Gia Lai - Lễ đền ơn đáp nghĩa của người Gia Rai
Một nét đẹp đã trở thành truyền thống trong đời sống tinh thần của nhiều dân tộc trên dải đất Việt Nam là lòng tôn kính, yêu thương và biết ơn sâu sắc ông bà, cha mẹ. Ăn ở hiếu thảo đối với cha mẹ đã trở thành đạo lý quan trọng trong đạo làm người. Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ của người Raglai ...
Một nét đẹp đã trở thành truyền thống trong đời sống tinh thần của nhiều dân tộc trên dải đất Việt Nam là lòng tôn kính, yêu thương và biết ơn sâu sắc ông bà, cha mẹ. Ăn ở hiếu thảo đối với cha mẹ đã trở thành đạo lý quan trọng trong đạo làm người. Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ của người Raglai cũng nằm trong quan niệm “Cây có cội, nước có nguồn”, nhưng cách thể hiện có những nét độc đáo riêng và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của họ. Người Raglai coi lễ này không phải là chuyện nội bộ của một gia đình, mà là việc chung của cả cộng đồng và do đó được xếp vào trong hệ thống lễ hội chung, như lễ bỏ mả, lễ cưới, lễ ăn cơm mới, lễ cúng Yang...
Đền ơn đáp nghĩa cha mẹ, tiếng Raglai là “Ea tixâu pilâu dhadha”. Bất cứ người Raglai nào cũng đều cho rằng công lao của cha mẹ như núi cao, như nước mạch nguồn chảy ra. Và họ tâm niệm sẽ đền đáp xứng đáng ngay từ khi còn ở chung nhà, chung bếp cho đến khi có vợ, có chồng ra ở riêng. Nhưng như thế chưa đủ, theo tập tục của người Raglai, việc đền ơn đáp nghĩa cha mẹ đối với họ phải được nâng lên thành nghi lễ, được họ tộc và buôn làng chứng kiến, thừa nhận, như thế mới được coi là trọn vẹn. Theo quan niệm đã có từ lâu đời của người Raglai, điều bất hạnh lớn nhất của con người là cha mẹ qua đời mà người con chưa kịp làm lễ Ea tixâu pilâu dhadha. Sự ân hận này nhiều khi ray rứt người con suốt cả đời. Do đó, mỗi người Raglai khi trưởng thành, ngoài trách nhiệm chăm sóc, kính yêu cha mẹ thường ngày, nếu cảm thấy cha mẹ có dấu hiệu già yếu (sức khỏe kém, da mặt có nhiều nếp nhăn, tóc bạc, kém ăn, mất ngủ...) thì phải chuẩn bị lễ vật để tổ chức lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ.
Thông thường, lễ vật gồm có thịt heo, thịt gà, gạo, nếp, rượu cần, một ít trầu cau, thuốc lá... Nhà nhiều của thì chuẩn bị làm lễ lớn, giết trâu, bò... người nghèo thì tùy theo khả năng kinh tế của mình mà tổ chức. Vật chất không phải là tiêu chuẩn để đánh giá tấm lòng hiếu thảo của con đối với mẹ cha, cái chính là thái độ, là tấm lòng của người con đối với cha mẹ trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng. Sự có mặt của bà con trong buôn làng vừa biểu thị tình cảm quý mến, vừa để chứng kiến việc thực hiện một tập tục xã hội. Họ mang đến những lời chúc tụng chân thành của cộng đồng đối với gia đình nói chung và cha mẹ của gia chủ nói riêng. Những gia đình khá giả, hoặc gặp những năm được mùa, thường tổ chức cuộc lễ này rất lớn và vui chơi kéo dài hai ba ngày đêm.
Về nghi thức, khi cỗ bàn được bày ở giữa nhà, thì mẹ cha - đối tượng chính của buổi lễ - được mời ngồi vào vị trí trung tâm, nơi trên mâm cỗ đặt một đĩa thịt và lòng heo đủ món. Những người khác gồm bà con, họ hàng, người trong buôn... đều tề tựu đông đủ chung quanh. Sau khi tiến hành lễ khấn vái các Yang, mời gọi tổ tiên, ông bà và những người khuất mặt cùng về chứng kiến tấm lòng của con đối với cha mẹ, người con rót một chum rượu trắng thật đầy kính cẩn mời mẹ cha. Tiếp đó, người con tự tay bưng đĩa thịt, gắp từng miếng đút cho cha mẹ ăn để tỏ lòng hiếu thảo, trước sự chứng kiến của cộng đồng. Nếu đĩa thịt được ăn hết, thì đó là một niềm hạnh phúc rất lớn đối với gia đình người con. Hoặc có thể cha mẹ chỉ ăn vài miếng tượng trưng, như thế cũng đã đủ là điều vui sướng. Trong không khí hân hoan ấy, chủ nhà mời bà con, họ hàng cùng chia sẻ niềm vui. Họ vừa ăn uống, vừa trao đổi những lời chúc tụng tốt đẹp đối với gia đình và những người cao tuổi trong buôn. Lễ vật còn được dành ra một phần để mẹ cha đưa về cúng ông bà tại nhà mình và biếu cho một số người thân.
Sau bữa tiệc, đến phần sinh hoạt văn nghệ, vui chơi. Khi tiếng mã la nổi lên cùng dàn nhạc hòa theo, nam nữ thanh niên và cả những người lớn tuổi cùng nhau nhảy múa, ca hát. Cuộc vui kéo dài đến suốt đêm.
Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ của người Raglai nhìn về hình thức có vẻ như rất đơn sơ, mộc mạc, nhưng bên trong hàm chứa một đạo lý sâu sắc được cả cộng đồng thừa nhận và hưởng ứng nhiệt thành, đầy tình nghĩa. Truyền thống đạo lý mang đậm tính nhân văn này đã được các thế hệ người Raglai kế thừa và bảo tồn cho đến ngày nay.