Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 7 Phòng GD&ĐT Bình Giang, Hải Dương năm học 2015 - 2016
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 7 Phòng GD&ĐT Bình Giang, Hải Dương năm học 2015 - 2016 Đề kiểm tra học kì I môn Văn lớp 7 có đáp án Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 7 . Đề thi bám sát kiến thức ...
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 7 Phòng GD&ĐT Bình Giang, Hải Dương năm học 2015 - 2016
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 7
. Đề thi bám sát kiến thức SGK, chính vì vậy học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức là có thể làm được bài và đạt điểm khá. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 7 phòng GD&ĐT Cẩm Giàng, Hải Dương năm học 2015 - 2016
Bộ 15 đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 7
PHÒNG GD&ĐT BÌNH GIANG | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2015 - 2016 MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 7 Thời gian làm bài: 90 phút (Đề bài gồm 01 trang) |
Câu 1 (2,0 điểm)
a) Thế nào là từ trái nghĩa? Trong thơ văn sử dụng từ trái nghĩa có tác dụng gì?
b) Tìm các cặp từ trái nghĩa trong hai câu thơ sau và phân tích tác dụng:
"...Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son".
(SGK Ngữ Văn 7, tập 1, trang 94)
Câu 2 (3,0 điểm)
a) Chép lại chính xác theo trí nhớ bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh.
b) Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ?
c) Qua bài thơ, em hiểu gì về con người của Bác? Viết một đoạn văn cảm nhận về điều ấy.
Câu 3 (5,0 điểm)
Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến.
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 7
Câu 1 (2,0 điểm)
a) Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau. (0,25 điểm) Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc nhiều cặp từ trái nghĩa khác nhau. (0,25 điểm)
Trong thơ văn sử dụng từ trái nghĩa có tác dụng tạo nghệ thuật đối, tạo các hình tượng tương phản, gây ấn tượng mạnh. (0,5 điểm)
b) Cặp từ trái nghĩa trong hai câu thơ Rắn - nát (0,25 điểm)
- Tác dụng: Cặp từ trái nghĩa trong hai câu thơ Rắn – nát cho ta hiểu về cuộc đời số phận bị phụ thuộc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. (0,25 điểm)
- Cuộc đời họ sướng hay khổ đều phụ thuộc vào người chồng, người cha, vào xã hội. (0,25 điểm)
- Cho dù số phận có bị chà đạp, bị vùi dập nhưng người phụ nữ vẫn giữ trọn phẩm giá trong sáng, thủy chung của mình. (0,25 điểm)
Câu 2 (3,0 điểm)
a) Học sinh chép chính xác bài thơ "Cảnh khuya" của Hồ Chí Minh. (0,5 điểm)
b) Bài thơ trên được viết theo thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt. (0,5 điểm)
Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác năm 1947 (0,25 điểm) khi Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (0,25 điểm)
c) Viết đúng hình thức một đoạn văn, diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ. (0,25 điểm)
- Cảm nhận về Bác qua bài thơ đảm bảo được nội dung sau: Bác Hồ là người có tâm hồn nhạy cảm yêu thiên nhiên tha thiết, có lòng yêu nước sâu nặng. (0,5 điểm)
- Đoạn văn có lí lẽ, dẫn chứng cụ thể rõ ràng phù hợp với nội dung. (0,75 điểm)
Câu 3 (5,0 điểm)
1. Về kĩ năng
- Kiểu bài: Biểu cảm về một tác phẩm văn học.
- Đối tượng biểu cảm: Bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến.
- Bài viết hoàn chỉnh, có đủ ba phần; bố cục mạch lạc, văn viết có cảm xúc.
- Không mắc các loại lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp thông thường, lời văn trong sáng, dễ hiểu.
- Trình bày sạch đẹp.
2. Về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:
a. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Cảm xúc, ấn tượng chung về bài thơ.
b. Thân bài: Nêu cảm nghĩ cụ thể về tình bạn tri âm, tri kỉ cao đẹp, trong sáng, hồn nhiên, dân dã.
