Dịch vụ GDĐH là một loại hàng hoá đặc biệt
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xem dịch vụ công giáo dục đại học (GDĐH) là một loại hàng hoá. Trong khi đó, các trường ĐH dân lập mở ra hoàn toàn không có một sự hỗ trợ nào về kinh phí từ phía Nhà nước , hoạt động chỉ dựa vào học phí do người học đóng mà ...
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xem dịch vụ công giáo dục đại học (GDĐH) là một loại hàng hoá. Trong khi đó, các trường ĐH dân lập mở ra hoàn toàn không có một sự hỗ trợ nào về kinh phí từ phía Nhà nước , hoạt động chỉ dựa vào học phí do người học đóng mà một số trường vẫn có thu nhập vào loại khá cao. Nhà nước cũng đang sử dụng ngân sách quốc gia để đào tạo cán bộ ở nước ngoài, nghĩa là mua hàng hoá dịch vụ đào tạo của nước ngoài, với mức chi trên 15.000 USD/người trong một năm. Nhà nước cũng đã cho phép nước ngoài xây dựng trường ĐH ở VN với 100% vốn đầu tư của nước ngoài (dạng FDI). Nhiều trường ĐH nước ngoài với tổng chi phí học tập từ 10.000 - 20.000 USD / năm cũng đang quảng cáo trên các phương tiện truyền thông VN…
Chính khoảng cách giữa quan niệm và thực tiễn nói trên đã vừa gây khó khăn trong việc xây dựng chính sách, vừa hạn chế khả năng nâng cao chất lượng đào tạo, làm thêm mất công bằng trong GDĐH (qua chính sách học phí) và làm “thất thế” trong cạnh tranh của nhiều tổ chức đào tạo trong nước. Khoảng cách này cũng đã gây một số nhiễu loạn trong xã hội, làm cụm từ “thương mại hóa” bị gán cho một ý nghĩa xấu và làm giảm hiệu quả của nền GDĐH.
Cần xem GDĐH là một loại hàng hoá, nhưng là loại hàng hoá có nhiều đặc trưng tập thể/ Nhà nước hơn là đặc trưng thị trường và đương nhiên cần có sự can thiệp của Nhà nước về mặt cạnh tranh, độc quyền… Những can thiệp đó có thể là chống “cạnh tranh không hoàn hảo” liên quan chủ yếu đến vấn đề độc quyền, độc quyền sẽ làm giảm thấp hiệu quả kinh tế quốc giavà người tiêu dùng chỉ được phục vụ tồi. Ở VN, GDĐH có cung thấp – cầu cao, số tổ chức đào tạo ít mà dịch vụ của họ lại không giống nhau (tính chất và chất lượng khác nhau), nghĩa là dễ có biểu hiện độc quyền ở dạng “chỉ có một số ít người bán sản phẩm mà đặc trưng của sản phẩm lại khác nhau”. Trong bối cảnh đó, việc quy định học phí cho các hình thức đào tạo chính quy trong khi thả lỏng học phí ở các hình thức không chính quy và các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh không theo tiêu chí… có lẽ đã tạo nên sự cạnh tranh không hoàn hảo. Tại sao lại phải quy định học phí dưới 3 - 4 triệu đồng / năm cho một loại hình đào tạo này trong khi lại cho phép thu học phí tự do, có thể đến trên 3.000 USD / năm, ở một loại hình đào tạo khác?.
Nhà nước cũng cần quan tâm đến “tác động ngoại biên” (externality), là một tác động do hành vi của một đối tượng kinh tế gây ra (tốt hoặc xấu) đối với phúc lợi của một đối tượng khác, mà tác động đó không được phản ánh bằng giao dịch thị trường . Một số dịch vụ như dự báo động đất, dự báo khí tượng thuỷ văn, quy hoạch vùng nông nghiệp, quy hoạch thủy lợi, nghiên cứu toán học cơ bản… vừa có “mức độ công cộng cao” vừa có tác động ngoại biên lớn, nghĩa là mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, do vậy Nhà nước cần bao cấp phần lớn chi phí cho các lĩnh vực đào tạo này.
Ngoài ra, để giải quyết vấn đề công bằng xã hội, Nhà nước cũng cần có sự “phân phối lại”, trong đó có thể sử dụng nguyên tắc “công bằng theo chiều dọc”, nghĩa là những người không bình đẳng phải được thu phí khác nhau dù cùng được một mức hưởng lợi. Nói cách khác, đó là thu phí theo “khả năng đóng góp”.
Dưới áp lực toàn cầu hóa, GDĐH VN có lẽ cũng phải có những chuẩn bị về loại hàng hoá dịch vụ công đặc biệt này, tương tự như các doanh nghiệp VN. Nếu không, “công nghiệp GDĐH” sẽ chỉ dành ưu tiên cho đầu tư nước ngoài. Nếu không, các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực, của các trường ĐH VN cũng như của xã hội VN sẽ không được huy động đầy đủ. Nếu không, hiệu quả tổng thể của GD VN nói chung sẽ bị giảm sút và GDĐH VN nói riêng sẽ không đáp ứng tốt được những yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hoá đất nước