Đà Nẵng - Đêm hội Cơ Tu
Giữa ngôi nhà rông trên đỉnh Bà Nà cao 1.452m, trước biểu tượng hai con voi đứng giữa panô hoa văn trống đồng, dưới ánh lửa bập bùng, ché rượu cần vít cong, già làng Thiết của hai làng Tà Lang, Giàn Bí (Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng) đã đọc nghiêm trang, trầm bổng lời ...
Giữa ngôi nhà rông trên đỉnh Bà Nà cao 1.452m, trước biểu tượng hai con voi đứng giữa panô hoa văn trống đồng, dưới ánh lửa bập bùng, ché rượu cần vít cong, già làng Thiết của hai làng Tà Lang, Giàn Bí (Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng) đã đọc nghiêm trang, trầm bổng lời thiêng xin lửa của Giàng mở đầu cho đêm hội Cơtu năm 2003.
Trong tiếng cồng chiêng ngân vang, tiếng hú gọi bầy, tiếng gió đại ngàn, tiếng suối róc rách, tiếng con mang tác từ xa vọng lại, tiếng ngọn lửa tí tách, những điệu múa từ ngàn đời truyền lại được luân chuyển như muốn cuốn cả đêm sâu. Trong sắc áo Cơtu truyền thống, già làng cài đầu bằng lông công; con trai, con gái cài đầu bằng thanh ruột nứa rừng thanh mảnh. Con trai làng lực lưỡng cầm giáo, khiên, múa lửa, múa tân tung, dà dá (đâm trâu, đâm thú). Con gái dịu dàng trong các điệu múa phát rẫy, làm nương, chọc tỉa, tuốt lúa, giã gạo, sàng sảy; cả con trai, con gái cùng vào sân múa bài Anh em dân tộc Cơtu đoàn kết. Cả bầu trời đêm như nín thở để cuốn hút bởi ma lực trầm hùng của tiếng cồng chiêng Cơtu, đôi chân nhỏ nhón nhảy, đôi bàn tay như nâng cánh hoa dâng lên Giàng của các thiếu nữ, thân hình vạm vỡ, cánh tay săn chắc như cánh cung của các chàng trai. Đêm hội như lặng đi trong thẳm sâu, da diết, dìu dặt lời ru con của người mẹ Lê Thị Tiễu: Con ơi con! Con ngủ cho chín để mẹ đi làm. Con ngồi ở nhà để mẹ đi giữ lúa ba trăng. Mẹ gởi con cho chị con trông để mẹ hông xôi cho con ăn. Con nín nín đi con, cho mẹ đi làm. Nếu như giọng ru đằm thắm nỉ non bao nhiêu, thì lời tỏ tình của đôi trai gái yêu nhau mời gọi bạn tình càng tha thiết, giục giã bấy nhiêu: Em ơi, em đẹp lắm! Tay em đẹp tựa trái chuối chín vàng. Chân em đẹp tựa cây môn trắng. Em gái ơi! Ngồi tảng đá, em gọi tên anh, ngồi trên ghềnh, anh gọi tên em. Hỡi nàng, nàng ơi! Hỡi chàng, chàng ơi!
Đêm hội còn sôi động hơn khi các chàng trai Cơtu biểu diễn trò đi cà kheo và chồng tháp; say mê, đắm đuối hơn khi các ché rượu cần được vít cong cùng các món ẩm thực dân dã: khoai, môn, sắn bốc khói. Sau chương trình chính, đêm hội đã kéo tất cả du khách kể cả các cô sinh viên nước ngoài, cô giáo viên Mỹ Luynn Bowman vào sân nhảy múa phụ họa theo các bài hát “Nối vòng tay lớn”, “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Ngọn lửa cao nguyên”… Lúc ấy, khán giả và diễn viên không còn khoảng cách. Cái lành lạnh của sương đêm ở đỉnh cao nhà rông “Bà Nà by night” như bị đánh tan bởi cái tình, cái say, cái đắm đuối. Ông Hồ Minh Lai xúc động nói: “Cha tôi là ông Xã Đắc, thời thanh niên phải đi làm xâu, khiêng kiệu cho Pháp xây biệt thự nghỉ mát ở Bà Nà-Núi Chúa. Bây giờ, tôi được đến tham quan, du lịch và tự hào biểu diễn văn hóa dân tộc mình cho du khách trong và ngoài nước xem ở nơi cha tôi đã từng qua. Tôi nói riêng cho anh biết, chưa nói câu hát giao duyên, tỏ tình mà con gái tôi đã biểu diễn vừa rồi, mẹ nó từng mê thích, chỉ riêng cái trò chơi cà kheo, tôi đi đẹp nhất làng, đã cho tôi lấy được cô gái đẹp nhất làng là mẹ bé Minh Tâm”. Anh Trương Xuân Tề, một diễn viên nồng nhiệt của đêm diễn bộc bạch: “Chúng tôi đi chỉ 60 người, nhưng không chỉ đại diện cho hai làng Tà Lang, Giàn Bí của Hòa Bắc, mà mang tính chất của huyện, của cả dân tộc Cơtu của mình. Văn hóa dân tộc cần có điều kiện để thể hiện, để biểu diễn chứ không thì mai một mất. Còn văn hóa là còn dân tộc, mất văn hóa là mất hết”.
Rượu tà vạc hết vơi lại đầy
Đêm nay ta cứ vui vầy trắng đêm.
Đã khuya, tôi còn nghe giọng hát của cô em Cơtu nào đó vọng lại: “Em vượt qua ba ngọn núi, bốn con đèo, bảy con suối, chín ngọn thác để đi tìm anh. Anh ở đâu?” Tôi thầm nghĩ, chàng trai nào đó thật hạnh phúc.