp giáp với Văn Chấn. Nguồn sống chính của họ là trồng lúa nước, lúa nương, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây đặc sản. Họ có 2 loại hình cư trú phân tán và tập trung tương ứng với nhóm du canh hoặc định canh sống xen kẽ với các dân tộc khác. Nhà ở của người Dao có 3 loại hình (sàn, đất, nửa sàn nửa đất) làm khá sơ sài. Nghề phụ không phát triển, đan lát chỉ phục vụ gia đình, rèn đúc ở trình độ thấp; nghề dệt và nghề giấy chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa trao đổi trên thị trường. Nhìn chung đời sống của người Dao còn nhiều khó khăn. Ở các xã Viễn Sơn, Đại Sơn nhờ có thu nhập từ cây quế nên khá giả hơn. Cây quế ở Văn Yên từ lâu đã gắn bó với người Dao, trở thành của hồi môn cũng như cây thuốc đầu vị phù hợp với lối sống phân tán trước đây.
3- Người Tày: có 17.573 người, chiếm 15,2% dân số toàn huyện. Đây chính là cư dân bản địa, có mặt ở địa phương đã vài ngàn năm nay. Sản xuất nông nghiệp của họ khá phát triển, bao gồm trồng trọt (lúa, ngô, khoai, đậu), làm thủy lợi và phối hợp sử dụng các loại phân. Họ còn giỏi làm nương đồi, nương tràn bãi, nương ven rừng và làm vườn. Họ quan tâm tới việc trồng, tu bổ và bảo vệ rừng, gìn giữ nguồn nước và khu đồng cỏ cho chăn nuôi. Các gia đình còn thông thạo việc thu hái lâm sản, săn thú nhỏ và đánh cá ở sông, suối. Nhiều nghề thủ công như đan lát, làm đồ gỗ, ép và chưng cất dầu, dệt vải, nuôi tằm có điều kiện phát triển. Ở một số nơi, người Tày còn giỏi cả buôn bán, trao đổi hàng hóa.
4- Người Mông: có 4.480 người, chiếm 3,87% sống tập trung ở các xã vùng cao của huyện, những địa bàn hiểm trở và hẻo lánh thường bị đèo cao, suối sâu chia cắt, đi lại rất khó khăn. Họ chia ra thành các nhóm Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng.
Do cư trú ở những khu vực núi cao, đầu nguồn, khí hậu khắc nghiệt, nước sản xuất và sinh hoạt hiếm hoi nhất là vào mùa khô hanh nên đời sống của người Mông còn muôn vàn khó khăn vất vả. Nguồn sống chính là làm nương rẫy để trồng lúa cạn hoặc trồng ngô trên núi đá. Các nghề thủ công như dệt vải, rèn sắt, làm đồ mộc, đan lát khá phát triển.
Hiện tại người Mông ở Văn Yên đã xóa bỏ trồng cây thuốc phiện để chuyển sang trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc, trồng và khai thác cây đặc sản (chè, sơn tra, thảo quả) và nuôi ong.
5- Các dân tộc khác gồm 1.957 người, chiếm 1,69%, gồm:
– Người Phù Lá: thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến tập trung chủ yếu ở thôn Nhầy và thôn Lẫu thuộc xã Châu Quế Thượng. Ở địa phương còn có tên gọi khác là người Xá Phó – họ cư trú trên một diện tích rộng tới 7.280ha, trong đó rừng chiếm tới 2.500 ha.
Hình thái kinh tế của người Phù Lá là trồng trọt, canh tác, chủ yếu trên nương 1 vụ. Chăn nuôi không được chú trọng. Đời sống bấp bênh, thường xuyên thiếu đói.
Xã Châu Quế Thượng mới giao cho người Phù Lá quản lý 665 ha rừng tự nhiên. Nhân dân đã khai phá 149 ha nương rẫy, 86 ha ruộng nước, trồng 61 ha quế, 9 ha mía và hàng ngàn cây mơ, mận. Hiện tại vẫn còn tới 20% hộ thiếu đói. Tuy nhiên đời sống của người Phù Lá đang ngày một cải thiện. Nhiều gia đình đã sắm được máy thu hình, máy thu thanh và máy phát điện.
