14/01/2018, 19:37

Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11 năm học 2013 - 2014 tỉnh Quảng Bình (Vòng 2)

Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11 năm học 2013 - 2014 tỉnh Quảng Bình (Vòng 2) Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh lớp 11 có đáp án Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11 là đề thi học ...

Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11 năm học 2013 - 2014 tỉnh Quảng Bình (Vòng 2)

Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11

 là đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học lớp 11. Tài liệu bao gồm đề thi và đáp án, thuận tiện cho các bạn luyện tập và kiểm tra lại kết quả sau khi làm bài, hi vọng giúp các bạn ôn thi học sinh giỏi, ôn thi vào lớp 11 các trường THPT chuyên hiệu quả.

Đề thi học sinh giỏi lớp 11 THPT tỉnh Quảng Bình năm học 2012 - 2013 môn Sinh học - Có đáp án

522 câu trắc nghiệm Sinh học lớp 11 theo từng chương

Đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11 trường THPT Nguyễn Huệ, Phú Yên năm học 2013 - 2014

SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH
ĐỀ CHÍNH THỨC

Họ và tên:................................. 
Số báo danh:............................. 
KỲ THI CHỌN HSG TỈNH NĂM HỌC 2013-2014
Khóa ngày 28 - 3 - 2014
Môn: Sinh học
LỚP 11 THPT - VÒNG II
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (1,0 điểm)

Trong nuôi cấy không liên tục, vi sinh vật có trường hợp xảy ra hiện tượng sinh trưởng kép. Cho biết đặc điểm của hiện tượng này.

Câu 2 (1,5 điểm)

a. Nguyên nhân chính nào giúp thực vật C4 và CAM không có hiện tượng hô hấp sáng?

b. Tại sao đều không có hiện tượng hô hấp sáng, nhưng thực vật C4 có năng suất cao, còn thực vật CAM lại có năng suất thấp?

c. Chất độc A có tác dụng ức chế các enzim trong chu trình Canvin của tế bào thực vật. Nếu xử lí tế bào đang quang hợp bằng chất A thì lượng oxy tạo ra từ các tế bào này thay đổi như thế nào? Giải thích.

Câu 3 (1,5 điểm)

a. Ở trẻ em, nếu chế độ dinh dưỡng thiếu iốt kéo dài thì thường có biểu hiện suy dinh dưỡng, trí tuệ chậm phát triển. Giải thích.

b. Vì sao các loài động vật bậc thấp thường hoạt động theo bản năng là chủ yếu?

Câu 4 (1,5 điểm)

Trình bày tiến hoá của hệ tuần hoàn từ Giun đốt đến Thú.

Câu 5 (2,0 điểm)

a. Trong quá trình hút nước của thực vật, một trong những thành phần cấu tạo của tế bào lại có tác dụng hạn chế lực hút nước theo cơ chế thẩm thấu. Đó là thành phần nào? Mô tả cấu tạo phù hợp chức năng của thành phần này.

b. Cho một tế bào thực vật có áp suất thẩm thấu là 1,2 atm vào một dung dịch có áp suất thẩm thấu là 0,8 atm. Nước sẽ dịch chuyển như thế nào?

Câu 6: (1,0 điểm)

Trong quá trình hô hấp của chim bồ câu:

a. So sánh hàm lượng khí CO2 trong túi khí trước với túi khí sau. Giải thích.

b. Giả sử người ta làm phẩu thuật cắt bỏ các túi khí thì chim có sống sót được không? Giải thích.

Câu 7 (1,5 điểm)

Ba nhóm tế bào của loài A có bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội 2n = 20. Nhóm tế bào thứ nhất mang 200 NST ở dạng sợi mảnh. Nhóm tế bào thứ hai mang 400 NST kép. Nhóm tế bào thứ ba mang 640 NST đơn đang phân li về 2 cực tế bào. Hãy xác định:

a. Số lượng tế bào của mỗi nhóm.

b. Các tế bào của mỗi nhóm này đang ở kì nào?

Biết mọi diễn biến của các tế bào trong mỗi nhóm là như nhau.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Sinh học lớp 11

Câu 1 (1,0 điểm)

  • Trong nuôi cấy vi sinh vật không liên tục, khi trong môi trường có hai nguồn dinh dưỡng khác nhau thì xảy ra hiện tượng sinh trưởng kép. Lúc này, đường cong sinh trưởng của quần thể gồm 2 pha lag và 2 pha log. (0,25đ)
  • Vi khuẩn sinh trưởng kép khi môi trường chứa nguồn cacbon gồm hỗn hợp 2 chất hữu cơ khác nhau. Trước tiên, chúng đồng hóa nguồn cacbon nào mà chúng "ưa thích" trước. Khi nguồn cacbon này cạn, nguồn cacbon thứ hai sẽ được chúng sử dụng cho quá trình chuyển hoá của mình. (0,5đ)
  • Hiện tượng sinh trưởng kép không chỉ hạn chế ở nguồn cacbon và năng lượng mà còn hạn chế ở cả nguồn Nitơ & Phôtpho. (0,25đ)

