“Facebook vào VN không xin được giấy phép MXH vì Mark không có bằng ĐH”
Đây là chia sẻ của Nhân Thế Luân, CEO Công ty NCT (đơn vị chủ quản website:nhaccuatui.com) tại Tọa đàm “Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới”, diễn ra chiều 15/7. Ông Luân đưa ra ví dụ như vậy để nói về vấn đề không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. ...
Đây là chia sẻ của Nhân Thế Luân, CEO Công ty NCT (đơn vị chủ quản website:nhaccuatui.com) tại Tọa đàm “Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới”, diễn ra chiều 15/7. Ông Luân đưa ra ví dụ như vậy để nói về vấn đề không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Nhân Thế Luân, CEO Công ty NCTCần sự công bằng trong thực thi luật pháp
Ông Nhân Thế Luân, CEO Công ty NCT cho rằng những quy định quá chặt chẽ hiện hành đang khiến cho các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam bị teo tóp. Trong khi đó, các công ty nước ngoài trong lĩnh vực này đang hưởng quá nhiều “thuận lợi” khi không chịu sự kiểm soát của pháp luật VN. Cũng vì lý do này mà facebook phát triển, còn nhiều mạng xã hội của doanh nghiệp trong nước đã bị chết khi chưa kịp lớn.
“Về pháp luật, công ty VN rất tuân thủ, mong muốn tuân thủ. Tuy nhiên, khi tuân thủ quá thì vô hình chung các công ty nước ngoài điều kiện thuận lợi rất nhiều,… Duy nhất ở ICT mình hơn facebook ở chuyện có giấy phép mạng xã hội. Facebook vào VN không bao giờ xin được giấy phép mạng xã hội vì Mark Zuckerberg không có bằng đại học” – ông Luân nói.
Trao đổi với chúng tôi, CEO Nhaccuatui giải thích thêm về câu nói đùa nhưng “rất đúng thực trạng hiện nay”: Theo quy định của Việt Nam thì người đứng tên xin giấy phép mạng xã hội ở Việt Nam phải có bằng đại học, trong khi đó ông chủ của Facebook chưa tốt nghiệp đại học.
Do đó, ông Luân mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước bảo đảm sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, các công ty nước ngoài cũng cần phải được cấp phép để hoạt động tại VN. Ông Luân nhận định rằng doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh hơn hiện nay nếu sự công bằng được bảo đảm, thay vì sự “bảo hộ ngược” đối với doanh nghiệp trong nước.
Lỗi do mình, không phải việc của Nhà nước
Ở quan điểm khác, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho rằng giấy phép không phải là vấn đề chính. Bởi lẽ, chỉ 2-3 ngày làm việc cơ quan nhà nước đã cấp phép cho doanh nghiệp. Nếu bắt buộc doanh nghiệp nước ngoài phải phải có giấy phép, họ hoàn toàn có thể thuê công ty tư vấn và nhận giấy phép trong 1 tuần lễ. Thay vào đó, doanh nghiệp cần tự vấn về những lợi thế của bản thân khi tham gia cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT“Các bạn có lợi thế gì không? Câu chuyện chiến đấu với những người khổng lồ xuyên biên giới nước ngoài không phải là câu chuyện của quản lý nhà nước, mà là câu chuyện công nghệ, tài năng, tài chính” – ông Ngọc nói
Lấy ví dụ về Alibaba, Weibo, Tencent, ông Ngọc cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc có đủ năng lực thay thế Amazon, Apple, Google. Bên cạnh đó, Trung Quốc sử dụng Hán tự thay vì chữ latinh. Hai điều này khiến Chính phủ Trung Quốc có lợi thế khi áp đặt các quy định lên doanh nghiệp nước ngoài.
Nhưng đối với Việt Nam, nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn nếu dịch vụ của Google bị gián đoạn. Doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và chưa có các dịch vụ thay thế được “người khổng lồ”. Vì thế, ông Ngọc cho rằng doanh nghiệp không nên nhắc đến “bảo hộ ngược” hay tự coi mình đang “bị ngược đãi” so với doanh nghiệp nước ngoài. Điều cần hỏi trong mình là: “Các bạn có lợi thế gì không?”
Theo Vương Diệu Quân – Trí thức trẻ