– Người Giáy: còn gọi là người Nhắng, có chung nguồn gốc với nhóm Tày – Thái, sống chủ yếu về làm ruộng, phát thêm nương rẫy để trồng ngô và các loại rau. Người Giáy có thói quen làm nhà phu trên nương vừa để trông nom hoa màu, vừa để chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra họ còn làm nghề thủ công (đan trần để đập lúa, đúc lưỡi cày, làm đồ trang sức bằng vàng, bạc).
Người Giáy nuôi rất nhiều trâu, ngựa, lợn, gà nhưng thường thả rông, chỉ cho ăn bữa sáng và bữa tối. Mỗi bản của người Giáy thường dành ra một khu rừng rào kín để lùa trâu bò vào đó, vài ba ngày đến thăm một lần. Làng bản đều được dựng ở những nơi có nguồn nước, gần ruộng hoặc những nơi tương đối bằng phẳng ven núi. Nhà sàn vốn là lối ở của người Giáy trước đây.
– Người Mường: sống rải rác và xen kẽ với các dân tộc khác, sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và làm nương rẫy, trồng màu (ngô, khoai, sắn), giỏi chăn nuôi và làm nghề thủ công (dệt vải, dệt thổ cẩm, đan lát) có kinh nghiệm làm thủy lợi nhỏ (đắp mương phai, làm công nghệ lấy nước).
– Người Nùng: trồng lúa nước và coi trọng việc làm nương rẫy. Ngoài ra trồng bông, trồng chàm, kéo sợi, dệt vải, rèn đúc, đan lát và làm đồ mộc. Họ thường quây quần quanh các sườn đồi, chân núi, dọc sông, suối với nhà sàn hoặc nhà đất khá to rộng.
– Người Hoa: tập trung ở thị trấn Mậu A phần nhiều buôn bán nhỏ, làm ruộng.
– Người Sán Chay: trên địa bàn Văn Yên họ cư trú ở 2 xã, thuộc nhóm Cao Lan di cư đến Việt Nam độ 400 năm nay. Họ trồng lúa nước, làm nương, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.
– Người Thái: giỏi thâm canh lúa và thủ công nghiệp (làm đệm bông lau, dệt vải, làm túi thổ cẩm), chăn nuôi gia súc và thả cá ruộng.
Mật độ dân số của Văn Yên không đều, trong khi ở thị trấn MạuA bình quân khoảng 1.253 người/km2 thì tại Phong Dụ Thượng là 23 người/km2, Nà Hẩu 28 người/km2, Xuân Tầm 35 người/km2.
Tính đến 1-4-1898 toàn huyện có 86.256 người, chia ra như sau:
Mậu A: | 8.357 người | Du Hạ: | 2.582 người |
Lâm Giang: | 6.649 người | Xuân Ái: | 2.450 người |
An Thịnh: | 5.593 người | Châu Quế Thượng: | 2.266 người |
Đông Cuông: | 5.136 người | Đại Phác: | 2.210 người |
Châu Quế Hạ: | 4.938 người | Mỏ Vàng: | 2.117 người |
Lang Thíp: | 4.632 người | Yên Thái: | 1.983 người |
Đông An: | 4.130 người | Yên Thịnh: | 1.823 người |
Mậu Đông: | 3.984 người | Viễn Sơn: | 1.770 người |
An Bình: | 3.630 người | Hoàng Thắng: | 1.768 người |
Yên Phú: | 3.143 người | Đại Sơn: | 1.766 người |
Yên Hợp: | 3.068 người | Xuân Tâm: | 1.360 người |
Tân Hợp: | 2.876 người | Quang Minh: | 1.584 người |
Ngòi A: | 2.816 người | Nà Hẩu: | 756 người |
Dụ Thượng: | 2.689 người |
Đến hết năm 1994 dân số toàn huyện có 104.699 người, mật độ dân số bình quân 77 người/km2. Theo số liệu thống kê năm 1997 toàn huyện có 112.083 người, trong đó có 11.342 người sống ở khu vực thành thị, 51.390 người trong độ tuổi lao động; năm 2007 toàn huyện có 115.614 người với 10.166 người sống ở thành thị (8,79%) và 105.448 người sống ở nông thôn (91,21%).
Đợt chuyển cư đông đảo nhất diễn ra ở Văn Yên vào các năm 1960-1970 để phục vụ cho xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà. Vào thời điểm này, hàng nghìn người từ Yên Bình chuyển lên xây dựng quê hương mới. Ngoài ra còn có một lực lượng khá đông đồng bào Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình đi xây dựng kinh tế – văn hóa miền núi theo chủ trương của Đảng.
