Độc đáo món cháo nghìn năm tuổi gắp bằng đũa
Đình Đình Tổ thờ Thành hoàng làng Lê Văn Thịnh. Bát cháo dâng Trạng nguyên Trạng nguyên khai quốc Lê Văn Thịnh sinh năm 1050 tại trang Đông Cứu nay là thôn Bảo Tháp xã Đông Cứu (Gia Lương, Bắc Ninh). Năm 1075, Nhà Lý mở khoa thi “Minh kinh bác học” đầu tiên để chọn hiền ...
Bát cháo dâng Trạng nguyên
Trạng nguyên khai quốc Lê Văn Thịnh sinh năm 1050 tại trang Đông Cứu nay là thôn Bảo Tháp xã Đông Cứu (Gia Lương, Bắc Ninh). Năm 1075, Nhà Lý mở khoa thi “Minh kinh bác học” đầu tiên để chọn hiền tài giúp nước. Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi này và trở thành vị tổ của nền khoa bảng nước nhà.
Lê Văn Thịnh là một nhà giáo dục lỗi lạc, sớm có ý thức nhất mở mang dân trí chốn thôn quê (từng mở trường dạy học trang Chi Nhị xưa, rồi dạy học cho vua Lý Nhân Tông).
Tương truyền, trên đường về quê, Lê Văn Thịnh lâm bệnh nặng. Cụ ngồi nghỉ ở cạnh hồ sen. Bụng đói cồn cào, cụ mong ước được xơi một bát cháo. Dân làng bèn nấu bát cháo ninh thịt mời cụ. Cụ xơi xong, khen ngon, rồi tạ thế tại gần chợ Điềng xưa, nay là xóm Nghè của thôn Đình Tổ (xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh). Khi kiểm tra thi thể, dân làng thấy có 12 sắc phong. Họ ngỡ ngàng biết cụ chính là Thái sư Lê Văn Thịnh. Đêm ấy, tháng Chạp, mưa to đen kịt trời. Dân làng định hôm sau chôn cất cụ. Sáng hôm sau, dân làng rất đỗi ngạc nhiên khi thấy tổ mối ở đâu đùn lên thành mộ. Mọi người cho đó là sự linh thiêng. Dân làng đóng góp công, của lập nghè (miếu) thờ phụng. Về sau, triều đình phong kiến căn cứ vào việc kê khai của dân thôn tâu trình và tư liệu quốc triều, đã ban cấp sắc phong, phong cụ làm Thành hoàng làng Đình Tổ. Dân cư sống ở gần Nghè được mang tên là xóm Nghè. Và từ bao đời, nhân dân thôn Đình Tổ đã thờ Thái sư Lê Văn Thịnh làm thành hoàng tại một ngôi đình cổ kính. Họ gìn giữ, chăm lo phần mộ của cụ.
Cụ tạ thế ngày 24 tháng Chạp năm 1096. Và hàng năm cứ đến ngày ấy, nhân dân Đình Tổ tổ chức làm giỗ, cúng tế cụ rất linh đình với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Dân Đình Tổ tôn vinh công đức to lớn của vị Trạng nguyên khai quốc này.
Những vị cao tuổi ở thôn Đình Tổ cho hay mỗi lần tổ chức giỗ tế, lễ hội, dân làng không quên nấu cháo độc đáo ở Đình Tổ tỏ lòng tôn kính dâng lên Thái sư Lê Văn Thịnh.
Nghìn tuổi vẫn trong lũy tre làng
Món cháo Việt Nam “phủ sóng” khắp nơi dải đất hình chữ S. Nhưng bát cháo quê hương Đình Tổ lại không giống bất kỳ nơi đâu. Đó là, cháo thường ăn thìa, cháo Đình Tổ lại gắp bằng…đũa.
Cách nấu cháo Đình Tổ khá kỳ công. Dân làng chọn gạo tẻ ngon ngâm khoảng nửa ngày. Gạo được vo kỹ, xay nhuyễn rồi dùng nước trong vắt ở giếng đầu làng, lọc thành tinh bột, cho vào mâm, nặn thật kỹ hình quả bột to bằng nắm tay. Nặn quả bột càng kỹ bao nhiêu, bát cháo càng ngon bấy nhiêu. Nước nấu cháo là nước xương hoặc nước ninh thịt. Thịt gà hoặc thịt lợn băm nhỏ hòa với nước dùng. Sau khi nặn quả bột, dân làng dùng con dao lát thật mỏng, càng mỏng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Kỹ thuật thái cháo coi là khó nhất. Dao thái phải sắc. Những miếng cháo được thái mỏng như làn mây thả vào nồi nước dùng. Khi cháo chín cho mắm, muối, hạt tiêu. Đặc biệt, cháo Đình Tổ không dùng hành hay rau xanh. Vị ngọt nước xương, vị đậm đà, béo ngậy của thịt lợn, gà nấu nhuyễn với lát cháo lẫn vị cay cay hạt tiêu khiến cháo Đình Tổ có hương vị không lẫn vào đâu.
Gắp cháo bằng đũa tăng sự thú vị, lạ lẫm đối với người thưởng thức. Kỹ thuật thái cháo, công thức, tỷ lệ gạo, nước xương, mắm, muối là cả một bí truyền của người làng Đình Tổ. Cháo Đình Tổ để nhiều dư vị, mang đậm cốt cách thân tình, cởi mở của con người nơi đây.
Cháo thái có từ hàng nghìn năm trước là nét văn hóa ẩm thực khó lẫn của Đình Tổ. Mỗi khi ngày Tết, hiếu hỉ, đặc biệt là lễ hội, dân làng Đình Tổ lại nấu món cháo này.
Hội làng Đình Tổ vào tháng Chạp, tháng Giêng và tháng 8 (ngày mất, ngày vinh quy bái tổ, ngày hóa của Thành hoàng làng Lê Văn Thịnh) được dân làng tổ chức với những nghi thức tôn nghiêm, nối từ đời này qua đời khác bằng những hình thức tế lễ, rước, trò vui và hát xướng.
Hội làng được mở trong ba ngày. Ngày đầu là lễ mở cửa đình; ngày thứ hai chính hội gồm các nghi lễ như rước ngai kiệu, tế lễ, dâng hương và các trò vui; ngày thứ ba làm lễ tế giã hội.
Ngay từ hôm đầu, nghi lễ rước Thành hoàng làng từ đình ra nghè được tổ chức trang trọng. Đoàn rước khoảng vài trăm người. Các trai làng xiêm y đỏ vàng khiêng ngai kiệu, chiêng trống, hương án, long đình... Đoàn hộ giá đi sau hương án, đồ thờ có cờ hàng báo, cờ ngũ hành và các đồ hộ quốc như trùy đồng, hồng trượng, phủ việt, rồi tiếp theo là tàn lọng uy nghi cùng đội nhạc cổ “lưu thủy” hòa tấu rộn rã. Tất cả mọi nghi lễ, rước, tế, dâng hương tưởng niệm diễn ra trang trọng thành kính, biết ơn của dân làng đối với người xưa. Sau khi lễ, là phần hội rộn ràng, khí thế.
Cũng như những hội làng khác, hội làng Đình Tổ có rất nhiều trò vui như đánh đu, đấu vật, cướp cờ, chọi gà, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng... thu hút nhiều người tham gia, cổ vũ. Ngoài ra còn có các tiết mục như hát ả đào, hát trống quân, hát đối quan họ ở các nơi trên đình, đền, chùa và dưới thuyền, tối có “chiếu chèo” hoặc giao lưu văn nghệ, thơ ca... mang đậm màu sắc dân gian truyền thống.
Trong lễ hội, không thể thiếu công việc nấu cháo dâng Thánh. Mỗi lần nấu cháo, cả làng lại háo hức, rộn ràng. Người chuẩn bị nồi gang đại, người chuẩn bị củi, người lo gạo, thịt…. Công việc phối hợp nhịp nhàng, ăn ý. Khi quây quần quanh bếp lửa đợm hồng, các cao niên làng lại kể về công trạng của Thành hoàng làng và nguồn gốc ra đời món cháo Thái. Khói bếp, mùi hương cháo sánh tỏa thơm khiến lễ hội thêm thi vị.
Có lẽ cũng bởi hương vị thơm ngon, độc đáo mà cháo luôn là thứ sản vật được rất nhiều người nhớ tới khi đến thăm Đình Tổ. Món cháo bình dị đã trở thành một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực của người dân nơi đây.
Không ít người trong thôn bùi ngùi: “Dù đã gần nghìn năm tuổi, cháo Đình Tổ độc đáo ấy chưa ra khỏi lũy tre làng. Tuy lễ hội nào cũng có cháo dâng Thánh nhưng hàng ngàn năm nay, chưa ai đứng ra tổ chức cuộc thi nấu cháo giữa các xóm với nhau”.
Muốn có cháo thì phải có gạo, thịt. Nhưng nếu không học hỏi, tập luyện thì cũng không thể nấu cháo ngon đúng hương vị cháo xưa, đảm bảo tiêu chuẩn: nhanh, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu có cuộc thi nấu cháo, những bí quyết nấu cháo được phát huy, không bị mai một. Đây cũng là cách nhằm thể hiện lòng quý trọng lúa gạo, trau dồi thao tác chế biến một sản phẩm nông nghiệp do chính tay họ làm ra.
Thùy Dương