Đọc tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng người đọc cảm nhận được “Niềm lo lắng sâu sắc cho các giá trị truyền thống trước sự thay đổi của thời cuộc” SGK Ngữ văn 12.
Đọc tác phẩm của Ma Văn Kháng ta luôn bị ám ảnh bởi một thế giới không còn nguyên vẹn (tuy chưa thật sự có những thay đổi lớn lao). Những câu chuyện mà ông kể cho bạn đọc không “đao to búa lớn” nhưng lại có sức khái quát về một thời, một thời mà bước chân của bao người đang chênh vênh giữa cái cũ ...
Đọc tác phẩm của Ma Văn Kháng ta luôn bị ám ảnh bởi một thế giới không còn nguyên vẹn (tuy chưa thật sự có những thay đổi lớn lao). Những câu chuyện mà ông kể cho bạn đọc không “đao to búa lớn” nhưng lại có sức khái quát về một thời, một thời mà bước chân của bao người đang chênh vênh giữa cái cũ và cái mới. Mùa lá rụng trong vườn là một tác phẩm như thế. Người đọc ấn tượng đặc biệt với những thay đổi của khu vườn mùa lá rụng và con người đã không còn như những ngày xưa. Cũng bởi thế mà ...
Buổi chiều tất niên của gia đình ông Bằng cũng như bao gia đình Việt Nam khác, tất bật, háo hức, hồ hởi, vội vàng. Cả nhà thu xếp mâm cơm tất niên để đặt lên bàn thờ tổ tiên. Ta vẫn nhìn thấy trong bức tranh ấy những nét đẹp truyền thống không thể phủ nhận. Đó là cái không khí vừa có cái ồn ào, lo toan, gấp rút để chạy kịp thời gian, vừa muốn trùng trình níu kéo chút thời khắc của năm cũ, vừa muốn bước nhanh để được đón những giờ khắc đầu tiên của năm mới, mà ai cũng có kì vọng sẽ tốt đẹp bởi những gì đã và đang có. Và ai cũng có cảm tưởng cái gì cũng chỉ là mới bắt đầu. Nhân vật Lí là người đã thể hiện cái không khí tết nhất trong cái dáng vẻ tất bật, miệng luôn luôn mắng yêu chồng, than phiền về nhà cửa bề bộn, sắp đặt công việc, kể lể giá cả, xuýt xoa về hàng hóa, khen ngợi cái này, chê bai cái kia, bình luận nơi này, nhận xét nơi nọ. Ở người đàn bà ấy, người ta nhìn thấy hình ảnh của rất nhiều phụ nữ Việt Nam (đặc biệt là phụ nữ thị thành), trong những ngày năm hết Tết đến: lo toan mọi thứ, quán xuyến mọi thứ, lưu tâm tới mọi thứ. Họ trở nên đẹp hơn trong cái dáng tất bật, lo toan ấy.
Người đọc còn nhìn thấy những nét đẹp rất đặc trưng của dân tộc Việt trong đoạn trích này, đó là cảm giác mong muốn được quần tụ, sum họp.
Tết đến, người Việt Nam ai ai cũng muốn được trở về mái ấm nơi có mẹ, cha, anh em ruột thịt, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã in dấu bao kỉ niệm buồn vui (có thể cả những đau khổ, bất hạnh, biệt li). Với mỗi người thì gia đình là nơi bình yêu để nghỉ chân sau những ngày lao động bôn ba mệt nhọc.
Những thành viên trong gia đình ông Bằng cũng không đi ra ngoài phong tục, thói quen đó.
