Đầu tư phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của cả nước cũng như của các tỉnh Bắc Bộ, Chính phủ đã có chủ trương phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ (bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên). Đây là một trong ba vùng kinh tế ...
Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của cả nước cũng như của các tỉnh Bắc Bộ, Chính phủ đã có chủ trương phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ (bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên). Đây là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2010 của vùng KTTĐ Bắc Bộ đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 747/TTg ngày 11 tháng 9 năm 1997). Theo thông báo số 108/TB - VPCP ngày 30 tháng 7 năm 2003 (kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải tại hội nghị Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) , hội nghị đã đồng ý bổ xung ba tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc vào vùng KTTĐ Bắc Bộ ngoài năm tỉnh ban đầu. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định mới bổ sung, sửa đổi quyết định số 747/TTg nói trên, đồng thời tiến hành điều chỉnh các quy hoạch và kế hoạch phát triển Vùng cho phù hợp với quy mô mới.
Vùng KTTĐ có vị trí quan trọng về chính trị, giao lưu kinh tế, văn hoá với các vùng và quốc tế ở phía Bắc đất nước.
Vùng phát triển kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐ Bắc Bộ) gồm hai thành phố là Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh,Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Tây, Vĩnh Phúc và hai tuyến trục huyết mạch thông từ các nơi trong nội địa của Bắc Bộ ra biển và đi quốc tế là tuyến đường 5 và đường 18, tạo nên xương sống cho toàn Bắc Bộ. Vùng có vị trí chiến lược về phát triển và hợp tác quốc tế ở phía Bắc Việt Nam (có đường hàng hải quốc tế và đường xuyên Á đi qua, có thủ đô Hà Nội, có các cảng biển Hải Phòng và Cái Lân, có hai sân bay quốc tế). Từ Hải Phòng ra đường hàng hải quốc tế dài 150 km; Hà Nội đi bằng máy bay tới Hồng Kông mất 2h 45 phút, tới Singapo mất 4 giờ 55 phút, tới Băng Cốc mất 1 giờ 50 phút. Vùng hội tụ đủ các yếu tố để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Các trung tâm phát triển của Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây Trung Quốc có quan hệ nhiều chiều với vùng phát triển kinh tế trọng điểm Bắc Bộ . Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, khối lượng hàng hoá quá cảnh khoảng 1 - 2,5 triệu tấn mỗi năm của Vân Nam và các tỉnh phía Tây của Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc (ra biển thông qua cảng Hải Phòng và cảng Cái Lân chỉ với khoảng cách 800 - 1200 km, rút ngắn khoảng cách gần 2/3 đường đi so với đi về phía Đông Hưng - Phòng Thành). Chính phủ Trung Quốc đã có chủ trương tiếp tục xây dựng Đông Hưng, Hải Nam thành các khu kinh tế mở và gắn kết các đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, Chu Hải, Đông Quân, Trung Sơn, Thuận Đức và Hồng Kông thành chuỗi liên hoàn phát triển năng động và hiện đại hoá. Những điều đó ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của vùng phát triển kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapo, Malaysia,Indonexia và Thái Lan là những nước và lãnh thổ nằm trên cánh cung Tây Thái Bình Dương có sự phát triển năng động vào bậc nhất thế giới. Đường hàng hải quốc tế chạy qua các nước nói trên và Việt Nam đã tạo điều kiện cuốn hút sự phát triển của nước ta nói chung và vùng KTTĐ Bắc Bộ nói riêng; đó là những thuận lợi, cơ hội tốt để vùng KTTĐ Bắc Bộ hoà nhập vào sự phát triển của khu vực. Nhưng mặt khác, vùng phát triển KTTĐ Bắc Bộ chịu sức ép về đối trọng, nguy cơ tụt hậu và những tệ nạn xã hội bất lợi cho quá trình phát triển.
Là vùng có lịch sử phát triển công nghiệp và đô thị vào loại sớm nhất ở nước ta
Vùng KTTĐ Bắc Bộ thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng là vùng tiếp cận sớm với công nghiệp. Khi sang xâm chiếm nước ta, người Pháp đã phát triển công nghiệp ở vùng này tương đối sớm tại các thành phố, thị xã: Hải Phòng - Hà Nội - Hải Dương. Vùng KTTĐ Bắc Bộ đã có công nghiệp ngay từ cuối thế kỷ 19: Cảng Hải Phòng, nhà điện Hà Nội, cơ khí, đóng tàu ở Hải Phòng... Người dân vùng đồng bằng Sông hồng đã tiếp cận với nền công nghiệp khai thác mỏ: than Quảng Ninh... từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ở đồng bằng Sông Hồng đã hình thành giai cấp công nhân vào loại tương đối sớm.
