Đề kiểm tra 1 tiết môn Văn lớp 7 có đáp án – Hoài Nhơn năm 2016
Đề kiểm tra 1 tiết môn Văn lớp 7 năm học 2016 – 2017 – Hoài Nhơn được Kiemtradethi.com sưu tầm và đăng tải. Đề thi có đáp án dành cho các bạn tham khảo, ôn tập, hệ thống kiến thức. PHÒNG GD ĐT HOÀI NHƠN ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I MÔN: NGỮ VĂN 7 ( Thời gian: 90 ...
Đề kiểm tra 1 tiết môn Văn lớp 7 năm học 2016 – 2017 – Hoài Nhơn được Kiemtradethi.com sưu tầm và đăng tải. Đề thi có đáp án dành cho các bạn tham khảo, ôn tập, hệ thống kiến thức.
PHÒNG GD ĐT HOÀI NHƠN ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I |
MÔN: NGỮ VĂN 7 ( Thời gian: 90 phút) NĂM HỌC: 2016- 2017 |
I. TRẮC NGHIỆM: (3.0 diểm)
Phần 1 (2.0 điểm) : Đọc kĩ các câu hỏi sau và trả lời bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu của câu trả lời đúng nhất.
Câu 1: Bài ca dao sau thuộc chủ đề nào ?
“Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan
Công đâu công uổng công hoang
Công đâu gánh nước Tam Quan tưới dừa.”
A. Những câu hát về tình cảm gia đình.
B.Những câu hát về tình yêu quê hương đất nước
C. Những câu hát than thân
D. Những câu hát châm biếm
Câu 2: Nhận xét nào sau đây đúng cho cả hai bài thơ Phò giá về kinh và Sông núi nước Nam?
A.Thể hiện khát vọng hòa bình
B. Khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước
C. Thể hiện niềm tự hào trước những chiến công oai hùng của dân tộc
D. Thể hiện bản lĩnh, khí phách của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm
Câu 3: Nhà thơ Nguyễn Khuyến có tên gọi là:
A. Thần thơ thánh chữ B. Tam Nguyên Yên Đổ C. Thi tiên D. Thi thánh
Câu 4: Qua hình ảnh chiếc bánh trôi nước, Hồ Xuân Hương muốn nói điều gì về người phụ nữ?
A.Vẻ đẹp hình thể C. Số phận bất hạnh
B. Vẻ đẹp tâm hồn D. Vẻ đẹp và số phận long đong
Câu 5: Hình ảnh nào cùng xuất hiện trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh?
A. Dòng suối B. Tiếng hát C. Ánh trăng D. Bầu trời
Câu 6. Hai câu thơ sau sử dụng dạng điệp ngữ nào?
“ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
A. Điệp ngữ cách quãng B. Điệp ngữ nối tiếp C. Điệp ngữ chuyển tiếp
Câu 7: Chọn cách hiểu đúng trong những cách hiểu sau :
A. Đồng nghĩa là hiện tượng chỉ có trong một số ngôn ngữ trên thế giới
B. Đồng nghĩa bao giờ cũng là quan hệ nghĩa giữa hai từ, không có quan hệ nghĩa hơn hai từ
C .Các từ đồng nghĩa với nhau bao giờ cũng có nghĩa hoàn toàn giống nhau
D. Các từ đồng nghĩa với nhau có thể không thay thế nhau được trong nhiều trường hợp.
Câu 8: Gạch chân dưới những đại từ trong câu thơ sau:
“ Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu.”
Phần 2 (1.0 điểm) : Nối cột A và cột B cho thích hợp:
Cột A (Tác phẩm) | Cột B (Thể thơ ) | Cột A+ B |
1. Bánh trôi nước | A. Thất ngôn tứ tuyệt | 1+ ….. |
2. Tiếng gà trưa | B. Lục bát | 2+ ….. |
3. Bạn đến chơi nhà | C. Ngũ ngôn | 3+ ….. |
4. Bài ca Côn Sơn | D. Thất ngôn bát cú Đường luật | 4+ ….. |
E. Song thất lục bát |
II. TỰ LUẬN: (7.0 điểm)
Câu 1 (1.0 điểm): Hãy chép thuộc lòng bài thơ “ Bánh trôi nước ” Hồ Xuân Hương.
Câu 2 (1.0 điểm): Cụm từ “ta với ta” trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” và bài thơ “Bạn đến chơi nhà” có gì khác nhau ?
Câu 3 (5.0 điểm): Nêu cảm nghĩ của em về bài thơ “ Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh.
Bài Làm
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………… ………………………………………………………………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 7
I. TRẮC NGHIỆM (3.0 điểm)
Phần I (2.0 điểm) Mỗi câu trả lời đúng 0.25 điểm.
