Đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn Văn huyện Gia Viễn năm 2014 - 2015
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn Văn huyện Gia Viễn năm 2014 - 2015 Đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn Văn có đáp án Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2014 - 2015 huyện Gia Viễn có đáp án là tài ...
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn Văn huyện Gia Viễn năm 2014 - 2015
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2014 - 2015 huyện Gia Viễn có đáp án là tài liệu hữu ích giúp các bạn học sinh ôn tập kiến thức Ngữ văn hiệu quả, từ đó đạt điểm cao trong bài thi học sinh giỏi cũng như các bài thi, bài kiểm tra khác môn Văn.
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 cấp Thành phố Hà Nội năm học 2012 - 2013
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 tỉnh Thanh Hóa năm 2013 - 2014
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN GIA VIỄN |
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 Năm học: 2014 - 2015 Môn: Ngữ văn Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề) |
Câu 1: (2,0 điểm)
Cho đoạn văn sau:
"...Nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây, những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh, thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên những vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe..."
(Trích Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long – Ngữ văn 9 tập 1)
a, Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất trong đoạn văn trên.
b, Phân tích hiệu quả thẩm mỹ của các biện pháp tu từ đó.
Câu 2: (6,0 điểm)
Hưởng ứng lời kêu gọi cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" ngày 17/10/2014, Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phát động tháng hành động vì người nghèo (từ ngày 17/10/2014 đến 18/11/2014).
Suy nghĩ của em về hoạt động trên.
Câu 3: (12,0 điểm)
Khẳng định, tôn vinh tài năng của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Ông là nhà văn của lịch sử tâm hồn con người.
Dựa vào đoạn trích truyện Làng SGK Ngữ văn 9 tập 1, NXBGD năm 2008, hãy chứng minh rằng nhà văn Kim Lân đã thể hiện một cách sinh động, tinh tế diễn biến tâm trạng ông Hai từ khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9
Câu 1: (2,0 điểm)
a) Học sinh chỉ ra được biện pháp nhân hóa được sử dụng nhiều nhất trong đoạn văn và dẫn ngữ liệu minh chứng. (0,5 điểm)
b) Học sinh phân tích được hiệu quả thẩm mỹ của biện pháp tu từ trên (1,5 điểm):
Cảnh vật được nhân cách hóa sống động. Mỗi câu, mỗi chữ như có đường nét, màu sắc, hình khối... đậm chất hội họa, vừa mang nhịp điệu êm ái của một bài thơ. Tất cả như muốn đem đến cho các nhân vật một cảm giác mới lạ, thơ mộng về một địa danh, về những khát khao, háo hức khi lần đầu tiên bước chân đến một vùng đất mới.
Vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo của Sa Pa đã làm nên chất thơ cho tác phẩm. Bức tranh tràn đầy sương, đầy mây những sản vật của riêng Sa Pa, tươi sáng rực rỡ sắc màu tràn đầy sức sống nhưng vẫn mơ màng, lung linh, huyền ảo. Vẻ đẹp đó được thể hiện bằng nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ đặc sắc của tác giả. Hình ảnh thiên nhiên giúp ta cảm nhận được những rung cảm tinh tế, tình yêu thiên nhiên, đất nước của nhà văn.
Câu 2: (6,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng:
- Làm đúng kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội, biết chọn thao tác nghị luận phù hợp.
- Biết nhận xét, bình giá và nêu được suy nghĩ cá nhân.
- Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng. Biết đưa ra các luận điểm đúng, diễn đạt chính xác, thuyết phục...
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
II.Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày những cách nghĩ khác nhau xung quanh vấn đề nghị luận, nhưng về cơ bản phải hướng đến những ý sau:
a. Mở bài: 0,5 điểm
- Tương thân tương ái là truyền thống của dân tộc.
- Xã hội càng phát triển càng đòi hỏi con người phải biết chia sẻ.
- Giới thiệu về phong trào ủng hộ quỹ "Vì người nghèo".
b. Thân bài: 5,0 điểm
Nêu hiểu biết của cá nhân về phong trào: 1,5 điểm
- Xuất phát từ thực tế đất nước còn những người nghèo do hoàn cảnh khó khăn, thiên tai, bệnh tật... và từ đạo lí "Lá lành đùm lá rách", "Lá rách ít đùm lá rách nhiều" của dân tộc.
- Do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
- Mục đích: Nhường cơm sẻ áo, chia sẻ khó khăn giúp đỡ đồng bào trong lúc hoạn nạn.
- Quy mô: Toàn quốc bao gồm cả những Việt kiều đang sống xa Tổ quốc và người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam.
- Tỉnh Ninh Bình hàng năm cũng có những hoạt động thiết thực hướng về những người nghèo.
