Đề văn thuyết minh và cách làm bài văn thuyết minh trong văn lớp 8
Đề văn thuyết minh và cách làm bài văn thuyết minh trong văn lớp 8 Đề văn thuyết minh rất rộng lớn, bao hàm những hiện tượng tự nhiên, cảnh sắc thiên nhiên, về sự vật, loài vật, con người và cuộc sống. ...
Đề văn thuyết minh và cách làm bài văn thuyết minh trong văn lớp 8
Đề văn thuyết minh rất rộng lớn, bao hàm những hiện tượng tự nhiên, cảnh sắc thiên nhiên, về sự vật, loài vật, con người và cuộc sống.
- Đề văn thuyết minh
Đề văn thuyết minh rất rộng lớn, bao hàm những hiện tượng tự nhiên, cảnh sắc thiên nhiên, về sự vật, loài vật, con người và cuộc sống.
- Về hiện tượng tự nhiên: sấm, sét, gió, bão, tuyết, trăng, sao, nhật thực, nguyệt thực...
-Về cảnh sắc thiên nhiên: núi, sông, danh lam thắng cảnh (Hạ Long, Nha Trang...).
- Về sự vật, loài vật, đồ vật: chơi đu, đá bóng, con trâu, con voi, cái cặp sách cái đồng hồ, món ăn ngon, v.v...
- Về con người: ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, chú bộ đội,...
2. Cách làm bài văn thuyết minh
a,Mở bài: Giới thiệu đối tượng thuyết minh.
b. Thân bài.. Miêu tả cấu tạo, hình thù; nêu lên các đặc điểm; chỉ ra lợi ích, tác dụng của đối tượng được thuyết minh.
c. Kết bài: Nêu lên những suy nghĩ về đối tượng được thuyết minh.
3. Luyện tập
Hiên ngang kì đài
Nằm trong quần thể khu di tích thành cổ, Cột cờ Hà Nội (hay còn gọi là Kì đài Hà Nội) là công trình kiến trúc giàu thẩm mĩ, có giá trị văn hoá - lịch sử và được coi là một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Được xây dựng từ năm 1805 đến 1812, cùng thời với thành Hà Nội dưới triều Gia Long nhà Nguyễn, Cột cờ Hà Nội là công trình bề thế, cao nhất Hà Nội thời đó. Từ trên đỉnh cột cờ, người ta có thể quan sát được gần như toàn bộ cả nội, ngoại thành. Đó cũng là lí do chính mà Cột cờ Hà Nội là một trong số ít những công trình kiến trúc thuộc khu vực thành Hà Nội có may mắn được giữ lại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Bởi sau khi chiếm được Hà Nội, người Pháp đã tiến hành phá huỷ thành trong suốt 3 năm từ 1894-1897, để xây dựng khu quân sự, nhưng cột cờ vẫn được giữ lại nguyên vẹn để biến thành đài xem đua ngựa, đồng thời là trạm quan sát, thông tin liên lạc giữa khu chỉ huy trung tâm với những đồn bốt xung quanh.
Cột cờ Hà Nội được xây dựng với kiến trúc dạng tháp theo thể “thượng thu hạ thách", bao gồm ba tầng đế và một thân cột được xây và ốp bằng gạch gốm xung quanh. Các tầng đế là những khối chóp cụt, có chân hình vuông, xây chồng lên nhau, nhỏ dần về phía trên. Tầng I có chiều dài mỗi cạnh là 42,5 mét, cao 3,1 mét. Tầng 2: dài 27 mét, cao 3,7 mét. Tầng 3 dài 12,8 mét, cao 5,1 mét; có 4 cửa; ngoại trừ cửa Bắc không ghi chú gì, còn lại 3 cửa đều có chữ ghi ở trên là: Nghênh Húc (đón nắng ban mai) ở cửa Đông, Hướng Minh (hướng về ánh sáng) ở cửa Nam, Hồi Quang (ánh sáng phán hồi) ở cửa Tây. Trên tầng 3 là thân cột cờ hình trụ có 8 cạnh, mỗi cạnh dài 2,13 mét, thân thon dần lên phía trên cao 18,2 mét. Trong lòng Cột cờ có các bậc thang xoáy ốc gồm 54 bậc; được thông hơi và chiếu sáng bởi 39 ô cửa sổ hoa thị và 6 ô cửa sổ hình dẻ quạt. Những ô cửa này được đặt dọc các cạnh, mỗi cạnh có 5 hoặc 6 cửa sổ. Đỉnh ở trên cùng của Cột cờ là Vọng Canh như một lầu bát giác, cao 3,3 mét, có 8 cửa số ở mỗi cạnh. Giữa lầu là trục tròn cắm cán cờ có đường kính 0,4 mét và vươn cao lên đỉnh lầu. Từ chân cột cờ đến trụ này có chiều cao là 33,4 mét, nếu tính cả trụ treo cờ thì độ cao phải lên trên 40 mét.
Từ mọi góc nhìn, Cột cờ Hà Nội có bố cục hài hoà, tôn nghiêm, có giá trị nghệ thuật kiến trúc. Cột cờ Hà Nội chính là biểu tượng thể hiện chủ quyền độc lập dân tộc, ý chí vươn lên bất khuất không chịu bị khuất phục các thế lực ngoại xâm cùa dân tộc Việt Nam. Chính tại nơi đây đã từng chứng kiến cuộc đấu tranh anh
dũng của dân ta chống thực dân Pháp xâm lược với sự kiện tử tiết đầy bi tráng của các vị Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương (1800-1873) và Hoàng Diệu (1820-1882). Trong cuộc chiến đấu này, Cột cờ Hà Nội đã được sử dụng làm nơi phát hoá pháo hiệu chiến đấu và là một trong những pháo đài được bố trí đầy đủ cả hoả lực bộ binh và đại pháo để chống lại quân xâm lược.
Cột cờ Hà Nội là biểu tượng thiêng liêng của Thăng Long - Hà Nội. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng đã bay phấp phới trên đỉnh Cột cờ. Sau cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp, ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng, lá cờ Tổ quốc lại tiếp tục tung bay kiêu hãnh trên đỉnh Cột cờ đó tới nay.
Gần hai thế kỉ đã qua, Cột cờ vẫn bề thế vươn cao hiên ngang cùng với những chiến công hiển hách của dân tộc. Bầu trời Hà Nội mùa thu này dường xanh trong tuyệt đẹp hơn với lá cờ thiêng tung bay trên đỉnh Cột cờ, mừng vui khi đất nước thống nhất, đổi mới, hội nhập, chào đón bạn bè quốc tế từ khắp mọi nơi đến với Hà Nội yêu dấu, đến với Cột cờ hùng thiêng - một di tích lịch sử của Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến.
Minh Trà