18/06/2018, 16:30

Chợ và hoạt động buôn bán vùng nông thôn Tiên Lãng

Chút dấu xưa ở chợ Đôi (Tiên Lãng) Khổng Đức Thiêm Tìm hiểu về hệ thống chợ làng, sự buôn bán qua lại và cơ cấu lớp người thường xuyên đến trao đổi vật phẩm tại các chợ làng trên đất Tiên Lãng (Hải Phòng) là một đề tài lý thú. Nhận định của sách Đồng Khánh địa dư chí lược về đặc ...

images1155457_20_001

Chút dấu xưa ở chợ Đôi (Tiên Lãng)

Khổng Đức Thiêm 

Tìm hiểu về hệ thống chợ làng, sự buôn bán qua lại và cơ cấu lớp người thường xuyên đến trao đổi vật phẩm tại các chợ làng trên đất Tiên Lãng (Hải Phòng) là một đề tài lý thú. Nhận định của sách Đồng Khánh địa dư chí lược về đặc trưng nghề nghiệp, tính cách của người dân Tiên Lãng, hồi cuối thế kỷ XIX có đoạn viết: “Số người làm nghề nông và buôn bán suýt soát ngang nhau. Nhà nông thì cần cù tiết kiệm. Người buôn thì phần nhiều giả dối gian trá. Nghề thợ thì có thợ rèn, thợ nhuộm…”. Nếu đúng như vậy, ta sẽ có một số định đề sau đây:

– Tiên Lãng đã xuất hiện một tầng lớp thương nhân thực thụ có lực lượng đông đảo.

– Thương nhân Tiên Lãng đã hình thành một tính cách khác biệt với đời sống ở nông thôn.

Qua khảo sát điền dã, chúng tôi cho rằng, về cơ bản nền sản xuất tiểu nông ở Tiên Lãng vẫn là chủ đạo trong suốt tiến trình lịch sử lâu dài của địa phương.

Hai sông Văn Úc và Thái Bình đã bồi đắp cho Tiên Lãng mảnh đất màu mỡ, đồng thời cũng là phân giới gây trở ngại không ít cho địa phương khi giao lưu với bên ngoài và tổ chức kinh tế nội địa. Cùng với quá trình sinh tụ ấy, con người cũng đến đây khai phá. Từ một số gò bãi như vùng Cựu Đôi, Phương Đôi, Vân Đôi, Tử Đôi, còn lại là một vùng đồng trũng xen kẽ đầm hồ, kênh rạch suốt dọc từ Châm Khê, Kinh Khê, Mỹ Khê, Lật Khê đến Trí Hào, Hào Nhuế. Cho tới cuối thế kỷ XIX, các cửa sông và bờ biển của Tiên Lãng vẫn chưa được khai thác mà chỉ là một vùng như ông nghè Sái Thuận đã cảm nhận nhân Một buổi dậy sớm ở Tân Minh (Tân Minh tảo khởi) vào những năm cuối thế kỷ XV:

                        Sông trời nước rút, nước nao nao

                        Eo óc gà kia rộn tiếng kêu

                        Bồng đảo thuyền về ngàn dặm thẳm

                        Biển trời trăng đính một vành cao…

 Mấy trăm năm đã trôi qua vẫn chỉ là vẻ đẹp của biển trời, sông nước và cô đơn tiếng gà nơi xóm mạc. Tiên Lãng vẫn thiếu vẻ náo động, sôi nổi của hoạt động kinh tế như một làng Thổ Hà ở xứ Kinh Bắc, xa mấy ngày đường mới đến biển mà Quế Đường Lê Quý Đôn vẫn thấy:

                        “Đường thông bãi biển, tôm vua rẻ,

                        Đất có lò nung, chĩnh vại nhiều

                        Lên xuống bến đò như mắc cửi

                        Lợi bằng hạt tấm, khổ bao nhiêu”

  Rõ ràng, có hai dòng sông lớn nhưng Tiên Lãng vắng bóng những bến bờ sầm uất, vắng bóng những hoạt động buôn bán xôn xao.

