02/06/2018, 21:52

5 đặc sản Quảng Nam nhất định phải thử một lần trong đời

Mì Quảng Mì Quảng thường được làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2mm. Sợi mì làm bằng bột mỳ được trộn thêm một số phụ gia cho đạt độ giòn, dai. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt ...

Mì Quảng

Mì Quảng thường được làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2mm.

Sợi mì làm bằng bột mỳ được trộn thêm một số phụ gia cho đạt độ giòn, dai. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo.

Mì Quảng.
Mì Quảng.

Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... Thông thường nước dùng rất ít. Cùng với cao lầu, mì Quảng là món ăn nổi bật trong văn hóa ẩm thực đặc sản Quảng Nam.

Cao lầu

Đây được xem là món ăn đặc sản của thị xã Hội An. Món mỳ này có sợi mỳ màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống và rất ít nước dùng. Sợi mỳ màu vàng là do được trộn với tro một loại cây ở địa phương.

Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, đảo cách Hội An 16 km, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy nên dù cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.

Cao lầu.
Cao lầu.

Người ta thường ăn cao lầu với giá trụng nước sôi nhưng không được quá mềm. Thêm ít rau sống, được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương... và tép mỡ vỡ tan trong miệng.

Bánh tráng đập

Bánh tráng đập là món ăn dân dã, rẻ tiền mà người con xứ Quảng nào cũng biết và ưa thích.

Tưởng chừng như đơn giản nhưng món bánh tráng đập cần trải qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng. Người làm bánh sử dụng loại gạo tẻ thơm, độ dai vừa phải để bánh có vị ngọt bùi, mặt bánh trắng tinh, láng.

Gạo tẻ được xay nhuyễn cùng với nước sau đó bột được tráng cách thủy, dùng gáo láng bột thật mỏng rồi đậy vung lại, không để bánh quá chín. Khi bánh chín, thợ làm bánh sẽ dùng dùng thanh tre mỏng khéo léo luồn xuống phía dưới mép bánh để lấy bánh ra khỏi khuôn, tay còn lại đổ tiếp mẻ bột mới.

Bánh tráng đập.
Bánh tráng đập.

Bánh được bỏ trong một cái thau lớn gồm cả khối bánh đến hàng trăm lá bánh, người bán phải dùng đầu ngón tay lăn nhẹ ở đường biên của khối bánh để lấy ra từng lá bánh dán lên chiếc bánh tráng nướng giòn nóng hổi.

Bên cạnh miếng bánh tráng nướng giòn tan cùng lớp bánh mềm mịn ở trong thì điểm nhấn của món này chính là nước chấm. Nước chấm được làm từ mắm cái được làm từ loại cá cơm hoặc cá nục của vùng biển Quảng Nam. Mắm được pha sánh sánh, có màu nâu nâu kết hợp cùng màu đỏ của sa tế, mặn mặn ngọt ngọt như mùi biển của Quảng Nam cùng vị cay nồng nàn của ớt. Chén nước chấm bánh tráng đập còn thêm một ít hành phi và dầu phi để hương vị thêm nồng nàn và quyến rũ.

Bánh tổ

Bánh tổ là một loại bánh có xuất xứ từ Quảng Nam, đây là một ăn đặc sản, có truyền thống lâu đời trong mỗi dịp tết của người dân xứ Quảng. Nhiều địa phương ở Quảng Nam đều làm bánh này.

Bánh tổ.
Bánh tổ.

Nguyên liệu gồm có nếp và đường. 1 kg nếp khoảng 700gr đường và 100ml nước gừng giã, Nếp sau khi xay thật mịn bỏ vào túi vải đăng khoảng 1,5h và đem bột trộn với đường và nước gừng trộn hỗn hợp thật kỹ, sau đó cắt bọc ni lông hoặc lá chuối lót vào khuôn và tráng dầu sau đó cho hỗn hợp bột nếp vào, sau đó đem hấp tùy theo kích thước lớn nhỏ mà có thời gian hấp khác nhau, khoảng 3h nhưng cách tốt nhất là bạn hãy dùng tăm xâm vào cho đến khi nào bánh chuyển màu trong thì được. sau đó đem phơi khoảng 3-4 ngày là được. Bánh ngon nhất khi nấu xong nửa tháng thì chiên lên ăn ngon tuyệt.

Ram tôm

Ram tôm cũng là một trong những món ngon xứ Quảng hấp dẫn thực khách. Gần giống với món nem của miền Bắc, tuy nhiên thực khách sẽ cảm nhận được hương vị đặc biệt, giòn tan của ram tôm với các nguyên liệu chính như: Thịt ba chỉ, tôm đồng, bánh đa nem và các loại gia vị khác.

Ram tôm.
Ram tôm.

Khi thưởng thức ram tôm, bạn sẽ cảm nhận được độ béo ngậy, thơm của thịt, ngọt của tôm và giòn tan của vỏ ram. Món này thường được ăn chung với rau sống và để lại cho thực khách ấn tượng khó quên khi nhắc về những món ăn dân dã, quen thuộc của Quảng Nam.

Theo Doanh nghiệp Việt Nam

0