25/05/2018, 14:18

Hệ ngôn ngữ Tai-Kadai

, (các tên gọi khác bao gồm: ngữ hệ Tai-Kadai, hệ ngôn ngữ Kradai, ngữ hệ Kradai, hệ ngôn ngữ Thái-Kadai, ngữ hệ Thái-Kadai, ngữ hệ Tráng-Đồng, ngữ hệ Thái-Tạp Đại v.v), là một hệ ngôn ngữ bao gồm khoảng 70 ngôn ngữ tập trung tại Đông Nam Á và miền nam ...

, (các tên gọi khác bao gồm: ngữ hệ Tai-Kadai, hệ ngôn ngữ Kradai, ngữ hệ Kradai, hệ ngôn ngữ Thái-Kadai, ngữ hệ Thái-Kadai, ngữ hệ Tráng-Đồng, ngữ hệ Thái-Tạp Đại v.v), là một hệ ngôn ngữ bao gồm khoảng 70 ngôn ngữ tập trung tại Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Hiện nay ngữ hệ này được coi là bao gồm 5 nhánh chính: ngữ chi Lê (Hlai), ngữ chi Đồng-Thủy (Kam-Sui), ngữ chi Ngật Ương (Kra), ngữ chi Thái (Tai) và tiếng Ông Bối (OngBe hay Bê) với vị trí chưa rõ ràng.

Ngữ hệ Kradai trước đây được coi là một phần của ngữ hệ Hán-Tạng (tại Trung Quốc khi đó gọi là ngữ tộc Tráng-Đồng, ngữ tộc Đồng-Thái, ngữ tộc Tráng-Thái, ngữ tộc Thái hay ngữ tộc Kiềm Thái v.v.), nhưng hiện nay nó được phân loại như là một ngữ hệ độc lập. Ngữ hệ này chứa một lượng lớn các từ cùng gốc với ngữ hệ Hán-Tạng. Tuy nhiên, chúng chỉ được tìm thấy một cách ngẫu nhiên trong mọi nhánh của ngữ hệ này, và không bao gồm từ vựng cơ bản, chỉ ra rằng chúng chỉ là các từ vay mượn từ thời cổ.

Tại Trung Quốc, ngữ hệ này trước đây được gọi là ngữ tộc Tráng-Đồng và nói chung được coi là một phần của ngữ hệ Hán-Tạng cùng với ngữ tộc Miêu-Dao. HIện tại, các học giả về ngôn ngữ học tại Trung Quốc vẫn còn tranh luận về việc liệu các ngôn ngữ trong ngữ chi Ngật Ương như tiếng Ngật Lão, tiếng Pu Péo và tiếng La Chí có thể được gộp trong ngữ hệ Tráng-Đồng hay không, do chúng thiếu các từ cùng gốc Hán-Tạng, một điều kiện để gộp các ngôn ngữ Tráng-Đồng khác trong ngữ hệ Hán-Tạng.

Một vài học giả phương Tây tin rằng ngữ hệ Kradai có liên quan tới hay là một nhánh của ngữ hệ Nam Đảo (Austronesia), trong một ngữ hệ được gọi là ngữ hệ Úc-Thái (Austro-Tai). Ở đây có một lượng đáng kể nhưng hạn chế các từ cùng gốc trong từ vựng cốt lõi. Vẫn chưa có sự đồng thuận về việc chúng là nhánh ngôn ngữ Nam Đảo trên đại lục, được di cư ngược từ Đài Loan vào đại lục hay chúng là sự di cư muộn hơn từ Philippines tới Hải Nam trong thời kỳ mở rộng của ngữ hệ Nam Đảo.

Ngữ hệ Kradai bao gồm 5 nhánh được thiết lập khá vững chắc, bao gồm 4 ngữ chi là Lê (Hlai), Ngật Ương (Kra), Đồng-Thủy (Kam-Sui), Thái (Tai) và tiếng Ông Bối (Ong Be/Bê):

* Tiếng Ông Bối (OngBe/Bê) hay phương ngữ Lâm Cao (Hải Nam)

* Ngữ chi Ngật Ương hay Tạp Đại trong tiếng Trung (Kra) (gọi là Kadai trong Ethnologue)

* Ngữ chi Đồng-Thủy (Kam-Sui): Trung Hoa đại lục.

* Ngữ chi Lê (Hlai): Hải Nam.

* Ngữ chi Thái (Tai): Hoa Nam và Đông Nam Á.

Dựa trên một lượng lớn từ vựng mà các ngôn ngữ trong ngữ hệ chia sẻ, các nhánh Kam-Sui, Be, Tai thường được gộp cùng nhau. (Xem ngữ tộc Đồng-Thái (hay Kam-Tai)). Tuy nhiên, nó cũng chỉ là chứng cứ phủ định, có lẽ là do sự thay thế từ vựng học ở các nhánh khác, và các nét tương đồng hình thái học gợi ý rằng Kra và Kam-Sui nên gộp cùng nhau như là nhánh Bắc Kradai, còn Hlai và Tai như là nhánh Nam Kradai.

Vị trí của tiếng Ông Bối trong đề xuất này là chưa xác định.

Nghiên cứu trên 100 quần thể dân cư Đông Á, bao gồm 30 các quần thể dân cư nói các tiếng Kradai đã đạt được các kết luận sau:

Thứ nhất, các quần thể dân cư nói các tiếng Kradai có một lượng lớn các điểm tương đồng di truyền học mặc dù sự pha trộn với cư dân bản địa khu vực đã xảy ra sau sự mở rộng của nó.

Thứ hai, một tỷ lệ đáng kể dân cư miền nam Trung Quốc có các dấu hiệu của dân cư nói các tiếng Kradai.

Thứ ba, thổ dân Đài Loan trông tương tự như các quần thể dân cư nói các tiếng Kradai hơn là giống các quần thể dân cư Austronesia khác, chẳng hạn như người Mã Lai-Polynesia.

Thứ tư, việc tập trung thành cụm của các quần thể dân cư nói các tiếng Kradai tương ứng khá tốt với sự phân chia dựa theo các điểm tương đồng di truyền học, chỉ ra rằng chỉ một luồng gen hạn chế giữa họ sau khi có sự chia tách của các quần thể dân cư này.

Các quần thể dân cư nói các tiếng Kradai có nguồn gốc từ phần phía nam Đông Á và sau đó đã di cư về phía bắc và phía đông với nhánh Kam-Sui có lẽ là cổ nhất.

0