22/06/2018, 09:28

Charles de Gaulle – Cha đẻ nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp

Nguồn : Historic figures, BBC (truy cập ngày 10/5/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh De Gaulle (1890-1970) là một vị tướng quân đội và một chính khách người Pháp. Ông lãnh đạo tổ chức chính trị lưu vong Pháp quốc Tự do trong ...

18.06_general-de-gaulle-jeune_630x420_scaleawidth_630

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 10/5/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh                                        

De Gaulle (1890-1970) là một vị tướng quân đội và một chính khách người Pháp. Ông lãnh đạo tổ chức chính trị lưu vong Pháp quốc Tự do trong Thế chiến thứ hai và thành lập nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp. Tư tưởng chính trị của ông với tên gọi “Chủ nghĩa Gaulle – Gaullism” có tầm ảnh hưởng to lớn với nền chính trị Pháp.

Charles de Gaulle sinh ngày 22 tháng 11 năm 1890 tại thành phố Lille và lớn lên tại Paris, nơi cha ông làm nghề giáo viên. De Gaulle chọn nghiệp quân sự và phục vụ xuất sắc trong quân đội trong Thế chiến thứ nhất.

Trong thập niên 1930 ông viết sách và bài luận về các chủ đề quân sự, chỉ trích Pháp quá phụ thuộc vào Tuyến phòng thủ Maginot[1] ở biên giới với Đức, đồng thời ông tán thành việc sắp xếp đội hình các sư đoàn thiết giáp theo hàng dọc. Những lời kiến nghị của ông bị bác bỏ và đến tháng 6/1940, quân đội Đức dễ dàng tràn qua biên giới nước Pháp. Là thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Chiến tranh, de Gaulle phản đối việc chính phủ Pháp đầu hàng Đức nên ông đã bỏ trốn sang London. Tại đây ông tuyên bố thành lập một chính phủ Pháp lưu vong và trở thành lãnh đạo của lực lượng Pháp quốc Tự do.

Sau khi Paris được giải phóng tháng 8/1944, de Gaulle được chào đón như một người anh hùng tại thủ đô nước Pháp. Trên cương vị tổng thống của chính phủ lâm thời, ông lãnh đạo Pháp dựa trên bản Hiến pháp lập nên nền Đệ tứ Cộng hòa. Tuy nhiên, khi những mong muốn của ông về một chế độ tổng thống mạnh bị lờ đi, de Gaulle đã từ chức. Ông thành lập một đảng mới và nỗ lực thay đổi bối cảnh chính trị Pháp nhưng không thành, và đến năm 1953 ông lại rút khỏi chính trường để về hưu.

Năm 1958, một cuộc cách mạng nổ ra tại thuộc địa Algeria, kết hợp với tình trạng bất ổn nghiêm trọng trong lòng nước Pháp, đã khiến nền Đệ tứ Cộng hòa sụp đổ. De Gaulle trở lại dẫn dắt nước Pháp lần nữa. Là một người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, de Gaulle tìm cách củng cố đất nước về cả kinh tế-tài chính lẫn quân sự. Ông chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân, rút khỏi NATO và phủ quyết sự gia nhập của Anh vào Thị trường chung (tức Cộng đồng kinh tế Châu Âu – ND). Ông cũng trao trả độc lập cho Algeria trước sự phản đối mạnh mẽ từ trong nước và những người Pháp định cư ở Algeria.

Tháng 5/1968, những cuộc biểu tình bạo lực của sinh viên đại học gây rúng động chính quyền de Gaulle. Một cuộc bãi công lớn nổ ra làm tê liệt Pháp và đe dọa đến nền Đệ ngũ Cộng hòa. De Gaulle tổ chức bầu cử và giành được đa số ủng hộ của dân chúng, dập tắt cuộc khủng hoảng. Tháng 4/1969, de Gaulle từ chức tổng thống sau khi thất bại trong một cuộc trưng cầu ý dân về đề xuất cải cách. Ông nghỉ hưu tại nhà riêng ở vùng Colombey-les-Deux-Eglises và qua đời bởi một cơn suy tim vào ngày 9 tháng 11 năm 1970.

————————————————- 

[1] Tuyến phòng thủ Maginot là công trình xây dựng quốc phòng dọc biên giới Pháp-Đức và Pháp-Ý với mục đích bảo vệ lãnh thổ Pháp sau Thế chiến thứ nhất. Tuyến Maginot sẽ làm chậm bước tấn công của quân địch, tạo đủ thời gian để lực lượng từ trung ương kéo ra, đồng thời buộc quân địch phải tấn công nước Bỉ trung lập nếu muốn kéo qua biên giới. Trên thực tế đây là một sai lầm lớn vì năm 1940 Đức vẫn tấn công Bỉ, chọc ngang sườn của tuyến Maginot và tiến sang Pháp dễ dàng. – ND

0