Trong quá trình lao động sáng tạo, nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đã để lại nhiều dấu tích vật chất và tinh thần, một kho tàng trí tuệ đặc sắc, cần được gìn giữ và bảo lưu, đúng như trong sách Đại Nam nhất thống trí đã từng ghi: nhân dân ở ven một dải sông Thao, phong tục thì thuần hậu, biết văn tự, lễ phép, nói chung tục dân phần nhiều ăn gạo nếp, mặc vải chàm, sau lưng đeo địu để địu con, gần nhà đặt cối để giã gạo, làm guồng nước để tưới ruộng, dùng ống vầu để múc nước.
Đền Đông Cuông (còn gọi là Đông Quang, Đông Cung hoặc đền Thần Vệ Quốc) nằm trên tả ngạn sông Thao. Đền được xây dựng muộn nhất là thời Lê trên cơ sở một tòa miếu cổ khá linh thiêng, thờ các vị thần, thánh như sau: Mẫu Thượng Ngàn, Lê Mai đại vương, công chúa vợ vị đại vương miếu Ngọc Tháp (Lâm Thao – Phú Thọ), đức thành Trần và sau này là 5 nghĩa quân người Tày tham gia khởi nghĩa Giáp Dần (1914) bị Pháp xử bắn ở Yên Bái. Tại khu vực đền đã thu thập được nhiều công cụ cuội hậu kỳ đá cũ, hậu kỳ đá mới, nghê sứ thời Lê, chuông khánh thời Nguyễn. Lễ hội được tổ chức ở đền là lễ hội đạo mẫu mang sắc thái người Tày với đua thuyền, ném còn, chơi đu.
Các tôn giáo có mặt ở Văn Yên rõ nhất là đạo Thiên chúa, phần lớn có mặt từ khi nhân dân vùng Yên Bình chuyển cư lên Văn Yên. Tính đến năm 1992 cả huyện có 3.200 hộ với 17.300 giáo dân.
Đạo Tin lành vào địa phương từ những năm 1990-1992 do người Mông di cư đến ở 2 xã Lang Thíp và Châu Quế Thượng. Lúc đầu có độ 90 hộ với 500 người theo đạo.
Căn cứ vào hiện tại, thời Pháp thuộc Văn Yên thuộc đất của tổng Yên Phú (Yên Phú Đại Phác, Xuân Giang, Hoài Viễn, Kiên Lao, Quảng Mạc, Quy Mông, Đôn Giáo, Cánh Tiên, Khi Đổng, Khe Giang, Ngòi Thíp, Khe Rộng, Ngòi Viễn, Cát Tráng, Thung Dung), tổng Đông Cuông (Đông Cuông, Mậu A, Đại Bục, Báo Đáp, Phong Dụ, Đôn Bản, Lâm Đình, Trái Hút, Yên Thái, Thụy Cuông…) của huyện Trấn Yên và tổng Văn Bàn (Châu Quế, Xuân Giao, Khánh An…) của huyện Văn Bàn.
Lúc tỉnh Yên Bái mới ra đời tỷ lệ người Kinh chỉ chiếm 17% dân số, phân bố dọc đôi bờ sông Hồng, sông Chảy. Họ từ Phú Thọ, Hà Nam, Hà Đông, Thái Bình chuyển cư lên Đông Cuông, Dao Viễn, Lâm Đình, Đại An, Yên Thái, Trái Hút… và dọc đường sắt Hà Nội – Lào Cai. Trong dòng người nhập cư này phải kể thêm một số người từ đồng bằng lên để khai thác gỗ, buôn bán rồi ở lại luôn. Số người này hầu hết ở Vĩnh Yên, Sơn Tây, Nam Định.
Cũng vào thời điểm trên, người Thái sống khá đông đúc và tập trung tại Mậu A, Trái Hút, còn người Tày thì dọc đôi bờ sông Hồng. Người Nùng chỉ có khoảng 250 người ở làng Đông Thái tổng Đông Cuông. Ngoài ra còn người Dao ở Khánh An, cạnh đường Trái Hút – Lâm Trường Thượng và một số ít người Giáy, Khơ Mú, Mường.