Nhìn vào cấu trúc chung, Tiên Lãng là một điển hình về quy mô nhỏ bé của xóm làng tạo nên một mật độ dày và phân tán các điểm quần cư. Trên một diện tích gần 170km2 mà huyện có tới hơn một trăm đơn vị dân cư, với những công trình nhà ở đơn sơ. Mỗi căn hộ như thế, ít có diện tích dành cho kinh tế vườn và kinh tế ao (thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên). Toàn bộ thu nhập cho nhu cầu ăn, mặc, ở của nhân dân đều trông nơi đồng ruộng. Nhưng, mặc dù đã phải đẩy từ vị trí thứ yếu (thứ ba canh điền) lên vị trí hàng đầu, người nông dân Tiên Lãng từ đời nọ đến đời kia vẫn phải nai lưng trên những thửa ruộng lầy thụt chua mặn, mà vẫn bị thiên tai đe dọa, năng suất thường thấp. Đói kém mất mùa và vẫn phải “đầy đường hát ngợi về đâu đấy, cảm đội ơn vua lệ ướt đầm”, bởi lẽ một thiên nhiên như thế khó đương nổi với thiên tai.

Ngay đến bây giờ, hình bóng của sự trù phú của một vùng quê Tiên Lãng cũng chỉ để lại chẳng rõ nét lắm. Mấy con đường lát đá ở Cựu Đôi, Phú Kê lại là kết quả của lệ tục treo cưới nặng nề ngày trước (vật thú Phú Kê thê) hơn là phản ánh trình độ kinh tế, đành rằng đây là một vùng sung túc có tiếng. Hoặc giả là những đường làng lát gạch nghiêng còn thấy ở Đại Thắng, Tiên Minh.

Trong lịch sử, Tiên Lãng xuất hiện khá nhiều gia đình giàu có. Nhưng tiền của mà họ kiếm được hầu như không hề đầu tư sang kinh doanh buôn bán. Thống kê trong hàng trăm văn bia, ta có thể lập được danh sách dăm chục người đã góp tiền, góp ruộng, vườn tược để mua hậu thần, hậu Phật, có tài sản trị giá tới vài chục con trâu, ít nhất cũng là một hai con. Vốn dư thừa không được tái sản xuất, không được sinh lợi theo triết lý “tiền ra khỏi cửa tiền chửa”.

Chiến tranh cũng làm nghèo thêm nền kinh tế tiểu nông vốn đã thiếu thốn đủ bề. Gia phả họ Vũ ở Ngân Cầu (nay thuộc xã Quyết Tiến) ghi rõ: “Cụ thủy tổ sinh được trai gái 7 người đều lớn khôn, đời sống mỗi ngày thêm no đủ. Nhưng không may gặp buổi Mạc – Trịnh giao tranh, hai bên xâu xé nhau ác liệt, bắt phu lính, cướp của giết người, trộm cướp nổi lên như ong, nhân dân không được ngày nào yên ổn làm ăn. Hơn nữa, lại thêm nạn bão lụt, nước mặn tràn ngập đồng ruộng, mất mùa liên miên, người người đói khổ. Vì thế nhiều nhà phải bồng bế nhau đi nơi khác. Cả 7 người con lại phải phiêu bạt mỗi người một nơi, hoặc vỡ đất trồng hoặc làm thuê mướn, buôn bán kiếm kế sinh nhai”.

Đứng trước những thách đố của tự nhiên, biện pháp thứ nhất mà người nông dân Tiên Lãng lựa chọn và thực hiện nghiêm ngặt là cần cù, tiết kiệm, như nhận xét của sách Đồng Khánh địa dư chí lược. Chính tiến sĩ đời Mạc là Nguyễn Minh Triết, khi làm Huyện doãn An Lão, quan sát về nếp nhà của các vùng lân cận, đã thấm nhuần được tính cách giản dị kiệm ước đó:

                        “Dặn vợ có cà đừng gắp mắm

                        Bảo con bớt gạo bỏ thêm khoai

                        Thế gian mặc kệ cười hà tiện

                        Ta chẳng lụy ai, chẳng phiền ai”

  Tư tưởng “mặc kệ người hà tiện, ta chẳng lụy ai, chẳng phiền ai”, đã tạo nên một sự bằng lòng, phó thác cho cung cách làm ăn nhỏ, manh mún ở đằng sau lũy tre làng xơ xác.

