Đến Lạng Sơn không thể bỏ qua những loại rau tuyệt ngon này
Cải làn Lạng Sơn nổi tiếng là món rau ngon, xanh mát, có hương vị rất đặc trưng của vùng đất này. Cải luộc, nấu canh xương, xào đều có hương vị đặc biệt. Ai đã một lần được ăn ngồng cải làn thì không thể nào quên hương vị ngọt ngào của thứ rau này. Cải làn Lạng Sơn xào lên giòn, xào ...
Cải làn Lạng Sơn nổi tiếng là món rau ngon, xanh mát, có hương vị rất đặc trưng của vùng đất này. Cải luộc, nấu canh xương, xào đều có hương vị đặc biệt. Ai đã một lần được ăn ngồng cải làn thì không thể nào quên hương vị ngọt ngào của thứ rau này. Cải làn Lạng Sơn xào lên giòn, xào lẫn cả thân, lá và ngồng hoa. Cải có vị ngọt chứ không đắng nhẹ như cải mèo Mộc Châu. Mùa thu hoạch ngồng cải làn từ tháng 4 tới tháng 8. Qua tháng 9, tháng 10, rau này rất hiếm và đắt gấp 4-5 lần chính vụ.
Rau cải ngồng là loại rau đặc biệt phù hợp với khí hậu của Lạng Sơn. Rau cải ngồng có thân non mập, hoa màu vàng, ăn có vị ngọt. Rau cải ngồng được chế biến thành nhiều món ăn như luộc, xào tỏi, xào thịt bò, ăn lẩu…Hiện nay, giống ngồng cải đã được trồng ở nhiều nơi nhưng không đâu có cọng to, lá xanh và mỡ màng như ngồng cải xứ Lạng. Không chỉ nổi tiếng là rau sạch, ngồng cải còn chứa nhiều vitamin B1, B2…có lợi cho sức khỏe, là thực phẩm giúp đẹp da.
Rau bò khai mọc hoang ven rừng và trên núi đá vôi có độ cao từ 100 – 150m. Cây bò khai leo bằng tua và còn có tên là Dạ Yến. Rau bò khai nhìn hơi giống ngọn su su nhưng mảnh hơn và xanh đậm hơn, thân leo, ngọn nhỏ mềm như sợi bún thường được ngắt từng đoạn ngắn, dùng xào chung với thịt bò hoặc bánh đa ăn giòn bùi. Rau bò khai không chỉ là thứ rau rừng ngon miệng, mà trong Đông y còn là vị thuốc. Ăn rau bò khai bổ thận, lợi tiểu, làm tan sỏi và chất đóng cặn. Cái tên bò khai ban đầu bị “mang tiếng” là mọc ven rừng, bò đi tiểu vào nên có mùi khai, ăn rau này xong nước tiểu có mùi khai. Nên nhiều người gọi với tên thi vị hơn “dạ yến”.
Thật thiếu sót nếu bỏ qua rau ngót rừng (còn gọi là rau sắng) trong danh sách đặc sản xứ Lạng. Ngót rừng không cần chế biến nhiều, chỉ cần tuốt lá, lấy cả những cọng non cho vào nấu canh với thịt lợn băm mà tuyệt đối không cho mì chính để tận hưởng vị ngọt tự nhiên của rau. Rau ngót rừng khi được hái về thường bó thành từng mớ nhỏ ngắn chỉ gang tay, phải rất nhẹ tay để lá non khỏi nát, rửa cũng nhẹ tay. Khi ăn lá rau mềm ngọt, cọng rau bùi và ngồng hoa thì có li ti những hoa nhỏ. Loài rau này mỗi năm chỉ có một mùa ngắn.
Rau sau sau dùng như một loại rau sống, khi ăn thường được chấm với mẻ chua, vị bùi – chát – ngọt, hương thơm nồng nàn rất đặc biệt. Ở vùng Sì Nghều (huyện Lộc Bình), bà con có một thứ nước chấm “đặc chủng” tên là Xà đúc, ăn với rau sau sau rất ngon, một lần ăn, nhớ mãi không quên. Xà đúc được lấy nguyên liệu từ tuỷ của xương lợn, kết hợp với một số gia vị cả địa phương, ủ men lâu ngày mà thành.
Châu Anh (th)