Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 12 có đáp án chi tiết 2017 mới cập nhật
Dưới đây là: Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 12 năm 2 016 – 2017 mới cập nhật trên Kiemtradethi.com K IỂM TRA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2016 – 2017 Môn: NGỮ VĂN – LỚP 12 Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc đoạn ...
Dưới đây là: Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 12 năm 2016 – 2017 mới cập nhật trên Kiemtradethi.com
KIỂM TRA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2016 – 2017Môn: NGỮ VĂN – LỚP 12
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đềI. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Cuộc sống tuy buộc vào cuộc đời mỗi con người không ít bất hạnh nhưng rồi chính nó cũng mang đến cho chúng ta thật nhiều hạnh phúc. Có những hạnh phúc vụt đến rồi vụt đi như một ánh chớp bất thần giữa đêm tối. Nhưng cũng có những hạnh phúc đã trở thành một trong những mục tiêu lớn nhất của một đời người, những hạnh phúc mà ai cũng đều khao khát. Những hạnh phúc ấy, chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay và tất nhiên không phải người nào cũng được tận hưởng. Hạnh phúc gia đình có lẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất trong số những hạnh phúc được đếm trên đầu ngón tay mà mỗi con người luôn tìm kiếm, luôn hướng đến.”
(Trích Hướng dẫn ôn tập và làm bài thi môn Văn NLXH, Cao Lê Mỹ Diệu)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2. Anh/Chị hiểu thế nào về ý nghĩ: “Có những hạnh phúc vụt đến rồi vụt đi như một ánh chớp bất thần giữa đêm tối.”? (0,5 điểm)
Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: “Cuộc sống tuy buộc vào cuộc đời mỗi con người không ít bất hạnh nhưng rồi chính nó cũng mang đến cho chúng ta thật nhiều hạnh phúc.”? (1,0 điểm)
Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Hạnh phúc gia đình có lẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất trong số những hạnh phúc được đếm trên đầu ngón tay mà mỗi con người luôn tìm kiếm, luôn hướng đến”.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua đoạn thơ sau trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Trích sách Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, trang 155-156)
………………Hết…………………
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN
A. Hướng dẫn chung
– Thầy cô giáo cần nắm bắt được nội dung trình bày của học sinh để đánh giá một cách tổng quát bài làm, tránh đếm ý cho điểm. Cần chủ động và linh hoạt khi vận dụng Hướng dẫn chấm này.
– Trân trọng những bài viết có cách nhìn riêng, cách trình bày riêng.
– Điểm lẻ toàn bài tính đến 0,25 đ. Sau đó, làm tròn số đúng quy định.
B. Đáp án và thang điểm
I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Học sinh có thể diễn đạt theo các cách khác nhau nhưng vẫn cần tiếp cận với định hướng tổng quát của Hướng dẫn chấm.
Câu 1. Phương thức nghị luận.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng định hướng nội dung trên.
Câu 2. Hạnh phúc ở đời lắm khi thoáng qua rất nhanh.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng định hướng nội dung trên.
Câu 3. Vì thông qua trải nghiệm của chính cuộc đời mình, có lẽ tác giả đã nhận ra sự có hậu của cuộc sống – cũng là sự đáng sống của cuộc đời: tuy có những lúc đem lại bất hạnh nhưng cuộc sống vẫn thường mang đến cho chúng ta thật nhiều hạnh phúc (mà hạnh phúc lớn lao nhất chính là hạnh phúc gia đình).
– Điểm 1,0: Trả lời đúng định hướng nội dung trên.
Câu 4. Thông điệp (một trong các thông điệp chính sau): Cuộc sống luôn tiềm ẩn những hạnh phúc hoặc Hạnh phúc gia đình là hạnh phúc lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất.
– Điểm 1,0: Trả lời theo hướng trên.
II. Làm văn (7,0điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
1.1) Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức (tri thức sách vở và trải nghiệm cuộc sống) và kĩ năng về tạo lập đoạn văn để làm bài. Đoạn văn phải đúng hướng, rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
1.2) Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc 01 đoạn nghị luận (0,5 điểm)
Nếu học sinh viết từ hai đoạn trở lên thì sẽ bị mất 0,5 điểm ở phần này (phần a).
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)
Hạnh phúc gia đình là hạnh phúc lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất.
c) Khai triển vấn đề cần nghị luận (1,0 điểm)
Định hướng tổng quát:
– Cuộc đời mỗi người luôn mỏi mong và hướng đến hạnh phúc.
– Có nhiều loại hạnh phúc gắn với những mục tiêu khác nhau của đời sống.
– Hạnh phúc gia đình là hạnh phúc lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất.
Câu 2 (5,0 điểm)
2.1) Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để tổ chức bài văn nghị luận văn học (phân tích một đoạn thơ) để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
2.2) Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)
Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu (qua hai đoạn thơ cuối).
– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
– Điểm 0,25: Xác định đúng hướng nhưng còn chung chung.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (3,0 điểm)
* Giới thiệu về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm)
1.Tác giả
– Cuộc đời bất hạnh: Luôn khao khát tình yêu, mái ấm gia đình và tình mẫu tử.
– Đặc điểm hồn thơ: Tiếng nói của người phụ nữ giàu yêu thương, khao khát hạnh phúc đời thường, bình dị; nhiều lo âu, day dứt, trăn trở trong tình yêu.
2.Tác phẩm
-Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được viết tại biển Diêm Điền ( Thái Bình) năm 1967.
-Đề tài : Tình yêu.
* Phân tích (2,0 điểm)
Cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu (qua hai đoạn thơ cuối).
– Vẻ đẹp của một tâm hồn tinh tế, giàu cảm xúc và lắm suy tư trước sự hữu hạn của đời người, sự mong manh của hạnh phúc (niềm lo lâu trước sự hữu hạn của đời người được thể hiện dưới dạng liên tưởng mang tính chất so sánh, ẩn dụ).
– Vẻ đẹp của một tâm hồn giàu khát vọng muốn sống hết mình trong tình yêu, muốn vươn đến một tình yêu vĩnh cửu (nỗi khát khao được giãi bày vừa trực tiếp (làm sao được, thành, để) vừa gián tiếp theo kiểu ẩn dụ kín đáo).
* Đánh giá (0,5 điểm)
Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu được khắc họa một cách bóng bẩy và tinh tế bởi một hồn thơ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.
– Điểm 3,0: Đảm bảo các yêu cầu trên.
– Điểm 2,0 – 2,5: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc các ý liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
– Điểm 1,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 1,0: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,5: Hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc (không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật).
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc (không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật).
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Xem thêm: