22/02/2018, 11:43

Đề thi học kì 2 lớp 6 môn Văn có đáp án – Quận Tân Bình 2016

Mời quý thầy cô và các em tham khảo Đề thi học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 6 của Quận Tân Bình. Đề thi khá hay và có đáp án chi tiết. Phòng Giáo Dục Và Đào Tạo Quận Tân Bình Đề thi học kì 2 Môn: Ngữ Văn – Lớp 6 Thời gian làm bài 90 phút Câu 1 : (1điểm) a. Tôi đem ...

Mời quý thầy cô và các em tham khảo Đề thi học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 6 của Quận Tân Bình. Đề thi khá hay và có đáp án chi tiết.

Phòng Giáo Dục Và Đào Tạo Quận Tân Bình

Đề thi học kì 2

Môn: Ngữ Văn – Lớp 6

Thời gian làm bài 90 phút

Câu 1: (1điểm)

a. Tôi đem xác Dế Choắt đến chôn vào một vùng cỏ bùm tum. Tôi đắp thành nấm mộ to. Tôi đứng lặng giờ lâu, nghĩ về bài học đường đời đầu tiên.

(Dế Mèn phiêu lưu kí -Tô Hoài)

 Dế Mèn đã nghĩ gì về bài học đường đời đầu tiên của mình?

b. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.

                                                              (Vượt thác)

Từ đoạn trích trên em hình dung hình ảnh của con người như thế nào trước thiên nhiên? 

Câu 2: (1điểm)

a. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong ví dụ sau? Gạch dưới từ ngữ thể hiện biện pháp tu từ ấy.

Vì sao? Trái Đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh

                                                                           (Tố Hữu)

b. Cho biết câu sau thuộc kiểu câu trần thuật đơn có từ nào?

Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam.

                                                   (Thép Mới- Cây tre Việt Nam)

Câu 3: (3 điểm)

Hãy viết một đoạn văn ngắn (từ 6-8 câu) nêu cảm nghĩ về  hình ảnh Bác Hồ  qua khổ thơ :

Đêm nay Bác ngồi đó

Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh.

(Đêm nay Bác không ngủ- Minh Huệ)

Câu 4: (5 điểm)

Tả lại một nhân vật ấn tượng mà em yêu thích trong những truyện đã học. 

_______________ HẾT ______________

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 2 MÔN VĂN LỚP 6 QUẬN TÂN BÌNH

Câu 1: (1 điểm)

a. Dế Mèn nghĩ về bài học đầu tiên: Dế Mèn hối hận vì thói hung hăng, kiêu căng , xốc nổi của mình đã làm tổn hại đến người khác. (0,5 điểm) Học sinh có thể diễn đạt khác nhưng đúng ý.

b. Thể hiện vẻ cường tráng, dũng mãnh, tư thế hào hùng của con người trước thiên nhiên (mỗi ý đúng 0,25 điểm)- Học sinh có thể diễn đạt khác nhưng đúng ý.

Câu 2:

a. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong ví dụ sau? Gạch dưới từ ngữ thể hiện biện pháp tu từ ấy.

Vì sao? Trái Đất nặng ân tình

                        Nhắc mãi tên Người : Hồ Chí Minh

–         Biện pháp tu từ: hoán dụ (0,25 điểm)

–         Từ ngữ thể hiện: Trái Đất (0,25 điểm) 

b. Cho biết câu sau thuộc kiểu câu trần thuật đơn có từ nào?

Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam.

– Câu giới thiệu (0,5 điểm)

Câu 3: (3 điểm)

Hãy viết một đoạn văn ngắn ( từ 6-8 câu) nêu cảm nghĩ về  hình ảnh Bác Hồ  qua khổ thơ :

Đêm nay Bác ngồi đó

Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh.

(Đêm nay Bác không ngủ- Minh Huệ)

   Học sinh viết được đoạn văn phát biểu cảm nghĩ đúng nội dung yêu cầu của đề (2 điểm).

–  Đoạn văn đúng số câu. (0,5 điểm). Nhiều hơn 1 câu không trừ điểm. Quá 2 câu trở lên trừ 0,25 điểm. Thiếu 1 câu trừ  0,25điểm.

–  Bố cục rõ ràng. Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, văn có cảm xúc( 0,5 điểm)

–  2 lỗi chính tả, ngữ pháp (trừ 0,25điểm).

Tùy theo mức độ làm bài của học sinh, giám khảo xem xét cho điểm.

Câu 4: (5 điểm)

Tả lại một nhân vật ấn tượng mà em yêu thích trong những truyện đã học.

A.Yêu cầu:

– Học sinh chọn được nhân vật ấn tượng yêu thích trong truyện đã học ( Gọi đúng tên nhân vật trong truyện đã học- có thể là truyện dân gian, truyện trung đại, truyện hiện đại )

– Biết chọn lọc những đặc điểm tiêu biểu của nhân vật để tả. Bài làm thể hiện trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo, bộc lộ được tình cảm của người viết đối với nhân vật.

– Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc.

– Biết liên kết giữa các đoạn văn. Ngôn ngữ trong sáng, giàu hình ảnh. Biết sử dụng phép tu từ trong văn miêu tả.

– Bài làm phải đủ 3 phần:

* Mở bài: Giới thiệu nhân vật yêu thích.

* Thân bài: Tả nhân vật trong truyện đã học.

