Hạn chế của chiến lược thay thế nhập khẩu
Những hạn chế của chiến lược hướng nội là xuất phát từ phạm vi áp dụng của nó và yêu cầu để thực hiện chiến lược này có hiệu quả. Khi đối tượng áp dụng cho chiến lược này không phù hợp thì những ưu điểm của nó không những không được ...
Những hạn chế của chiến lược hướng nội là xuất phát từ phạm vi áp dụng của nó và yêu cầu để thực hiện chiến lược này có hiệu quả. Khi đối tượng áp dụng cho chiến lược này không phù hợp thì những ưu điểm của nó không những không được phát huy mà còn bộc lộ những hạn chế làm kìm hãm xu hướng phát triển kinh tế của một đất nước .
Thực vậy, khi thực hiện một đường lối, vạch ra một phương hướng phát triển thì không thể không tính đến thị trường ảnh hưởng của nó. Xuất phát từ nội dung của chiến lược thay thế nhập khẩu là sản xuất những mặt hàng đáp ứng nhu cầu tối thiểu của đất nước tức là lấy thị trường trong nước làm trọng tâm để buôn bán và lưu thông hàng hoá thì chí ít về quy mô thị trường đó trước hết phải rộng rãi. Đối với một nước thị trường nội địa được coi là phù hợp với chiến lược này là một đất nước có quy mô dân số đông, sức tiêu thụ lớn. Khi quy mô dân số đông và khả năng tiêu dùng lớn thì tương quan giữa sản xuất và tiêu dùng mới cân đối tức là sản xuất mở rộng cũng tiêu thụ hết. Do đó, với những nước có quy mô dân số nhỏ bé thì dung lượng thị trường nhỏ, chỉ cần sản xuất dưới mức tối ưu cũng đã đáp ứng đủ nhu cầu. Điều đó đồng nghĩa với không có động lực để mở rộng sản xuất hay tối ưu hoá các yếu tố nguồn lực.Thực tế điều này xảy ra ở những nước có quy mô nhỏ bé như Hàn Quốc.
Như vậy với những nước có phạm vi, quy mô thị trường nhỏ thì việc áp dụng chiến lược hướng nội là không phù hợp. Đây có thể coi là một yêu cầu để thực hiện chiến lược nhưng cũng có thể coi là một hạn chế của chiến lược.
Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là khi quy mô thị trường lớn thì áp dụng chiến lược hướng nội là thành công mà ngay khi điều kiện đó được đáp ứng thì những hạn chế khác của chiến lược như làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước lại tăng lên. Sở dĩ nảy sinh ra vấn đề này là xuất phát từ sự can thiệp của Chính phủ.
Khi mà động cơ có tác động mạnh mẽ nhất để các doanh nghiệp sản xuất cạnh tranh với nhau là lợi nhuận thì yếu tố này đã bị triệt tiêu khi có sự can thiệp của Chính phủ. Bởi vì, khi Chính phủ bảo hộ bằng hạn ngạch hay thuế quan tức là Chính phủ đã chịu phần thua lỗ thực sự mà các doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả mang lại. Do được bảo hộ và mua nguyên vật liệu đầu vào với giá rẻ nên các nhà sản xuất yên tâm không phải lo cạnh tranh tìm kiếm thị trường để mua được nguyên liệu rẻ, hay cải tiến công nghệ để nâng cao năng xuất, hạ giá thành sản phẩm cạnh tranh với giá hàng nhập trên thị trường quốc tế. Tất cả các quá trình đó đáng nhẽ họ phải tìm tòi nghiên cứu thì họ lại trông chờ vào sự bảo hộ của Chính phủ. Kết quả của sự bảo hộ này làm thất thu cho ngân sách nhà nước đồng thời làm tăng khoảng cách chênh lệch trình độ sản xuất giữa các nước trong khu vực cũng như trong thị trường quốc tế. Quá trình này nếu không kịp thời nhận ra, dần dần bãi bỏ bảo hộ thì sẽ làm cho nền kinh tế trì trệ lạc hậu, ngày càng tụt hậu so với thời đại.
Thực tế các nước NICs và ASEAN cũng nhanh chóng nhận ra hạn chế này và họ khắc phục bằng cách giảm dần bảo hộ hoặc thay đổi chiến lược bảo hộ cho phù hợp với điều kiện của đất nước mình. Hàn Quốc là một ví dụ: trong giai đoạn phát triển mậu dịch 1962-1971 Hàn Quốc thực thi chiến lược thay thế nhập khẩu gặp khó khăn là năng lực xuất khẩu hạn chế dẫn tới mất cân đối xuất và nhập khẩu. Hàn Quốc cũng phát triển một số ngành công nghiệp nặng tạo điều kiện chuyển mạnh sang chính sách hướng về xuất khẩu.