Câu 2 (1,5 điểm)

a. - Do ở 2 nhóm thực vật này hệ enzim phosphoenolpyruvat cacboxylaza với khả năng cố định CO2 trong điều kiện hàm lượng CO2 thấp; nguồn cung cấp CO2 để tổng hợp chất hữu cơ chủ yếu lấy từ acid malic, đây được xem là nguồn CO2 dự trữ. Vì vậy nồng độ CO2 trong tế bào bao bó mạch luôn cao. (0,25đ)

- Nồng độ CO2 trong tế bào bao bó mạch cao giúp hoạt tính carboxylaza của enzim RuBisCo luôn thắng thế hoạt tính oxilaza nên ngăn chặn được hiện tượng hô hấp sáng. (0,25đ)

b. Thực vật CAM sử dụng sản phẩm cuối cùng của quá trình quang hợp tích lũy dưới dạng tinh bột làm nguyên liệu tái tạo chất nhận CO2 của chu trình CAM, điều này làm giảm chất hữu cơ tích lũy trong cây → năng suất thấp. (0,5đ)

c. - Chu trình Canvin sử dụng ATP và NADPH và tạo ra ADP, Pi, NADP+ cung cấp trở lại cho pha sáng. (0,25đ)

- Khi xử lí chất độc A, chu trình Canvin bị ngừng, lượng ADP, Pi và NADP+ không được tái tạo → pha sáng thiếu nguyên liệu → pha sáng bị ngừng → lượng oxy tạo ra giảm dần đến 0. (0,25đ)

Câu 3 (1,5 điểm)

a. (0,75đ)

  • Iốt là thành phần cấu tạo của hoocmon Tyroxin. Tyroxin là hooc môn sinh trưởng, có chức năng tăng cường chuyển hóa cơ bản ở tế bào, kích thích quá trình sinh trưởng và phát triển bình thường của cơ thể.
  • Đối với trẻ em, tyroxin còn có vai trò kích thích sự phát triển đầy đủ của các tế bào thần kinh, đảm bảo cho sự hoạt động bình thường của não bộ.
  • Trẻ em thiếu iốt dẫn đến thiếu tyroxin làm cho tốc độ chuyển hóa cơ bản của các tế bào giảm xuống, cơ thể sinh trưởng và phát triển chậm, biểu hiện các triệu chứng suy dinh dưỡng; hệ thần kinh phát triển không hoàn thiện dẫn đến hoạt động kém, biểu hiện chậm phát triển trí tuệ, ....

b. (0,75đ)

  • Các loài động vật bậc thấp th ường có hệ thần kinh kém phát triển, vòng đời ngắn.
  • Hệ thần kinh kém phát triển nên khả năng lưu giữ thông tin không nhiều → khả năng hình thành các tập tính học được là rất hạn chế. Vòng đời ngắn → sự cũng cố các tập tính học được cũng khó thực hiện được → Hoạt động của động vật bậc thấp chủ yếu dựa vào các tập tính bẩm sinh.
  • Sử dụng loại tập tính này sẽ có ưu điểm là nhanh, đơn giản, không tiêu tốn nhiều năng lượng và không cần phải học, nhưng có hạn chế là kém linh hoạt → giảm khả năng thích nghi của loài.

Câu 4 (1,5 điểm)

  • Ở Giun đốt, đã có hệ mạch kín nhưng sự vận chuyển máu vẫn nhờ các cử động của cơ thể và của ống ruột. Ở phần đầu đã xuất hiện một số điểm phồng lên của hệ mạch được coi là hình ảnh của "tim". (0,25đ)
  • Ở chân khớp, hệ mạch hở, mạch lưng có các chỗ phồng giữ vai trò của "tim". Ở thân mềm đã xuất hiện tim và phân biệt giữa động mạch, tĩnh mạch. (0,25đ)
  • Ở cá, tim có hai ngăn: một tâm nhĩ nhận máu về qua khoang tĩnh mạch, một tâm thất đẩy máu đi qua hệ động mạch lên khe mang. (0,25đ)
  • Ở lưỡng cư, tim có ba ngăn: hai tâm nhĩ và một tâm thất. Cùng với sự di chuyển lên cạn, phổi xuất hiện và hình thành hai vòng tuần hoàn. Máu pha do tâm thất thông với cả hai tâm nhĩ. (0,25đ)
  • Ở bò sát, sống trên cạn, hô hấp bằng phổi, tim có bốn ngăn: 2 tâm nhĩ và hai tâm thất. Vách ngăn tâm thất là vách ngăn không hoàn toàn, chính vì còn lỗ thông liên thất nên máu vẫn bị pha ít nhiều. Hai vòng tuần hoàn đã riêng biệt. (0,25đ)
  • Ở chim và động vật có vú, tim có bốn ngăn riêng biệt: hai tâm nhĩ và hai tâm thất. Hai vòng tuần hoàn hoàn chỉnh và riêng biệt. Máu tĩnh mạch ở tâm nhĩ và tâm thất phải, máu động mạch ở tâm nhĩ và tâm thất trái. (0,25đ)

