Hệ thống tài chính của nước ta hiện nay
Hệ thống tài chính là tổng thể các mối quan hệ tài chính và các tổ chức bộ máy thực hiện các chức năng tài chính của các chủ thể trong nền kinh tế. Trong nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước , hệ thống tài chính bao gồm các bộ phận hợp thành với ...
Hệ thống tài chính là tổng thể các mối quan hệ tài chính và các tổ chức bộ máy thực hiện các chức năng tài chính của các chủ thể trong nền kinh tế.
Trong nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hệ thống tài chính bao gồm các bộ phận hợp thành với tư cách là các tụ điểm tài chính.
Dưới đây là các yếu tố hợp thành hệ thống tài chính:
a) Ngân sách nhà nước và chính sách tài khoá
– Ngân sách nhà nước:
Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu được của Nhà nước để bảo đảm các khoản chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước.
Trong hệ thống tài chính, ngân sách nhà nước là bộ phận chủ đạo, là điều kiện vật chất quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước do Hiến pháp quy định. Ngân sách nhà nước còn là công cụ quan trọng của Nhà nước có tác dụng điều tiết vĩ mô đời sống kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh- quốc phòng.
Cơ cấu ngân sách nhà nước bao gồm các khoản thu và chi. Các khoản thu gồm có :
+ Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí.
+ Các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước.
+ Các khoản đóng góp của các tổ chức và cá nhân.
+ Các khoản viện trợ.
+ Các khoản do Nhà nước vay để bù đắp bội chi được đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.
+ Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật. Các khoản chi ngân sách nhà nước gồm có:
+ Các khoản chi phát triển kinh tế – xã hội.
+ Các khoản chi bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm hoạt động của bộ máy
nhà nước.
+ Các khoản chi trả nợ của Nhà nước.
+ Các khoản chi dự trữ nhà nước (từ 3% đến 5% tổng số dư).
+ Các khoản chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
– Chính sách tài khoá:
Chính sách tài khoá là chính sách của Nhà nước trong việc huy động các nguồn thu vào ngân sách nhà nước và sử dụng nó trong thời hạn nhất định (thường là 1 năm).
Chính sách tài khoá có tác động đến sản lượng thực tế, đến giải quyết lạm phát và thất nghiệp. Nó cũng có tác động đến việc điều chỉnh nhịp độ phát triển nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng thời kỳ.
Mục tiêu của chính sách tài khoá là bảo đảm các nguồn lực tài chính, tạo môi trường và điều kiện cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Để đạt mục tiêu trên đây, chính sách tài khoá phải xử lý nhiều mối quan hệ, trong đó có những quan hệ (nội dung) cốt lõi. Thông thường giải quyết đúng đắn những quan hệ mâu thuẫn sau đây chính là giải quyết nội dung cốt lõi của chính sách tài khoá:
+ Mâu thuẫn giữa thu và chi ngân sách nhà nước.
+ Mâu thuẫn giữa tập trung vào ngân sách nhà nước với tích luỹ, tích tụ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
+ Mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế với việc thực hiện công bằng xã hội.
b) Tài chính doanh nghiệp
Đây là bộ phận tài chính gắn với các quỹ giá trị phục vụ mục đích phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hoá hay dịch vụ… Sự tạo lập các quỹ này ban đầu có thể dựa vào thị trường tài chính, thu hút vốn qua việc huy động vốn cổ phần hay vay (phát hành trái phiếu, vay ngân hàng). Sau đó, các quỹ giá trị này được bổ sung, tái tạo nhờ sự xuất hiện các nguồn tài chính trong doanh nghiệp thông qua việc phân phối để tạo lập các quỹ bù đắp, các quỹ từ lợi nhuận. Mỗi quỹ giá trị trong doanh nghiệp đều có vai trò nhất định, phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của những người tham gia sản xuất, kinh doanh. Tài chính doanh nghiệp có quan hệ với các bộ phận khác của hệ thống tài chính trong nước. Thí dụ, nó có quan hệ với tài chính hộ gia đình thông qua trả lương, thưởng, lợi tức cổ phần, trái phiếu; với ngân sách nhà nước thông qua nộp thuế; với ngân hàng thông qua các hình thức tín dụng …
c) Tài chính của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính
Hoạt động của các tổ chức này gắn liền với việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ thông qua thu hút các nguồn tài chính nhàn rỗi theo nguyên tắc hoàn trả có thời hạn và có lợi tức. Các quỹ này được các tổ chức tín dụng và công ty tài chính sử dụng cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống.
d) Bảo hiểm
Đây là hình thức tài chính nảy sinh trong việc giải quyết những rủi ro có thể xảy ra trong sản xuất và đời sống xã hội. Hoạt động bảo hiểm được thực hiện thông qua ngành bảo hiểm. Thông qua huy động, nó có tác dụng huy động nguồn vốn lớn qua nhiều đối tượng và nhiều hình thức để cung ứng cho thị trường tài chính.
e) Tài chính hộ gia đình và các tổ chức xã hội
Quỹ tài chính của các hộ gia đình được hình thành từ các thu nhập, tiền lương của các thành viên trong gia đình do lao động sản xuất, kinh doanh, do thừa kế tài sản, quà tặng. Quỹ này trước hết dành cho tiêu dùng và khi có tiền nhàn rỗi sẽ tham gia các quỹ tín dụng, góp cổ phần, mua cổ phiếu, trái phiếu. Một phần trong quỹ này tham gia đóng góp vào ngân sách nhà nước dưới các hình thức thuế và một phần tham gia các quỹ bảo hiểm. Quỹ tài chính của các tổ chức xã hội hiện nay chủ yếu được hình thành bằng tài trợ từ ngân sách nhà nước. Nhưng trong thời gian tới phải dần dần hình thành từ các nguồn như: hội phí, quyên góp ủng hộ của dân cư và các tổ chức, của người nước ngoài. Mục đích của các quỹ này là phục vụ cho các mục tiêu hoạt động của các tổ chức xã hội. Khi một bộ phận quỹ tiền tệ nhàn rỗi, nó có thể tham gia tích cực vào thị trường tài chính theo các hình thức thích hợp.
Việc nghiên cứu các bộ phận khác nhau của hệ thống tài chính trong chương này chỉ dừng lại ở khái niệm, nội dung, sự cần thiết và vai trò, mà không nghiên cứu các hoạt động cụ thể của nó.