Luyện tập lập luận giải thích SBT Văn 7 tập 2 trang 70:Để làm cho người đọc hiểu được vấn đề ấy, em cần lần lượt đi qua những...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 70 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 7 tập 2. Để làm cho người đọc hiểu được vấn đề ấy, em cần lần lượt đi qua những bước lập luận nào ? Lí do gì đã khiến em chọn trình tự giải thích ấy ?. Bài tập 1. Đề văn trong bài Luyện tập lập luận giải thích (trang 87, SGK) yêu cầu ...
Bài tập
1. Đề văn trong bài Luyện tập lập luận giải thích (trang 87, SGK) yêu cầu em phải giải thích vấn đề gì ? Vấn đề ấy có phải là “Sách là ngọn đèn” không ? Vì sao ?
2. Để làm cho người đọc hiểu được vấn đề ấy, em cần lần lượt đi qua những bước lập luận nào ? Lí do gì đã khiến em chọn trình tự giải thích ấy ?
3. Một nhóm HS thảo luận với nhau về đề bài : “Tên quan trong truyện Sống chết mặc bay luôn tỏ ra là một kẻ uy quyền, sang trọng. Phạm Duy Tốn cũng không hề viết rằng hắn đánh đập dân hắn ăn đút lót của dân. Thế nhưng, dưới ngòi bút của nhà văn, tên quan ấy vẫn hiện lên như một kẻ “lòng lang dạ thú”. Hãy giải thích vì sao lại thế.”
Theo bạn Hằng, đề bài đòi hỏi phải nói về hình ảnh một tên quan “sống chết mặc bay”. Theo bạn Nga, đề bài chỉ yêu cầu giải thích tại sao tác giả Phạm Duy Tôn lại có thể nói rằng tên quan ấy “lòng lang dạ thú”. Còn bạn Nguyệt lại cho rằng : Hai bạn nói còn chưa đủ. Căn cứ vào từ ngữ trong đề bài ấy thì bài làm phải giải thích tới ba điều : (1) Vì sao có thể nói tên quan trong truyện luôn tỏ rõ hắn là kẻ uy quyền, sang trọng ? (2) Tác giả có viết rằng tên quan trong truyện đánh đập dân hay ăn đút lót của dân không ? (3) Nhưng vì sao có thể nói rằng tên quan ấy “lòng lang dạ thú” ?
Em tán thành ý kiến của Hằng, của Nga hay của Nguyệt ? Vì sao ?
4. Giả sử em phải giải thích vì sao có thể nói rằng tên quan trong truyện “Sống chết mặc bay” là một kẻ “lòng lang dạ thú”. Em sẽ sử dụng những lí lẽ nào trong các lí lẽ dưới đây :
– Tên quan trong truyện quả là một kẻ uy quyền, sang trọng.
– Không phải cứ đánh đập dân mới là kẻ “lòng lang dạ thú”.
– Cũng không phải cứ hay ăn đút lót mới là kẻ “lòng lang dạ thú”.
– Kẻ lòng lang dạ thú là kẻ mặt người mà lòng dạ thì mất hết tính người.
– Tên quan trong truyện lòng lang dạ thú là vì hắn không hề lo việc cứu đê.
– Tên quan trong truyện lòng lang dạ thú là vì hắn cứ thản nhiên bài bạc trong lúc người dân vô cùng khổ cực.
– Tên quan trong truyện lòng lang dạ thú còn là vì hắn hoàn toàn thờ ơ với nỗi cực khổ của người dân trong lúc hộ đê và trong cảnh vỡ đê.
5. Sau khi chọn xong các lí lẽ sử dụng được (có thể thêm những lí lẽ khác nữa, nếu thấy cần), em hãy sắp xếp chúng lại thành một bố cục rành mạch và hợp lí rồi viết thành một bài văn giải thích dài khoảng hai trang giấy. Khi viết, em cần chú ý để bài viết của em không bị mắc các lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu và chấm câu. Em cũng cần chú ý để bài viết của em có sự liên kết chặt chẽ và có tính mạch lạc.