Từ sau khi hoà bình lập lại, vùng đồng bằng Sông Hồng được đặt vào vị trí quan trọng số 1 cho phát triển công nghiệp xã hội chủ nghĩa, phục vụ cho xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam. Thời kỳ này đã hình thành một loạt các khu công nghiệp ở thành phố Hà Nội, Hải phòng. Một vài nhà máy chế biến lương thực nằm rải rác ở các tỉnh, một vài nhà máy điện, nhà máy nước phục vụ sản xuất và dân sinh đã xuất hiện. Đó là điều kiện thuận lợi để tiếp cận với dạng hình khu công nghiệp tập trung như quy hoạch hiện nay.
Vùng KTTĐ Bắc Bộ là vùng sớm hình thành các khu đô thị từ hàng ngàn năm trước đây: Cổ Loa, Kinh Bắc, Đông Đô - Thăng Long, Trấn Hải Dương, Trấn Hà Đông... Những năm cuối thế kỷ 19 và trong thế kỷ 20, hàng loạt đô thị từ thành phố trực thuộc trung ương đến thị xã, thị trấn hình thành và phát triển sầm uất, trong đó đáng kể là hai thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội và Hải Phòng.
Trong quá trình hình thành đô thị, khu công nghiệp đã có một bộ phận nông dân chuyển sang công nghiệp và thương mại. Nghĩa là sự phân chia người lao động ra làm 3 ngành rất rõ nét ngay từ những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chỉ có khác là ngày nay sự phân chia đó được rõ rệt hơn. Từ lịch sử hình thành đó, chứng tỏ rằng vùng đồng bằng Sông Hồng đã sớm phân chia khái niệm kinh tế ra làm 3 lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Chính vì thế, năm 1997 chính phủ đã ra quyết định thành lập vùng kinh tế trọng điểm. Đây là vùng lãnh thổ có tiềm lực kinh tế lớn thứ 2 sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Là vùng có thế mạnh về nguồn nhân lực và khả năng nghiên cứu triển khai, chăm sóc sức khoẻ so với các vùng khác.
Nguồn nhân lực của vùng KTTĐ Bắc Bộ được xem như một lợi thế phát triển đặc biệt quan trọng. Trình độ học vấn của nguồn nhân lực tương đối cao và đứng vào loại nhất trong cả nước.Tính đến năm 2004, số người có bằng tốt nghiệp từ cấp phổ thông trở nên chiếm 80% nguồn nhân lực. Đội ngũ cán bộ chuyên môn khoa học kỹ thuật chiếm hơn 30% lao động xã hội. Số người có trình độ đại học khoảng 21 vạn người chiếm 31%, còn số người có trình độ trên đại học chiếm 75% so với từng loại tương đương của cả nước. Tuy nhiên lực lượng cán bộ khoa học này phát huy tác dụng của giai đoạn trước mắt nhiều hơn là cho giai đoạn dài. Bên cạnh việc tận dụng tốt lực lượng cán bộ khoa học, lao động kỹ thuật hiện có, cần có kế hoạch đào tạo thế hệ kế cận để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nói chung cũng như nhu cầu phát triển công nghiệp nói riêng về lâu dài.
Về khả năng chăm sóc sức khoẻ của vùng, vùng rât chú trọng xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ cho việc khám chữa bệnh như các bệnh viện, trung tâm y tế . Trang thiết bị được đầu tư khá hiện đại. Vì vậy, sức khỏe của người dân trong vùng được đảm bảo.
Là vùng có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước, là động lực phát triển chung
Vùng KTTĐ Bắc Bộ có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là vùng có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng , công nghiệp sử dụng công nghệ cao, phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao...
Đây là cái nôi của ngành công nghiệp và đội ngũ công nhân của cả nước. Năm 2003, vùng KTTĐ Bắc Bộ có khoảng 15 vạn doanh nghiệp công nghiệp, chiếm 23% số doanh nghiệp công nghiệp cả nước, riêng số doanh nghiệp công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiểm khoảng 15,8% cả nước và tạo ra 13,8% giá trị gia tăng công nghiệp và xây dựng của cả nước.
Về tài nguyên khoáng sản của vùng, tuy không nhiều nhưng có một số khoáng sản quan trọng so với cả nước như than đá, trữ lượng chiếm 98%, than nâu, đá vôi làm xi măng trữ lượng hơn 20%, cao lanh là sứ trữ lượng khoảng 40%... Việc khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản tạo tiền đề cho phát triển nền kinh tế của vùng và của cả nước, kéo theo hàng loạt các ngành công nghiệp phát triển theo.
Bảng 1: Một số tài nguyên chủ yếu của vùng KTTĐ Bắc Bộ.
Nguồn : Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ Bắc Bộ đến năm 2010 - Bộ KH-ĐT.