Nhưng người nông dân Tiên Lãng không đủ sức chuyển đổi phương thức làm ăn để tạo nên lớp người chuyên buôn (thương nhân), những làng chuyên buôn (xã thị) và những phố buôn bán (thị trấn). Từ đó hình thành một số tuyến như sau:

– Chuyển một số người và ruộng đất vào việc chuyên trồng các loại cây đặc sản để tạo ra những giá trị mới về nông sản hàng hóa hoặc chế biến cây đặc sản tạo ra thương phẩm có giá trị hơn.

– Đánh bắt thủy sản, hải sản, chế biến những sản phẩm của nghề cá, tạo nên loại thương phẩm – đặc sản.

– Hình thành một số nghề thủ công để tạo thêm của cải vật chất giải quyết đời sống trong hoàn cảnh đất chật, người đông, thời tiết khắc nghiệt.

a) Cây đặc sản ở Tiên Lãng chủ yếu là thuốc lào và cói. Thuốc lào mới du nhập vào nước ta vài trăm năm nay. Theo Lê Quý Đôn thì “cây thuốc lào nguyên sản xuất ở Lữ Tống. Nước Nam ta xưa không có. Từ năm Canh Tý (1660) niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Thần Tông nhà Lê, người nước Ai Lao đem giống ấy đến, dân ta mới trồng” (Vân Đài ngoại ngữ).

Sự du nhập của thuốc lào vào nước ta tạo nên một vẻ mới, khiến nó nhanh chóng trở thành một nhu cầu lớn trong xã hội. Vẫn theo Lê Quý Đôn, “thuốc lào thuộc loại cỏ độc, tính cay nóng, trị các chứng phong hàn, tê thấp trệ khí, đọng đờm, sơn lam chướng khí. Khói thuốc vào mồm một lúc chạy khắp người làm cho cơ thể thông khoái thay được rượu, được chè, cả đời không chán, cho nên người ta thường gọi là Tương tư thảo, nhưng hơi lửa nung nấu hao huyết, tổn thọ và ta không biết”.

Các sách xưa có ghi về việc này. Đồng Khánh địa chư chí lược cho biết Tiên Lãng “trồng nhiều thuốc lào và cây thuốc. Thuốc lào ở xã An Tử Hạ là ngon nhất”. Đại Nam nhất thống chí ghi: “Thuốc lào các huyện Thanh Lâm, Tiên Minh và Vĩnh Bảo đều có. Thuốc lào Tiên MInh ngon hơn”. Còn Phan Huy Chú cũng cho rằng: “Về huyện Tiên Minh có thuốc lào” (Lịch triều hiến chương – dư địa chí).

Vậy là, từ rất lâu, sau cây lúa, cây thuốc lào đã có vị trí ở mảnh đất này.

Theo sách Tiểu dẫn về tỉnh Kiến An được viết sau năm 1932 thì “thuốc lào cũng là một ngành trồng trọt lớn của tỉnh. Nó chiếm một diện tích 620ha và cho một sản lượng 420 tấn hàng năm. Thuốc lào được trồng nhiều nhất ở huyện Tiên Lãng, loại thuốc ngon nhất là của làng Hán Nam và An Tử (nay thuộc Kiến Thiết – TG). Thuốc lào Tiên Lãng được bán trong hầu hết các tỉnh vùng đồng bằng, nó là nguồn thu nhập quan trọng nhất của người dân huyện này”.

Trong thực tế, diện tích mà  nhân dân trong huyện dành cho trồng thuốc lào chưa phải là nhiều. Việc chế biến để tạo nên thương phẩm cũng đơn giản, không cần phải dựa vào một công nghệ phức tạp (hái lá, thái nhỏ, phơi và chế biến, đóng bánh, bảo quản trong bồ), do đó không tạo ra được một nghề riêng. Vả lại tuy là một thương phẩm đặc hữu nhưng cách trao đổi đơn giản hàng – tiền, do đó có làm tăng thêm thu nhập nhưng không kéo về hoặc bổ sung được vật phẩm cho xã hội.

