Cách phân biệt sầu riêng, bòn bon, thanh long chín cây hoặc chín thuốc
Giật mình những loại thuốc thúc hoa quả chín ép Hiện nay, để thúc hoa quả chín và đẹp mã, nhiều cửa hàng bán hoa quả thường tiêm 1 loại thuốc vào cuống để trái cây chín đẹp và chín nhanh mà người tiêu dùng nếu không tinh ý sẽ không thể phát hiện được. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, hiện ...
Giật mình những loại thuốc thúc hoa quả chín ép
Hiện nay, để thúc hoa quả chín và đẹp mã, nhiều cửa hàng bán hoa quả thường tiêm 1 loại thuốc vào cuống để trái cây chín đẹp và chín nhanh mà người tiêu dùng nếu không tinh ý sẽ không thể phát hiện được.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, hiện tại, các loại thuốc thúc chín hoa quả vẫn chưa có trong danh mục thuốc được phép sử dụng của Bộ. Chính vì thế, có thể nói việc sử dụng các loại thuốc thúc chín hoa quả như đu đủ, mít, xoài… là bất hợp pháp.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hóa chất ethrel được sử dụng để tiêm thúc hoa quả chín tuy không phải là một chất “cực độc” hay “cực nguy hiểm” nhưng lại có những độc tính nhất định. Được biết, qua nhiều thử nghiệm, có thể thấy Ethrel có hại đối với da và mắt, rất dễ kích ứng làm đỏ mắt, xót mắt, ăn mòn da, gây sưng, đỏ da.
Điều nguy hại là hiện nay, hóa chất ethrel được bày bán công khai, tràn lan ngoài thị trường. Hầu hết chúng có nguồn gốc ở chợ biên giới từ Trung Quốc chuyển về. Chỉ với giá 4.000 đồng/2 lọ, mỗi lọ 2ml, nhưng người sử dụng có thể dùng được với số lượng hoa quả rất lớn.
Theo đó, tiêm nửa lọ thuốc này vào phần cuống mít non, đu đủ xanh, chỉ sau vài giờ đến 1 – 2 ngày sẽ chín đều, có mùi thơm nồng như thông thường.
Nếu như trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc chế biến, bảo quản trái cây thì ở Việt Nam, nhiều nông dân sử dụng hóa chất tràn lan theo kiểu "truyền miệng". Hầu như họ chỉ cốt cho quả chín mà không hề biết đến hàm lượng an toàn.
Chưa kể, nhiều nông dân thường dùng đất đèn để dấm trái cây mà không biết về nguy hại với sức khỏe. Thực tế, khi đất đèn gặp nước sẽ sản sinh khí Acetylen (C2H2) giúp trái cây mau chín. Tuy nhiên trong đất đèn có chứa Arsenic và phosphorus độc, khi gặp nước đất đèn tạo mùi hôi khó chịu, dễ cháy, nổ. Đất đèn cũng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nhức đầu, chóng mặt… nên nhiều nước cấm sử dụng.
Bí kíp phân biệt hoa quả chín tự nhiên và chín ép bằng thuốc
Có rất nhiều cách bạn có thể phân biệt được khá rõ ràng hoa quả chín ép bằng thuốc hay chín tự nhiên. Chỉ cần bạn chú ý lựa chọn khi mua chúng.
Cách chọn sầu riêng
Khi mua sầu riêng, để biết trái cây này bị ép chín bằng thuốc hay chín tự nhiên, người dùng có thể nhận biết bằng cách nhìn ngay cuống và gai của quả khi chọn mua.
Bạn chỉ nên chọn những trái sầu riêng có cuống và gai còn tươi mới. Khi ngửi thấy mùi thơm lừng. Tuyệt đối không chọn trái sầu riêng có cuống quả héo cũ, gai bầm dập, màu sạm cũ. Vì đây thường là những trái bị cắt khi còn non và đã bị ngâm thuốc hoặc tiêm thuốc kích chín.
Cách chọn bòn bon
Thời điểm này đang vào mùa bòn bon. Để mua được những trái bòn bon chín tự nhiên, dưới đít quả sẽ có dấu châm kim li ti, cuống quả còn tươi. Khi bóc ăn thử, bòn bon sẽ có vị ngọt thanh, thịt quả màu trong, hạt đen và nhỏ, đặc biệt không còn mủ.
Nhưng nếu những trái bòn bon chín bằng thuốc thì chúng thường có màu vàng đất bóng rất đẹp. Chúng cũng không hề có dấu châm kim trên quả. Cuống bị thâm đen, khi ăn có vị chua, thịt quả đục, hạt to có màu hồng và dính mủ vào tay rất nhiều.
Cách chọn thanh long
Nếu như những trái thanh long chín tự nhiên có vỏ mỏng, thân màu đỏ thẫm, các gai trên quả có màu tươi đẹp thì thanh long chín do thuốc kích thích có màu đỏ nhạt, gai trên quả héo, vỏ dày, ăn vị rất nhạt. Những trái thanh long như vậy bạn tuyệt đối không nên chọn.
Cách chọn cam, quýt
Khác với những trái cam quýt chín bằng thuốc kích thích sẽ cho màu chín vàng nhạt đều cả quả, cuống héo, các nốt tạo tinh dầu rất bé.
Cam quýt chín tự nhiên có cuống rất tươi, quả no tròn, các nốt tinh dầu trên vỏ nở to, chín từng mảng từ trên cuống xuống.
Theo Phụ nữ TPHCM