Ở các làng bản sau này thuộc Văn Yên, thực dân Pháp lập ra các đoàn dân dõng tuyển các thanh niên người Dao, Tày, Nùng tham gia, biên chế thành các xã đoàn và tổng đoàn. Ngoài ra chúng còn lập ra các đồn khố xanh khá kiên cố ở Trái Hút, biên chế từ 20-30 lính để chốt giữ và bảo vệ đường sắt và đường ô tô Trái Hút – Gia Hội do một viên đội chỉ huy.
Nhận thấy sau khi đã cho lập nên mấy chục đồn điền mà tiềm năng đất đai ở địa phương còn quá lớn trong khi dân cư thưa thớt, ngày 13-11-1925, Toàn quyền Đông Dương đã cho phép tỉnh Yên Bái thực thi chính sách tiểu đồn điền. Theo văn bản này, những ai muốn có đất để trồng trọt chỉ cần đệ lên Công sứ một lá đơn xin khai khẩn, kèm theo sơ đồ mảnh đất định xin không quá 15 mẫu (5,5 ha), sau 3 năm phải khai khẩn hết số đất được cấp, phải nộp thuế và có quyền nhượng bán. Với cách làm này, chính quyền thực dân hy vọng sẽ tạo ra tác động mạnh mẽ để khuyến khích sự chuyển cư từ vùng xuôi lên vùng ngược.
Trải qua 12 năm khởi động, đến năm 1937 cả tỉnh Yên Bái mới lập được 51 tiểu đồn điền chiếm 125 mẫu. Từ đầu năm 1938, sau nhiều cải tiến và đơn giản hóa thủ tục nhà cầm quyền Pháp đã lập thêm được làng Hà Đông, làng Nam Định với 60 gia đình ở Mậu A; làng Thái Bình 40 gia đình ở Trái Hút. Lại giành ra một khu đất cho 900 gia đình ở Nam Định chuẩn bị lên khai khẩn ở Mậu A.
Nhờ vậy, chỉ trong năm 1939 đã có 134 tiểu đồn điền được cấp (ở Mậu A, mỗi đồn điền sở hữu từ 2-3 mẫu) – trong đó:
+ 186 giấy phép lập tiểu đồn điền tạm thời (Mậu A 8, Trái Hút 3, Đôn Bản 2 và Đông Cuông, Yên Thái, Quảng Mạc, Dao – mỗi nơi 1).
+ 75 điền chủ đang xem xét, trong đó có nhiều người khai khẩn ở Đại Bục (5), Mậu A (4).
Sản xuất nông lâm nghiệp của địa phương hồi đầu thế kỷ XX hoàn toàn là tự cấp, tự túc. Những lý do về dân cư thưa thớt, người dân tộc chiếm đa số chỉ chú trọng khai thác các sản phẩm sẵn có từ rừng, giao thông đi lại khó khăn đều được xét đến nhưng trong một bản báo cáo vào năm 1914, viên Công sứ Pháp phải thừa nhận: bên bờ sông Hồng diện tích trồng ngô được mở rộng để bán cho đồng bằng; việc khai thác lâm sản được điều hành bởi người Kinh nên có tiến bộ. Từ năm 1931, một số giống lúa được đưa vào các chân ruộng của các làng bản hai bên bờ sông để thực hiện 2 vụ/năm. Nghề nuôi tằm, trồng mía, trồng sơn, trồng chè, trồng quế, trồng cau dần dần được đưa vào địa phương. Giống thuốc lá Virginie được trồng ở Mậu A. Khoai tây, rau xanh chưa đủ cho thị trường tiêu thụ.
Đi đôi với sự phát triển của nghề rừng là sự khai thác lâm sản bừa bãi, tùy tiện, khiến cho nhà cầm quyền Pháp nhiều lần muốn lập lại trật tự nhưng không được. Ngoài hàng trăm giấy phép được cấp hàng năm, Công sứ Yên Bái còn cấp cả giấy phép đặc biệt để khai thác gỗ Ngọc Am ở Phong Dụ. Cùng với nó là “việc làm nương rẫy của người địa phương vẫn tiếp tục phá hoại rừng, đặc biệt là các châu Văn Bàn, Than Uyên”.