Cây cói là đặc sản của vùng nước lợ. Grignon Dumoulin trong cuốn Lược biên về tỉnh Kiến An cho biết: “Chỉ có huyện Tiên Lãng là có một diện tích trồng cói tổng số vào khoảng 150 ha, sản lượng trung bình 1.500 tấn, giá trị hàng năm có thể tới 30.000 đồng”. Ở các vùng trồng cói đều có nghề dệt chiếu. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Xã Lật Dương, xã Dư Đông huyện Tiên Minh đều làm nghề dệt chiếu”. Đồng Khánh dư địa chí lược cũng ghi: “Hai xã Lật Khê, Lật Dương có nghề dệt chiếu cói nhưng thô xấu”.

Do thiếu đầu tư kỹ thuật nên chiếu cói Tiên Lãng sản xuất số lượng ít, giá trị thương phẩm không cao. Nó chỉ có thể tiêu thụ được ở các phiên chợ nghèo và chủ yếu người túng thiếu trong vùng mua dùng. Chiếu Tiên Lãng không tạo được sức cạnh tranh trên thị trường.

Sách Tiểu dẫn về tỉnh Kiến An cho biết: “Việc dệt chiếu cói chỉ có ở tổng Quán Trang, huyện An Lão và các làng Giang Khẩu, Lật Dương, Lật Khê, Lai Phương, Bắc Phong của huyện Tiên Lãng. Đó là một tiểu công nghệ gia đình không có triển vọng mở mang, diện tích trồng cói rất hạn chế. Hơn nữa chiếu sản xuất ra chất lượng kém không theo kịp chiếu Kim Sơn tỉnh Ninh Bình”.

Cây cói và nghề dệt chiếu cói không góp phần tháo mở thị trường, tạo nên một lớp cư dân phi nông nghiệp, không giải quyết được sự dồn ứ, dư thừa đã xuất hiện ở nông thôn Tiên Lãng.

b) Đánh cá không được phát triển ở Tiên Lãng. Tuy “dân gần biển thì chài lưới kiếm ăn nhưng không thành nghề” (Đồng Khánh địa dư chí lược). Chỉ có mấy làng “Đông Xuyên Ngoại, Lao Chử, Lao Khê, Thái Bình làm nghề đánh cá dọc sông và ở cửa sông. Cá được bán tươi hoặc đem ướp muối. Những người đánh cá (…) vẫn dùng phương tiện cũ kỹ nên thu nhập về nghề này rất thấp so với khả năng có thể làm được” (Grignon Dumoulin, sách đã dẫn).

Theo tìm hiểu sơ bộ của chúng tôi, người làm nghề đánh cá phần lớn là giáo dân, di chuyển từ Kẻ Sặt (Hải Dương) và Thái Bình, ít kinh nghiệm đánh cá biển. Cho nên, sản lượng thủy sản do nghề cá đem lại không đáng kể, kỹ thuật và nhu cầu đầu tư cho khâu chế biến thương phẩm không đáng là bao. Thành thử, cá tôm chỉ là những thực phẩm trao đổi phục vụ cho chính bữa ăn hàng ngày.

c) Thủ công nghiệp: Qua khảo sát, Tiên Lãng hầu như vắng bóng những làng thủ công chuyên nghiệp. Lác đác chỉ có nghề thợ mộc ở Ngân Bồng, nấu rượu ở An Hỗ – Xuân Lai, nghề thợ nhuộm, thợ rèn.

d) Hoạt động buôn bán: Cái tỷ lệ mà Đồng Khánh địa dư chí lược đưa ra, phản ánh đúng một hiện trạng là số người gồng gánh, buôn thúng bán bưng ở Tiên Lãng khá nhiều, suýt soát bằng số người làm ruộng. Nhưng họ vẫn chưa phải là thương nhân, do nhiều lý do về quan niệm, về vốn liếng và quy mô kinh doanh. Cái chủ yếu vẫn do hậu quả của sản xuất.

Người nông dân Tiên Lãng đều hiểu rằng “phi thương bất phú” (không buôn không giàu) nhưng vẫn mang nặng triết lý “dĩ nông vi bản” (lấy nghề nông làm gốc), coi buôn bán là một thói đời đen bạc, trôi nổi.

