Hai người đàn ông Ấn Độ nghiện nọc độc hổ mang chúa
Các bác sĩ Ấn Độ hết sức đau đầu với trường hợp hai người đàn ông nghiện nọc rắn hổ mang, thậm chí để hổ mang chúa cắn vào lưỡi để “thỏa mãn”. Theo Telegraph, hai người đàn ông đến từ Rajasthan đã nhiều lần để hổ mang chúa cắn vào lưỡi để giải tỏa cơn nghiện, thay vì nghiện rượu ...
Các bác sĩ Ấn Độ hết sức đau đầu với trường hợp hai người đàn ông nghiện nọc rắn hổ mang, thậm chí để hổ mang chúa cắn vào lưỡi để “thỏa mãn”.
Theo Telegraph, hai người đàn ông đến từ Rajasthan đã nhiều lần để hổ mang chúa cắn vào lưỡi để giải tỏa cơn nghiện, thay vì nghiện rượu hay chất kích thích.
Các chuyên gia chưa hiểu vì sao hai người đàn ông Ấn Độ lại sống sót sau khi bị rắn hổ mang cắn.
Các chuyên gia tại Viện nghiên cứu Y khoa ở Ấn Độ hiện đang đánh giá xem liệu hai người đàn ông này có phải đã miễn nhiễm với nọc rắn hổ mang hay không.
Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y Khoa Tâm lý Ấn Độ. Cụ thể, hai người đàn ông đã nhiều lần trả tiền cho người nuôi rắn, để hổ mang chúa cắn vào lưỡi họ. Mỗi lần như vậy, hai người đàn ông “bị tê liệt, co giật và mờ mắt trong một giờ đồng hồ”, chuyên gia Sandeep Grover nói.
“Sau khi tỉnh dậy, họ nói mình trải qua cảm giác kích thích, mãnh liệt gấp nhiều lần so với uống rượu hay dùng ma túy”.
“Chúng tôi hiện đang tìm hiểu vấn đề, bởi việc lạm dụng nọc rắn hổ mang không được nhắc đến nhiều trong các tài liệu y khoa”.
Hai người đàn ông giấu tên trên ở độ tuổi ngoài 30. Hiện chưa rõ bằng cách nào mà họ có khả năng kháng cự lại nọc rắn. Bởi nọc độc rắn hổ mang có thể giết chết một con bò trưởng thành chỉ sau 30 phút.
Theo chuyên gia Grover, chỉ có 4 trường hợp sử dụng nọc rắn với mục đích thỏa mãn được ghi nhận trong quá khứ ở Ấn Độ. Hầu hết đến từ các gia đình giàu có.
“Hiện chưa rõ bằng cách nào mà một người có thể tạo ra kháng thể chống lại nọc rắn và thậm chí bị nghiện loại chất độc thần kinh chết người này”, chuyên gia Ấn Độ Savita Malhotra nói.