Cảm nghĩ bài Cảnh khuya của Hồ Chí Minh.
Đề bài: Em hãy nêu cảm nghĩ của mình về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh văn mẫu 7. Hồ Chí Minh được biết đến không chỉ là người có công lớn với dân tộc Việt Nam ta mà còn được biết đến với tư cách một nhà thơ, nhà văn lỗi lạc. Trong suốt cuộc đời sự nghiệp của Bác, ở bất kì đâu Bác cũng ...
Đề bài: Em hãy nêu cảm nghĩ của mình về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh văn mẫu 7.
Hồ Chí Minh được biết đến không chỉ là người có công lớn với dân tộc Việt Nam ta mà còn được biết đến với tư cách một nhà thơ, nhà văn lỗi lạc. Trong suốt cuộc đời sự nghiệp của Bác, ở bất kì đâu Bác cũng đều tranh thủ viết, có khi là viết ở trong tù, có khi là viết trong lúc người đang làm việc. Bài thơ “ Cảnh khuya” được Bác viết tại chiến khu Việt Bắc giữa cuộc kháng chiến chống Pháp gay go, ác liệt. “ Cảnh khuya” đã nói lên tiếng lòng thổn thức về khung cảnh tĩnh lặng ở nơi núi rừng Việt Bắc và cho chúng ta thấy chân dung của Bác Hồ lúc nào cũng hướng về dân tộc.
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Bài thơ chỉ vỏn vẹn có bốn câu nhưng lại được xếp vào hàng những bài thơ tả cảnh hay nhất của Hồ Chí Minh. Khung cảnh trong bài thơ là vào một đêm trăng tĩnh lặng, cảnh vật đều tạo nên một vẻ đẹp hài hòa làm rung động nhân vật trữ tình. Đâu đây giữa khung cảnh tịch mịch đó nghe thấy tiếng suối trong trẻo đang ngân nga “ như tiếng hát xa”. Tiếng suối có lẽ là âm thanh duy nhất trong bài thơ, nó không phá vỡ không gian gian vì tiếng động của mình mà thậm chí còn tô điểm thêm cho bầu không khí trở nên càng trong trẻo, mát lành. Bác nghe tiếng suối mà cảm nhận được sự “ trong” của nó, điều đó khiến cho tiếng suối trở nên thật diệu kì, và có sức lan tỏa lớn.
Thiên nhiên trong đêm trăng lại tiếp tục hiện ra thật hữu tình dưới ngòi bút của Bác: “ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Ở câu thơ tiếp theo này, Bác đã sử dụng từ “ lồng” đến hai lần tạo nên một ấn tượng đặc biệt cho người đọc. Trăng trên bầu trời lại hòa cùng cảnh vật dưới mặt đất, bóng của nó thì “ lồng” vào hoa. Những cảnh vật vốn dĩ tưởng chừng như xa nhau lại được đan xen vào nhau trong một khối thống nhất đến hiền hòa. Bác Hồ như đang ngắm Trăng ở dưới mặt đất, một khung cảnh tuyệt diệu chưa từng có. Cảnh vật vốn là những thứ vô chi vô giác vậy mà chúng lại trở nên có hồn trong bài thơ của Bác. Tiếng suối thì được ví như tiếng hát xa, ánh trăng thì lại tài tình lồng vào cổ thụ còn bóng của nó thì đan xen vào những cánh hoa. Người thi sĩ ắt hẳn phải sử dụng cả thính giác, thị giác để miêu tả hất cái đẹp của cảnh vật xung quanh mình. Và bằng một ngòi bút tinh tế, Bác đã vẽ nên một khung cảnh núi rừng Việt Bắc đi sâu vào lòng người.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
Ở hai câu thơ cuối, thiên nhiên đã thực sự hòa quyện vào nhân vật trữ tình, Bác đã mượn thiên nhiên để nói lên nỗi lòng của mình. Bác đã sử dụng thành công biện pháp nhân hóa trong hai câu thơ để đem cái hồn cho “ cảnh khuya”. Cảnh khuya đã “ vẽ” nên chân dung của nhân vật trữ tình vẫn thức cùng cảnh vật vì một nỗi nước nhà. Bác tĩnh tâm để nghe được tiếng suối trong trẻo, đã hào mình vào thiên nhiên để cảm nhận ánh trăng và sự vật đan xen hài hòa vào nhau nhưng thực sự trong thâm tâm của Người vẫn đang trằn trọc một nỗi vì dân vì nước. Lòng yêu nước, thương dân của Bác luôn canh cánh trong lòng. Bác sẽ còn nhiều đêm thức khuya, nhiều đêm không ngủ nếu đồng bào chưa được giải phóng. Cả cuộc đời của Người hy sinh vì dân vì nước, tấm lòng đó cũng đã trở thành cảm hứng của bao nhà thơ khi khắc họa chân dung của Bác. Bác còn chưa ngủ vì một lẽ:
Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn…
Bác Hồ là thế đó, tấm lòng của Bác luôn hướng về nhân dân, hướng về cuộc kháng chiến giành độc lập trường kì của dân tộc. Cả cuộc đời của bác chẳng có lúc nào Người thực sự ngủ ngon, nhất là khi trong hoàn cảnh sáng tác bài thơ, cuộc kháng chiến chống pháp của nhân dân vẫn đang diễn ra ác liệt.
“ Cảnh khuya” là một trong những bài thơ tả cảnh thiên nhiên hay và đẹp của Bác. Qua bài thơ, chúng ta càng thêm yêu mến và xúc động trước tấm lòng của Bác Hồ và cố gắng để xây dựng dân tộc Việt Nam ngày càng vững mạnh và đoàn kết.
Nguồn: Văn mẫu