Để thực hiện mong muốn “chuyển quân và chuyển lương thực tới địa giới tỉnh Vân Nam được nhanh chóng hơn mỗi khi chiến tranh xảy ra tiếp tế cho dân da trắng một cách dồi dào thịt, ngũ cốc”, thực dân Pháp đã cho đầu tư làm đường sắt Hải Phòng – Vân Nam (Trung Quốc) dài 859km – trong đó có 55km chạy qua huyện, được hoàn thành vào tháng 4-1910. Con đường sắt này đã thực sự thu hút được nhiều khách buôn, vận chuyển được nhiều hàng hóa, thúc đẩy mối giao lưu giữa miền xuôi và miền ngược. Đường bộ Yên Bái – Trái Hút và các bến phà trên sông Hồng được sửa chữa, xây dựng. Tuy nhiên, giao thông đường bộ ở địa phương còn lạc hậu, chỉ đáp ứng cho ngựa và xe đạp đi lại.
Các ngành công nghiệp ở địa phương hầu như không được đầu tư xây dựng trừ việc khai thác đá vôi ở Trái Hút.
Điều rất dễ nhận thấy là trong mấy chục năm thống trị, thực dân Pháp chỉ tập trung vào khai thác nguồn lợi tự nhiên, thu đủ các loại thuế. Chính vì vậy, bộ mặt của địa phương hầu như không có sự thay đổi đáng kể gì. Chỉ có một số khu vực nhờ nằm cạnh tuyến đường sắt như Trái Hút, Mậu A mới dần dần hình thành các điểm tập trung dân cư, giao lưu và buôn bán phát triển nhộn nhịp hơn nơi khác.
Sự phân hóa xã hội ở địa phương cũng mang đặc điểm của một vùng mà nền kinh tế phát triển chậm, trì trệ, mang nặng tính tự nhiên của một vùng cao có nhiều dân tộc. Giai cấp địa chủ ở đây bao gồm các tầng lớp trên của xã hội, các chủ đất lớn. Xã hội người Thái tạo ra tầng lớp Thổ ty, Phìa tạo. Xã hội người Mông thì tạo ra Thống lý, Thống quán, Chống chụa, Sa Thầu. Xã hội người Dao thì có Mán mục, Động trưởng, Giáp trưởng. Xã hội người Mường thì có Lang đạo. Tất cả đã hợp thành giai cấp địa chủ bóc lột nông dân, câu kết với nhà cầm quyền để giữ vững địa vị của mình trong xã hội. Tuy nhiên, quan hệ bóc lột lại được biến tướng theo nhiều hình thức khác nhau thông qua các hình thức tô lao dịch, tô hiện vật, cống nạp, che giấu dưới cái vỏ tập tục lạc hậu hoặc mối quan hệ dân tộc, dòng họ. Thái độ của tầng lớp địa chủ này không rõ rệt, đặc biệt là những biến cố vào các năm 40 làm cho họ mất phương hướng và chỗ dựa.
Nhân dân các dân tộc Văn Yên từ lâu đời đã có truyền thống chống giặc ngoại xâm. Năm 1258, giặc Nguyên – Mông sang xâm lược Đại Việt lần thứ nhất, người dân vùng Quy Hóa – bao gồm cả Văn Yên ngày nay đã tham gia vào đội quân của tù trưởng Hà Bổng sát cánh với quân đội nhà Trần chặn đánh, gây cho địch nhiều thất bại nặng nề. Khi đạo quân viễn chinh Pháp đánh chiếm địa phương, đồng bào Dao ở Văn Yên đã gia nhập đội quân do Lý Tiến Minh đứng đầu vào năm 1914, hoạt động từ Bảo Hà đến sát thị xã Yên Bái – mà căn cứ quan trọng đặt ở Đông Cuông. Nghĩa quân đã phối hợp chặt chẽ với quân đội của Triệu Tài Lộc ở Lục Yên đặt ra mục tiêu giải phóng Yên Bái. Khởi đầu, các thủ lĩnh tập trung đánh vào các đồn Trái Hút, Bảo Hà, Lục Yên. Ngày 19-10-1914 Lý Tiến Minh huy động 114 nghĩa quân đánh đồn Trái Hút nhưng kế hoạch bị lộ. Tên sỹ quan Pháp là Chatele đã đưa quân phục kích ở sông Hồng. Trận đánh giáp lá cà diễn ra suốt 2 giờ đồng hồ và nghĩa quân đã phải rút lui. Ngày 21-10-1914, nghĩa quân tiến đánh đồn Bảo Hà nhưng không giành được thắng lợi. Sau đó một ngày nghĩa quân của Triệu Tài Lộc đánh đồn Lục Yên cũng thất bại, đẩy nghĩa binh vào tình thế lúng túng, bị động. Lợi dụng tình thế, quân Pháp tập trung đàn áp. Nghĩa quân bị tan rã rơi vào tay quân thù hàng trăm người. Chúng đã trả thù hết sức dã man, xử tử 67 người, giam cầm nhiều người khác.