Như vậy, hạn chế thứ nhất của chiến lợc hướng nội là làm giảm cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước được xuất phát từ sự can thiệp của Chính phủ. Nhưng không vì thế mà Chính phủ bỏ mặc cho nền kinh tế tự vận động theo cơ chế thị trường mà cần phải khẳng định một cách chắc chắn rằng: vai trò của Chính phủ là một điều kiện quan trọng nhất để thực hiện chiến lược hướng nội thành công. Bởi vì, trong thời kỳ đầu công nghiệp trong nước còn non trẻ chưa thể đa ra để cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì Chính phủ cần phải bảo hộ để nuôi dưỡng nó cho “đủ lông đủ cánh” rồi phải đưa nó ra thi trường cho nó tự vận động. Cho nên, biện pháp bảo hộ chỉ là biện pháp tạm thời và cần phải được giảm dần khi các ngành sản xuất trong nước phát triển hơn.
Hạn chế thứ hai của chiến lược hướng nội đó là những tệ nạn phát sinh từ việc thực hiện không nghiêm túc của các đối tượng chịu thuế và các cơ quan thuế vụ. Điều này dẫn đến tình trạng trốn lậu thuế, hối lộ đội ngũ cán bộ thuế quan gây ra thất thu cho ngân sách nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân. Đây không còn là vấn đề vi phạm luật đơn thuần mà ngày nay đặc biệt đối với nước ta nó trở thành một quốc nạn.
Bên cạnh việc trốn lậu thuế là việc xin xỏ, hối lộ các quan chức phụ trách phân phối hạn ngạch nhập khẩu. Việc đánh giá sự thành công của các doanh nghiệp sẽ không còn chính xác nếu nhìn vào đó mà đánh giá thực lực của doanh nghiệp cũng như khả năng quản lý của lãnh đạo mà sự thành công đó có thể nhờ vào tài khéo léo, biết thương lượng có hiệu quả với các nhà chức trách phụ trách thuế quan hay hạn ngạch. Điều này không khuyến khích các tư nhân giỏi phát huy năng lực của mình.
Một hạn chế nữa của chiến lược thay thế nhập khẩu là hạn chế xu hướng công nghiệp hoá của đất nước. Chiến lược này bắt nguồn từ công nghiệp hàng tiêu dùng sau đó tiếp tục tạo thị trường cho các ngành sản xuất sản phẩm trung gian. Thường thị trường trung gian nhỏ hơn thị trường hàng tiêu dùng nên đầu tư vào lĩnh vực này lại gặp những khó khăn nhất định. Do vậy, lại trông chờ vào bảo hộ điều này làm tăng giá đầu vào đối với những ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Để đảm bảo lợi nhuận của các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu làm cho các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu trong nước không có khả năng phát triển hạn chế sự hình thành cơ cấu công nghiệp đa dạng của đất nước.
Theo một số nhà kinh tế hiện đại thì chiến lược thay thế nhập khẩu không đồng nhất với sự đóng cửa nền kinh tế mà nó song song diễn ra hai quá trình : một mặt hạn chế thậm chí ngăn cấm việc nhập khẩu hàng hoá trong nước có khả năng sản xuất, khuyến khích tiêu dùng nội địa, Mặt khác cho phép nhập khẩu các yếu tố để sản xuất hàng hoá thay thế nhập khẩu. Trong khi đó để khuyến khích các nhà đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá thay thế nhập khẩu, Chình phủ áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó quan trọng nhất là hàng hoá sản xuất trong nước bằng thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu, ưu đãi đầu tư, Chính từ những ưu đãi này nên các sản phẩm sản xuất trong nước không có khả năng cạnh tranh và khả năng tiêu thụ trên thị trường quốc tế. Do đó, không có khoản thu ngoại tệ từ xuất khẩu nhưng vẫn phải chi ngoại tệ để nhập khẩu máy móc thiết bị và ngyuên liệu từ nước ngoài dẫn tới tình trạng thâm hụt cán cân thương mại và nợ nước ngoài gia tăng. Nền kinh tế đó trái hẳn với mô hình kinh tế mà các nước đang phát triển xây dựng đó là : xây dựng một nền kinh tế độc lập, phát huy nội lực là chính, ít bị phụ thuộc vào nước ngoài.
Do chiến lược hướng nội có những hạn chế trên, muốn khắc phục nó để đưa nền kinh tế phát triển đi lên tất yếu phải tìm cách thay đổi chiến lược. Các nước đang phát triển nhận thấy rằng để khắc phục vấn đề nợ nước ngoài, mất cân đối trong hoạt động xuất khẩu, quy mô thị trường nhỏ hẹp thì chỉ có cách là dựa vào thị trường rộng lớn bên ngoài. Muốn vậy, phải mở cửa tiến hành chiến lược hướng ngoại.