Giới thiệu Hồ Chí Minh và Nhật kí trong tù | Làm văn mẫu
Giới thiệu Hồ Chí Minh và Nhật kí trong tù (Văn mẫu lớp 11) – Em hãy giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh và tác phẩm “Nhật kí trong tù” (Bài văn phân tích của bạn Tạ Thị Chinh lớp 11A1 trường THPT chuyên Việt Trì, Phú Thọ). BÀI LÀM Nhắc đến Hồ Chí ...
Giới thiệu Hồ Chí Minh và Nhật kí trong tù
(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh và tác phẩm “Nhật kí trong tù” (Bài văn phân tích của bạn Tạ Thị Chinh lớp 11A1 trường THPT chuyên Việt Trì, Phú Thọ).
BÀI LÀM
Nhắc đến Hồ Chí Minh là nhắc đến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là con người kết tinh đậm nhất phẩm chất và ý chí của “con Lạc cháu Rồng”. Không chỉ là vị lãnh tụ sáng suốt, Hồ Chí Minh còn là một nhà văn, nhà thơ tài năng của dân tộc. Tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của Hồ Chí Minh là tập thơ “Nhật ký trong tù”.
Hồ Chí Minh (1890 – 1969), sinh ra và lớn lên tại làng Sen, tỉnh Nghệ An. Ảnh hưởng Hán học từ cha là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, văn hóa Kinh Kỳ từ mẹ là bà Hoàng Thị Loan và truyền thống yêu nước, hiếu học của quê hương đã tạo nên phẩm cách và tâm hồn Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh được coi là người góp công đầu và lớn nhất cho công cuộc giải phóng dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người không chỉ là một nhà văn hóa, một anh hùng dân tộc lỗi lạc mà còn là nhà văn, nhà thơ lớn. Người để lại sự nghiệp văn chương đồ sộ, vừa phong phú về thể loại lại vừa đa dạng về phong cách và sâu sắc về tư tưởng. Văn chính luận, truyện và kí, thơ ca… người đều sáng tác đủ cả. Người coi văn chương là vũ khí phục vụ cộng đồng, phục vụ cách mạng, nó phải chân thật và hướng tới chính xác đối tượng tiếp nhận. Về nghệ thuật, Hồ Chí Minh đề cao cách viết giản dị, trong sáng, ngắn gọn mà sâu sắc. “Nhật kí trong tù” là tập thơ lớn trong mảng sáng tác thơ ca của Hồ Chủ tịch.
“Nhật ký trong tù” hay còn gọi là “Ngục trung tùy bút”, là tập thơ bao gồm 133 bài thơ bằng chữ Hán. Tập thơ được sáng tác trong khoảng thời gian dài từ tháng 8 năm 1942 đến tháng 9 năm 1943. Đây là giai đoạn Bác bị giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc. Bị giam hãm trong tù ngục thiếu tự do, Người chỉ biết ngắm trăng, làm thơ và nuôi ý chí “đợi ngày tự do”.
Trong tập thơ, ta thấy chân dung của một người chiến sĩ cách mạng nung nấu lòng căm thù và sự chờ đợi thời cơ xoay chuyển. Trong quãng thời gian chờ đợi ấy, Người vẫn không ngừng phản ánh hiện thực tù ngục cực khổ “mười bốn trăng tê tái gông cùm” và thói nhiễu nhương của một xã hội thực dân thu nhỏ:
“Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc
Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh
Chong đèn, huyện trưởng làm công việc
Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”
Khi phản ánh những điều trên, Hồ Chí Minh muốn tố cáo xã hội thực dân thối nát và nhà tù – nơi được rêu rao là cải tạo xã hội lại trở thành chốn thuận lợi nhất cho bè lũ “sâu bọ” hoành hành.
Bên cạnh đó, tác phẩm còn cho ta thấy một chân dung của người nghệ sĩ tài năng, xuất chúng và ẩn chứa tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Những bài thơ của Hồ Chí Minh tuy viết bằng chữ Hán, thể thơ Đường thi song có rất nhiều sự mới mẻ trong đặc sắc nghệ thuật và giàu tinh thần hiện đại. Mỗi bài thơ, vần thơ vừa chân thực, vừa gần gũi chứ không hề trang trọng, khuôn mẫu theo quy luật chặt chẽ Đường thi. Hơn nữa, những vấn đề đề cập xoay quanh cuộc sống thường nhật, những tình cảm nhỏ bé chắt chiu, nỗi niềm riêng sâu kín được phản ánh. Tác giả có lúc xót thương cho một phu làm đường, một nông dân mất mùa, một hàng cháo bên đường, một tiếng sáo buồn, cho cả phụ nữ, trẻ em, bạn tù….
“Oa…! Oa…! Oa…!
Cha sợ sung quân cứu nước nhà
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi
Đã theo mẹ đến ở nhà pha”
Chính những vần thơ ấy đã chứng tỏ tấm lòng nhân đạo bao la của tác giả.
Tóm lại tập thơ “Nhật kí trong tù” không chỉ thể hiện chí hướng tự do và lòng căm thù giặc sâu sắc, niềm tin vào con đường cách mạng mà còn thể hiện được tài năng, phong cách cũng như tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Hồ Chí Minh. Chính vì thế mà đọc “Nhật kí trong tù”, Tố Hữu đã ngợi ca
“Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”
Đối với mỗi thế hệ người dân Việt Nam, Bác không chỉ là một tấm gương sáng về đạo đức và nhân cách mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc.