22/02/2018, 15:03

Đề thi học kì 1 môn Văn lớp 9 có đáp án Phòng GD&ĐT Hòn Đất năm 2015

Đề thi học kì 1 môn Văn lớp 9 có đáp án của Trường THCS Bình Giang – Phòng GD&ĐT Hòn Đất năm học 2015 – 2016. Đề thi khá hay và hướng dẫn làm bài chi tiết. Thầy cô và các em tham khảo chi tiết dưới đây. Phòng Giáo Dục Và Đào Tạo Hòn Đất Trường THCS Bình Giang Đề Thi Học Kì 1 ...

Đề thi học kì 1 môn Văn lớp 9 có đáp án của Trường THCS Bình Giang – Phòng GD&ĐT Hòn Đất năm học 2015 – 2016. Đề thi khá hay và hướng dẫn làm bài chi tiết. Thầy cô và các em tham khảo chi tiết dưới đây.

Phòng Giáo Dục Và Đào Tạo Hòn Đất Trường THCS Bình Giang

Đề Thi Học Kì 1

Môn: Văn – Lớp 9

Thời gian làm bài 90 phút

Câu 1: (2 điểm) Nêu ngắn gọn giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du

Câu 2: (1 điểm) Trong hai truyện ngắn đã học: Làng của Kim Lân, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng đều có những tình huống bất ngờ đặc sắc. Đó là những tình huống nào?

Câu 3: (1điểm) Các câu sau mắc lỗi gì? Hãy sửa lại

a. Việt Nam chúng ta có rất nhiều thắng cảnh đẹp.

b. Các nhà khoa học dự đoán những chiếc bình này đã có cách đây khoảng 2500 năm.

c. Về khuya, đường phố rất im lặng.

d. Những hoạt động từ thiện của ông khiến chúng tôi rất cảm xúc.

Câu 4: (1 điểm) Cho đoạn thơ sau:

Mình về với Bác đường xuôi

Thưa dùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người.

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời…

Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường.

                                                                                            (Tố Hữu – Việt Bắc)

a. Cách xưng hô Bác, Người, Ông Cụ giống nhau ở điểm nào.

b. Chỉ ra sự khác nhau về sắc thái biểu cảm của các từ đó.

Câu 5: (5 điểm) Mỗi lần làm được một việc tốt là mỗi lần ta hạnh phúc. Hãy kể lại một việc làm tốt của em khiến em hạnh phúc.

____________ HẾT ____________

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN VĂN 9

Câu 1 (2 điểm)

Về nội dung: (1 điểm)

+ Bức tranh hiện thực về Xã hội Phong kiến bất công, tàn bạo, chà đạp lên quyền sống của con người

+ Số phận bất hạnh của người phụ nữ tài hoa trong Xã hội Phong kiến

+ Lên án chế độ Phong kiến vô nhân đạo

+ Cảm thương trước số phận bi thảm của con người.

+ Khẳng định đề cao tài năng, nhân phẩm, ước mơ, khát vọng chân chính

Về nghệ thuật: (1 điểm)

+ Tác phẩm là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại.

+ Với Truyện Kiều ngôn ngữ, ngôn ngữ văn học dân tộc và thể thơ lục bát đạt tới đỉnh cao rực rỡ.

+ Với Truyện Kiều nghệ thuật tự sự đã có bước phát triển vượt bậc, từ nghệ thuật dẫn chuyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách và miêu tả tâm lí con người

Câu 2 (1 điểm)

Chỉ đúng hai tình huống trong từng truyện

– Làng: Ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu làm việt gian theo Pháp     (0,5 điểm)

– Chiếc lược ngà: Anh Sáu về thăm nhà, bé Thu nhất  định không nhận ba, đến lúc nhận ba thì đã tới lúc chia tay.      (0,5 điểm)

Câu 3 (1 điểm)

Các câu đều mắc lỗi dùng từ

a. Dùng thừa từ “đẹp” vì “thắng cảnh” có nghĩa là đẹp ( 0,25 điểm)

b. Dùng sai từ “dự đoán ” vì “dự đoán ” có nghĩa là đoán trước tình hình sự việc nào đó có thể xảy ra trong tương lai. Chỉ có thể dùng: Phỏng đoán, ước đoán, ước tính ( 0,25 điểm)

c. Dùng sai từ “im lặng” vì từ này để nói về con người hoặc cảnh tượng của con người. Thay bằng: Yên tĩnh, vắng lặng ( 0,25 điểm)

d. Dùng sai từ “ cảm xúc” vì từ này thường được dùng như danh từ, có nghĩa là sự rung động trong lòng khi tiếp xúc với sự việc gì. Nên dùng từ cảm phục, xúc động ( 0,25 điểm)

Câu 4 (1 điểm)

a. Cách xưng hô Bác, Ông Cụ, Người trong đoạn thơ giống nhau là đều cùng chỉ Bác Hồ. ( 0,25 điểm)

b. Sự khác nhau về sắc thái biểu cảm :

– Bác: Biểu hiện sắc thái thành kính – thân thiết ruột thịt. ( 0,25 điểm)

– Người: Biểu hiện sắc thái thành kính – thiêng liêng cao quý   ( 0,25 điểm)

– Ông Cụ: Biểu hiện sắc thái thành kính – bình dân, mộc mạc

( 0,25 điểm)

Câu 5 ( 5 điểm)

Về hình thức:

+ Làm đúng kiểu bài văn tự sự kết hợp với yếu tố miêu tả và biểu cảm

+ Sử dụng tốt các hình thức ngôn ngữ: đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm trong bài viết

+ Xây dựng được tình huống truyện hợp lý, lôi cuốn người đọc qua đó bộc lộ được những tình cảm, cảm xúc chân thành trong sáng.

+ Bố cục rõ ràng, mạch lạc

Về nội dung:        

A. Mở bài: (0,5 điểm)

Dẫn dắt và giới thiệu được việc làm tốt

B. Thân bài: (4 điểm)

– Kể lại diễn biến câu chuyện theo một trình tự hợp lí   ( 2 điểm)

+ Nêu được sự việc mở đầu,

+ Nêu được sự việc phát triển- cao trào

+ Nêu được  sự việc kết thúc

– Tâm trạng khi làm được việc tốt ,kỷ niệm đó có ý nghĩa như thế nào đối với mình ở tại thời điểm đó và bây giờ(miêu tả nội tâm)  (1 điểm)

– Bài học rút ra (nghị luận)              (1 điểm)

C. Kết bài (0,5 điểm): Lời khuyên đối với mọi người

_____________________ HẾT_____________________

0