Đề thi học kì 1 lớp 12 môn Văn năm 2015 Sở GD&ĐT Bình Dương
Đề thi học kì 1 lớp 12 môn Văn năm 2015 Sở GD&ĐT Bình Dương Thầy cô và các em tham khảo Đề thi học kì 1 lớp 12 môn Văn năm 2015 Sở GD&ĐT Bình Dương thời gian làm bài 120 phút, ngày thi 07/12/2015. SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH DƯƠNG KIỂM TRA HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2015 – 2016 MÔN NGỮ VĂN ...
Đề thi học kì 1 lớp 12 môn Văn năm 2015 Sở GD&ĐT Bình Dương
Thầy cô và các em tham khảo Đề thi học kì 1 lớp 12 môn Văn năm 2015 Sở GD&ĐT Bình Dương thời gian làm bài 120 phút, ngày thi 07/12/2015.
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH DƯƠNG
KIỂM TRA HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2015 – 2016
MÔN NGỮ VĂN LỚP 12
Thời giam làm bài : 120 phút không kể thời gian giao đề
I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi dưới đây:
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.”
(Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – Nguồn VNExpress 22/5/2014)
1. Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản trên.
2. Văn bản được thể hiện chủ yếu qua phép liên kết nào?
3. Nêu nội dung của văn bản.
4. Văn bản đã thể hiện sâu sắc truyền thống cao quý nào trong đời sống tinh thần, tình cảm của dân tộc Việt Nam?
II. Làm văn (7 điểm)
1. (3 điểm)
Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà hãy trở thành người có ích.
Hãy viết một bài văn ngắn(khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
2. (4 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
(Ngữ Văn 12, Tập một, NXB Giáo duch 2008, tr89)
Dưới đây là Đáp án, hướng dẫn làm tham khảo từ các nguồn do Dethikiemtra.com tổng hợp:
I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
- Văn bản chủ yếu được viết theo phương thức nghị luận.
- Nội dung đó được thể hiện chủ yếu qua phép lặp với các từ ngữ: chủ quyền, thiêng liêng, lãnh thổ, biển đảo, vùng biển…
- Nội dung chủ yếu của văn bản là: Khẳng định ý chí kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
- Thông điệp của cvăn bản khẳng định ý chí bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước với bất cứ giá nào, vì ” không có gì quí hơn độc lập, tự do!”
– Thông điệp đó đã thể hiện sâu sắc truyền thống yêu nước cao quí trong đời sống tinh thần, tình cảm của dân tộc.
II. Làm văn (7 điểm)
1:
Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà hãy trở thành người có ích.
Các em tham khảo tại đây: Nghị luận xã hội: Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích
2:
Quang Dũng là nhà thơ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng và hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, điều đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến.
Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt-Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở thượng Lào cũng như miền tây Bắc Bộ Việt Nam. Phần lớn những chiến sĩ Tây Tiến là những chàng trai Hà thành tình nguyện tham gia kháng chiến. Họ chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, thiếu thốn và bệnh sốt rét hoành hành dữ đội. Trong bài thơ Tây Tiến mà Quang Dũng viết năm 1948 đã có đoạn thơ miêu tả, khắc họa sắc nét chân thực hình tượng người lính Tây Tiến ấy:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Nếu như ở những đoạn thơ trước, nhà thơ nói tới cái hùng vĩ, hiểm trở khắc nghiệt cùng với những nét vẽ duyên dáng thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc thì đến đoạn thơ này hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên với vẻ đẹp lạ lùng:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Bốn câu thơ này tác giả làm hiện ra hình ảnh “đoàn binh” gợi khí thế xung trận và “đoàn binh” ấy hiện ra với dáng vóc “không mọc tóc” và “xanh màu lá“. Nó gợi đến cái hiện thực trần trụi và khắc khổ của người chiến sĩ Tây Tiến trong hoàn cảnh bấy giờ. Cái ngoại hình của người lính Tây Tiến phù hợp với hoàn cảnh họ phải ngụy trang hay ngoại hình do bệnh sốt rét rừng gây nên. Quang Dũng là một nhà thơ lãng mạn có pha chút ngang tàn cho nên trong cảm nhận của tác giả những người lính “không mọc tóc” là không thèm mọc tóc. Qua cách diễn đạt ấy, tác giả đã biến cái bị động thành cái chủ động, qua đó ta thấy được cái nhìn lạc quan của nhà thơ. Qua cách diễn đạt “xanh màu lá“, cảm tưởng người lính Tây Tiến ốm mà không yếu, vẫn có sức sống. Bởi vậy từ cái bi thương đã toát lên cái bi hùng. Tư thế “dữ oai hùm” là giữ và oai như hùm thiêng sơn cước. Xét vẻ bề ngoài và tư thế thì có vẻ mâu thuẫn. Tuy nhiên với cái nhìn lãng mạn của tác giả về người lính hiện lên ốm mà không yếu nên từ ngoại hình đó đã toát lên vẻ oai phong lẫm liệt của chính họ. Trong hai câu thơ đầu tác giả đã miêu tả dáng hình và tư thế của người lính Tây Tiến nhưng không tạo ra vẻ rùng rợn đáng sợ, bi thương mà làm ngời lên cái bi hùng. Vẻ đẹp tinh thần của người lính thể hiện qua hình ảnh: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới“. “Mắt trừng” là mắt mở to biểu hiện của sự căng mở giác quan thức nhọn cảm giác để mài giũa tinh thần cảnh giác cảnh giác kẻ thù nơi biên cương. Ánh mắt không chỉ chất chứa lòng căm thù, tinh thần cảnh giác mà nó còn ẩn chứa một giấc “mộng” lớn chưa thành, đó là giấc mơ lập công. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp tinh thần của những người lính Tây Tiến, chính là vẻ đẹp của lòng lạc quan. Những người lính hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn qua những giấc mơ của họ. Mơ là nghĩ nhiều, nhớ nhiều, và bởi vậy nó gợi đến nỗi nhớ của người lính:
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”.
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
Nếu như nỗi nhớ của những người lính trong thơ Nguyễn Đình Thi là nỗi nhớ người yêu bất ngờ bột phát trên đường hành quân thì nỗi nhớ của những người lính Tây Tiến là nỗi nhớ đau đáu, khắc khoải, da diết. Đó không phải là nỗi nhớ trong ý thức mà là nỗi nhớ trong tiềm thức, một nỗi nhớ thường trực và nỗi nhớ trở nên da diết: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm“. “Dáng kiều thơm” là cách nói ước lệ để chỉ những dáng hình tố nữ nơi Hà thành yêu kiều, xinh đẹp. Đó là giấc mơ đẹp, lãng mạn của những người lính xuất thân ở Hà Nội, những chàng trai đã từng cắp sách tới trường, đắm chìm trong tiểu thuyết lãng mạn của tình yêu, những mối tình đẹp nên họ ấp ủ bóng hình yêu kiều, xinh đẹp của những “dáng kiều thơm“. Người lính Tây Tiến còn mơ về Hà Nội, về quê hương vì đó là nơi mà họ đã gắn bó quãng đời thơ ấu của mình, đó là một không gian bình yên, chứa đầy những kỉ niệm. Mơ về không gian yên bình, hạnh phúc, mơ về một cuộc sống đẹp thì tâm hồn người lính càng đẹp lên rất nhiều.
Hai câu thơ dường như có sự đối lập. Một câu miêu tả bề ngoài dữ dằn, một câu miêu tả nội tâm mềm mại; một câu miêu tả giấc mộng lớn, một câu nói về giấc mơ bé nhỏ, đời thường. Tuy vậy, hai câu thơ không hề mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau để tạo nên vẻ đẹp toàn diện của người lính Tây Tiến. Điều đáng quý là những người lính Tây Tiến có nghĩ đến cuộc sống riêng tư của mình, và họ còn biết đặt tình cảm đất nước lên trên tình cảm bé nhỏ của mình.
Bốn câu thơ cuối, tác giả miêu tả sự hi sinh của những người lính Tây Tiến:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Câu thơ: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” đã miêu tả được không gian nơi mà những người lính Tây Tiến nằm lại. “Rải rác” đã nhấn mạnh sự thật nghiệt ngã là những người lính Tây Tiến nằm lại nơi rừng già hoang vu, lạnh lẽo. Không gian nơi “biên cương” đã ghi nhận sự hi sinh đầy ý nghĩa, bởi các anh đã hi sinh để bảo vệ miền biên giới Việt – Lào. Những nấm mồ của các anh đã trở thành cột mốc nơi biên giới, nó được tạo nên bởi xương máu nên vô cùng ý nghĩa. Để tôn vinh những người lính Tây Tiến, tác giả đã sử dụng nhiều từ Hán Việt khiến cho những ngôi mộ “rải rác” nơi “biên cương” trở thành những nấm mộ chí tôn nghiêm.
Những người lính ra đi chiến đấu và đã hi sinh nơi “chiến trường“. “Chiến trường” gợi đến sự hi sinh, nơi bom đạn, nơi đổ máu mà chẳng gây sự sợ hãi cho những người lính Tây Tiến mà họ còn quan niệm “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh“. “Đời xanh” là quãng đời tuổi trẻ, là cuộc đời của những chàng trai trẻ với bao hoa mộng. “Chẳng tiếc” là biểu hiện của tinh thần tự nguyện và hơn cả tự nguyện là tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Câu thơ ấy thể hiện tư thế đẹp của người lính Tây Tiến, phảng phất tinh thần tráng sĩ xưa: “Tráng sĩ một đi không trở lại” của bậc trượng phu “Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao“. Tư thế ấy của những người lính đã từng xuất hiện trong những bài thơ kháng chiến chống Pháp. Đó là những con người “Người ra đi đầu không ngoảnh lại“, đó là những con người từng có cảm xúc:
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.
(Sao chiến thắng – Chế Lan Viên)
“Ta sẵn sàng xé trái tim ta
Cho Tổ quốc và cho tất cả”.
(Việt Nam máu và hoa – Tố Hữu)
Tư thế của những người lính Tây Tiến không chỉ đẹp mà nó còn biểu hiện của sự sẵn sàng dấn thân mang hào khí của thời đại. Trong họ có chất men say, lãng mạn, pha chút ngang tàn của anh hùng hảo hán xưa. Nhưng trên hết, đó là biểu hiện của lòng yêu nước, yêu cách mạng.
Câu thơ tiếp theo tác giả gợi đến sự hi sinh của người lính nơi chiến trường: “Áo bào thay chiếu anh về đất“. “Áo bào” là cách nói ước lệ, qua cách nói này tác giả tái hiện vẻ đẹp của người chiến sĩ xưa và làm mờ đi cái hiện thực trần trụi: đó là cái gian khổ, thiếu thốn khi còn sống, cũng như lúc hi sinh. Nó gợi đến cái chí khí của người tráng sĩ xưa, những chàng trai thời loạn da ngựa bọc thây, sẵn sàng chết nơi xa trường. Bởi vậy từ hình ảnh “áo bào” tác giả đã kết nối được vẻ đẹp của anh hùng xưa với vẻ đẹp của người lính Tây Tiến. Cách nói “anh về đất” là nói giảm, nói tránh để nói về sự hi sinh của người lính Tây Tiến mà còn bất tử hóa sự hi sinh của các anh. Bởi “về đất” là trở về trong lòng đất mẹ, trở về trong lòng quê hương và trở về cõi vĩnh hằng.
Kết thúc đoạn thơ bằng hình ảnh dòng sông Mã với âm thanh vang dội, gầm thét quen thuộc của núi rừng:
“Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Đây là cách nói nhân hóa thì âm thanh ấy không còn là âm thanh của thiên nhiên nữa mà nó giống như âm thanh của con người, nó trở thành điệu khèn vĩnh khuyết đưa tiễn người lính Tây Tiến. Nó không còn là âm thanh ghê rợn của rừng già mà là âm thanh đau thương thể hiện niềm xót thương với sự hi sinh của người lính Tây Tiến. Không chỉ con người mà thiên nhiên, đất trời cũng đang khóc cho những người lính Tây Tiến năm xưa.
Đoạn thơ đã dựng lại thành công chân dung người lính Tây Tiến với vẻ đẹp hào hoa, hào hùng. Đó là những vẻ đẹp của người chiến sĩ vô danh. Vẻ đẹp ấy được nhiều nhà thơ ca ngợi. Đó là vẻ đẹp: “Họ đã sống và chết – Giản dị và bình tâm” (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm), đó là vẻ đẹp của những con người “Tôi thấy tên anh trong tên đất nước – Cuộc sống bây giờ chính là khúc hát” (Vô danh – Chính Hữu). Tây Tiến chính là tượng đài bất tử của người lính vô danh mà Quang Dũng đã dựng bằng cả tâm hồn mình để tưởng niệm một thế hệ thanh niên xung phong chiến đấu và đã hi sinh vì tự do, độc lập Tổ quốc. Đoạn thơ này là đoạn thơ tiêu biểu tạo nên vẻ đẹp những người chiến sĩ vô danh ấy.
Chúc các em đạt kết quả cao nhất trong kì thi kì 1 lớp 12 này nhé!