Đông, Lí, Luận, Phương, ông Bằng... đều gặp nhau trong một cảm nghĩ chung: sum họp. Tất cả họ đều muốn được gặp gỡ, được cảm thấy trái tim xao động khi cầm một bàn tay, nhìn thấy một dáng hình thân quen; muốn được cười, được nói và được trầm tư nghĩ suy về những gì đã qua, những gì chưa tới. Và sự xuất hiện của chị Hoài đã thỏa mãn bao ước mong. “Sự việc diễn ra quá ư đột ngột, Đông, Lí, Luận, hấp tấp từ phòng khách ùa ra vệt đường lát xi măng đi qua vườn cây ra cổng, nhìn thấy chị Hoài thật rồi mà vẫn còn ngơ ngơ ngác ngác nửa tin, nửa ngờ”. Chị Hoài hiện ra bằng xương bằng thịt, cả nhà ai nấy đều hạnh phúc ngạc nhiên xốn xang khác thường, không chỉ vì chị rất nết na, thùy mị, mà còn vì một số lí do sâu xa hơn nhiều. Chị Hoài chính là người giữ được mảnh hồn xưa, đẹp thuần khiết nhất, không phai mờ, không bao giờ cách xa, không khuất lấp, cho dù cuộc sống có đổi thay, lo toan, bon chen như thế nào. Chị Hoài chính là một khoảng quá khứ thiêng liêng đẹp đẽ mà cả Lí, Đông Luận, ông Bằng đã từng tạo dựng, đã từng xây đắp, tôn thờ. Nhưng ở mỗi người hình như đã bị lung lay, rạn nứt, sứt mẻ đi ít nhiều. Chỉ có chị Hoài là một khoảng thiêng liêng, trong sáng vô ngần, không thể phá vỡ. Đó là một vật báu mà cả gia đình ông Bằng ai ai cũng yên tâm rằng: vật báu ấy luôn được cất giấu ở một nơi nào đó thật an toàn và không ai có thể xâm phạm tới được.
Nội dung câu chuyện giữa những người con của ông Bằng trong buổi chiều sum họp rất bình thường như bao nhiêu câu chuyện thường gặp của bao gia đình Việt Nam: hỏi thăm sức khỏe, công việc, người còn, người mất... Nhưng nó lại mang đặc trưng cho những cuộc gặp gỡ cuối năm, cảm xúc buồn vui lẫn lộn, bao nhiêu sự kiện, bao kỉ niệm ùa về, liên tiếp, dồn dập và ai cũng muốn được nói, được kể, được bày tỏ, ai cũng muốn bàn tay mình đủ ấm để sưởi ấm bàn tay những người thân.
Sức mạnh của tình máu mủ, ruột rà đã tạo cho các thành viên trong gia đình ông Bằng có những cảm giác đặc biệt trong buổi chiều tất niên ấy. Tất cả họ đều hướng tới những gì tốt đẹp nhất, hướng tới bàn thờ. Nơi thiêng liêng in dấu bao gương mặt tổ tiên, nơi hiện diện của dòng tộc, huyết thống, nơi minh chứng cho tất cả những gì quý giá nhất không thể nói hết thành lời mà chỉ bằng sự cảm nhận bởi tâm linh của mỗi người. “Ông Bằng soát lại hàng khuy áo, chỉnh lại cái cà vạt, ho khan một tiếng, dịch chân lại trước mặt bàn thờ”. Thái độ kính cẩn nghiêm trang ấy thể hiện sự cung kính trước tất cả những người đã khuất, sự giữ gìn tất cả những gì vốn được cả dòng tộc duy trì, gìn giữ. Lời khấn thiêng liêng của ông Bằng chính là cuộc chuyện trò với những người vĩnh viễn đi xa là lời bày to với tất cả những ai đã được ghi tên trong dòng tộc. “Thưa thầy mẹ đã cách trở ngàn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu. Con vẫn đinh ninh ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của thầy mẹ, gia tộc, ông bà, tổ tiên, con như thấy từ trong tâm linh, huyết mạch sự sinh sôi nảy nở, phúc thọ an khang của cháu con đời đời nối tiếp trong cộng đồng dân tộc yêu thương”. Những lời tri ân ấy là những lời được rút ra từ tâm khảm, từ trái tim rất mực chân thành, từ niềm tin bất diệt vào sự vĩnh hằng tồn tại và hiện diện ngàn đời của ông bà, tổ tiên. Và trong thời khắc của gia đình sum họp, mọi người vẫn nhận thấy rõ sự hiện diện thiêng liêng của ông bà, tổ tiên. Họ vẫn “hằng sống, hằng vui buồn, chia sẻ, dắt dìu” con cháu.
