Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên quốc học Huế, Thừa Thiên Huế năm 2014 - 2015
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên quốc học Huế, Thừa Thiên Huế năm 2014 - 2015 Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn Đề thi thử vào lớp 10 môn ...
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên quốc học Huế, Thừa Thiên Huế năm 2014 - 2015
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên quốc học Huế năm học 2014 - 2015 có đáp án được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Văn hiệu quả. Mời các em cùng tham khảo.
Đề thi thử vào lớp 10 lần 2 môn Toán trường THCS Hương Sơn, Hà Tĩnh năm 2015 - 2016
Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn trường THCS Số 1 Phú Nhuận, Lào Cai năm học 2015 - 2016
TRƯỜNG THPT CHUYÊN QUỐC HỌC HUẾ | ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2014 - 2015 |
Câu 1: Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi sau:
"(1) Mỗi chiếc lá rụng có một linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng. (2) Có chiếc tựa mũi tên nhọn, tự cành cây rơi cắm phập xuống đất như cho xong chuyện, cho xong một đời lạnh lùng, thản nhiên, không thương tiếc, không do dự vẩn vơ. (3) Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo mấy vòng trên không, rồi cố gượng ngoi đầu lên, hay giữ thăng bằng cho chậm tới cái giây nằm phơi trên mặt đất. (4) Có chiếc lá nhẹ nhàng khoan khoái đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng (...)."
(Khái Hưng, Ngữ văn 6, tập hai, trang 42)
1.1. Nội dung đoạn văn trên được trình bày theo cách nào? Vì sao?
1.2. Xét về cấu tạo, các câu (2), (3), (4) trong đoạn văn thuộc kiểu câu gì? Tác dụng của kiểu câu đó trong đoạn văn?
Câu 2: Đọc hai câu chuyện sau và thực hiện các yêu cầu:
Câu chuyện 1
Một người nuôi trai lấy ngọc luôn suy nghĩ làm thế nào để tạo được viên ngọc trai tốt nhất, đẹp nhất trên đời. Ông ra bãi biển để chọn một hạt cát và hỏi từng hạt cát có muốn biến thành ngọc trai không. Các hạt cát đều lắc đầu nguầy nguậy khiến ông sắp tuyệt vọng.
Đúng lúc đó có một hạt cát đồng ý, các hạt cát khác đều giễu nó ngốc, chui đầu vào trong vỏ trai, xa lánh người thân, bạn bè, không thấy ánh mặt trời, trăng sao, gió mát, thậm chí thiếu cả không khí, chỉ có bóng tối, ướt lạnh, cô đơn, rất đau buồn, thử hỏi có đáng không? Nhưng hạt cát vẫn theo người nuôi trai về không một chút oán thán.
Vật đổi sao dời, mấy năm qua đi, hạt cát đã trở thành viên ngọc lung linh, đắt giá, còn những bạn bè chế giễu nó ngốc thì vẫn chỉ là những hạt cát...
Câu chuyện 2
Không hiểu bằng cách nào, một hạt cát lọt được vào bên trong cơ thể một con trai. Vị khách không mời mà đến đó tuy rất nhỏ, nhưng gây rất nhiều khó chịu và đau đớn cho cơ thể mềm mại của con trai. Không thể tống hạt cát ra ngoài, cuối cùng con trai quyết định đối phó bằng cách tiết ra một chất dẻo bọc quanh hạt cát.
Ngày qua ngày, con trai đã biến hạt cát gây ra những nỗi đau cho mình thành một viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp...
2.1. Hãy đặt một nhan đề chung thể hiện hàm ý của cả hai câu chuyện trên.
2.2. Bằng một văn bản (dài không quá một trang rưỡi giấy thi), trong đó có sử dụng một khởi ngữ và một câu hỏi tu từ (gạch chân, xác định), hãy nêu suy nghĩ về bài học cuộc sống em nhận được từ hai câu chuyện.
Câu 3:
"Lời gửi của văn nghệ là sự sống".
"Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một áng riêng, () và chiếu tỏa lên mọi việc chúng ta sống, (...) làm cho thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ".
(Nguyễn Đình Thi, dẫn theo Ngữ văn 9, tập hai, trang 14)
Từ việc tìm hiểu các ý kiến trên, hãy viết về "lời gửi" của một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 8 hoặc lớp 9 đã làm "thay đổi hẳn" cách "nhìn", cách "nghĩ" của em về con người và cuộc sống.
Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn
Câu 1:
1.1 Nội dung đoạn văn được trình bày theo cách diễn dịch.
Vì: đoạn văn có câu chủ đề đứng đầu đoạn. Các câu còn lại trong đoạn văn cùng hướng đến làm nổi bật ý đã nêu ở câu chủ đề.
1.2 Xét về cấu tạo, các câu (2), (3), (4) trong đoạn văn thuộc kiểu câu đặc biệt ( không cấu tạo theo mô hình chủ ngữ - vị ngữ).
Tác dụng của kiểu câu đó trong đoạn văn: liệt kê, thông báo về sự tồn tại của sự vật, hiện tượng: tăng tính thẩm mĩ, ấn tượng cho đoạn văn.
Câu 2:
2.1 Yêu cầu:
- Nhan đề được đặt phải chứa hàm ý gắn với nội dung ý nghĩa chung của hai câu chuyện.
- Nhan đề được đặt cần ngắn gọn, súc tích, giàu tính hình tượng, thẩm mĩ.
2.2.
A. Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh viết văn bản nghị luận xã hội ( kiểu bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí) có kết cấu ba phần: Mở bài – Thân bài – Kết bài, dài không quá một trang rưỡi giấy thi. Bài viết có bố cục hợp lí, mạch lạc; diễn đạt trôi chảy; chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ.
- Bài viết có sử dụng một khởi ngữ, một câu hỏi tu từ ( gạch chân, xác định).
B. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh nêu suy nghĩ về bài học cuộc sống nhận được từ hai câu chuyện.
Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách. Sau đây là một số gợi ý:
* Nội dung tư tưởng của hai câu chuyện:
Câu chuyện 1:
- Trong cuộc sống, có những người do ngại khó, ngại khổ, chưa nhận ra giá trị đằng sau những khó khăn, thử thách mà thiếu cố gắng, nỗ lực, thiếu ý chí, quyết tâm..., chấp nhận làm "hạt cát" bé nhỏ, tầm thường.
- Từ "hạt cát" tầm thường, để trở thành "ngọc trai" quý giá, con người phải chấp nhận trải qua một quá trình thử thách gian khổ.
- Có thử thách trong gian khổ, tôi luyện trong gian nan, con người mới có thể thành công trong cuộc sống, đạt tới đỉnh vinh quang.
Câu chuyện 2:
- Cuộc sống vốn tiềm ẩn những khó khăn, biến cố bất thường.
- Trước những khó khăn, biến cố đó, con người cần biết chấp nhận, đối mặt với khó khăn, thử thách để vượt lên; hơn thế nữa, cần kiên trì, nỗ lực, quyết tâm, chủ động biến thử thách thành cơ hội.
- Có dũng cảm đối mặt, có nỗ lực, kiên trì..., con người mới tạo ra được những thành quả có ý nghĩa, cống hiến cho đời.
* Bài học cuộc sống từ hai câu chuyện:
- Mỗi con người cần có ý chí, nghị lực, dám đối mặt và sẵn sàng chấp nhận khó khăn, gian khổ trong cuộc sống. Đó chính là mấu chốt của thành công.
- Trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi gặp biến cố bất thường hay phải đối diện với cái xấu... con người cần chủ động, quyết tâm, luôn có ý thức vượt qua để đạt tới thành công.
- Khó khăn, gian khổ cũng chính là điều kiện, là cơ hội để thử thách và tôi luyện ý chí con người. Vượt qua nó, con người sẽ trưởng thành, tự khẳng định được mình, sống có ý nghĩa hơn và đóng góp cho cuộc đời nhiều hơn.
Học sinh cần trình bày "bài học cuộc sống" với tình cảm chân thành, sâu sắc; nêu được những vấn đề thực sự có ý nghĩa đối với cá nhân và cộng đồng.
Câu 3:
1. Giải thích các ý kiến:
* Về ý kiến: "Lời gửi của văn nghệ là sự sống".
Văn nghệ là một loại hình nghệ thuật có giá trị to lớn trong việc tác động vào tư tưởng, tình cảm, nhận thức của mỗi người cũng như toàn xã hội: đem đến cho con người một thế giới phong phú.
"Lời gửi" của văn nghệ và các loại hình nghệ thuật khác chính là cuộc sống, là sự sống; góp phần làm cho đời sống nhân sinh ngày càng tốt đẹp hơn. Tác giả - người sáng tạo ra tác phẩm, chính là người đem "lời gửi" – thông điệp về đời sống và con người – đến với các thế hệ bạn đọc.
* Về ý kiến: "Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một áng riêng, (...) và chiếu tỏa lên mọi việc chúng ta sống, (...) làm cho thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ"."
- Tác phẩm văn học lớn có khả năng kì diệu trong việc tác động vào tư tưởng, tình cảm, nhận thức của mỗi người cũng như toàn xã hội; để lại những ấn tượng sâu sắc, có giá trị lâu dài.
- Mỗi tác phẩm văn học lớn đều đặt ra và giải quyết vấn đề theo một cách riêng của nhà văn và cũng được bạn đọc tiếp nhận theo những con đường riêng.
- Tác phẩm văn học lớn đánh thức những cảm xúc tốt đẹp trong tâm hồn độc giả, giúp con người tự nhận thức, xây dựng và phấn đấu hoàn thiện mình một cách toàn diện, bền vững.
=> Hai ý kiến ngắn gọn, cô động, sâu sắc cùng hướng đến thể hiện nội dung, vai trò của văn nghệ nói chung và tác phẩm văn học nói riêng đối với việc xây dựng, bồi đắp tâm hồn con người, làm cho cuộc sống ngày càng hoàn thiện.
2. Phân tích lời gửi của một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 8 hoặc lớp 9.
Từ cách hiểu các ý kiến trên, học sinh viết về "lời gửi" của một "tác phẩm lớn" trong chương trình Ngữ văn lớp 8 hoặc lớp 9 đã làm "thay đổi hẳn" cách "nhìn", cách "nghĩ" về con người và cuộc sống.
Sau đây là một số gợi ý:
Giới thiệu những nét cơ bản về tác giả, tác phẩm.
Phân tích để làm rõ:
- "Lời gửi" của tác phẩm.
- "Ánh sáng riêng" mà tác phẩm ấy (bằng nội dung và nghệ thuật) đã rọi vào tư tưởng, tình cảm, nhận thức của mỗi con người cũng như toàn xã hội.
- Từ "lời gửi" và "ánh sáng" ấy, tác phẩm đã cảm hóa, lôi cuốn, giúp mỗi người tự thay đổi, tự nhận thức, tự xây dựng mình để được sống ý nghĩa hơn, phong phú hơn với cuộc đời và với chính mình.