Đoạn kết
Khi Trạng trở về, vào chầu vua. Vua thương Trạng đi xa, đường đất nước người đã lâu ngày, bấy giờ mới được thấy mặt, mừng lắm, vội vàng xuống thềm cầm tay giãi bày những sự nhớ mong và hỏi chuyện khi ở bên nước người. Trạng cúi đầu quỳ tâu, kể suốt từ đầu đến cuối, khi ứng việc nọ, khi đối việc ...
Khi Trạng trở về, vào chầu vua. Vua thương Trạng đi xa, đường đất nước người đã lâu ngày, bấy giờ mới được thấy mặt, mừng lắm, vội vàng xuống thềm cầm tay giãi bày những sự nhớ mong và hỏi chuyện khi ở bên nước người. Trạng cúi đầu quỳ tâu, kể suốt từ đầu đến cuối, khi ứng việc nọ, khi đối việc kia, đều được thanh thỏa cả.
Vua nghe tâu, than thở khen rằng:
– Người như thế thực là ông Mạc Đĩnh Chi của trẫm.
Ngày hôm ấy ban yến, múa nhạc ăn mừng. Vua tôi vui vẻ suốt mấy ngày. Xong rồi, Trạng tạ ơn vua trở về.
Vài năm sau, tuổi Trạng mãn lệ sáu mươi, tâu vua xin về trí sĩ. Vua thấy Trạng có công với xã tắc nhiều lắm, gia phong làm Thượng quốc công trí sĩ, cắm đất lập ấp để Trạng làm chỗ ăn lộc, phong tặng phụ mẫu, gia phong Phấn Khanh làm Nhất phẩm phu nhân. Các con đều được tập ấm. Một nhà vinh hiển phú quý. Lộc nước ơn vua không biết bao nhiêu mà kể!
Một hôm thong thả, Trạng cùng với phu nhân ngồi đàm đạo, chuyện mới, chuyện cũ. Phu nhân thong dong bảo Trạng rằng:
– Nhà ta bây giờ kể ra ơn nước, lộc trời đã nhiều. Chỉ hiềm lũ con thơ dại, ít học hành, mà ngài thời lúc xuất chinh, lúc đi sang sứ. Thiếp dẫu biết năm ba chữ, dạy bảo chưa được bao nhiêu. Nay nhờ Thánh triều được công thành danh toại, cũng nên nghĩ lại trông xuống đàn con. Kẻo để chúng nó ngu dốt, sợ sau người cười con nhà thất giáo.
Trạng nghe đến chuyện dạy học, chỉ những sự lảng đi mà bảo phu nhân rằng:
– Kể như phu nhân nói thế rất phải. Cha mẹ yêu con còn gì bằng dạy cho chúng nó học hành. Sách có chữ: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý”. Chính lẽ ra tôi dạy chúng nó là phải. Chỉ vì công việc trở trăn, kinh sử biếng nhác. Bây giờ nhờ ơn nước mới được nghỉ tay, ví như chim bay vừa được nghỉ cánh, người gánh mỏi vừa được nghỉ vai, rất thèm những sự giao du sơn thủy để tĩnh dưỡng tinh thần. May nhờ có phu nhân gánh vác đỡ rồi, thật là quý hóa lắm. Thôi thời dạy bảo lấy con cũng là một việc nội trợ.
Từ đó trở đi, Trạng chỉ ngày ngày đàn sáo con hát dong thuyền đi chơi, hết bến nọ đến bến kia để xem phong cảnh.
Một hôm, đêm sáng trăng rất tỏ, chèo thuyền đi đến bãi Tự Nhiên. Trạng ngồi bên cạnh thuyền, trông ngó thấy giữa sông có một cái bãi cát, ở trên có một cái miếu, phong cảnh lạ lùng. Hỏi người lái đò: – Chỗ này là chỗ nào?
Người lái đò đáp: – Bẩm là bến Tự Nhiên. Khi xưa ông Chử Đồng Tử hóa tiên ở đó. Bãi này là di tích của Ngài.
Trạng trước thấy chữ Tự Nhiên, chợt nhớ đến câu hát của ông cụ khi trước. Còn đương ngẫm nghĩ, bỗng thấy ông cụ chèo chiếc thuyền đến gọi Trạng rằng:
– Có phải Dương Đình Chung đó hay không? Lâu nay đã thỏa chí hay chưa? Lão cho mượn sách từ khi ấy đến giờ mà bây giờ đã vinh hiển rồi, thời các phép của lão đem trả lão !
Trạng thấy gọi tên mình, vội vàng nhìn xem thì ra ông cụ dạy mình bói khi trước. Trạng toan cất lời lên; chưa kịp hỏi đã thấy ông cụ quay thuyền ra. Gọi với ông cụ lên thuyền nói chuyện, thế nào cũng không thấy cụ lại.
Trạng bắt lái thuyền cố chèo cho kịp thuyền cụ. Xa xa, thấy bóng cụ ghé thuyền lên bãi rồi biến mất, Trạng cũng lên bãi, tìm khắp cả không hề thấy dấu vết gì cả. Trang ngơ ngẩn than thở mãi rồi vào miếu lễ tạ. Xuống thuyền trở về, Trạng vào tâu truyện với Vua. Vua lấy làm kinh dị lắm, ban cho Trạng tiền để sửa sang đến miếu ông Chủ Đồng Tử. Trạng phụng chỉ sửa sang xong.
Tháng tám năm ấy, Trạng tắm gội vào triều, về nhà tự nhiên không có bệnh gì mà mất. Sống lâu 72 tuổi, ứng với 72 lần được người dương thế cho quà ở cái gò đất đầu làng, khi Trạng của chúng ta còn là cậu bé ẩn hiện bất ngờ mỗi lần ông Lương, thân sinh Trạng sau này, đi chợ về qua. Trong một lần, ông Lương có hỏi cậu bé sau này đầu thai làm con trai gia đình ông:
– Thế thời con ở với thầy bao lâu?
– Thầy cho con bao nhiêu lần quà, thời con xin ở với thầy đúng bấy nhiêu năm.
Ông tính đưa quà cả thảy 72 lần. Như thế là Trạng Lợn giữ đúng chữ tín với người đời, không sớm một năm, không chậm một năm. Chuyện của Trạng đã được huyền thoại hóa không biết thực chỗ nào, hư chỗ nào, điều chắc chắn là sẽ còn sống mãi trong dân gian.