Ý nghĩa của buổi sum họp được mở rộng hơn rất nhiều, đó không chỉ là buổi chiều gặp gỡ giữa những người đang sống mà là cuộc gặp gỡ, giao cảm tâm linh của người sống và người đã khuất: “Quá khứ không cắt rời với hiện tại. Tổ tiên không tách ròi với con cháu. Tất cả liên kết một mạch, bền chặt thủy chung”.
Và mâm cơm tất niên với la liệt bát đĩa ngồn ngộn các món ăn được mọi người quây quần, sum vầy vui vẻ, hân hoan khác thường. Đó là thời khắc thiêng liêng mà mỗi thành viên trong gia đình ông Bằng cảm nhận thấy rõ mình đang hiện diện, đang tồn tại, đang là một thành viên của một gia đình, một dòng tộc, và dòng máu chảy trong huyết quản là của cha ông truyền cho.
Chỉ bằng vài ba trang sách, nhưng người đọc đã cảm nhận được nét đẹp truyền thống của gia đình ông Bằng. Một gia đình vẫn còn giữ được những phong tục, nền nếp, lề thói sinh hoạt rất đẹp, rất đáng quý của những gia đình người Việt. Người đọc có thể thấy hình ảnh của rất nhiều gia đình Việt Nam trong đó.
Tuy nhiên, ngòi bút Ma Văn Kháng không chỉ dừng lại ở đó. Cái quan trọng hơn cả là ông đã tái hiện sự lung lay của vẻ đẹp truyền thống trước những biến đổi của thời cuộc. Quả thực, cái Tết sum họp của gia đình ông Bằng đã vượt lên trên cái ý nghĩa thông thường, cụ thể của nó mà nó còn mang tính biểu tượng cho “nếp nhà”, cho phong tục truyền thống, cho nền nếp gia phong, cho tất cả vẻ đẹp truyền thống của mỗi gia đình người Việt. Và quan sát thật kĩ màn sum họp của gia đình ông Bằng, người đọc không thể không lo sợ cho những gì vẫn tưởng là tồn tại vĩnh viễn.
Sự xuất hiện của chị Hoài - ngoài mục đích thăm hỏi bình thường còn mang một mục đích khác. “Ông viết thư cho tôi, ông kể hết. Kể cả chuyện cậu Cừ. Thế nên tôi mới sốt ruột, phải lên ngay. Tôi sợ ông buồn? Đến lúc này cả Lí, Đông, Luận, Phương mới biết rằng chị Hoài đã lên thăm đúng chiều 30 là có lí do của nó. Những lá thư ông Bằng viết cho chị Hoài không nói rõ nhưng người đọc có thể biết được, đó là những câu chuyện buồn.
Những câu chuyện về một gia đình đã không còn đầm ấm không đủ như xưa. Cừ - đứa con trai của ông Bằng, một thanh niên giỏi giang vốn tòng quân, nhập ngũ nhưng rồi lại trốn đi nước ngoài biệt tăm tích. Sự vắng mặt của Cừ không tạo một khoảng trống, sự thiếu vắng trong gia đình, mà đáng chua xót hơn cả là những hành động sai lầm của con người ấy khiến cho nền tảng gia phong, nền nếp đẹp đẽ của gia đình ông Bằng bị xúc phạm ghê gớm. Ông Bằng, Lí, Đông... tất cả thành viên trong gia đình đều cảm thấy bị tổn thương, đau đớn. Nó như một vết nhơ trong gia đình, là dấu hiệu của sự bình yên bị phá vỡ vĩnh viễn không thể hàn gắn lại như xưa. Cũng chính vì thế, ông Bằng đã gạt hẳn Cừ ra khỏi gia đình khi đọc các tên con trai trước bàn thờ tổ tiên. Sự chứng thực về cái chết, sự biến mất của Cừ trong lòng ông Bằng thể hiện nỗi đau đớn, dằn vặt ghê gớm của một người không chịu nổi những chấn động của sự đổi thay, biến chất và nó cũng thể hiện nỗi lo sợ của ông Bằng về những điều sẽ đến ngoài mong đợi và những sự biến mất ngoài dự kiến. Chị Hoài cũng có chung cảm giác ấy. Và bởi vậy, chị là người đồng cảm với ông Bằng hơn cả trong gia đình.
