Harry S. Truman – Tổng thống định hình Chiến tranh Lạnh
Nguồn : Historic figures, BBC (truy cập ngày 27/6/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Harry S. Truman là tổng thống thứ 33 của nước Mỹ. Nhiệm kỳ của ông trải qua giai đoạn kết thúc Thế chiến thứ hai, gồm cả vụ ném bom nguyên tử ở Nhật Bản và những thách thức mới của cuộc ...
Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 27/6/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Harry S. Truman là tổng thống thứ 33 của nước Mỹ. Nhiệm kỳ của ông trải qua giai đoạn kết thúc Thế chiến thứ hai, gồm cả vụ ném bom nguyên tử ở Nhật Bản và những thách thức mới của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Harry Truman sinh ngày 8 tháng 5 năm 1884 tại Lamar, Missouri. Sau khi rời trường học, ông làm các công việc văn phòng và cả việc đồng áng. Năm 1917, ông gia nhập Quân đội Hoa Kỳ và chiến đấu trong Thế chiến thứ nhất. Năm 1919 ông trở về quê nhà và kết hôn với Bess Wallace. Họ có với nhau một người con gái.
Năm 1923, ông được bổ nhiệm làm thẩm phán tại Hạt Jackson, một chức vụ chủ yếu chuyên về hành chính. Trong thời gian rảnh rỗi ông theo học tại trường Luật thành phố Kansas. Ông tích cực tham gia hoạt động chính trị của đảng Dân chủ tại Missouri, được bầu vào thượng viện năm 1934 và tái đắc cử năm 1940. Năm 1941, ông đứng đầu Ủy ban Truman điều tra hành vi lãng phí và gian lận trong chương trình quốc phòng của Mỹ. Cuộc điều tra tiết kiệm được số tiền ước tính khoảng 15 tỉ đô la và Truman trở thành một nhân vật tầm cỡ quốc gia.
Năm 1944, Franklin Roosevelt chỉ định Truman làm phó tổng thống. Tháng 4/1945, khi Thế chiến thứ hai dần đi đến kết thúc, Roosevelt qua đời và Truman trở thành tổng thống. Mặc dù có rất ít sự chuẩn bị, ông phải gánh vác những trọng trách lớn trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến, bao gồm việc cho phép thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, và sắp xếp lại thế giới thời hậu chiến. Hai tháng sau khi nhậm chức, Truman chứng kiến bản Hiến chương Liên Hiệp quốc được ký.
Do những bất đồng trong nội bộ đảng Dân chủ và việc đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát quốc hội, Truman không thể đạt được nhiều mục tiêu đối nội ngay sau chiến tranh. Về chính sách đối ngoại, ông đối đầu với mối đe dọa ngày càng lớn từ Liên Xô. Ông ban hành học thuyết Truman nhằm khẳng định Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho bất kỳ quốc gia tự do nào bị đe dọa bởi chủ nghĩa Cộng sản. Truman tiến hành Kế hoạch Marshall và dành 13 tỉ đô la tái thiết Châu Âu. Khi Liên Xô phong tỏa khu vực phía tây Berlin vào mùa hè năm 1948, Truman chỉ đạo một cuộc tiếp tế lớn bằng đường hàng không cho tới khi Liên Xô xuống nước. Nỗi lo sợ chủ nghĩa cộng sản lan rộng khắp Châu Âu đã dẫn tới sự thành lập của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1949 – một liên minh quốc phòng giữa các quốc gia Tây Âu, Canada và Hoa Kỳ.
Truman dự đoán mình sẽ thua cuộc bầu cử tổng thống năm 1948 bởi các hoạt động thúc đẩy quyền công dân của ông đã làm mất lòng nhiều cử tri đảng Dân chủ ở miền nam. Tuy nhiên, ông tái đắc cử và nhiệm kỳ thứ hai của ông lại bị bao trùm bởi các vấn đề chính sách đối ngoại. Mùa hè năm 1950, Truman đã chỉ đạo Mỹ can thiệp quân sự vào Chiến tranh Triều Tiên.
Truman rời khỏi chính trường năm 1952 và qua đời tại thành phố Kansas vào ngày 26 tháng 12 năm 1972.