21/02/2018, 09:39

Hãy cùng bàn về một kỹ năng sống

– Bài làm 1 Kỹ năng sống là thước đo, cũng là động lực để mỗi người trong chúng ta có thể tự giúp bản thân hoàn thiện hơn qua từng ngày. Kỹ năng sống mỗi người có thể thay đổi theo thời gian nhưng sẽ là thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Xã hội đã và đang ngày càng phát ...

– Bài làm 1

Kỹ năng sống là thước đo, cũng là động lực để mỗi người trong chúng ta có thể tự giúp bản thân hoàn thiện hơn qua từng ngày. Kỹ năng sống mỗi người có thể thay đổi theo thời gian nhưng sẽ là thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Xã hội đã và đang ngày càng phát triển, vì thế mà việc trau dồi và rèn luyện kĩ năng sống sẽ giúp cho mỗi người cảm thấy tự tin hơn và giúp hòa nhập với cộng đồng tốt hơn. Trong đó rèn luyện ấy, sự thích nghi chính là một trong những kĩ năng vô cùng quan trọng, nó làm đòn bẩy để chúng ta có thể phát triển hơn.

Kĩ năng sống thích nghi là một trong những kĩ năng quan trọng giúp cho mỗi người chúng ta có thể sống tự tin, và sống lành mạnh ở bất cứ môi trường nào. Nhất là đối với thế hệ trẻ ngày nay thì sự thích nghi lại càng trở nên cần thiết và cấp bách, chính vì vậy mỗi người trẻ lại càng cần phải rèn luyện thường xuyên hơn.

Sự thích nghi của mỗi người được thể hiện ở việc có thể thích nghi với môi trường sống hay không? Có thể thích nghi với những con người mới, những công việc mới, hay những suy nghĩ mới hay không?…Bởi vì chúng ta đều không bao giờ chỉ sống trong một môi trường duy nhất, chỉ tiếp xúc với những người đã thân quen. Ai ai cũng đều có lúc phải trường thành, phải tự lập và phải làm việc. Chính lúc đó sẽ phải thay đổi môi trường sống, và phải tiếp xúc nhiều hơn với những người khác. Kỹ năng sống, kỹ năng thích nghi trong thời gian này chính là điều cần thiết và cần phải phát huy nhiều hơn nữa. Bởi, nếu ta không thích nghi được thì sẽ không thể hòa nhập được cũng như bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội.

Đối với thế hệ trẻ ngày nay, việc thích nghi không những có thể giúp cho họ mở thêm được nhiều mối quan hệ mới,  được cọ xát tiếp xúc với nhiều người ở mọi tầng lớp mà còn là nâng cao sự tự tin cho bản thân. Tự tin đó là điều mà xã hội đang rất cần ở những người trẻ. Bởi vì sự tự tin cũng chính là một trong những biểu hiện của sự thích nghi trước bất kỳ hoàn cảnh, môi trường sống nào.

Trước đây, tôi đã từng quen biết một cô bé đang chuẩn bị bước vào lớp 10. Em cùng gia đình chuyển vào miền nam sinh sống, học tập. Tại đây, em đã phải bắt đầu làm quen với môi trường sống mới, làm quen với trường học và các bạn bè mới. Em tính vốn nhút nhát, rất ngại giao tiếp, ngại va chạm. Nhưng cũng chính nhờ được sự động viên, khích lệ từ gia đình, mọi người mà em đã dần dần thích nghi được với môi trường sống mới, nhờ vậy mà càng ngày em càng hòa đồng hơn với các bạn, với mọi người xung quanh và trở thành một người năng động. Chính nhờ sự thích nghi đã giúp cô bé biến từ một người nhút nhát trở thành một người đầy tự tin hơn.

Trường đại học, cao đẳng hay là trung cấp sẽ là nơi mà tất cả mọi bạn sinh viên khi mới bước chân vào đều cần phải học những kỹ năng thích nghi với môi trường mới đầy tính tự giác. Đây là môi môi trường sẽ hoàn toàn khác so với trước đó, nếu bạn không thể thích nghi được thì sẽ mãi mãi cũng chỉ dẫm chân tại chỗ, không có ý chí, không có nổi lập trường cho riêng mình, tất cả những điều đó sẽ dẫn tới việc sống không hòa đồng và khó để phát triển bản thân. Mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thiện tốt hơn những kĩ năng thích nghi này, hoàn thiện bản thân qua từng ngày.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu kĩ năng sống thích nghi theo nghĩa tích cực, cần chọn lựa những môi trường, những con người phù hợp, và tốt cho bản thân mình thì hòa đồng. Tuyệt đối không thích nghi với những thứ không lành mạnh, những thứ xấu xa có thể trực tiếp khiến cho bản thân rơi vào những sa ngã, cám dỗ. Bởi vậy, kĩ năng thích nghi cũng có nghĩa là phải biết cách nên, hay không nên thích nghi với môi trường nào. Nếu nắm vững được những kỹ năng này thì chúng ta không còn ai sợ lạc lõng và đi vào con đường sai lầm.

Sự thích nghi chính là cái đà, lực đẩy giúp tạo nên sự thành công cho mỗi người. Bởi một khi thích nghi được, chúng ta sẽ nhanh chóng tiếp thu được thêm nhiều kiến thức mới và cùng nhiều những kĩ năng khác từ mọi người, từ nhiều môi trường.

Đặc biệt sự cần thiết của kĩ năng thích nghi trong thời đại hiện nay lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Nó sẽ làm nên sự tự tin, ham học hỏi, ham tìm hiểu, có thể thích nghi với bất kỳ hoàn nào khó khăn nào đi chăng nữa. Thích nghi sẽ giúp chung ta có thể vượt qua chính bản thân mình.

Kí năng sống thích nghi không dành riêng cho bất kì ai, nhưng đối với thế hệ trẻ, tương lai của đất nước thì nó càng cần được xem trọng và rèn luyện thường xuyên hơn. Như thế chúng ta mới có thể tự tin, hòa đồng và dám làm, dám nghĩ đến những điều tưởng chừng rất khó.

– Bài làm 2

Đi đến nơi nào lời chào đi trước Lời chào dẫn bước con đường bớt xa Mỗi người chúng ta, trong hành trình đầy chông gai của đường đời, rất cần có cho mình những kĩ năng sống, làm hành trang để chiếm lĩnh thành công, hạnh phúc và những giá trị đích thực của cuộc sống. Bàn về kĩ năng sống có thể có rất nhiều, song có một nét đẹp trong giao lưu ứng xử hằng ngày lại rất đáng để chúng ta lưu tâm và bàn luận. Đó là lời chào. Từ thuở còn thơ, khi cắp sách đến trường tiểu học, ta đã được học câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đó là bài học đầu đời, được đề bảng gắn trong từng lớp học. Người Á Đông chúng ta coi trọng lễ nghĩa, trong đó lời chào hỏi là một vấn đề hết sức quan trọng. Người Trung Quốc còn phân biệt nhiều cách chào với sắc thái trang trọng hay thân mật khác nhau.

Ví dụ với người lớn hơn hay người lần đầu mới gặp thì câu chào thông thường là “chào ông”, “chào chị”. Còn khi đã quen thân hay ngang hàng thì lời chào chuyển sang sắc thái quan tâm, gần gũi: “Đang ăn cơm à?”; “Cả nhà đang làm gì đấy?” hay “Cậu đọc sách à?”… Ông bà ta thì từ xưa đã có câu dặn “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Đối với người gặp lần đầu thì lời chào là khởi đầu câu chuyện, khiến hai người lạ bỗng trở nên thoải mái, dễ gần hơn.

Đối vơi người trong nhà hay người đã quen thân thì gặp nhau cất lời thăm hỏi, hay chỉ là mỉm cười chào nhau, sẽ làm tình cảm thêm thắt chặt, gắn bó. Một lời chào lễ phép, lịch sự qua điện thoại: “Cháu chào bác, bác cho cháu gặp bạn… có được không ạ?” sẽ làm ấm lòng người nghe. Trẻ nhỏ biết vòng tay, cúi đầu chào ông bà, cha mẹ, chào khách đến nhà. Đứa bé từ khi vừa bi bô tập nói đã được học tiếng “ạ!”, học cách vẫy tay chào. Còn gì đẹp hơn những truyên thống từ ngàn đời ấy? Đó là biểu hiện cho lễ nghi, văn hóa của một con người, và sự tôn trọng, tình cảm của mình với mọi người xung quanh. Công dụng của nó thì tự bản thân ta đã thấy rõ. Ấy vậy mà, không ít bạn trẻ ngày nay lại thờ ơ, bỏ quên truyền thống quý báu ấy.

