Cảm nhận của em về đoạn trích “Nỗi oan hại chồng”.
Đề bài: Em hãy nêu cảm nhận của em về đoạn trích “ Nỗi oan hại chồng” để thấy được tấm lòng cao cả của người phụ nữ Việt Nam. Thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa luôn là đề tài được khắc họa nhiều trong nền văn học. Họ được nhắc đến với một niềm xót thương cho thân phận ...
Đề bài: Em hãy nêu cảm nhận của em về đoạn trích “ Nỗi oan hại chồng” để thấy được tấm lòng cao cả của người phụ nữ Việt Nam.
Thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa luôn là đề tài được khắc họa nhiều trong nền văn học. Họ được nhắc đến với một niềm xót thương cho thân phận phải chịu nhiều sự áp đặt và không được đấu tranh cho quyền lợi của mình. Đoạn trích “ Nỗi oan hại chồng” kể về nỗi oan của nhân vật Thị Kính mang tội giết chồng sẽ đã thể hiện một cách chân thực về thân phận người phụ nữ trong xã hội mục nát xưa.
Mở đầu đoạn trích là khung cảnh êm ấm của gia đình Thị kính khi nàng đang thuê thùa bên cạnh chồng mình là Thiện Sĩ. Thị Kính là người phụ nữ đoan trang, nết na, luôn chăm lo chu đáo cho gia đình, người như nàng ắt phải được hưởng cuộc sống hạnh phúc bên chồng con. Vậy mà một lần, khi Thiện Sĩ đang nằm ngủ, Thị Kính thấy chiếc râu mọc ngược trên cằm của chồng, nàng đã toan lấy kéo cắt đi vì theo quan niệm xưa, râu mọc ngược ám chỉ điều không tốt lành. Thiện sĩ chợt tỉnh dậy và thấy trên tay Thị Kính đang cầm kéo, chàng kêu toáng lên vì cho rằng Thị Kính muốn giết mình. Mối nghi ngờ của Thiện Sĩ từ đây đã đẩy cuộc đời Thị Kính vào chỗ bế tắc. Sùng ông và Sùng bà chạy tới và lập tức buông lời mắng nhiếc Thị Kính, buộc nàng vào tội giết chồng, một tội ác không thể tha thứ. Không những thế, những lời nói chua ngoa cay nghiệt của Sùng bà còn nhằm vào gia cảnh nghèo khổ của gia đình Thị Kính:
Giống nhà bà đây giống phượng giống công
Còn tuồng bay mèo mả gà đồng lẳng lơ
Nhà bà đây cao môn lệnh tộc
Mày là con nhà cua ốc
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu
Sùng bà vốn đã có ác cảm với thân phận nghèo khổ với Thị Kính nên đến lúc này, bà càng được thể để nhục mạ nàng làm Thị Kính không thể mở miệng ra thanh minh. Có lúc Sùng ông đã lắng nghe Thị Kính nhưng lại không dám nói gì vì sợ vợ. Xã hội xưa là xã hội “ trọng nam khinh nữ”, vậy mà trong gia đình này thì Sùng bà lại là người nắm quyền cao nhất. Có thể thấy, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu ở đây chính là mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, thân phận thấp cổ bé họng của Thị Kính đã dồn nàng vào nỗi oan ức cả đời này cũng không thể gột sạch được.
Nàng kêu oan rất nhiều lần: “ Giời ơi, oan con lắm mẹ ơi”.. “ Oan thiếp lắm chàng ơi”.. nhưng không ai chịu lắng nghe lời nàng giải thích, Sùng bà cứ tiếp tục dùng những lời lẽ, cử chỉ, điệu bộ khinh bỉ để hạ thấp nhân phẩm của nàng. Có lẽ ngay từ khi được gả về nhà chồng, Thị Kính đã mang tiếng “ đũa mốc đòi chèo mâm son” nên khi có cơ hội, Sùng bà đã không tiếc lời để làm nhục nàng. Qua đây có thể thấy, người phụ nữ xưa đã chịu rất nhiều ràng buộc về thân thế, địa vị, trong xã hôi, họ không được tự do tìm đến hạnh phúc của chính mình. Khi bị oan, họ cũng không được giải thích và minh oan.
Nỗi đau lớn nhất của nàng là Thiện Sĩ – người chồng của nàng, ngày đêm đầu ấp tay gối lại vì nhu nhược mà không dám đứng lên bảo vệ vợ, nghe lời giải thích của vợ mình. Nỗi oan ức của Thị Kính kêu trời không thấu, gọi đất không nghe, nàng chỉ đứng đó chịu những lời mắng nhiếc cay nghiệt, những đòn roi của mẹ chồng trước con mắt nhu nhược của chồng và bố chồng. Đến khi Mãng ông nghe được tiếng kêu oan của con gái mình thì đã quá muôn, cuộc hôn nhân của Thị Kính và Thiện Sĩ đã tan vỡ, nàng bị đuổi ra khỏi nhà chồng với tội danh giết chồng cả đời này cũng không gột sạch được. Mãng ông an ủi con:
Con ơi! Dù oan dù nhẫn chẳng oan
Xa xôi cha biết nỗi con nhường nào!
Chỉ vì một chiếc râu mọc ngược mà cuộc đời Thị Kính rơi vào cảnh bế tắc, gia đình của nàng cũng phải chịu những lời nhục mạ, cay nghiệt của chính gia đình Sùng bà. Đoan trích “ Nỗi oan hại chồng” đã khắc họa chân thực số phận hẩm hiu của người phụ nữ trong xã hội xưa, làm dấy lên niềm xót thương, cảm thông sâu sắc của người đọc với người phụ nữ. Nỗi oan của Thị Kính chỉ là một trong rất nhiều nỗi oan mà người phụ nữ bé nhỏ phải gánh chịu trong xã hội cũ, đây là tiếng chuông lên án và cảnh tỉnh những người đàn ông nhu nhược không dám nhìn vào sự thật và bảo vệ người phụ nữ đức hạnh, cao quý. Đồng thơi, đoạn trích “ Nỗi oan hại chồng” đã ca ngợi phẩm hạnh cao quý của người phụ nữ xưa, trong mọi hoàn cảnh họ luôn giữ trọn đạo làm hiếu, trọn đạo vợ chồng.
Nguồn: Văn mẫu