* Câu đề (câu 1): Đã bấy lâu nay bác đến nhà
- Sự phá cách của tác giả ở chỗ: trong thể thơ bát cú Đường luật thì phần đề thường có 2 câu (phá đề, thừa đề) nhưng ở bài thơ này chỉ có một câu.
- Câu thơ như một lời chào hỏi mừng rỡ, thân tình của chủ nhân trước việc đến thăm của một người bạn già xa cách đã lâu ngày
- Cách gọi bác vừa dân dã, vừa kính trọng, thể hiện sự gắn bó lâu dài, mật thiết giữa hai người.
* 3 câu thực (2, 3, 4): Lời phân trần, thanh minh của chủ nhân về sự tiếp đón thiếu chu đáo của mình:
- Tác giả dùng tới 3 câu, trong khi thơ Đường luật phần này chỉ có 2 câu.
- Ngôn ngữ thơ như lời nói tự nhiên, mộc mạc của một ông lão nhà quê: Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa (lí do thứ nhất), Ao sâu nước cả khôn chài cá (lí do thứ hai), Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà (lí do thứ ba.)
* 2 câu luận: Tiếp tục phân trần thêm hai lí do: Cải chửa ra cây, cà mới nụ. Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Tính chất hài hước nằm ở ý: Nhà có đủ cả, chẳng thiếu thứ gì (cá, gà, cải, cà, bầu, mướp...), chỉ tiếc là đều đang độ dở dang, tiềm năng, chưa dùng được, nên đành tạ lỗi với khách.
Cách nói thậm xưng kết hợp với nghệ thuật liệt kê tạo nên cách nói dí dỏm: Ông có tất cả nhưng thật ra lại chẳng có gì vì không đúng lúc, không đúng thời.
* 2 câu kết
- Sự thiếu thốn được đẩy lên cực điểm: Đầu trò tiếp khách, trầu không có (bắt nguồn từ câu: Miếng trầu là đầu câu chuyện trong dân gian nói về cách tiếp khách thông thường nhất, tối thiểu nhất cũng phải có trầu và nước.)
- Kết thúc bài thơ bất ngờ: Sáu câu trên nói đến cái không có, câu kết bài đã cân bằng tất cả, biến cái không có thành vô nghĩa vì đã có ta với ta
- Tóm lại vật chất chẳng có gì: Bác đến chơi đây, ta với ta. Câu thơ này là linh hồn của bài thơ. Tất cả sự mừng rỡ, quý. trọng, chân tình đều hội tụ ở ba từ ta với ta. Chủ và khách, bác và tôi đã hòa làm một. Quả là tình bạn già sâu sắc, cảm động không có gì so sánh được.
c. Kết bài
- Bài thơ là tấm lòng chân thành của Nguyễn Khuyến dành cho người bạn già đáng kính đến chơi nhà.
- Giọng thơ tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, trong sáng, hình ảnh quen thuộc gợi khung cảnh thiên nhiên tươi mát ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.
- Khẳng định tình cảm với bài thơ, với nhà thơ hoặc khái quát giá trị, sức sống của bài thơ...
d. Biểu điểm
- Mức 4 -> 5 điểm: Đáp ứng được những yêu cầu trên, có kĩ năng làm văn biểu cảm, lựa chọn được hình ảnh tiêu biểu, văn viết rõ ràng, lưu loát có sáng tạo riêng, văn viết có cảm xúc có thể còn vài lỗi nhỏ .
- Mức 3 -> dưới 4: Đáp ứng cơ bản những yêu cầu trên, bố cục rõ ràng, diễn đạt nhìn chung tương đối tốt, một vài chỗ còn lúng túng trong cách diễn đạt
- Mức 2 -> dưới 3 điểm: Biết viết đúng thể loại, có bố cục ba phần. Đảm bảo 2/3 số ý. Còn mắc một số lỗi sai về chính tả, dùng từ, đặt câu
- Mức 1 -> dưới 2: Xác định đúng thể loại và đối tượng, nhưng mắc nhiều lỗi diễn đạt lủng củng, lỗi chính tả...; hoặc viết quá ngắn, quá sơ sài.
- Mức 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc bỏ giấy trắng