Những suy nghĩ của cá nhân về phong trào: 3,5 điểm
- Phong trào mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc "Người trong một nước thì thương nhau cùng".
- Vai trò tác dụng của phong trào (chia sẻ động viên tinh thần người nghèo, hỗ trợ một phần về vật chất; khơi dậy lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc).
- Cảm nghĩ và liên hệ với bản thân (xúc động, tự hào trước truyền thống của dân tộc; mong muốn hành động để góp phần nhỏ bé giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn; nêu những việc đã làm, hoặc những dự định trong tương lai).
- Rút ra được bài học bổ ích đối với bản thân về nhận thức và hành động.
c. Kết bài: 0,5 điểm
Khẳng định sự cần thiết của phong trào ủng hộ quỹ "Vì người nghèo".
III. Cách cho điểm:
- 5 - 6 điểm: Đảm bảo tốt các yêu cầu, nghị luận có sức thuyết phục, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ.
- 3 - 4 điểm: Đảm bảo tương đối tốt các yêu cầu kĩ năng và kiến thức, lập luận thuyết phục.
- 2 - 3 điểm: Hiểu yêu cầu, biết lập luận nhưng chưa thật thuyết phục.
- Dưới 1 điểm: Chưa thật hiểu yêu cầu, lập luận không thuyết phục.
Câu 3: (12,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Văn viết trôi chảy, cảm xúc, thể hiện được tư chất văn chương; không mắc lỗi dùng từ, diễn đạt, chính tả...
II. Yêu cầu về kiến thức.
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng dù là theo cách nào cũng phải đảm bảo những ý cơ bản sau:
1. Mở bài: 0,5 điểm:
Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận.
2. Thân bài: 11,0 điểm:
a. Giải thích: 1,0 điểm:
Giải thích cụm từ "nhà văn của lịch sử tâm hồn con người" từ đó khẳng định thành công nổi bật trong các sáng tác của Kim Lân là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật.
b. Chứng minh: 7,0 điểm:
- Nêu khái quát vai trò và các hình thức miêu tả nội tâm nhân vật trong tác phẩm tự sự.
- Giới thiệu ngắn gọn nội dung đoạn trích truyện trước đó.
- Làm sáng tỏ tài năng miêu tả tâm lý của nhà văn qua đoạn truyện từ khi ông Hai nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đến khi nghe tin cải chính: (Học sinh bám sát các sự việc sau nhưng chú ý làm rõ tài năng miêu tả tâm lý nhân vật, tránh phân tích chung chung, không bám sát yêu cầu của đề bài):
Ngòi bút miêu tả tâm lí của Kim Lân càng tỏ ra sâu sắc khi đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống thử thách để làm bộc lộ chiều sâu tâm trạng của nhân vật. Đó là tình huống ông Hai đột ngột nghe tin dữ: Làng chợ Dầu của ông theo giặc lập tề. Khi nghe tin đột ngột ấy, ông sững sờ, cổ họng nghẹn ắng, da mặt tê rân rân, ông lặng đi, tưởng không thở được. Những biểu lộ qua hình dáng bên ngoài được chọn lựa hết sức cô đúc đã có khả năng gợi tả những khoảnh khắc đau đớn trong tâm tư của ông Hai lúc này.
Từ lúc ấy, trong tâm trí ông chỉ còn cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó thành một nỗi ám ảnh day dứt. Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, rồi tủi thân khi nhìn đàn con.
Suốt mấy ngày sau, ông Hai không dám đi đâu, chỉ quẩn quanh ở nhà, nghe ngóng binh tình bên ngoài.
Tác giả đã sử dụng lời độc thoại nội tâm, hình thức câu văn, giọng điệu... để diễn tả cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông Hai cùng với nỗi đau xót, tủi hổ của ông trước cái tin làng mình theo giặc.
Ông bị đẩy vào tình thế bế tắc, tuyệt vọng khi mà mụ chủ nhà muốn đuổi gia đình ông đi. Mối mâu thuẫn trong nội tâm và tình thế của nhân vật dường như đã thành sự bế tắc, đòi hỏi phải được giải quyết nên sau cuộc đấu tranh nội tâm, ông Hai đã dứt khoát lựa chọn: "Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Câu văn với mười ba từ nhỏ bé mà chất chứa được hết nỗi đau nhân thế và sự đời éo le. Mười ba từ nhỏ bé mà ghi lại được nhịp máu trong tim, gói cả hơi thở trong lồng ngực và kết đọng tình cảm nồng thắm với đất nước của ông Hai. Một câu văn giản dị mà có sức ngân tỏa ngàn đời.
Đoạn truyện bộc lộ một cách cảm động tâm trạng của ông Hai, đó là đoạn ông trò chuyện với đứa con út. Qua hình thức độc thoại, nhà văn diễn tả rất cảm động nỗi lòng sâu xa, bền chặt, chân thành của ông Hai – một người nông dân với quê hương, đất nước, với cách mạng và kháng chiến.
Kết thúc truyện là sự việc ông chủ tịch làng ông lên cải chính cái tin làng chợ Dầu theo giặc. Ông Hai như trút được gánh nặng trong lòng, ông vui mừng đến tột độ. Những chi tiết miêu tả về gương mặt, giọng nói, hành động, cử chỉ của ông Hai lúc này, đã "nói" được với chúng ta nhiều điều về tình yêu làng, yêu nước sâu đậm trong trái tim người nông dân hiền lành, chất phác.
c. Khái quát và nâng cao: 3,0 điểm
- Khái quát nghệ thuật của đoạn truyện phân tích: (1,5 điểm)
Đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống thử thách, sử dụng nhiều thủ pháp: khi thì thông qua hành vi, biểu hiện bên ngoài để diễn tả tâm lý, khi thì khéo léo kết hợp hành động với ngôn ngữ thoại, có khi tâm lý lại bộc lộ một cách trực tiếp với những đối thoại nội tâm bên cạnh lời kể của tác giả, nhờ đó, nhà văn đã miêu tả rất cụ thể, gợi cảm các diễn biến nội tâm qua các ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ... đặc biệt, diễn tả rất đúng và gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật. Điều đó chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc người nông dân và thế giới tinh thần của họ. Ông xứng đáng với sự tôn vinh: Nhà văn của lịch sử tâm hồn con người.
- Khái quát nội dung của đoạn truyện phân tích: (0,75 điểm)
Miêu tả sinh động diễn biến tâm trạng của ông Hai từ khi ông Hai nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đến khi nghe tin cải chính, nhà văn đã cho ta hiểu được tình yêu làng vốn đã có sẵn trong máu thịt những người nông dân như ông Hai. Tình yêu ấy nay được mở rộng hơn trong tình yêu nước. Đó cũng là một sự chuyển biến trong nhận thức và tình cảm của người nông dân từ sau Cách mạng. Truyện Làng vì thế còn là câu chuyện nói về lòng yêu nước, về tinh thần kháng chiến của những người nông dân.
- Liên hệ, mở rộng đến một số tác phẩm khác và nâng cao vấn đề (0,75 điểm)
Qua truyện ngắn Làng, nhà văn Kim Lân muốn gửi lời nhắn nhủ đến với người cầm bút về quan điểm và cách nhìn người nông dân: Nông dân là lực lượng cơ bản của cách mạng, những con người hiền lành, chất phác trong đời sống hàng ngày nhưng rất giàu lòng yêu nước, đặc biệt là khi đất nước lâm nguy, họ sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc. Vì thế, người nghệ sỹ, khi viết về họ, cần có thái độ tôn trọng, yêu mến, cần khai thác ở họ những phương diện tốt đẹp để từ đó động viên, khích lệ họ tham gia xây dựng và bảo vệ làng quê, tổ quốc.
Nhà văn cũng kín đáo gửi đến bạn thông điệp: Ai cũng sinh ra từ một làng quê, vậy nên mỗi người cần yêu quê hương, đất nước, nếu không sẽ không lớn nổi thành người.
3. Kết bài: 0,5 điểm:
Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
III. Cách cho điểm
- 10 – 12 điểm: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu,văn viết có cảm xúc, lời văn lập luận sắc sảo; có thể còn vài lỗi nhỏ.
- 7 – 9 điểm: Trình bày đủ ý, diễn đạt mạch lạc, không sai sót về kiến thức và diễn đạt.
- 4 - 6 điểm: Tỏ ra hiểu vấn đề, biết cách nghị luận, diễn đạt đôi chỗ chưa thoát ý.
- 1- 3 điểm: Còn lúng túng về phương pháp nghị luận, các ý không rõ ràng, viết chung chung sơ sài.
- Điểm 0: Hoàn toàn sai lạc.
Lưu ý:
- Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng, giám khảo cần thảo luận kĩ về yêu cầu và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh trước khi chấm.
- Đây đều là những dạng đề mở, nên người chấm cần linh hoạt trong đánh giá. Căn cứ vào tình hình và chất lượng thực tế của mỗi bài làm để cho điểm thích hợp.
- Cần khuyến khích những tìm tòi sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức bài làm của học sinh. Trong mỗi phần, tùy vào thực tế bài viết để trừ điểm về các lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt, trình bày... sao cho phù hợp.