04/06/2017, 23:51

Hãy phân tích bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu để làm sáng tỏ ý kiến sau đây: Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt ... Khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết".

Bàn về thơ Xuân Diệu, Hoài Thanh đã khẳng định : "Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, cuống quýt, muốn tận hướng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn người đều ...

Bàn về thơ Xuân Diệu, Hoài Thanh đã khẳng định : "Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, cuống quýt, muốn tận hướng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết”.

Với những ý tưởng và phong cách thơ độc đáo, Xuân Diệu đã trở thành một tác giả nổi bật nhất của phong trào Thơ mới. Nhà phê bình Hoài Thanh đã viết về ông trong cuốn Thi nhân Việt Nam “Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết”. Trong những thi phẩm của Xuân Diệu, bài thơ Vội vàng chính là một minh chứng rõ nét nhất cho nhận xét trên.

Những năm 30, Thơ mới ra đời và thực sự đã thắng thế trên văn đàn. Thế nhưng phải chờ đến Xuân Diệu, người đọc mới được biết “một nhà Thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới”. Sự xuất hiện của ông cùng với những “thiết tha, rạo rực, băn khoăn” đã làm nên “một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”.
 
Trong cảm nhận của Xuân Diệu, hiện thực cuộc sống luôn tràn đầy sắc màu, âm thanh và hương vị:
 
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
 
Nhà thơ như muốn đoạt quyền của Tạo hóa : tắt nắng, buộc gió.
 
Thiết tha yêu cuộc đời, Xuân Diệu muốn giữ cho hương sắc còn mãi với thời gian. Những vẻ đẹp của sắc hoa, của “đồng nội xanh rì”, của lá cành phơ phất trong gió nhẹ chính là “thiên đường trên mặt đất”, là thế giới của mùa xuân và tình yêu :
 
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
 
Bút pháp nghệ thuật đặc sắc đã làm cho cái thế giới mà Xuân Diệu gọi là “sự sống mơn mởn” thêm sống động biết bao. Những liệt kê, nhấn mạnh đến năm lần chữ “này đây” cho thấy một cảm nhận phong phú, dồi dào, vô tận của vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời. Những liên từ được dùng liên tiếp trong đoạn thơ cũng như trong toàn bài “Và này đây ánh sáng chớp hàng ”, “non nước cây và cỏ rạng ”tạo một nhịp điệu nhanh, dồn dập biểu hiện của niềm yêu sống không kiềm chế được. Xuân Diệu đã kể ra những vẻ đẹp của cuộc đời với một tình cảm yêu dấu thiết tha. Ngày tháng trong con mắt của thi nhân trở thành những “tuần tháng mật”, và những âm thanh của thiên nhiên được thể hiện như những “khúc tình si”. Vẻ đẹp của đất trời, của mùa xuân, tình yêu khiến tâm hồn thi nhân càng say đắm. Cảnh bình minh hiện lên thật độc đáo qua dáng vẻ người thiếu nữ với hàng mi dài: “ánh sáng chớp hàng mi”. Xuân Diệu đã có một sự sáng tạo mới lạ trong hình tượng thơ ấy với cảm nhận “Rặng mi dài xao động ánh dương vui”. Thiếu nữ chớp hàng mi và tỏa ra muôn luồng ánh sáng, cũng giống như hình ảnh “rặng liễu" ven hồ trong “Đây mùa thu tới" là vẻ đẹp của thiếu nữ với mái tóc buồn buông xõa. Trong không khí tình ái với “tuần tháng mật”, “Khúc tình si” và cả hàng mi dài của người thiếu nữ, hình ảnh so sánh “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” đã cho người đọc những ấn tượng mạnh mẽ. Câu thơ thật gợi cảm cho thấy một cái nhìn đê mê, say đắm, tình tứ trước vẻ đẹp của cuộc đời. Yêu tha thiết vẻ đẹp của mùa xuân đất trời, của tuổi trẻ, hạnh phúc nên ta hiểu vì sao Xuân Diệu có ý tướng đoạt lấy sự sống, như chạy đua với thời gian : “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa – Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
 
Thi nhân yêu cuộc đời tha thiết như vậy nhưng bỗng nhận ra bao điều nghịch lí. Dấu chấm giữa dòng thơ với một giá trị biểu cảm đặc sắc cho thấy bao sững sờ, ngơ ngác của nhân vật trữ tình khi nhận ra những gì là tương phản, trớ trêu giữa “tôi” và cuộc đời:

Lòng tôi rộng nhưng lượng cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian.
 