Gợi ý làm bài
1. Cần tìm hiểu kĩ cả nội dung và cách diễn đạt của đề văn để nhận thấy : Qua hình ảnh “ngọn đèn bất diệt”, đề bài nêu lên một nhận định về tác dụng của sách đối với trí tuệ con người. Theo đó, sách là một nguồn sáng (giống với ngọn đèn) không bao giờ tắt (nên mới là bất diệt), nhưng không phải là ngọn đèn bất diệt nói chung, soi sáng cho bất cứ cái gì, mà chỉ là nguồn sáng của trí tuệ, đời đời soi sáng cho trí tuệ. Nếu chỉ giải thích chung chung theo hướng “sách là một ngọn đèn”, bài văn sẽ khó tránh khỏi bị xa đề.
2. Để làm cho người đọc hiểu được rằng, sách là nguồn ánh sáng bất diệt, đời đời soi rọi cho trí tuệ con người thì quá trình lập luận nên tiến hành theo các bước :
– Giải thích rõ : Hình ảnh ngọn đèn bất diệt ở đây mang ý nghĩa gì ?
– Giải thích rõ : Vì sao có thể coi sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người ?
– Giải thích rõ : Mỗi người phải làm thế nào để sách có thể phát huy hết tác dụng của một ngọn đèn bất diệt, mãi mãi soi chiếu cho trí tuệ của mình ?
Có thể thấy đây là trình tự được sắp xếp theo nguyên tắc : có hiểu được bước trước mới hiểu được bước sau ; mặt khác, có tiếp tục đi tới bước sau thì quá trình giải thích mới dần dần trở nên đầy đủ, trọn vẹn.
3. Đọc kĩ đề bài để thấy rõ : Không thể hoàn toàn tán thành ý kiến của Hằng. Đề bài không yêu cầu phân tích hình ảnh một tên quan “sống chết mặc bay” mà yêu cầu đi sâu giải thích rõ một vấn đề có ý nghĩa tố cáo sâu hơn : Vì sao cái tên quan ấy là một kẻ mặt người nhưng lòng dạ tàn ác như loài thú ?
Cũng không thể hoàn toàn tán thành ý kiến mà Nguyệt đã đưa ra. Hãy đặt mình vào địa vị của người cần giải thích. Điều họ muốn hiểu không phải là : Vì sao tên quan ấy tỏ ra uy quyền, sang trọng hay không đánh đập dân, không ăn đút lót của dân. Người cần giải thích chỉ băn khoăn về một điều tưởng như là mâu thuẫn : Vì sao một tên quan luôn tỏ rõ uy quyền của một bậc “dân chi phụ mẫu”, một tên quan không thấy có biểu hiện đánh đập dân hay ăn đút lót của dân mà dưới ngòi bút của nhà văn, vẫn hiện lên như một kẻ “lòng lang dạ thú” ?
Vì thế, về cơ bản, ý kiến của Nga là đúng.
4. Có ý nghĩa quyết định nhất cho sự giải thích phải là những lí lẽ :
– Kẻ lòng lang dạ thú là kẻ mặt người mà lòng dạ thì mất hết tính người.
– Tên quan trong truyện lòng lang dạ thú là vì hắn không hề lo việc cứu đê, tức là không hề lo bảo vệ sự sống của người dân.
– Tên quan trong trủyện lòng lang dạ thú là vì hắn cứ thản nhiên bài bạc trong lúc người dân vô cùng khổ cực trong công việc hộ đê và trong cảnh vỡ đê.
Các lí lẽ còn lại, nếu có đưa vào trong bài cũng chỉ có vai trò đưa đẩy, dẫn dắt cho sự giải thích được thoả đáng và khéo léo hơn.