Có quan niệm cho rằng gặp nhau phải nề hà, chào hỏi, thì thật là khách sáo quá. Hàng xóm, bạn bè, người trong nhà gặp nhau chan chát mỗi ngày. Chào làm chi nữa cho mệt, phiền phức. Lại có người có cảm giác phải chào hỏi người khác trước thì như phải hạ thấp mình. Thậm chí còn có ý kiến: Người miền Nam sống cởi mở, phóng khoáng quen rồi, đâu cần phải lề lối, khuôn phép như người miền Bắc. Quan niệm, suy nghĩ như vậy có đúng không? Xin kể cho các bạn nghe câu chuyện cười ra nước mắt thế này: Một cụ già 85 tuổi kể lại. Có lần, cụ ra ngõ, gặp một cháu bé mặt mũi sáng sủa, ông cụ cất lời chào trước: “Ông chào cháu!" Thằng bé chợt ngạc nhiên, đứng trân người. Rồi nó chạy ù đi, nói với lũ bạn gần đó: “Lão già ngoan quá mày ạ! Lão vừa chào tao đấy!” Ông cụ đứng lặng người, không biết phải nghĩ sao. Hay như một người đến nhà bạn mình chơi, lễ phép cất lời chào hỏi cả nhà. Thì ngạc nhiên thay, cả gia đình họ ngơ ngác, giương mắt lên nhìn như thể người này vừa từ trên trời rơi xuống, khiến anh ta vừa ngượng vừa giận vì chào hỏi mà không được đáp lại một tiếng. Anh bạn anh ta ra bảo nhỏ: “Tại vì ở đây người ta ít chào hỏi như cậu vậy lắm. Lần sau cậu đến cứ tự nhiên là được”. Không hiểu là phải tự nhiên thế nào khi vào nhà người khác mà không chào hỏi? Lời chào và người thực hiện hành vi đẹp đẽ đó bị xem như vật thể lạ còn điều bất lịch sự lại coi như bình thường. Như vậy là, có những người không chỉ đánh rơi lời chào mà thậm chí còn quên bẵng nó trong cách ứng xử hằng ngày.

Lời chào nếu được cất lên bởi tấm lòng chân thành, thái độ niềm nở thì tác dụng mà nó đem lại là vô cùng to lớn chứ đâu phải là khuôn sáo, câu nệ. Nếu bảo chào hỏi người khác trước là hạ thấp mình thì lại càng không phải. Đó là những suy nghĩ hết sức thiển cận. Trừ trường hợp người nhỏ phải chào người lớn trước để thể hiện thái độ tôn kính, còn lại lời chào được phát ra tự nhiên, do bản năng được giáo dục của con người, chớ làm gì có chuyện đùn đẩy ai là người chào trước. Do có suy nghĩ sai lệch như vậy nên bạn bè gặp nhau lâu ngày mà mặt trơ như đá, không một nụ cười, không lời hỏi thăm. Lỡ mình chào nó mà nó không chào lại thì sao? Chừng nào nó hỏi mình trước thì mình hỏi lại, không thì thôi. Ai cũng nghĩ thế, vậy là nhạt nhẽo, xa cách luôn… Còn nói người Nam sống phóng túng, cởi mở, ít cần chào hỏi thì chỉ là lối nói biện hộ cho sự lãng quên, phớt lờ truyền thống dân tộc, không muốn thay đổi. Sống phóng túng, cởi mở thì không phải là không thể cất lời chào. Thậm chí lời chào ở đây còn là biểu trưng cho sự gần gũi, giao lưu, dễ hòa nhập giữa người với người. Đâu phải người miền Bắc nào cũng biết chào hỏi còn người miền Nam vì sống phóng khoáng nên “không cần” có lời chào? Nếu lời chào không có những tác dụng tuyệt vời của nó thì tại sao người đi phỏng vấn cần phải có lời chào lịch sự, ánh nhìn thân thiện để gây cảm tình với người phỏng vấn mình? Tại sao các cô gái dự thi Hoa hậu Thế giới thường nói lời chào bằng tiếng của nhân dân nước đăng cai tổ chức? Người ngoại quốc sang nước ta, không biết nói tiếng ta, chỉ cần nói được câu chào thì người nghe là ta đã thấy vui trong lòng rồi. vả lại, chào hỏi lẫn nhau là một vẻ đẹp lịch sự, duyên dáng, văn minh của con người trong cách ứng xử, là nét đẹp tinh hoa của thuần phong mỹ tục Việt Nam và toàn thế giới, đâu có riêng cho vùng miền, đất nước nào? Lời chào, như một đoa hồng đẹp rực rỡ, một ánh lửa ấm truyền từ trái tim đến trái tim. Cuộc sống có nhiều điều giản dị nhưng lại muôn phần quý báu, sức mạnh thuộc về kẻ biết nhận ra, hiểu rõ và nắm lấy nó. Chúng ta những ai sắp bước vào đời hay đã và đang bôn ba trên đường đời hãy kịp nhận ra một hành trang tinh thần vô giá, cất lưu vào tiềm thức để biết cách sống đẹp…

0