“Tôi” muốn yêu cuộc đời mãi mãi nhưng cuộc đời con người lại có giới hạn, cái giới hạn nghiệt ngã “Trắm năm trong cõi người ta”. Mùa xuân của trời đất thì tuần hoàn, còn mùa xuân của tuổi trẻ thì trớ trêu thay “Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi. Cuộc sống là vĩnh cửu nhưng con người, tuổi trẻ lại chẳng còn mãi. Những đối nghịch ấy khiến cho thi nhân có cảm nhận về thời gian thật độc đáo:
 
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.
 
Ý thức mạnh mẽ về bước đi gấp gáp của thời gian,. Xuân Diệu càng có cảm nhận rõ hơn về sự chia phôi giữa cái “còn” và cái “chẳng còn”: “Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi”.
 
Thời gian đã cướp đi tuổi trẻ, hủy hoại sự sống đẹp đẽ và tình tứ này bởi "Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”. Thời gian đem đến sự chia lìa “sớm vị chia phôi”, “than thầm tiễn biệt”, những tiếng chim rộn ràng với “cơn gió xinh” và lá biếc cũng câm lặng, tàn phai theo năm tháng. Cái “thiên đường trên mặt đất” của thi nhân đang tràn ngập hương sắc như thế bỗng trở nên ngừng bặt khiến tâm hồn “say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời” của thi nhân phải nghẹn ngào thốt lên "Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa”. Những ám ảnh thời gian ấy đã thôi thúc Xuân Diệu, ông không thể "chờ nắng hạ mới hoài xuân" mà “vội vàng, cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình”, muốn sống một cách cao độ, mạnh mẽ mỗi phút giây của tuổi thanh xuân. Hãy “mau đi thôi” trong lúc mùa thời gian “chưa ngả chiều hôm”, Trong cảm hứng mới này nhân vật trữ tình chuyển từ cách xưng “tôi” sang “ta” như muốn vượt thoát, bứt ra khỏi giới hạn của chữ “tôi” chật chội, để trở thành một “ta” khổng lồ sánh cùng trời đất. Chẳng qua đó cũng là một thái độ dứt khoát nhưng cũng thật tham lam, cuống quýt muốn đoạt lấy sự sống trong mọi chiều kích :
 
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước và cây và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi.
 
Nếu ở đoạn đầu hai chữ “này đây” cứ trở đi trở lại đến năm lần thì ở những dòng thơ trên lặp lại điệp từ “muốn” như tạo một sự tương ứng. “Ta muốn” đó là sự sống mở, vụt lớn, kiêu hãnh, tự tin thấy mình được quyền đòi hỏi, được quyền khẳng định. Thái độ ấy, tâm trạng ấy chỉ có ở thơ mới và đặc biệt mạnh mẽ trong thơ Xuân Diệu, trong khi ở “chốn nước non lặng lẽ” của những năm đầu thế kỉ XX không thể có được và “chưa từng thấy” bao giờ. Những động từ được sử dụng với tần số lớn và theo chiều hướng tăng tiến : “ôm”, "riết ", "thâu”, rồi lên tới đỉnh điểm:   “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào người!”. Trạng thái tình cảm sôi nổi, khao khát, dồn dập thể hiện niềm “khát khao giao cảm với đời” của tác giả mỗi lúc một mạnh mẽ. Tinh yêu cuộc đời, mong muốn được “tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi” của Xuân Diệu cũng tăng lên từ “chếnh choáng”, “đã đầy” và cuối cùng là “no nê”. “Ta thấy cả nỗi cuống quýt, sáng sốt của thi nhân như với lấy nhũng giây phút đã qua, bám lấy bầu xuân hồng”. Nhận xét của nhà thơ Thế Lữ đã cho ta rõ hơn tình cảm thiết tha của Xuân Diệu dành cho cuộc đời, một niềm yêu thương, gắn bó cực kì mạnh mẽ.
 
Bằng niềm yêu sống và “khát khao giao cảm với đời”, Xuân Diệu đã tuyên chiến với những “ao đời” phẳng lặng và tù túng. Ông đã làm nên một cái Tôi cá nhân sống động không lẫn vào bất kì ai. “Ông là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy” trước đó, ở thời điểm đó, và mãi về sau.

Gregoryquary

0 chủ đề

23832 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0