Đề văn nghị luận và việc lập dàn ý cho bài văn nghị luận SBT Văn 7 tập 2 trang 18...
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 18 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 7 tập 2. Hãy tự đặt một chuỗi câu hỏi để tìm ý cho đề văn : “Sách là người bạn lớn của con người”.. Bài tập 1. Hãy tìm các câu và cụm từ dưới đây mà em cho rằng có thể là đề văn nghị luận : – Con hơn cha là nhà có phúc. ...
Bài tập
1. Hãy tìm các câu và cụm từ dưới đây mà em cho rằng có thể là đề văn nghị luận :
– Con hơn cha là nhà có phúc.
– Thế nào là học tốt ?
– Lịch sự là mẹ của chân lí.
– Lịch sử Việt Nam.
– Gần mực chưa chắc đã đen.
– Tình bạn.
– Tình bạn cao quý.
– Phải chăng thật thà là dại ?
2. Hãy đặt một số đề văn nghị luận từ các câu tục ngữ mà em thích.
3. Để lập ý cho đề bài “Hãy biết quý thời gian”, có bạn đã nêu ra các câu hỏi sau để tự trả lời : Thời gian là gì ? Thời gian có tính chất gì ? Nó có tác dụng gì làm cho người ta phải quý ? Nếu không biết quý thời gian thì sẽ có hậu quả như thế nào ?
Em hãy trả lời các câu hỏi đó và xây dựng ý (luận điểm) cho bài tập làm văn.
4. Hãy tự đặt một chuỗi câu hỏi để tìm ý cho đề văn : “Sách là người bạn lớn của con người”.
Gợi ý làm bài
1. Đề văn nghị luận là câu hoặc cụm từ mang tư tưởng, quan điểm hay chủ đề cần được làm sáng tỏ. Trong tám câu và cụm từ đã cho, các câu 1, 2, 3, 5, 7, 8 có thể xem là đề văn nghị luận. Cụm từ số 4 và 6 chỉ nêu chủ đề cũng có thể làm đề văn nghị luận bàn về chủ đề ấy.
2. Một số câu tục ngữ có thể dùng làm đề văn nghị luận :
– Học thầy không tày học bạn.
– Đi một ngày đàng học một sàng khôn.
– Gần mực thì đen gần đèn thì rạng.
– Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Em có thể tìm thêm nhiều câu tục ngữ nữa.
3. Em hãy trả lời các câu hỏi theo cách thông thường, giản đơn nhất. Ví dụ : Thời gian là thì giờ, là tháng, năm, là tuổi trẻ, là bản thân cuộc sống mà mỗi người chỉ có một lần ; thời gian có tính chất một đi không trở lại, một khi đã bỏ phí thì không có cách gì có thể tìm lại được. Nhưng thời gian có tác dụng rất quan trọng là : Con người muốn làm gì cũng cần phải có thời gian… Từ các ý đó em hãy xây dựng dàn ý cho bài văn.
4. Hãy bắt đầu từ câu hỏi : Sách là gì ? Bạn là gì ? Tại sao sách có thể là người bạn lớn của con người ?…
Hãy đọc bài tham khảo “Ích lợi của việc đọc sách” (trang 23 – 24, SGK) để tìm ý cho bài văn.