Giải Sinh lớp 12 Bài 28: Loài
Giải Sinh lớp 12 Bài 28: Loài Bài 1 (trang 125 SGK Sinh học 12): Thế nào là loài sinh học? Lời giải: Khái niệm loài: Loài là một hoặc một nhóm quần thể gồm các cá thể có khả năng giao phối với nhau trong tự nhiên sinh ra đời con có sức sống và có khả năng sinh ...
Giải Sinh lớp 12 Bài 28: Loài
Bài 1 (trang 125 SGK Sinh học 12): Thế nào là loài sinh học?
Lời giải:
Khái niệm loài:
Loài là một hoặc một nhóm quần thể gồm các cá thể có khả năng giao phối với nhau trong tự nhiên sinh ra đời con có sức sống và có khả năng sinh sản, cách li sinh sản với các nhóm quần thể khác. Khái niệm loài ở đây nhấn mạnh sự cách li sinh sản. Đó là một tiêu chuẩn để xác định hai quần thể cùng loài (hoặc khác loài).
Bài 2 (trang 125 SGK Sinh học 12): Nếu chỉ dựa vào các đặc điểm hình thái để phân loại các loài thì có chính xác không? Giải thích.
Lời giải:
Nếu chỉ dựa vào các đặc điểm hình thái để phân loại các loài thì không chính xác vì nhiều khi các cá thể của hai quần thể có các đặc điểm hình thái giống nhau, sống trong một khu vực địa lí, nhưng không giao phối với nhau hoặc có giao phối nhưng lại sinh ra đời con bất thụ thì hai quần thể đó thuộc hai loài.
Để phân biệt loại này với loài kia, người ta có thể sử dụng các tiêu chuẩn về hình thái, hoá sinh hoặc kết hợp rất nhiều các tiêu chuẩn khác nhau. Tuy nhiên, đối với các loài sinh sản hữu tính, để xác định chính xác hai cá thể có thuộc cùng một loài hay không thì tiêu chuẩn cách li sinh sản là tiêu chuẩn chính xác và khách quan nhất.
Bài 3 (trang 125 SGK Sinh học 12): Các nhà khoa học thường dùng tiêu chuẩn gì để phân biệt loài vi khuẩn này với loài vi khuẩn khác? Giải thích.
Lời giải:
Người ta thường dùng các tiêu chuẩn hoá sinh, hình thái khuẩn lạc để phân biệt các loài vi khuẩn, vì các loài vi khuẩn không sinh sản bằng hình thức sinh sản hữu tính nên không thể dùng tiêu chuẩn cách li sinh sản để phân biệt loài.
Bài 4 (trang 125 SGK Sinh học 12): Trình bày các cơ chế và vai trò của các cơ chế cách li trong quá trình tiến hoá.
Lời giải:
Cơ chế có vai trò quan trọng nhất đối với sự tiến hoá là cách li sinh sản
Các cơ chế cách li sinh sản được hiểu là các trở ngại trên cơ thể sinh vật (trở ngại sinh học) ngăn cản các cá thể giao phối với nhau hoặc ngăn cản việc tạo ra con lai hữu thụ ngay cả khi các sinh vật này sống cùng một chỗ. Các cơ chế cách li sinh sản (gọi tắt là cơ chế cách li) được chia thành hai loại: cách li trước hợp tử và cách li sau hợp tử.
* Cách li trước hợp tử
Những trở ngại ngăn cản các sinh vật giao phối với nhau được gọi là cơ chế cách li trước hợp tử. Đây thực chất là cơ chế cách li ngăn cản sự thụ tinh tạo ra hợp tử. Thuộc loại này có các loại:
– Cách li nơi ở (sinh cảnh): Mặc dù sống trong cùng một khu vực địa lí nhưng những cá thể của các loài có họ hàng gần gũi và sống ở những sinh cảnh khác nhau nên không thể giao phối với nhau.
– Cách li tập tính: Các cá thể của loài khác nhau có thể có những tập tính giao phối riêng nên giữa chúng thường không giao phối với nhau.
– Cách li thời gian (mùa vụ): các cá thể thuộc các loài khác nhau có thể sinh sản vào những mùa khác nhau nên chúng không có điều kiện giao phối với nhau.
– Cách li cơ học: Các cá thể thuộc các loài khác nhau có thể có cấu tạo các cơ quan sinh sản khác nhau nên chúng không thể giao phối với nhau. Ví dụ, các cây khác loài có cấu tạo hoa khác nhau nên hạt phấn của loài cây này không thể thụ phấn cho hoa của loài cây khác.
* Cách li sau hợp tử:
Cách li sau hợp tử là những trở ngại ngăn cản việc tạo ra con lai hoặc ngăn cản việc tạo ra con lại hữu thụ. Ví dụ, cá thể của hai loài thân thuộc có thể giao phối với nhau tạo ra con lai nhưng con lai không có sức sống hoặc tạo ra con lai có sức sống nhưng do sự khác biệt về cấu trúc di truyền như số lượng, hình thái NST,… nên con lại giảm phân không bình thường, tạo ra giao tử bị mất cân bằng gen dẫn đến giảm khả năng sinh sản, thậm chí hoàn toàn bị bất thụ.
Tóm lại, các cơ chế cách li đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình tiến hoá thành loài cũng như duy trì sự toàn vẹn của loài (bảo toàn được những đặc điểm riêng của mỗi loài). Trong quá trình tiến hoá, từ một quần thể ban đầu tách ra thành hai hoặc nhiều quần thể khác nhau, nếu các nhân tố tiến hoá làm phân hoá vốn gen của các quần thể đến mức làm xuất hiện các cơ chế cách li sinh sản thì loài mới sẽ hình thành.
Bài 5 (trang 125 SGK Sinh học 12): Hãy chọn phương án trả lời đúng nhất.
Khi nào thì ta có thể kết luận chính xác hai cá thể sinh vật nào đó thuộc hai loài khác nhau?
a) Hai cá thể đó sống trong cùng một sinh cảnh.
b) Hai các thể đó có nhiều đặc điểm hình thái giống nhau.
c) Hai các thể có nhiều đặc điểm hình thái và sinh hoá giống nhau.
d) Hai cá thể đó không giao phối với nhau.
Lời giải:
Đáp án: d.
Từ khóa tìm kiếm:
- bài 28 loài sinh 12
- giải sinh học 12 bài 28
Bài viết liên quan
- Giải Sinh lớp 12 Bài 27: Quá trình hình thành quần thể thích nghi
- Giải Sinh lớp 12 Bài 18: Chọn giống vật nuôi và cây trồng dựa trên nguồn biến dị tổ hợp
- Giải Sinh lớp 9 Bài 49: Quần thể xã sinh vật
- Giải Sinh lớp 9 Bài 30: Di truyền học với con người
- Giải Sinh lớp 6 Bài 26: Sinh sản sinh dưỡng tự nhiên
- Giải Sinh lớp 12 Bài 30: Quá trình hình thành loài (tiếp theo)
- Thuyết minh cách làm mứt dừa – Văn hay lớp 8
- Giải Sinh lớp 12 Bài 29 : Quá trình hình thành loài