Nhưng thực tế, chợ làng vẫn cứ họp và trở thành một hệ thống. Người đến chợ không chỉ có nhu cầu bán sản phẩm hoặc mua hàng hóa về dùng. Đã có hàng loạt người dùng đồng tiền dư thừa để mua nhiều, mua với giá rẻ hơn, mua sớm hơn để rồi bán lại. Chính cái nhu cầu này đã được xã hội chấp nhận, dẫn tới sự ra đời một số chợ có vị trí trung tâm, thuận lợi cho một vùng. Trong lịch sử, Tiên Lãng có mấy loại hình mang tính chất chợ như sau:

Chợ Đầm hình thành từ đầu thế kỷ XVIII. Tấm bia “Đàm thị tu tạo vung quán bi ký” dựng năm Chính Hòa 23 (1702) đã chỉ rõ quy mô của chợ: ở giữa có quán vùng, xung quanh xây tường. Tấm bia “Chợ Đàm bi” dựng năm Nhâm Thìn 1712 cho biết chợ mới được đóng góp do đó xây thêm 16 gian gồm 1 cầu chợ, 2 quán chợ. Tấm bia “Nhất hung công Đàm thị quán cổ tích bi ký” dựng năm Chính Hòa 26 (1705) cho biết chợ mới xây dựng thêm 1 quán 2 gian.

Chợ Đầm thuộc xã Thái Lai tổng Kinh Thanh (nay thuộc xã Cấp Tiến) được xây dựng ở một tụ điểm thuận lợi về giao thông thủy bộ. Chợ nằm cạnh một đầm lớn (có lẽ vì thế mà thành tên chợ) thông với nhiều kênh rạch, họp thường xuyên, cả ngày, đón nhận nhiều thuyền bè các nơi cập bến, thu hút người từ nhiều vùng xung quanh. Nhân dân đem đến chợ thóc gạo, lợn gà, tôm cá và các loại thực phẩm khác cùng đồ gốm Hu Trì. Chợ Đầm là chợ lớn nhất của Tiên Lãng trong quá khứ.

Sự náo nhiệt của chợ Đầm còn được bổ sung bằng hoạt động buôn bán ở 31 gian quán tại cầu Thiên Phúc xã Phương Lai cùng tổng (nay thuộc xã Cấp Tiến). Quán này được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, sửa chữa vào các năm 1675 (bia “Tân tạo Thiên Phúc kiều bi ký”), 1687 (bia “Trùng tu Thiên Phúc kiều bi ký”). Có lẽ do nhu cầu về buôn bán phát triển đã dẫn đến sự ra đời của chợ Đầm vào mấy chục năm sau.

Chợ chùa Minh Phúc ở Cẩm Khê, nay thuộc Minh Thị (xã Toàn Thắng) do Hoàng thái hậu họ Vũ nhà Mạc mua 5 mẫu đất giá 120 lạng bạc làm ruộng tam bảo và dựng chợ vào năm Sùng Khang 7 (1572). Có lẽ, đây là một trung tâm buôn bán quan trọng khiến cho dân thôn Chợ (Minh Thị) giàu có lên rất nhanh và cũng là một đối tượng bóc lột của quan lại địa phương. Bia Minh Phúc tự dựng năm 1669, ghi rõ họ bị quan dịch nặng nề phải nhờ vợ chồng Đoàn Tiến Đạt – Lê Thị Dung giúp 60 quan tiền, 2 sào ruộng. Một bia dựng trước đó hai năm cũng cho biết nhân dân thôn Chợ phải lo tiền gạo cung cấp cho lãnh binh đi đến đạo phương Bắc theo lệnh gấp của cấp trên, phải bán hậu Phật cho tín vãi Bùi Thị Giám lấy 60 quan, 5 sào ruộng để trang trải.

Phố nhỏ, bế đò như các phố Rỗ, phố Lỗ, phố Mè, phố Đường Thung, phố Khách, bến đò Côn Xuyên (theo bia “Hoàng Đồ củng cố” dựng năm 1511) trong thực tế có hoạt động buôn bán nhưng dần dần mờ nhạt, mất vai trò tụ điểm kinh tế. Cũng có thể kể đến các chợ bến như Hòa Văn (Triều Đông – Minh Đức) nằm cạnh bến Khuể, chợ An Hỗ (Khởi Nghĩa) tấp nập trên bến dưới thuyền, bán buôn nhiều thổ sản quý, vẫn còn được ghi nhận trong các câu: “Tiền An Hỗ, cỗ Phú Kê”. Ngoài ra còn một số chợ từng vang bóng một thời như chợ Mè (Đại Công), chợ Mới (Tử Đôi).