Làn sóng đổi thay của thời cuộc đã len lỏi, “xâm thực” vào gia đình vốn rất nền nếp, gia giáo ấy. Nó bắt đầu làm đổi thay những thành viên.
Người nhanh nhạy duy nhất với thời cuộc là Lí. Lí đã không còn như những ngày xưa nữa. Cô đã đổi khác và chạy theo nhịp thay đổi chóng mặt của thời cuộc. Trong lời nói của con người ấy đã mang hơi thở của tiền bạc, bị chi phối bởi quyền lực và địa vị xã hội. Lí không còn chấp nhận hi sinh thiệt thòi như ngày xưa nữa mà cô đã đòi hỏi vươn tới và mong muốn đạt được tất cả những gì mình thích. Cô thích thể hiện, thích vượt trội, thích mình phải nổi bật nhất và bởi vậy trong mọi lời nói, việc làm cô đều có sự toan tính, cân nhắc kĩ lưỡng. Do đó, mâm cỗ cuối năm do Lí làm vừa mang sự khéo léo, tỉ mỉ lại vừa mang sự tính toán, khoe khoang về khả năng kiếm tiền ở cô: trên mặt bàn la liệt các món ăn rất nhiều món ăn đắt tiền và nó “quá ư thịnh soạn vào cái thời buổi còn rất nhiều khó khăn”. Đông - chồng Lí, một anh bộ đội phục viên, đã trở thành một nhân vật mờ nhạt, anh trở thành cái bóng trong căn nhà, suốt ngày ăn, ngủ, tối đánh bài xem ra cuộc đời chẳng còn việc gì đáng để cho anh làm, chẳng có gì đáng để anh phải suy nghĩ...
Rõ ràng những thay đổi của thời cuộc đã tạo nên những chấn động không nhỏ cho gia đình nhỏ bé của ông Bằng. Các mối quan hệ giữa các thành viên dần xa cách, phân rã, không có sự liên kết chặt chẽ, mật thiết như xưa. Đặc biệt sự thay đổi của thời cuộc đã tạo nên những tác động về tâm lí, vào quan niệm sống, lí tưởng sống tưởng đã rất bền vững, rất đáng yên tâm, tin tưởng. Và cho dù ông Bằng có cố gắng đến đâu thì những bức tường của ngôi nhà đã bắt đầu rạn nứt. Mọi sự hàn gắn của ông chỉ là vô ích vì tính chất lạnh lùng, tàn bạo của cơ chế thị trường, của cơm áo, gạo tiền, của nhu cầu mưu sinh.
Ma Văn Kháng đã rất thành công trong việc thể hiện “một thế giới không còn nguyên vẹn”. Từ sự biến đổi trong một gia đình nhỏ, tác giả đã khái quát lên cả một xã hội khi mà cuộc đấu tranh mới - cũ đang diễn ra trên nhiều phương diện, khi mà sự biến thiên của thời cuộc không loại trừ bất cứ một ai. Từ sự thay đổi về mâm cỗ tất niên, từ những chấn động tâm lí của các thành viên trong gia đình ông Bằng, ta nhận thấy những tiếng thở dài não ruột lo sợ cho những giá trị truyền thống đang bị lung lay, biến đổi không thương tiếc. Đó cũng chính là giá trị nhân văn cao đẹp toát lên từ đoạn trích, toát lên từ toàn bộ tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn.