Giải thích câu tục ngữ “Lời chào cao hơn mâm cỗ”
Đề bài: Anh/ chị hãy giải thích câu tục ngữ “Lời chào cao hơn mâm cỗ” Bài làm Trong cuộc sống con người ta không bao giờ thiếu được những bài học, những kinh nghiệm của ông bà ta để chỉ dạy con cháu để cuộc sống bớt đi những khó khăn, những sai lầm đáng tiếc, ...
Đề bài: Anh/ chị hãy giải thích câu tục ngữ “Lời chào cao hơn mâm cỗ”
Bài làm
Trong cuộc sống con người ta không bao giờ thiếu được những bài học, những kinh nghiệm của ông bà ta để chỉ dạy con cháu để cuộc sống bớt đi những khó khăn, những sai lầm đáng tiếc, để trở thành một người có đạo đức và luôn tiến bộ hơn từng ngày qua những câu tục ngữ, lời ca dao. Nổi tiếng trong đó có câu “lời chào cao hơn mâm cỗ” được biết đến như phản ánh một nghệ thuật ứng xử đúng mực, cần thiết.
Câu tục ngữ đã khéo léo đưa “lời chào” và “mâm cỗ” vào trong câu nói có thể so sánh để lột tả hết sự quan trọng của sự chào hỏi một sự giao tiếp cơ bản tối thiểu trong cuộc sống, mà chúng ta ai cũng cần phải chú ý. Có lẽ, từ “lời chào” ở đây thật dễ hiểu đó cũng tương đương với sự chào hỏi, hỏi thăm xuất phát từ suy nghĩ,tinh thần, phản xạ của mỗi người phát ra thành tiếng nói xa hơn là cử chỉ và có hoặc không biểu đạt bằng ngôn ngữ cơ thể của ta với những người xung quanh, người lạ ta bất ngờ gặp để nhằm đạt được mục đích là giao tiếp với họ. Còn “mâm cỗ” được đặt ở đây là để nói về những thứ vật chất, thức ăn con người được thiết đãi, nó rất quý,có khi cần thiết để duy trì những mối quan hệ trong cuộc sống của chúng ta. Không tự dưng hai từ này được song hành đặt ở cùng một câu, cũng vì nó là cả sự suy nghĩ, phong tục của người xưa, quan niệm của họ cho rằng con người ta sống cần phải có đạo lý làm người, không quá sống cao sang, ham vật chất( tiền bạc, của cải, đồ ăn,..) mà bỏ nhẹ việc rèn luyện nhân cách để trở thành con người tốt hơn, văn minh, qua từ mang đậm sắc thái so sánh – “hơn”.
Chúng ta từ khi mới lọt lòng đến khi lớn hơn một chút đã được những người lớn, những người ông người bà trong nhà dạy những phép tắc lễ nghi, đặc biệt càng dễ thấy hơn, nhiều hơn nếu sống trong một ngôi nhà gia giáo, nề nếp, truyền thống lâu đời. Điều đó tốt cho ta, ta thầm cảm ơn những con người đó, tôn trọng, học hỏi nó bằng hết khả năng, thiết nghĩ chúng ta nếu không có sự chỉ bảo những phép tắc lễ nghi cơ bản đó đôi khi từ việc “lời chào” sao cho đúng, lễ phép, đến những việc lớn hơn trong gia đình, cộng đồng… thì sẽ khó trở thành người tốt, sớm thành người xuề xòa, thiếu văn minh, chỉn chu trong mỗi hoạt động của mình, rồi sẽ thất bại với những việc khác trong xã hội, không được mọi người kính trọng.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống, lời chào luôn là điều rất cần thiết, bởi nó mang được những thông điệp tuyệt vời để tạo thiện cảm cho những người đối diện, những người tiếp xúc với ta, hoàn toàn có thể nói lời chào là yếu tố tiên quyết để trở thành con người có học, lễ phép, lịch sự mẫu người lý tưởng mà ai trong chúng ta cũng đều phải hướng tới. Nhưng việc chào hỏi không quá phức tạp đôi khi chỉ là sự khiêm tốn, sự phấn khích, cởi mở, chủ động với một câu nói, một nụ cười, một điệu bộ vẫy tay, một cử chỉ cúi đầu- điều phổ biến ở nước Nhật, rồi nói “xin chào, bạn có khỏe không?”, hay là “dạo này sao rồi?”, hay có thể đơn giản là “chào buổi sáng,tối”….để ra hiệu cho người đối diện, để tạo thân mật để bắt đầu cuộc nói chuyện. Dù bạn có nghĩ nó không cần, có cảm thấy nó quá phức tạp hay rườm rà trong xã hội phức tạp, nhanh chóng như hiện nay thì nó đều là suy nghĩ sai lệch, cần phải trấn chỉnh cũng vì ta chưa hiểu hết được giá trị của lời chào sâu sắc đến như thế nào mà thôi.
Từ xưa, đứa trẻ nào cũng đã được dạy rằng “đi thưa, về gửi” thậm chí đã trở thành nguyên tắc nên chúng vâng lời, chúng thực hiện việc đó đơn giản, tự nhiên như khi đi xa thì biết chào: “Cháu chào ông, cháu xin phép ông cho cháu ra ngoài”, “Con chào mẹ, con đi học về!”,.. như cũng là sự thông báo để người khác quan tâm mình, hiểu biết được công việc, suy nghĩ của mình để an tâm hơn. Vào lớp thì “em thưa cô, em vào lớp”, hay gặp người thầy cũ “Chúng em chào thầy ạ, thầy vẫn khỏe chứ ạ?”…. mỗi trường hợp ta cần linh hoạt để chào hỏi sao cho đúng. Người lớn càng cần phải làm gương cho trẻ học tập, dù bận đến đâu khi một đứa trẻ "Cháu chào cô/bác/chú…", ta cũng nên đáp lại một cách ân cần dù không hỏi thêm gì, cũng cần một câu “Chào cháu”. Sự tôn kính, sự lễ phép, sự tôn trọng, sự hạnh phúc, mãn nguyện mà ta gửi gắm cho nhau qua lời chào là nhiều vô kể, nên năng sử dụng nó, nhưng cần phải đúng đắn,phù hợp, xuất phát từ sự chân thành, niềm nở của ta vì việc này đâu có khó nhọc gì.
Dù trải qua bao lâu, có lẽ bài học về “lời chào” khi xưa thì vẫn luôn tồn tại mãi, là mực thước để giáo dục con người trong mỗi gia đình và nhà trường, xã hội, đặc biệt với thế hệ trẻ. Khẳng định được tầm quan trọng của nó, cũng là nhấn mạnh được sự tự ý thức rèn luyện cho bản thân mình một nhân cách trong sáng, tốt đẹp, biết lễ phép và tôn trọng những người xung quanh.