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
Đáp án | B | D | B | D | C | C | D | Bao nhiêu, bấy nhiêu |
Biểu điểm | 0.25 | 0.25 | 0.25 | 0.25 | 0.25 | 0.25 | 0.25 | 0.25 ( nếu đúng một từ không tính điểm) |
Phần II (1.0 điểm): HS ghép đôi đúng mỗi cặp (0,25 điểm) : 1 +A ; 2 + C ; 3 + D ; 4 + B.
II. TỰ LUẬN (7.0 điểm):
Câu 1: – Học sinh ghi lại chính xác (1.0 điểm) . Sai một từ trừ 0.25 điểm; sai một dòng không chấm điểm.
– Chép đúng như sau:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Câu 2 (1.0 điểm). Cần nêu được:
* Bài thơ “Qua Đèo Ngang” :
– Cụm từ “ta với ta”: Đại từ ngôi thứ nhất, số ít. Ý chỉ một mình tác giả (0.25đ).
– Qua đó thể hiện tâm trạng cô đơn tuyệt đối, không biết chia sẻ cùng ai (0.25đ).
* Bài thơ “Bạn đến chơi nhà”:
– Cụm từ “ta với ta”: Đại từ ngôi thứ nhất, số nhiều . Ý chỉ tác giả và người bạn (0.25đ).
– Qua đó thể hiện một niềm vui trọn ven, chan hòa giữa chủ và khách (0.25đ).
Câu 3(5.0 điểm): Nêu cảm nghĩ của em về bài thơ “ Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh.
* Yêu cầu chung:
– Thể loại: Biểu cảm về tác phẩm văn học.
– Nội dung: Bài thơ “ Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh.
– Hình thức: Bố cục đầy đủ ba phần. Hành văn mạch lạc, lưu loát.
* Yêu cầu cụ thể: Bài làm cần đảm bảo các ý chính sau:
- Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
- Thân bài: Nêu cảm nghĩ về nội dung và nghệ thuật qua từng khổ thơ.
– Khổ 1: Tâm trạng người lính trẻ trên đường hành quân xa .
+ Tiếng gà trưa cất lên nơi xóm nhỏ là âm thanh quen thuộc, bình dị của làng quê từ bao đời nay. Nhưng với người lính trẻ lại vô cùng xúc động. Tiếng gà trưa đã làm xao động nắng trưa và cả hồn người. Tiếng gà trưa giúp người lính trẻ xua tan bao mệt mỏi và gợi nhớ về tuổi thơ.
+ Điệp từ nghe làm cho giọng thơ thêm bồi hồi, tha thiết.
– Khổ 2,3,4,5,6 : Những kỷ niệm tuổi thơ của người lính trẻ được gợi lên từ tiếng gà trưa.
+ Khổ 2: Hình ảnh đàn gà và những ổ trứng hồng đẹp như tranh vẽ
+ Khổ 3: Kỉ niệm về bà- một lần xem gà đẻ bị bà mắng. Qua đó ta thấy được tình cảm yêu thương và sự lo lắng cho cháu.
+ Khổ 4, 5: Hình ảnh người bà chắt chiu, dành từng quả trứng hồng lo cho cháu. Nhớ tới bà là nhớ tới bao nỗi lo, bao niềm mong ước của bà với tình thương bao la.
+ Khổ 6: Niềm vui của tuổi thơ khi được quần áo mới từ tiền bán gà của bà.
– Điệp ngữ tiếng gà trưa được nhắc lại nhiều lần, một âm thanh hiện hữu đồng vọng gợi nhớ bao kỷ niệm một thơ bé. Tiếng gà trưa là tiếng vọng của quê hương, là tình hậu phương thiết tha sâu nặng của người lính trong kháng chiến chống Mỹ.
– Khổ cuối: Những suy tư được gợi lên từ tiếng gà trưa
+ Tiếng gà gọi về những giấc mơ tuổi thơ của người lính trẻ.
+ Điệp từ vì nhấn mạnh nguyên nhân lên đường của người cháu. Tình yêu gia đình hòa trong tình yêu quê hương đất nước.
Kết bài: Khái quát về nội dung và nghệ thuật của bài thơ (Thể thơ năm chữ, hình ảnh bình dị, điệp ngữ; vẻ đẹp trong sáng, đằm thắm của những kỷ niệm về tuổi thơ, về tình bà cháu chan hòa trong tình yêu quê hương đất nước.)
* Biểu điểm:
– Điểm 4.0 – 5.0: Viết đúng thể loại văn biểu cảm, bố cục rõ ràng, diễn đạt mạch lạc; có cảm xúc, đảm bảo các ý trên, sai không quá 3 lỗi các loại.
– Điểm: 2,5 – 3,5: Viết đúng thể loại, bố cục rõ ràng, biết cách làm nhưng thiếu một vài ý, sai không quá 5 lỗi các loại.
– Điểm 1,5. – 2.0: Cảm nghĩ sơ sài, thiếu nhiều ý, bài viết lủng củng, mắc nhiều lỗi.
– Điểm 1- 0 : Dành cho những bài viết bỏ giấy trắng hoặc viết vài câu vô nghĩa.