14/01/2018, 14:29

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2015 - 2016 THCS Liên Châu, Hà Nội

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2015 - 2016 THCS Liên Châu, Hà Nội Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 có đáp án Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 là đề tham khảo dành cho các ...

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2015 - 2016 THCS Liên Châu, Hà Nội

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9

 là đề tham khảo dành cho các bạn học sinh và thầy cô nghiên cứu, học tập tốt môn Văn lớp 9 cũng như luyện tập và làm quen với nhiều đề học sinh giỏi hơn nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các kì thi sắp diễn ra. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2015 - 2016 trường THCS Chấn Hưng, Vĩnh Phúc

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2013 - 2014 trường THCS Đỗ Động, Hà Nội

PHÒNG GD&ĐT THANH OAI

TRƯỜNG THCS LIÊN CHÂU

ĐỀ THI CHỌN HSG CẤP TRƯỜNG LỚP 9

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2015 - 2016

Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (6 điểm)

Nhận xét về vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện, có ý kiến cho rằng: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Hãy phân tích chi tiết "chiếc bóng" trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ đã làm rõ điều đó.

Câu 2 (4 điểm)

Nêu suy nghĩ của em về câu chuyện sau:

Dưới đây là lời kể của một người mẹ - một trong hàng trăm người tham gia "hôi của" trong vụ tai nạn xe tải chở hàng nghìn thùng bia lon Tiger bị lật tại vòng xoay Tam Hiệp (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) vào chiều 04/12/2013:

Hôm đó, tôi đang trên đường đón con gái học lớp 7 về. Đến gần vòng xoay Tam Hiệp, tôi thấy phía trước hỗn loạn khi có chiếc xe tải bị lật giữa đường, nhiều người mạnh ai nấy lao vào hốt bia bị đổ. Không chút suy nghĩ, tôi vội dựng xe giữa đường, kêu con giữ xe và cũng lao vào hốt bia. Đến khi tôi trở ra, trên tay đầy bia và nhìn thấy con gái mặt buồn thiu, tôi cũng chẳng chút bận tâm. Suốt đoạn đường về nhà, con tôi chỉ lặng thinh và mãi sau mới hỏi: "Mẹ lấy bia làm gì khi nhà mình không ai uống?"

(Theo Việt Nam Nét ngày 08/12/2013)

Câu 3: (10 điểm)

Trong văn bản "Tiếng nói của văn nghệ", Nguyễn Đình Thi viết:

"Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh".

(Ngữ Văn 9, Tập II, Tr 12,13- NXB GD 2005)

Qua "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", em hãy làm sáng tỏ "điều mới mẻ", "lời nhắn nhủ" mà nhà thơ Phạm Tiến Duật muốn đem "góp vào đời sống".

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9

Câu 1: 4 điểm.

1. Yêu cầu chung:

* Hình thức:

  • Học sinh biết vận dụng kiến thức và kĩ năng nghị luận để suy nghĩ trình bày về một vấn đề trong tác phẩm văn học. Đó là vai trò của một chi tiết nghệ thuật trong một tác phẩm văn học.
  • Bài viết lập luận chặt chẽ. Văn viết mạch lạc, trong sáng; chuyển ý linh hoạt, không mắc các lỗi.

* Về nội dung kiến thức:

a. Nêu được vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện:

  • Chi tiết là một trong những yếu tố nhỏ nhất tạo nên tác phẩm (...), để làm nên một chi tiết nhỏ có giá trị đòi hỏi nhà văn phải có sự thăng hoa về cảm hứng và tài năng nghệ thuật.
  • Nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù: Tầm vóc của người nghệ sỹ có thể được làm nên từ những yếu tố nhỏ nhất. Nhà văn lớn có khả năng sáng tạo được những chi tiết nhỏ nhưng giàu giá trị biểu đạt, góp phần đắc lực trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

b. Đánh giá giá trị của chi tiết "chiếc bóng" trong "Chuyện người con gái Nam Xương":

