Điện Biên - Thành Bản Phủ và lễ hội đền Hoàng Công Chất
Thành Bản Phủ ở xã Noọng Hẹt (tỉnh Điện Biên), là khu di tích lịch sử gắn liền tên tuổi lãnh tụ nông dân Hoàng Công Chất ở thế kỷ 18. Ông được nhân dân tôn vinh lập đền thờ và hằng năm, lễ hội nơi đây thu hút khá đông du khách. Lễ hội năm nay diễn ra trong hai ngày 14 ...
Thành Bản Phủ ở xã Noọng Hẹt (tỉnh Điện Biên), là khu di tích lịch sử gắn liền tên tuổi lãnh tụ nông dân Hoàng Công Chất ở thế kỷ 18. Ông được nhân dân tôn vinh lập đền thờ và hằng năm, lễ hội nơi đây thu hút khá đông du khách. Lễ hội năm nay diễn ra trong hai ngày 14 và 15-3 vừa qua, là một trong những sự kiện lớn của năm du lịch Điện Biên Phủ 2004.
Lễ hội thành Bản Phủ - đền Hoàng Công Chất nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết giữa miền xuôi, miền ngược tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 250 năm Ngày nghĩa quân Hoàng Công Chất với sự hỗ trợ của dân binh địa phương đánh đuổi giặc cướp, giải phóng Mường Thanh. Sau thắng lợi này, từ năm 1758 đến 1762, nghĩa quân và nhân dân đã xây thành Bản Phủ, một công trình kiến trúc quân sự trấn thủ vùng biên cương. Tòa thành nằm giữa trung tâm cánh đồng Mường Thanh trù phú, vựa thóc lớn của cả vùng Tây Bắc. Theo dân gian truyền lại thì thành được xây dựng khá kiên cố với hào sâu và lũy tre dày đặc phía ngoài chân tường. Hiện nay, dấu tích vòng tường thành vẫn còn hiện hiển. Hai năm qua, tỉnh Điện Biên (trước đây là tỉnh Lai Châu) và Bộ Văn hóa - Thông tin đã đầu tư kinh phí trùng tu, nâng cấp, sửa chữa các hạng mục di tích khu vực thành Bản Phủ - đền Hoàng Công Chất với phương hướng xây dựng nơi đây trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, tín ngưỡng và du lịch hấp dẫn, đáp ứng tình cảm và lòng mong muốn thiết tha của nhân dân các dân tộc Điện Biên. Việc trùng tu đã hoàn thành giai đoạn ban đầu, thể hiện được một phần quá khứ lịch sử và tôn vinh công đức của người anh hùng nông dân. Nhiều công trình được xây mới, trong đó có cổng thành Bản Phủ khá bề thế, mang nét kiến trúc cổ, phù hợp cảnh quan, bên trên cổng thành có kỳ đài và vọng thành để hóng gió và ngắm cảnh. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh toàn vùng với những mái nhà sàn thấp thoáng ẩn hiện sau rặng tre xanh và cánh đồng lúa trải dài, ngút ngát tầm mắt. Khu vực bên trong thành có nhà sàn văn hóa đủ sức chứa hàng trăm người, hai bên tường thành là ao sen kè đá chung quanh cùng hệ thống đường gạch và sân bãi rộng phục vụ cho những hoạt động văn hóa, lễ hội, vui chơi và thi đấu thể thao. Các công trình có tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 4,5 tỷ đồng. Giữa trung tâm khu thành, bên gốc đa cổ thụ là ngôi đền thờ Hoàng Công Chất, các bộ tướng và hai thủ lĩnh người dân tộc thiểu số ở địa phương mới được nhân dân trong vùng, tỉnh Thái Bình và dòng tộc họ Hoàng quyên góp xây dựng lại to đẹp hơn trước với kiến trúc điêu khắc đẹp và công phu. Sau khi hoàn thành, đền thường xuyên đón nhiều đoàn khách đến thăm và thắp hương tưởng niệm.
Trong hai ngày lễ hội vừa qua, thành Bản Phủ và đền Hoàng Công Chất đã đón hàng nghìn lượt du khách và nhân dân các bản, làng trong tỉnh. Mở màn lễ hội là phần rước kiệu và dâng hương. Đi đầu là đội múa rồng, lân tạo không khí sôi động. Sau các nghi thức, 40 diễn viên trình diễn màn múa cờ hội theo nhịp trống tưng bừng. Tiếp đến là phần biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của 60 diễn viên trong trang phục truyền thống, đại diện cho các dân tộc thiểu số tây bắc trình diễn những tiết mục ca, múa nhạc đặc sắc. Độc đáo và lôi cuốn sự chú ý của mọi người là những cô gái Thái với nón, quạt, khăn, ô, kèn, tính tẩu với những bông hoa tươi của núi rừng trên tay trong điệu múa hoa ban và vòng xòe uyển chuyển, đằm thắm, dịu dàng. Nhiều hoạt động văn nghệ, thi đấu thể thao có sự tham gia của đội nghệ thuật quần chúng các xã Na Ư, Pa Thơm, Noọng Hẹt, Thanh Nưa của huyện Điện Biên và các tỉnh bạn Hòa Bình, Sơn La, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình. Sân đền và khuôn viên trong thành nô nức người trảy hội và xem các trò chơi dân gian như hái đào tiên, bắt lợn lấy thưởng, đánh đáo đá, tung còn, chơi cờ phạ, thi bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co nam, nữ. Còn buổi tối là giao lưu văn nghệ có tổ chức xòe và uống rượu cần, thi giọng hát hay dân ca các dân tộc. Chị Quàng Thị Hoa, Đội trưởng văn nghệ Bản Ten, huyện Điện Biên cho biết: "Năm nào chúng tôi cũng đi dự và biểu diễn ở hội nhưng năm nay lễ hội được tổ chức lớn nhất và có nhiều đội văn nghệ các thôn, bản và các tỉnh cùng tham gia, hội tụ đủ các loại hình nghệ thuật dân tộc".
Theo ban tổ chức có khoảng hơn 20 nghìn khách đã về dự lễ hội. Hiện nay, một số công ty lữ hành đã đưa thành Bản Phủ - đền Hoàng Công Chất vào chương trình du lịch Điện Biên Phủ và tuyên truyền, quảng bá về điểm đến hấp dẫn này.