* Kết bài: Nêu cảm nghĩ.

Bài làm mẫu:

Tả lại một nhân vật ấn tượng mà em yêu thích trong những truyện đã học

    Em đã đọc nhiều truyện cổ tích của thế giới nhưng em vẫn ấn tượng với truyện Cô bé Lọ Lem. Nàng Lọ Lem trong truyện thật xinh đẹp, dịu hiền và rất nết na. Cô nàng đã có quãng thời gian dài khổ cực để tìm tới một hạnh phúc trọn vẹn.

Lọ Lem thật xinh đẹp! Dáng người nàng nhỏ nhắn, dong dỏng cao. Khuôn mặt trái xoan, thanh tú nổi bật, nước da trắng hồng, mịn màng. Đôi mắt đen láy, sáng long lanh ẩn dưới hàng lông mi uốn cong tự nhiên càng làm tăng vẻ quyến rũ của đôi mắt. Hàng lông mày lá liễu dài, cong càng làm tăng vẻ tự nhiên của đôi mắt quyến rũ ấy. Chiếc mũi dọc dừa cao điểm vẻ đẹp cho khuôn mặt của nàng. Đôi môi mềm, đầy đặn, bóng như vừa được bôi một lớp son mỏng. Hàm răng trắng, đều đặn cứ lấp ló giữa hai vành môi, ẩn giấu một vẻ đẹp nền nã. Mái tóc đen, óng mượt xoã ngang vai. Thường ngày Lọ Lem chỉ mặc một bộ đổ rách rưới, vá chằng vá đụp để lau dọn nhà cửa. Khuôn mặt của Lọ Lem xinh xắn vậy mà lại luôn bị lem luốc bởi cô phải quét dọn nơi xó nhà hay gác xép bẩn thiu. Chính vì bộ dạng lem luốc nên cô mới bị gọi tên là Lọ Lem. Lọ Lem rất chăm chỉ, luôn dọn dẹp luôn chân luôn tay. Cô rất hay lam hay làm. Lọ Lem có tính nết thật tốt đẹp: hiền dịu, nết na, chăm chỉ – những đức tính, phẩm chất tốt đẹp nhất của người phụ nữ.

Cuộc đời của Lọ Lem có quãng đường dài thật gian khổ mới tìm được hạnh phúc đích thực. Để dẫn tới kết quả tốt đẹp đó là cả một câu chuyện dài.

Thuở nhỏ, Lọ Lem sống rất vui vẻ cùng cha mẹ trong ngôi nhà rộng rãi, thoải mái. Bỗng nhiên, mẹ nàng lâm bệnh nặng rồi qua đời. Cha nàng lấy thêm vợ kế. Mụ mẹ kế đã có hai đứa con riêng trạc tuổi Lọ Lem. Hai đứa con của mụ đứa thì gầy, đứa thì béo. Sau đó, cha của Lọ Lem bị tai nạn nên cũng qua đời. Sau khi ông mất, mụ mẹ kế bắt cô bé phải phục vụ và phục tùng hai mẹ con mụ. Những bộ đổ lộng lẫy, những đôi giày tuyệt đẹp và căn phòng trang hoàng lộng lẫy đã quá xa vời với Lọ Lem. Mụ mẹ kế chỉ cho Lọ Lem mặc những bộ đồ bỏ đi, vá chằng vá đụp và đôi giày thô kệch. Mụ bắt cô phải làm lụng luôn chân luôn tay. Còn hai cô con riêng của mụ chỉ biết ăn chơi, lêu lổng, sống cuộc sống sung sướng mà lẽ ra Lọ Lem được hưởng. Lọ Lem xinh xắn chỉ được ở trên gác xép bụi bậm, bẩn thỉu, chứa đầy đồ cũ nát và cô có bạn là những chú chuột. Rồi một hôm, hoàng từ mở tiệc tiếp khách có mời cả mấy mẹ con mụ dì ghẻ và cả Lọ Lem nữa. Nhưng mụ chỉ sắm sửa, trang điểm cho mình và hai đứa con xấu xí. Mụ còn bắt Lọ Lem nhặt hạt đỗ tới bong cả tay mà không được đi dự tiệc. May có bà tiên giúp đỡ, cô đã có bộ đồ lộng lẫy, cổ xe tuyệt đẹp tới dự tiệc. Lọ Lem nhảy với hoàng tử tới sau mười hai giờ – giờ bà tiên dặn phải về nếu không phép màu sẽ bị biến mất. Cô vội vã đánh rơi chiếc giày làm hoàng tử đi tìm khắp nơi. Cuối cùng, hoàng tử đã tìm được chủ nhân của chiếc giày. Hoàng tử đã tìm thấy vị hôn thê của đời mình – Lọ Lem và cưới nàng về làm vợ. Cuộc sống của hai người rất hạnh phúc.

Lọ Lem là cô gái nết na, hiền dịu và rất xinh đẹp. Với tâm hồn trong sáng và phẩm chất tốt đẹp, cô đã tìm được đến với hạnh phúc đích thực. Qua câu chuyện, em hiểu rằng người chăm ngoan, hiền dịu, nết na sẽ được đền đáp xứng đáng.

Xem thêm: Đề cương ôn thi học kì 2 môn Toán lớp 6

Chúc các em học tập tốt…

********* HẾT ********

0