* Giá trị nội dung:

  • "Chiếc bóng" tô đậm thêm nét đẹp phẩm chất của Vũ Nương trong vai trò người vợ, người mẹ. Đó là nỗi nhớ thương, sự thuỷ chung, ước muốn đồng nhất "xa mặt nhưng không cách lòng" với người chồng nơi chiến trận; đó là tấm lòng người mẹ muốn khỏa lấp sự trống vắng, thiếu hụt tình cảm người cha trong lòng đứa con thơ bé bỏng.
  • "Chiếc bóng" là một ẩn dụ cho số phận mỏng manh của người phụ nữ trong chế độ phong kiến nam quyền. Họ có thể gặp bất hạnh bởi bất cứ một nguyên nhân vô lý nào mà không lường trước được. Với chi tiết này, người phụ nữ hiện lên là nạn nhân của bi kịch gia đình, bi kịch xã hội.
  • "Chiếc bóng" xuất hiện ở cuối tác phẩm "Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất": Khắc hoạ giá trị hiện thực - nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.
  • Chi tiết này còn là bài học về hạnh phúc muôn đời: Một khi đánh mất niềm tin, hạnh phúc chỉ còn là chiếc bóng hư ảo.

* Giá trị nghệ thuật:

  • Tạo sự hoàn chỉnh, chặt chẽ cho cốt truyện: Chi tiết "chiếc bóng" tạo nên nghệ thuật thắt nút, mở nút mâu thuẫn bất ngờ, hợp lý:
    • Bất ngờ: Một lời nói của tình mẫu tử lại bị chính đứa con ngây thơ đẩy vào vòng oan nghiệt; chiếc bóng của tình chồng nghĩa vợ, thể hiện nỗi khát khao đoàn tụ, sự thuỷ chung son sắt lại bị chính người chồng nghi ngờ "thất tiết" ...
    • Hợp lý: Mối nhân duyên khập khiễng chứa đựng nguy cơ tiềm ẩn (Vũ Nương kết duyên cùng Trương Sinh thất học, đa nghi, ghen tuông, độc đoán) cộng với cảnh ngộ chia ly bởi chiến tranh. Đó là nguy cơ tiềm ẩn bùng phát.
  • Tạo kịch tính, tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm.
  • Chi tiết này còn là sự sáng tạo của Nguyễn Dữ (so với chuyện cổ tích, "Miếu vợ chàng Trương") tạo nên vẻ đẹp lung linh cho tác phẩm và một kết thúc tưởng như có hậu nhưng lại nhấn mạnh hơn bi kịch của người phụ nữ.

2. Biểu điểm:

  • Điểm 6: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên, có rõ khả năng hiểu đề, tư duy tốt, văn viết giàu cảm xúc. Diễn đạt trong sáng, mạch lạc. Chữ viết sạch đẹp, không mắc các lỗi.
  • Điểm 4 - 5: Bài viết đáp ứng yêu cầu như điểm 5. Song còn thiếu chặt chẽ trong lập luận và chưa thật cảm xúc.
  • Điểm 2 - 3: Hiểu đề nhưng vận dụng thao tác nghị luận chưa thuần thục. Diễn đạt đôi chỗ chưa thật trong sáng; còn mắc một vài lỗi chính tả hoặc dùng từ.
  • Điểm 1: Học sinh có chỗ còn sa đà kể lại chuyện; lập luận chưa chặt chẽ, thiếu rõ ràng. Mắc một số lỗi dùng từ, viết câu, chính tả. Bài làm tỏ ra hiểu đề. Nội dung quá nghèo nàn; mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả.
  • Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

Câu 3: (10 điểm)

I. Yêu cầu về kĩ năng

  • Bố cục bài rõ ràng, lập luận thuyết phục bằng việc phân tích các dẫn chứng cụ thể để làm sáng rõ luận điểm.
  • Văn viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc; ít mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.