Cuộc khởi nghĩa năm Giáp Dần 1914 do các thủ lĩnh họ Triệu lãnh đạo dù thất bại nhưng đã nêu cao tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc Văn Yên.
Đất đai Văn Yên trù phú và giàu đẹp, con người Văn Yên cần cù, yêu nước đã tạo thành niềm tin cho ngày hôm nay và mai sau.
Mặc dù là một huyện miền núi, còn nhiều xã nghèo, nhưng tới nay Văn Yên đã có các khu và cụm công nghiệp trọng điểm sau đây đặt trên địa bàn của huyện:
a- Khu công nghiệp phía bắc Văn Yên của tỉnh Yên Bái (thuộc xã Đông Cuông) nằm trên trục đường Yên Bái – Khe Sang. Có đường điện 35KV đi qua trung tâm khu công nghiệp. Nguồn nước tự nhiên được lấy từ sông Hồng (khu công nghiệp nằm giáp bờ sông Hồng).
b- Cụm công nghiệp phía tây cầu Mậu A (cụm công nghiệp của huyện) nằm trên trục đường Quy Mông – Đông An. Có đường điện 35KV đi qua trung tâm, nguồn nước tự nhiên được lấy từ sông Hồng.
c- Cụm công nghiệp thôn Toàn An, xã Đông An (cụm công nghiệp của huyện) nằm trên trục đường Yên Bái – Khe Sang. Có đường điện 35KV đi qua. Nguồn nước tự nhiên được lấy từ sông Hồng.
Đặc biệt Văn Yên có cây quế, là loại cây cho giá trị kinh tế cao, do đó được coi là loại cây trồng chủ yếu. So với chất lượng quế trên cả nước thì quế Văn Yên đứng thứ 2 sau quế Trà My (Quảng Nam). Ngoài ra con người Văn Yên rất mến khách. Văn Yên còn có đền Đông Cuông là nơi mà mỗi độ xuân về người ở khắp mọi nơi đi hành hương cầu cho gia đình bạn bè an khang thịnh vượng.
—————————
(*) Số hộ khẩu của thị trấn Mậu A kể trên không bao gồm những người làm dịch vụ và cán bộ, công chức.
(1) Số liệu này được nhiều tài liệu xuất bản trước năm 1995 công bố. Cũng có tài liệu ghi diện tích Văn Yên là 138.850 ha. Niên giám thống kê tỉnh Yên Bái các năm 1996-1997 đều thống nhất diện tích của Văn Yên là 138.884 ha. Báo cáo thống kê ngày 19-10-1999 của Phòng địa chính huyện Văn Yên ghi tổng diện tích là 138.884 ha, chia ra như sau: Mậu A 810,6 ha, An Thịnh 2.690 ha, Xuân Ái 1.734 ha, Mậu Đông 2.810 ha, Mỏ Vàng 9.961 ha, Đông Cuông 2.148 ha, Nà Hẩu 5.680 ha, Yên Hưng 1.083 ha, Yên Thái 3.476 ha, Ngòi A 3.562 ha, Yên Hợp 1.724 ha, Yên Phú 1.579 ha, Đại Phác 884,4 ha, Hoàng Thắng 1.958 ha, Viễn Sơn 4.185 ha, Đại Sơn 8.389 ha, Dụ Thượng 19.820 ha, Dụ Hạ 6.854 ha, Xuân Tầm 6.863 ha, Tân Hợp 6.164 ha, Đông An 3.969 ha, Quang Minh 4.816 ha, Quế Hạ 8.586 ha, Quế Thượng 7.563 ha, An Bình 3.658 ha, Lâm Giang 10.430 ha, Lang Thíp 7.487 ha.
Số liệu mới nhất hiện nay cho biết Văn Yên có diện tích đất tự nhiên là 1.391,54km2. Số liệu về các xã và huyện theo: Số liệu thống kê tình hình cơ bản và cơ sở hạ tầng nông thôn Việt Nam – Nxb Thống kê – H.1995.
Khổng Đức Thiêm