04/06/2017, 22:51

Khát vọng tự do là một trong những cảm hứng của không ít những bài thơ trong giai đoạn 1930 - 1945 của văn học nước nhà. Dựa vào một số bài thơ của Thế Lữ và Tố Hữu mà em đã học, hãy chứng minh điều đó.

Khát vọng tự do luôn là đề tài lớn của các nhà thơ, nhà văn trong giai đoạn 1930 - 1945. Nó là sự thôi thúc, niềm bứt rứt của nhân dân ta nói chung và của các nhà thơ nói riêng. Mỗi nhà thơ bộc lộ niềm khao khát tự do của mình theo một cách, làm cho tiếng nói tự do trở nên phong phú Thế Lữ và Tố ...

Khát vọng tự do luôn là đề tài lớn của các nhà thơ, nhà văn trong giai đoạn 1930 - 1945. Nó là sự thôi thúc, niềm bứt rứt của nhân dân ta nói chung và của các nhà thơ nói riêng.

Mỗi nhà thơ bộc lộ niềm khao khát tự do của mình theo một cách, làm cho tiếng nói tự do trở nên phong phú Thế Lữ và Tố Hữu, bằng một số bài thơ, cũng đã góp những tiếng thơ khao khát tự do thật tha thiết.
 
Giữa cảnh đất nước nô lệ, Thế Lữ đã mượn hình ảnh con hổ, vị chúa tể của rừng xanh bị giam cầm trong vườn Bách thú để nói lên niềm khao khát tự do, nuối tiếc một quá khứ huy hoàng của mình trong bài Nhớ rừng.
 
Gậm một khối căm hờn trong củi sắt.
 
“Khối căm hờn” đó ngày một lớn dần, cùng với nỗi “nhớ rừng”, nhớ kỉ niệm vàng son mà giờ chỉ còn là trong kí ức thôi:
 
Nào đâu những đêm vàng bên hờ suối.
 
Dòng hồi tưởng của con hổ được thể hiện qua những kỉ niệm huy hoàng, kết hợp với các câu hỏi tu từ làm bài thơ trở nên sâu sắc hơn. Các từ "nào đâu", “đâu những” được Thế Lữ dùng như để chỉ những kỉ niệm đã tuột khỏi tay rồi, không gì lấy lại được.
 
 Nỗi tiếc nuối đó càng lớn dần lên, nhớ thời xưa ta là chúa tể sơn lâm, nhớ những ngày mưa chuyển bốn phương, những “tiếng chim ca”, tiếng chân bước mạnh mẽ... Tất cả, tất cả như va đập trong trí nhớ của con hổ, và kiêu hãnh làm sao khi:
 
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
 Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật.
 
Vậy mà giờ đây, giữa lồng cũi, ta chỉ làm “trò mua vui cho thiên hạ”, ôi thời xa xưa!... Nỗi tiếc nuối, niềm khát khao tự do lại được hể gầm lên ở câu kết.
 
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
 
Thời “oanh liệt” ấy chẳng còn đâu nữa, chỉ còn lại hổ với tiếng gầm thét đòi tự do thật quá mãnh liệt.
 
Hình ảnh con hổ bị tù đày ở đây phải chăng chính là hình tượng của cả một dân tộc sống trong cảnh tù đày, nô lệ. Tiếng gầm đó chính là niềm khát vọng đã thôi thúc mãnh liệt con người tìm đến tự do, tìm đến chính mình ở một thế giới bình đẳng, bác ái. Nhà thơ Thế Lữ đã thành công khi chọn lựa hình ảnh của một con hổ bị tù đày để nói lên khát vọng rực cháy muốn tìm tự do của cả một lớp người.
 
Bằng sự cảm nhận sâu sắc của một người tù phải chịu cảnh sống mất tự do, Tố Hữu đã viết trong bài Khi con tu hú:
 
Khi con tu hú gọi bầy.
 
Tiếng gọi vang dội từ bên kia song sắt, nhà thơ như cảm nhận được hè về trải dài trên những đồng cỏ, những ruộng lúa, và bầu trời tự do:
 
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...
 
Ước gì nhà thơ được như những con chim kia, có thể tung cánh khắp bốn phương trời. Nhưng mọi sự chỉ đều là cảm nhận mà thôi, bốn bức tường, song sắt nhà tù đã ngăn cách nhà thơ với thế giới bên ngoài. Sự thiếu tự do, uất hận trào dâng:
 
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
 
“Hè ôi!”, câu thơ như than vãn về một sự việc không thể thực hiện được.
 
 Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!
 
Hai câu thơ thể hiện sâu sắc tâm trạng của nhà thơ, khi sống thiếu tự do con người có thể “chết uất thôi”. Tiêng chim tu, hú vẫn cứ kêu. Mở bài và kết bài đều là tiếng chim tu hú gọi hè dậy lên. Nhưng câu mở diễn ra với một không gian tự do, còn câu kết bài lại chính là tiếng gọi của tự do. Con chim vẫn cứ kêu lên, dù chỉ là khắc khoải, nhưng nó vẫn cố bám lấy một tia hi vọng, một tiếng “tự do”.
 
Nếu như nhà thơ Thế Lữ rất thành công khi mượn hình tượng con hổ thì Tố Hữu cũng gây được ấn tượng không nhỏ trong người đọc về hình ảnh con chim sẻ bé bỏng. Con chim sẻ không oai hùng, không đầy sức mạnh như vị chúa sơn lâm nhưng nó cũng cần có tự do. Và nó đã gục chết khi bị nhốt trong lồng. Ngày hôm qua khi chưa bị giam cầm “nó hãy còn bay nhảy” vậy mà “chỉ một ngày giam đã chết rồi”. Tác giả đã nói lên những niềm băn khoăn, day dứt của mình bằng những câu hỏi tu từ sâu sắc, ở khổ thơ đầu là lời băn khoán, thì ở khổ thứ hai là lời tự chất vấn.
 
Tôi đã tù, sao bắt nó tù?
 
Niềm băn khoăn dần chuyển thành lời day dứt của một kẻ tù mà không nhạy cảm với sự tù. Và cái chết của con chim nhỏ đã được giải thích ở khổ thơ sau: nó chết vì thiếu “mây gió”, không được “uống ánh trời”. Ở trong tù, con chim nhỏ dầu không phải kiếm ăn, người tù đã nhường cơm cho nó, nhưng sao vật chất có thể thay được tự do.
 
Bài thơ với những câu hỏi tu từ láy đi láy lại nhức nhối, đớn đau vì sự “vỡ nhẽ” dần dần cái giá trị vô giá của tự do. Bởi vì mất tự do thì cả con vật bé nhỏ cũng không sống nổi, huống hồ là con người. Người ta không chỉ cần tự do cho cuộc sống vật chất mà hơn thế nhiều, tự do cho cuộc sống tinh thần.
 
Thơ ca giai đoạn 1930 - 1945 này đã xuất hiện nhiều bài thơ nói lên khát vọng tự do đến cháy bỏng của con người Việt Nam. Niềm khát khao tự do ấy cũng được thế hiện khá thành công trong bài thơ Nhớ rừng và trong thơ Tố Hữu.

0