Chợ hội, chợ văn hóa. Theo khảo sát bước đầu của chúng tôi, Tiên Lãng có một kiểu chợ văn hóa – hội chợ, đó là chợ Giải (Hà Đới – Tiên Thanh) mỗi năm chỉ họp một ngày vào mồng hai tết âm lịch. Theo cổ lệ, ngày hôm đó, nhân dân trong vùng nô nức kéo đến trước cửa đình Hà họp chợ xuân. Nhà nào có thứ gì đem đến thứ ấy: bánh trái, hoa quả, thóc gạo, rau, thậm chí một vài đấu cám. Việc mua và bán chỉ là lấy may, còn đi chơi và lễ lạt. ai cũng được vui chơi thỏa thích.

Ngoài các chợ kể trên, ở Tiên Lãng đã từng tồn tại một số loại hình chợ khác như chợ đình Kinh Lương (Cấp Tiến) họp thường xuyên với mặt hàng chính là vải. Một số chợ chùa như chợ chùa Thái Lai (Cấp Tiến), chợ chùa Nam Tử mà chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát kỹ. Nhưng cũng qua hiện thực hệ thống chợ chùa, chợ đình này cho thấy từ rất lâu, nhà chùa đã phá bỏ được cuộc sống tách biệt với đời thường, tham gia vào quá trình trao đổi vật phẩm hàng hóa. Đó cũng là một nét khá tiêu biểu của hệ thống và đặc tính chợ ở vùng nông thôn Tiên Lãng, một vùng có tới gần một trăm ngôi chùa lớn nhỏ được xây dựng ồ ạt vào hai thế kỷ XVII – XVIII chủ yếu là do những đóng góp thực tâm của người nông dân Tiên Lãng cần cù, tiết kiệm.

HaiPhong-

Đặc điểm hệ thống chợ làng ở Tiên Lãng

a) Chợ ở Tiên Lãng phần lớn không cắt phiên mà đều họp liên tục, hoặc sáng hoặc chiều, có khi họp cả ngày, họp nhanh mà tan cũng nhanh. Như vậy, thực chất đó là biểu hiện của sự phân công còn đơn giản vì chợ là nơi trao đổi vật phẩm dư thừa của nghề nông – nghề cá – chăn nuôi gia đình, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cho một vùng nhỏ hẹp.

Chợ họp cả ngày có:

Chợ Vàm Láng (Hùng Thắng) vốn tiền thân là chợ Cồn (làng Cồn – Lao Khê) với sản phẩm là tôm cá biển. Nhờ có bến xe khách đi Hải Phòng, do đó chợ Vàm Láng sớm trở nên một chợ lớn, có quan hệ với nội thành và cả vùng Đồ Sơn.

Chợ Đôi cũng là một chợ lớn của Tiên Lãng thuộc làng Cựu Đôi (Minh Đức) mang tính chất chợ huyện vì nằm sát huyện lỵ. Ngày nay, tuy có nhiều sản phẩm, hàng hóa khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là tôm cá, thực phẩm, hoa quả.

Chợ Rỗ nằm trên địa phận Kinh Khê Ngoại (xã Tiên Tiến) đã có một thời khá nổi tiếng, đáp ứng những nhu cầu về buôn bán, trao đổi trong vùng. Tổ chức của chợ ngày xưa khá quy củ. Vẫn còn lại miếu chợ với bức đại tự “Nhạc giáng thần”.

Chợ Đông Quy (Tiên Thắng) họp khá đông vui, thu hút nhiều người ở các vùng xung quanh đến họp chợ. Sản phẩm chính cũng vẫn là cá tôm, gà lợn, thóc gạo.

Các phiên chợ sáng có:

Chợ Nhàn (Ninh Duy – Khởi Nghĩa) họp vào lúc 9 giờ sáng. Chợ nhỏ, sản phẩm chủ yếu là tôm cá, thức ăn.

Chợ Lộc Trù (Tiên Thắng), sản phẩm chủ yếu là cá tôm.

Chợ Đầm vốn là chợ Đầm cũ, mới chuyển địa điểm trong những năm chiến tranh chống Mỹ, nay thuộc địa phận Hộ Tứ Ngoại (Đoàn Lập) thực ra họp cả ngày, nhưng đông vui vào buổi sáng.