Để đảm bảo phương hướng phát triển kinh tế chung của vùng KTTĐ Bắc Bộ thì cơ cấu công nghiệp sẽ chuyển dịch theo hướng cơ bản sau:
- Ưu tiên tăng cường công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, tận dụng thế mạnh nguồn nhân lực, chất xám, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
- Công nghiệp phải phấn đấu hết sức để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, một phần để thay thế hàng nhập khẩu, một phần lớn để xuất khẩu.
- Bên cạnh việc phát triển những loại công nghiệp có yêu cầu tập trung, thì đồng thời phát triển công nghiệp có khả năng bố trí phân tán nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá và đô thị hoá nông thôn, giải quyết việc làm cho số đông dân cư.
- Những ngành cần được ưu tiên phát triển là: Kỹ thuật điện, điện tử, sản xuất thiết bị máy móc, vật liệu xây dựng, năng lượng và chế biến lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, dệt, da giầy xuất khẩu.
- Coi trọng đầu tư chiều sâu, ưu tiên phát triển quy mô vừa và nhỏ với công nghệ tiên tiến, hiện đại (một số công trình then chốt có thể có quy mô lớn). Ưu tiên hướng mạnh về sản xuất hàng xuất khẩu và hàng cao cấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, nhất là những sản phẩm cạnh tranh với hàng nhập khẩu, những sản phẩm đáp ứng nhu cầu du lịch và khách quốc tế.
Với những định hướng phát triển công nghiệp nói trên, chúng ta có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp một cách chủ động, tự tin, có thể đưa tỷ trọng sản xuất công nghiệp trong tổng sản phẩm xã hội còn ở mức trung bình như hiện nay lên cao hơn nữa nhằm đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp mới vào năm 2020. Song để thực hiện những điều đó cần đầu tư. Quy mô vốn tích luỹ lớn là những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp. Xuất phát từ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010, để thực hiện quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá chúng ta phải đẩy nhanh hoạt động đầu tư phát triển công nghiệp. Các nhà khoa học tính toán rằng, để tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm khoảng 8 đến 10% thì tổng đầu tư trong nước của Việt Nam phải đạt mứa ít nhất là 20-35%GDP từ nay đến năm 2020. Để đạt sự tăng trưởng GDP với tốc độ cao như vậy đòi hỏi phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước bởi vì chính tốc độ tăng trưởng nhanh trong các ngành công nghiệp tất yếu sẽ dẫn đến biến đổi trong cơ cấu GDP theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng dần tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ. Vùng KTTĐ Bắc Bộ là một vùng kinh tế quan trọng của cả nước. Sự phát triển công nghiệp của vùng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển công nghiệp chung của đất nước. Chính vì vậy, đầu tư phát triển công nghiệp của vùng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Dự báo cơ cấu ngành trong GDP của vùng vào năm 2020 như sau: Nông nghiệp chiếm 15 - 20% GDP, còn công nghiệp và dịch vụ chiếm 80 - 85% GDP. Trong tương lai sự phát triển năng lực khoa học và công nghệ phải được thể hiện trong việc tăng nhanh tỉ lệ sản phẩm công nghiệp trong xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mở. Theo nhiều tính toán cho biết, đến năm 2020, cơ cấu của sản phẩm xuất khẩu như sau: 10 - 15% sản phẩm sơ cấp, 85- 90% sản phẩm chế biến công nghiệp. Tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 25 - 30% GDP. Với mức tăng trưởng kinh tế cao trong vòng 10 năm là nhờ quá trình công nghiệp hoá dựa chủ yếu trên công nghiệp và dịch vụ mà cốt lõi là khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo. Vùng KTTĐ Bắc Bộ sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, giúp cho Việt Nam hội đủ nền tảng để hướng về một “xã hội thông tin”, nhằm biến đổi sâu sắc về chất lượng từ sản xuất đến quản lý với tốc độ gia tăng hàm lượng trí tuệ cao. Đó là con đường duy nhất để đạt được thế bình đẳng, tương hợp trong kỷ nguyên Châu Á - Thái Bình Dương.
Thời gian tới ngành tập trung sản xuất và đảm bảo cung ứng những sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có vị trí then chốt phục vụ nền kinh tế như điện, than, thép, sản xuất vải, sữa và các mặt hàng tiêu dùng khác. Đẩy mạnh lưu thông hàng hoá: bảo hộ sản xuất trong nước một cách hợp lý, kết hợp hài hoà giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của vùng, không để xảy ra cơn sốt thừa hoặc thiếu đối với các sản phẩm nhạy cảm như phân bón, thép, giấy. Đồng thời ngành cũng tăng sản lượng xuất khẩu những sản phẩm đã có thị trường như hàng dệt may, da giầy và một số loại khoáng sản, đồng thời tích cực tìm kiếm và thâm nhập thêm thị trường mới, coi trọng việc sản xuất hàng hoá thay thế nhập khẩu.