Giới thiệu đặc điểm của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
I. MỞ BÀI Trong các phong cách chức năng tiếng Việt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là phong cách ngôn ngữ đặc biệt vì nó được dùng trong một loại hình nghệ thuật mang tính sáng tạo cao của con người: văn học. II. THÂN BÀI Như trên đã nói, đây là ...
I. MỞ BÀI
Trong các phong cách chức năng tiếng Việt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là phong cách ngôn ngữ đặc biệt vì nó được dùng trong một loại hình nghệ thuật mang tính sáng tạo cao của con người: văn học.
II. THÂN BÀI
Như trên đã nói, đây là loại phong cách ngôn ngữ dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực văn chương (văn xuôi nghệ thuật, thơ, kịch), có các đặc điểm sau:
1. Tính thẩm mĩ
– Ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật được xem là chất liệu để nhà văn xây dựng hình tượng nghệ thuật. Bản thân ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật là sự kết hợp chặt chẽ giữa hai yếu tố: ngữ âm và ngữ nghĩa. Khi sáng tác, các nhà văn, nhà thơ thường hướng sự chú ývào tổ chức văn bản, cố gắng sao cho hai yếu tố ngữ âm và ngữ nghĩa hòa phối với nhau nhằm tạo ra hiệu quả thẩm mĩ cao nhất. Chính vì vậy, văn chương được xem là sản phẩm của nghệ thuật ngôn từ, là sự thể hiện giá trị thẩm mĩ của ngôn từ.
– Ví dụ khổ thơ đầu của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận) là khổ thơ được tác giả sử dụng khéo léo và có hiệu quả các yếu tố ngôn ngữ: nhiều biện pháp nghệ thuật, đặc biệt là phép nhân hóa, so sánh (mặt trời – hòn lửa, sóng – cài then, đêm – sập cửa), khắc họa sinh động cảnh hoàng hôn trên biển. Tất cả vũ trụ chuẩn bị đi vào giấc ngủ, còn con người lại bắt đầu một hoạt động lao động có ý nghĩa; đánh cá. Hoạt động tưởng như tương phản với nhịp điệu của vũ trụ này kết hợp với câu hát căng buồm tạo nên ấn tượng về sự hứng khởi, tình yêu đối với lao động của những con người lao động mới.
2. Tính đa nghĩa
– Mọi văn bản nghệ thuật mang giá trị phản ánh và chứa đựng những tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Đó chính là nội dung (nghĩa) của văn bản nghệ thuật. Nội dung này gồm nhiều thành phần, Nếu xét theo mối quan hệ giữa văn bản với đối tượng được đề cập trong văn bản, ta có thành phần biểu thị thông tin khách quan, thành phần biểu thị tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Nếu xét theo mối quan hệ giữa các yếu tố cấu trúc bên trong của văn bản, ta có thành phần được xác định căn cứ vào câu, chữ (nghĩa tường minh), thành phần được suy ra từ câu, chữ đi kèm với nghĩa tường minh (nghĩa hàm ẩn),
– Thành phần nghĩa hàm ẩn có ý nghĩa rất quan trọng đối với một văn bản nghệ thuật, giúp người đọc khám phá ra những lớp nghĩa sâu kín, đa dạng của tác phẩm văn chương.
– Ví dụ bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương chính là sự thể hiện kín đáo thân phận của người phụ nữ bảy nổi ba chìm trong xã hội phong kiến, nhan đề truyện ngắn Đôi mắt (Nam Cao) cần được hiểu theo nghĩa hàm ẩn (cách nhìn về con người, cuộc đời,..).
3. Dấu ấn riêng của tác giả
– Mỗi nhà văn đều có những sở thích, sở trường riêng trong diễn đạt, làm nên nét riêng (dấu ấn riêng) độc đáo của nhà văn.
– Ví dụ thơ Tố Hữu thường dễ hiểu, mang giọng điệu trữ tình của ca dao, dân ca; thơ Chế Lan Viên lại mang phong cách thơ trí tuệ với những hình ảnh thơ giàu chất triết lí, nhiều tầng bậc ý nghĩa; văn Nguyễn Tuân giàu thông tin, mang tính khảo cứu với những liên tưởng bất ngờ, độc đáo có phần cầu kì khó hiểu trong khi đó văn Nguyên Hồng mộc mạc, giản dị…
III. KẾT BÀI
– Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật với những đặc điểm (tính thẩm mĩ, tính đa nghĩa, dấu ấn riêng của tác giả) giúp ta thấy được sự độc đáo, sâu sắc của ngôn từ trong tác phẩm văn học.
– Cần có ý thức tìm hiểu, nắm chắc những đặc điểm trên của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật để tìm ra con đường tiếp cận, lĩnh hội những giá trị đích thực của tác phẩm văn học.