03/06/2017, 22:56

Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện ấy (Bài 6)

Hôm ấy ở trên lớp, tôi được học bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Bài thơ thật hay và ý nghĩa. Nó nhanh chóng chiếm được thiện cảm trong tôi. Buổi tối, tôi lấy sách ra học thuộc bài thơ. Đọc mãi... đọc mãi... tôi bỗng ngáp dài. Tôi thiếp đi, chìm vào giấc ngủ. Và tôi ...

Hôm ấy ở trên lớp, tôi được học bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Bài thơ thật hay và ý nghĩa. Nó nhanh chóng chiếm được thiện cảm trong tôi. Buổi tối, tôi lấy sách ra học thuộc bài thơ. Đọc mãi... đọc mãi... tôi bỗng ngáp dài. Tôi thiếp đi, chìm vào giấc ngủ. Và tôi đã mơ, một giấc mơ thật kì lạ.

Giấc mơ đưa tôi đến một khu rừng thật heo hút., xa lạ. Nơi đây mới vắng vẻ làm sao. Tôi giật mình ngơ ngác bởi không gian của khói đen mù mịt và những ngọn lửa cháy bập bùng nơi xa tít. Không biết đây là đâu mà xa lạ vậy? Trái tim tôi như hoang mang, lo sợ. Tôi giật bắn người khi có một bàn tay chắc nịch đặt lên vai tôi. Tôi quay người lại. Trước mắt tôi là môt chú bộ đôi ăn vận với ngôi sao trên mũ và quân hàm trên vai. Chú có nước da bánh mật khuôn mặt vuông vắn và đầy nghiêm nghị. Chú hỏi tôi với giọng nói ân cần: “Cháu đi đâu mà lạc vào rừng Trường Sơn lửa đạn? Nơi chỉ dành cho chiến tranh, cho cuộc hành quân thần tốc?”

Tôi trả lời chú: “Cháu chẳng biết đây là đâu cả. Mong chú giúp cháu trở về. Nhưng... hình như cháu đã gặp chú ở đâu rồi hay sao mà nhìn chú quen thế?”

Chú mỉm cười và nói: “Chú là Phạm Quốc Khánh, là người lính lái xe trong tiểu đội xe Trường Sơn. Nhiệm vụ của các chú là chuyên chở lương thực, vũ khí? đạn dược và cả con người nữa để chi viện cho miền Nam chống Mĩ. Cháu nhìn quang cảnh nơi đây mà xem, những cảnh rừng bạt ngàn màu xanh nay đã trở thành xơ xác. Những thân cây dưới bom đạn nằm lăn lóc. Những hố bom khổng lồ - vết tích của chiến tranh. Và cháu hãy hướng con mắt về phía đằng xa kia, cháu sẽ thấy đoàn xe của các chú đang tạm nghỉ cho các đồng chí sinh hoạt bữa tối.”

Chú ấy dẫn tôi từ từ tiến đến đoàn xe. Tôi lễ phép chào hỏi các chú bộ đội, Tất cả mọi ugười cười nói vui vẻ và ngồi xuống mời tôi cùng ăn bữa tối. Sau bữa ăn, tôi được chú Khánh đưa tôi đi quan sát những chiếc xe. Tôi nhận ra ngay cửa kính của những chiếc xe đã vỡ nát, chúng dường như biến dạng, tôi liền hỏi: “Sao xe lại không có kính và biến dạng vậy chú?”

Chú liền trả lời tôi: “Tất cả đều là hậu quả của chiến tranh. Bom Mĩ đã làm vỡ kính xe, làm những chiếc xe bị hủy hoại.”

Tôi hỏi lại ngay: “Vậy là công việc của các chú rất vất vả, nhọc nhằn. Các chú chắc hẳn gặp nhiều khó khăn lắm?”

“Đúng thế. Không có kính đi đường rất bụi, ai nhìn tóc cũng trắng như người già vậy - chú vừa nói vừa mỉm cười - nhưng các chú vẫn cùng châm điếu thuốc, nhìn khuôn mặt lấm lem của nhau mà cười.”

Và chú kể tiếp sự vất vả cùa những ngày mưa: “Những ngày có mưa mới cực. Mưa rất xối xả vào buồng lái. Các chú ai nấy đều ướt sũng hết cả. Nhưng các chú không chịu đầu hàng, các chú vẫn lái xe. Rồi mưa sẽ qua, quần áo khô lại nhanh thôi mà.” Nói đến đây tôi thấy thương các chú quá. Ngày ngày các chú vẫn kiên trì lái xe chi viện cho miền Nam bất kể mưa hay nắng. Các chú đã quá vất vả, gian lao. Tôi đang suy nghĩ thì chú nói tiếp: “Tuy vất vả nhưng chú vẫn thấy hạnh phúc khi được sống, được chiến đấu với các đồng đội của mình. Những chiếc xe vượt qua bom đạn đã hội tụ về đây. Bạn bè các chú bắt tay nhau cũng là qua ô cửa kính đã vỡ rồi. Các chú dùng bếp ăn, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Những ngày tháng mắc võng chông chênh giữa rừng, làm sao chú quên được? Các chú vẫn đi, bầu trời như rộng mở.”

Tôi đi vòng quanh ngắm nghía những chiếc xe. Xe không có đèn, không có mui, rồi thùng xe xước. Tôi hỏi chú Khánh: “Những chiếc xe đã hỏng quá rồi, chú nhỉ?”

“Ừ! Khó khăn là vậy nhưng các chú vẫn không nề hà- chú nói, ánh mắt sáng lên niềm tin và hi vọng. Các chú vẫn cứ đi, vì miền Nam, vì thống nhất đất nước. Chỉ cần quyết tâm, các chú sẽ vượt lên tất cả, hoàn thanh tốt nhiệm vụ của mình.”

Nói đến đây, tôi không cầm được lòng mình. Tôi chạy tới, ôm chầm lấy chú:" Các chú thật kiên cường! Cháu rất khâm phục các chú. Vượt lên tất cả, các chú luôn lo cho đát nước. Thất đáng tự hào vì các chú. Chúng ta nhất định sẽ thắng lợi, chú ạ."

Chú nắm chặt lấy tay tôi:" Chắc chắn là như vậy. Đát nước sẽ sớm hòa bình cháu ạ."

Vừa nói đến đây, tiếng gọi của mẹ làm tôi thức giấc:" Học xong chưa? Tắt điện ngủ thôi con!"

Tôi choàng tỉnh giấc. Tôi nghĩ lại về giấc mơ của mình. Tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp của bàn tay chú Khanh khi chú nắm tay tôi. Câu chuyện thật hay va cảm động.

Qua giấc mơ, tôi như hiểu thêm về những ngườ lính bộ độ cụ hồ anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Con người Việt Nam là vậy: Không bao giờ khuất phục trước chiến tranh. Tôi nghĩ về mình. Tôi cũng phải như các chú ấy, luôn cống hiến hết mình cho đất nước. Tôi sẽ cố gắng học tập để noi gương các chú, đưa dất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, như lời Bác đã dạy.

0