GIAO DIỆN GIỮA BỘ XỬ LÝ VỚI CÁC BỘ PHẬN VÀO RA
Bộ xử lý dùng 2 cách để liên lạc với các bộ phận vào ra: Cách thứ nhất , thường được dùng: là cách dùng một vùng địa chỉ của bộ nhớ làm vùng địa chỉ của các ngoại vi. Khi đọc hay viết vào vùng địa chỉ này của bộ nhớ là liên hệ đến ...
Bộ xử lý dùng 2 cách để liên lạc với các bộ phận vào ra:
Cách thứ nhất, thường được dùng: là cách dùng một vùng địa chỉ của bộ nhớ làm vùng địa chỉ của các ngoại vi. Khi đọc hay viết vào vùng địa chỉ này của bộ nhớ là liên hệ đến các ngoại vi.
Cách thứ hai, dùng mã lệnh riêng biệt cho vào/ra (tức là có các lệnh vào/ra riêng, không trùng với lệnh đọc hay viết vào ô nhớ). Trong trường hợp này, bộ xử lý gởi một tín hiệu điều khiển cho biết địa chỉ đang dùng là của một ngoại vi. Vi mạch Intel 8086 và máy IBM 370 là các ví dụ về bộ xử lý dùng lệnh vào/ra riêng biệt.
Dù dùng cách nào để định vị vào/ra thì mỗi bộ phận vào/ra đều có các thanh ghi để cung cấp thông tin về trạng thái và về điều khiển. Bộ phận vào/ra dùng bit trạng thái “sẵn sàng” để báo cho bộ xử lý nó sẵn sàng nhận số liệu. Định kỳ bộ xử lý xem xét bít này để biết bộ phận vào ra có sẵn sàng hay không. Phương pháp này là phương pháp thăm dò (polling). Và nhược điểm của phương pháp này là làm mất thời gian của bộ xử lý vì định kỳ phải thăm dò tính sẵn sàng của các thiết bị ngoại vi. Điều này đã được nhận thấy từ lâu và đã dẫn đến phát minh ra ngắt quãng (interrupt) để báo cho bộ xử lý biết lúc có một bộ phận vào/ra cần được phục vụ.
Việc dùng ngắt quãng làm cho bộ xử lý không mất thời gian thăm dò xem các ngoại vi có yêu cầu phục vụ hay không, nhưng bộ xử lý phải mất thời gian chuyển dữ liệu. Thông thường việc trao đổi số liệu giữa ngoại vi và CPU là theo khối số liệu, nên vi mạch thâm nhập trực tiếp bộ nhớ trong (DMA: Direct Memory Access) được dùng trong nhiều máy tính để chuyển một khối nhiều từ mà không có sự can thiệp của CPU.
Hình V.7. Sơ đồ hoạt động của hệ thống bus có vi mạch DMA
DMA là một vi mạch chức năng đặc biệt. Nó chuyển số liệu giữa ngoại vi và bộ nhớ trong, trong lúc đó CPU rãnh rỗi để làm công việc khác. Vậy DMA nằm ngoài CPU và tác động như là một chủ nhân của bus. Bộ xử lý khởi động các thanh ghi của DMA, các thanh ghi này chứa địa chỉ ô nhớ và số byte cần chuyển. DMA chủ động chuyển số liệu và khi chấm dứt thì trả quyền điều khiển cho bộ xử lý.
Vi mạch DMA càng thông minh thì công việc của CPU càng nhẹ đi. Nhiều vi mạch được gọi là bộ xử lý vào/ra (hay bộ điều khiển vào/ra) thực hiện công việc mình theo một chương trình cố định (chứa trong ROM), hay theo một chương trình mà hệ điều hành nạp vào bộ nhớ trong. Hệ điều hành thiết lập một hàng chờ đợi gồm các khối điều khiển các bộ phận vào/ ra. Các khối chứa các thông tin như là vị trí của số liệu (nguồn và đích) và số số liệu. Các bộ xử lý vào/ra lấy các thông tin này trong hàng chờ đợi, thực hiện các việc cần phải làm và gởi về CPU tín hiệu ngắt khi đã thực hiện xong công việc.
Một máy tính có bộ xử lý vào/ra được xem như một máy tính đa xử lý vì DMA giúp cho máy tính thực hiện cùng lúc nhiều quá trình. Tuy nhiên bộ xử lý vào/ra không tổng quát bằng các bộ xử lý vì chúng chỉ làm được một số việc nhất định. Hơn nữa bộ xử lý vào/ra không chế biến số liệu như các bộ xử lý thường làm. Nó chỉ di chuyển số liệu từ nơi này sang nơi khác.