– ­Chợ Vượn (Đông Ninh – Tiền Minh), chợ nhỏ, chủ yếu bán tôm cá, lờ đó. Chữ Vượn, có khách đi chợ, đã có câu ca vui:

                   “Đi chợ tứ túc (Vượn)

                   Mua con cá tứ túc (cá bò)

                   Về đựng vào bát tứ túc (bát mèo)

                   Mời quan tứ túc xơi (mèo)”

Chợ Bồ Đề (Đông Xuyên Ngoại – Đoàn Lập), bán tôm cá.

Phiên chợ chiều có:

Chợ Xuân Lai (Bạch Đằng) bán nhiều gà lợn, tôm cá, trước đây dùng thuyền có thể đến chợ được vì chợ ở gần đầm Vòng.

Ngoài ra, còn có chợ Chè, chợ Thượng (Khôi Vĩ Thượng – Quang Phục) chợ Xuân Úc, cũng họp vào chiều, có nhiều tôm cá, hoa quả.

c) Chợ họp theo phiên:

Chợ Hòa Bình (Đại Thắng) nằm ở địa phận xóm Hòa Bình và một phố nhỏ. Năm 1947, giặc Pháp xây bốt trên khu vực chợ Mè, một chợ khác được lập ra ở Châm Khê. Chiến tranh kết thúc, chợ chuyển về điểm này và có tên gọi từ đó.

Chợ Hòa Bình một tháng họp 12 phiên vào các ngày 2, 4, 6, 8. Đến họp chợ Hòa Bình là người Kiến Thụy, Tứ Kỳ, Vĩnh Bảo, An Lão, Thanh Hà. Ngoài nông phẩm, tôm cá còn có nhiều hoa quả (vải, nhãn, cam, chanh, mít, chuối).

Cho đến bây giờ, Tiên Lãng hầu như vắng bóng những làng chuyên buôn, bởi nó thiếu khá nhiều yếu tố, trong đó thủ công nghiệp chưa vươn lên để trở thành một ngành kinh tế chính tạo điều kiện và cơ sở cho buôn bán phát triển. Xã thị, với nội dung là một làng thủ công – buôn bán chuyên nghiệp, có chức năng làm kinh tế thành thị chưa xuất hiện ở Tiên Lãng. Những phố lớn, tập trung nhiều người vào các nghề dịch vụ, trao đổi, tách hẳn với cuộc sống đồng ruộng cũng chưa ra đời. Những người buôn bán ở chợ huyện lỵ, sáng vẫn đến chợ nhưng chiều hoặc những khi mùa màng bận rộn, công việc của họ vẫn gắn với nghề nông. Điều kiện để ra đời thị trấn ở Tiên Lãng xuất hiện chậm.

Hoạt động chủ yếu của hệ thống chợ Tiên Lãng vẫn là bán nhanh, bán sớm những sản phẩm làm ra với hình thức bán và mua tại chỗ, bán rong và mua rong. Khoảng vài chục năm gần đây, tình hình này có thay đổi, nhất là ở các chợ lớn trong huyện có đường giao thông thuận tiện như chợ Vàm Láng, chợ Đôi, nhưng tỷ lệ những người buôn chuyến, buôn đường dài là người sở tại không nhiều.

Trong lịch sử, người dân Tiên Lãng chưa có nhu cầu lớn về buôn bán và do đó chưa tạo lập được truyền thống buôn bán. Những điều mà Đồng Khánh địa dư chí lược ghi nhận về tỷ lệ – tính cách của người buôn bán – thương nhân Tiên Lãng chỉ là dựng lại và phản ánh sự bế tắc của kinh tế tiểu nông. Và những thương nhân nghiệp dư ấy vẫn chủ yếu là phụ nữ, buôn thúng bán bưng, xay xáo, vốn liếng không nhiều, ít có điều kiện nay đây mai đó do gánh nặng của đồng ruộng. Đến một lúc nào đó, sự phân công trong xã hội hợp lý về một hệ thống chợ trên toàn bộ huyện như một guồng máy, lúc đó việc buôn bán và hoạt động của chợ búa mới có những đóng góp tích cực vào việc làm thay đổi bộ mặt kinh tế và đời sống của nhân dân Tiên Lãng.

K.Đ.T

  

0