II. Yêu cầu về nội dung

Bài làm đúng kiểu văn nghị luận, các ý có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

  • Giải thích sơ lược tinh thần đoạn văn của Nguyễn Đình Thi:
    • Nội dung của một tác phẩm nghệ thuật là hiện thực cuộc sống và những khám phá, phát hiện riêng của người nghệ sĩ.
    • Những khám phá, phát hiện ấy chính là điều mới mẻ góp phần quan trọng tạo nên giá trị của một tác phẩm nghệ thuật và mang theo thông điệp của người nghệ sĩ.
  • "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"của Phạm Tiến Duật đã thể hiện được "điều mới mẻ" và "lời nhắn nhủ" của riêng nhà thơ trên cơ sở "vật liệu mượn ở thực tại".
    • "Vật liệu mượn ở thực tại" trong tác phẩm là hiện thực cuộc kháng chiến chống Mĩ với nhiều khó khăn, gian khổ và tinh thần chiến đấu, đời sống tình cảm của những người lính trên tuyến đường Trường Sơn
    • Điều mới mẻ:
      • Nhà thơ đã khám phá ra vẻ đẹp riêng của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ từ chính những khó khăc, gian khổ của hiện thực:
        • Phong thái ung dung, tự tin và tinh thần dũng cảm, hiên ngang, bất chấp bom đạn, coi thường gian khổ, hiểm nguy, luôn hướng về phía trước.
        • Tâm hồn trẻ trung, sôi nổi, nét tinh nghịch đáng yêu của những người lính trẻ; niềm lạc quan phơi phới vượt lên hiện thực khốc liệt của chiến tranh.
        • Trong gian khổ, tình đồng chí, đồng đội được thể hiện cũng thật vô tư, tinh nghịch mà chân thành.
        • Trái tim mang tình yêu Tổ quốc là sức mạnh thôi thúc tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu vì miền Nam, tình yêu đó mạnh hơn tất cả đạn bom, cái chết.

(so sánh với hình ảnh người lính trong thời kì chống Pháp)

=> vẻ đẹp của họ có sự kết hợp hài hòa, tự nhiên giữa cái vĩ đại phi thường với cái giản dị đời thường

      • Điều mới mẻ thể hiện trong nghệ thuật của bài thơ: nhan đề lạ, sáng tạo ra một hình ảnh thơ độc đáo, giọng điệu và ngôn ngữ thơ rất đặc sắc, rất gần vời lời nói thường ngày, đậm chất văn xuôi; sự đối lập giữa cái không và cái có... để thể hiện chân thực và sinh động vẻ đẹp của những người lính.
    • Lời nhắn nhủ (Đây cũng là tư tưởng chủ đề của tác phẩm): hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ mãi là biểu tượng đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Họ chính là những con người đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc, sức mạnh và tinh thần chiến đấu của họ đã khẳng định một chân lí của thời đại: sức mạnh tinh thần có thể chiến thắng sức mạnh vật chất.

Tiêu chuẩn cho điểm:

  • Điểm 9, 10: Đạt được các yêu cầu nêu trên. Văn viết mạch lạc, có cảm xúc, thể hiện sự sáng tạo, không mắc lỗi diễn đạt thông thường.
  • Điểm 7, 8 Đạt được các yêu cầu nêu trên. Văn viết mạch lạc, mắc it lỗi diễn đạt thông thường.
  • Điểm 5, 6: Đạt được quá nửa yêu cầu về kiến thức. Còn một số lỗi về diễn đạt.
  • Điểm 3, 4: Đạt được quá nửa yêu cầu về kiến thức, mắc nhiều lỗi về câu, từ, chính tả.
  • Điểm 1, 2: Chưa đạt yêu cầu nêu trên. Nội dung sơ sài, diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi về câu, từ, chính tả.
  • Điểm 0: Lạc đề, sai cả nội dung và phương pháp.

* Lưu ý: Khi cho điểm giáo viên cần trân trọng những cảm nhận tinh tế, cách viết sáng tạo của học sinh để cho điểm phù hợp.

0