Câu 5 (2,0 điểm)

a. - Đó là vách tế bào thực vật. (0,25đ)

* Cấu tạo của vách tế bào thực vật:

  • Vách gồm lớp ngoài và giữa được cấu tạo từ xenlulo, lớp trong cấu tạo từ pectin. Xenlulo được sắp xếp tuỳ sự liên kết giữa các sợi xenlulo với pectin và hemixenlulo. Hàng trăm sợi xenlulo xếp song song tạo thành bó mixen. Các cầu nối hydrogen giữ khoảng cách giữa các sợi xenlulo song song trong bó. (0,25đ)
  • Khoảng 20 bó mixen tạo thành sợi bé, nhiều sợi bé tạo thành sợi lớn. Các sợi bé sắp xếp theo nhiều hướng khác nhau (vách sơ cấp) hoặc xếp song song lớp này chồng lên lớp khác giao nhau (vách thứ cấp). (0,25đ)
  • Cấu trúc này cho phép hình thành trên vách một hệ thống lỗ nhỏ, phù hợp với sự hấp thu và vận chuyển nước cũng như những dung dịch khác. (0,25đ)

b. - Sức hút nước của tế bào: S = P - T = 1,2 - T; sức hút nước của dung dịch: Sdd = Pdd = 0,8 atm. (0,25đ)

- Khả năng dịch chuyển của nước:

  • Nếu S = 1,2 – T > 0,8 tức T < 0,4  Stb > Sdd nước đi vào tế bào. (0,25đ)
  • Nếu S = 1,2 – T < 0,8 tức T > 0,4  Stb < Sdd  nước đi ra khỏi tế bào. (0,25đ)
  • Nếu S = 1,2 – T = 0,8 tức T = 0,4 → Stb = Sdd  nước không dịch chuyển vì cân bằng. (0,25đ)

Câu 6 (1,0 điểm)

a. - Ở trong túi khí trước có hàm lượng khí CO2 cao hơn rất nhiều so với ở trong túi khí sau. (0,25đ)

- Nguyên nhân là vì ở chim, khí được dẫn một chiều từ môi trường ngoài → khí quản → túi khí sau → phổi → túi khí trước → khí quản → môi trường ngoài. Do đó khí ở trong túi khí sau gần giống với khí của ngoài môi trường  (nghèo CO2); khí ở trong túi khí trước là khí đã qua trao đổi ở phổi (giàu CO2). (0,25đ)

b. - Chim sẽ chết vì hô hấp của chim diễn ra với cường độ rất thấp, không đủ khí để cung cấp oxi cho chim hoạt động. (0,25đ)

- Nguyên nhân là do ở chim, phổi không co bóp, sự lưu thông khí qua phổi có được là do sự co bóp của các cơ hô hấp làm thay đổi thể tích của các túi khí. Nếu không có các túi khí thì không diễn ra lưu thông khí → Hô hấp bị đình trệ. (0,25đ)

Câu 7 (1,5 điểm)

TH1: Nếu các tế bào đang thực hiện nguyên phân:

* Nhóm 1: đang chuyển từ kỳ cuối đến kỳ trung gian. (0,25đ)

Số tế bào (2n) = 200/20 = 10 tế bào.

* Nhóm 2: Kỳ trung gian, kỳ đầu, kỳ giữa. (0,25đ)

Số tế bào (2n) = 400/20 = 20 tế bào.

* Nhóm 3: đang ở kỳ sau (NST đơn) (0,25đ)

Số tế bào (2n) = 640/ (2.20) = 16 tế bào.

TH2: Nếu các tế bào đang thực hiện giảm phân:

* Nhóm 1: Kỳ trung gian Số tế bào (2n) = 200/20 = 10 tế bào. (0,25đ)

Kỳ cuối GP II. Tế bào đơn bội (n) = 200/10 = 20 tế bào .

* Nhóm 2: Tế bào đang ở cuối kỳ trung gian, kì đầu I, kỳ giữa, kỳ sau I. (0,25đ)

Số tế bào (2n) là: 400/20 = 20 tế bào.

- Tế bào đang ở kì đầu II, kì giữa II, kì cuối I

Số tế bào (n kép) là: 400/10 = 40 tế bào.

* Nhóm 3: Tế bào ở vào kì sau II (0,25đ)

Số tế bào = 640 /20 = 32 tế bào.

Lưu ý: Nếu học sinh làm theo cách khác nhưng đúng vẫn cho điểm tối đa.

0