25/05/2018, 09:48

Đại hội Công đoàn các cấp

Nhiệm vụ của Đại hội công đoàn các cấp Nhiệm vụ của Đại hội công đoàn các cấp gồm: Thảo luận, thông qua các báo cáo của Ban chấp hành; quyết định phương hướng nhiệm vụ ...

Nhiệm vụ của Đại hội công đoàn các cấp

Nhiệm vụ của Đại hội công đoàn các cấp gồm:

  • Thảo luận, thông qua các báo cáo của Ban chấp hành; quyết định phương hướng nhiệm vụ của công đoàn nhiệm kỳ tới.
  • Tham gia xây dựng văn kiện của Đại hội Công đoàn cấp trên.
  • Bầu Ban Chấp hành Công đoàn mới và bầu đại biểu đi dự Đại hội công đoàn cấp trên.
  • Thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (đối với Đại hội Công đoàn toàn quốc).

Nhiệm kỳ Đại hội công đoàn các cấp

Đại hội CĐCS, CĐCS thành viên, Nghiệp đoàn, Công đoàn bộ phận, Nghiệp đoàn bộ phận: 5 năm 2 lần. Những Công đoàn cơ sở được tổ chức đại hội theo nhiệm kỳ 5 năm 1 lần phải được Công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý thuộc một trong hai trường hợp sau:

  • Công đoàn cơ sở đóng trên địa bàn một tỉnh, thành phố chải có đủ 2 điều kiện:

+ Có đủ 300 đoàn viên trở lên.

+ Có từ 05 CĐCS thành viên trở lên.

  • Công đoàn cơ sở hoạt động phân tán lưu động trên địa bàn nhiều tỉnh phải có đủ 2 điều kiện:

+ Có từ 1000 đoàn viên trở lên

+ Có từ 05 CĐCS thành viên trở lên.

Trường hợp đặc biệt nếu được Công đoàn cơ sở đồng ý, đại hội CĐCS thành viên, Công đoàn bộ phận có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá 6 tháng.

Đối với Tổ Công đoàn, tổ Nghiệp đoàn mỗi năm một lầntổ chức hội nghị toàn thể để bầu tổ trưởng, tổ phó Công đoàn.

Đại hội công đoàn các cấp trên cơ sở: 5 năm 1 lần.

Trường hợp đặc biệt, nếu được công đoàn cấp trên đồng ý, Đại hội công đoàn các cấp có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá 12 tháng đối với công đoàn cấp trên cơ sở. Riêng đối với Đại hội Công đoàn toàn quốc thì do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.

* Đại hội bất thường ở các cấp Công đoàn

Đại hội bất thường được tổ chức khi có thay đổi cơ bản về nhiệm vụ so với nghị quyết đại hội đề ra, hoặc khi khuyết trên 50% số uỷ viên Ban Chấp hành; có trên 1/2 (một phần hai) số uỷ viên Ban Chấp hành biểu quyết tán thành và được Công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý.

Đại biểu dự Đại hội

Thành phần đại biểu chính thức gồm:

  • Các uỷ viên đương nhiệm của Ban Chấp hành cấp triệu tập.
  • Các đại biểu do Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể công đoàn cấp dưới bầu lên.
  • Các đại biểu do Ban Chấp hành cấp triệu tập chỉ định với số lượng không quá ba phần trăm (3%) tổng số đại biểu chính thức được triệu tập.

Số lượng đại biểu chính thức dự Đại hội, hoặc Hội nghị đại biểu Công đoàn các cấp do Ban Chấp hành Công đoàn cấp triệu tập quyết định căn cứ vào số lượng đoàn viên, số lượng CĐCS, Nghiệp đoàn và tình hình cụ thể của đơn vị, theo quy định sau:

  • Đại hội Công đoàn cơ sở, Công đoàn cơ sở thành viên và Nghiệp đoàn: Không quá 150 đại biểu.
  • Đại hội Công đoàn cấp trên cơ sở: Không quá 200 đại biểu.
  • Đại hội Công đoàn ngành Trung ương: Không quá 300 đại biểu.
  • Đại hội Công đoàn tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng Liên đoàn có:

+ Dưới 80.000 đoàn viên: Không quá 250 đại biểu.

+ Từ 80.000 đoàn viên đến dưới 100.000 đoàn viên: Không quá 300 đại biểu.

+ Từ 100.000 đoàn viên đến 200.000 đoàn viên: Không quá 400 đại biểu.

+ Trên 200.000 đoàn viên: Không quá 450 đại biểu.

  • Đại hội Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn: Không quá 250 đại biểu.
  • Số lượng đại biểu Đại hội Công đoàn toàn quốc do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.

Trường hợp đặc biệt, nếu cần phải tăng thêm số lượng đại biểu chính thức phải được Công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý. Số đại biểu tăng thêm không vượt quá 10% so với số lượng nêu trên.

Đại biểu dự Đại hội phải được Đại hội biểu quyết công nhận tư cách đại biểu. Trường hợp đại biểu bị kỷ luật từ hình thức khiển trách (theo quy định của Bộ luật Lao động) hoặc cảnh cáo ( đối với với các trường hợp khác) trở lên, thì Ban Chấp hành cấp triệu tập xem xét, quyết định tư cách đại biểu và sau đó báo cáo cho Đại hội biết. Người bị khởi tố, truy tố, tạm giam thì không đủ tư cách đại biểu.

Đại hội, Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn các cấp phải có ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số thành viên được triệu tập đến dự mới có giá trị.

Việc bầu cơ quan lãnh đạo các cấp công đoàn và bầu đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn cấp trên đều phải tiến hành bỏ phiếu kín; người trúng cử phải được quá một phần hai (1/2) số phiếu bầu.

Ban Chấp hành

Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội của công đoàn mỗi cấp. Ban Chấp hành Công đoàn ở cấp nào là đại diện của đoàn viên, CNVCLĐ ở cấp đó. Ban Chấp hành Công đoàn các cấp có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn hoạt động; giúp đỡ, can thiệp và bảo vệ cán bộ công đoàn khi bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Ban Chấp hành Công đoàn cấp nào, do Đại hội công đoàn cấp đó bầu ra. Ban Chấp hành Công đoàn cấp dưới phải được Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận. Khi có quá một phần hai (1/2) số thành viên dự Đại hội yêu cầu và được sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp thì Đại hội công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn  có thể bầu trực tiếp Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Chủ tịch nghiệp đoàn trong số Uỷ viên Ban Chấp hành.

Số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành cấp nào do Đại hội công đoàn cấp đó quyết định và  không quá số lượng quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cụ thể:

  • Ban Chấp hành Công đoàn bộ phận: không quá 07 uỷ viên.
  • Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn, Công đoàn cơ sở thành viên: không quá 15 uỷ viên.
  • Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên cơ sở: không quá 25 uỷ viên; riêng Ban Chấp hành Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn không quá 31 uỷ viên.
  • Ban Chấp hành Công đoàn ngành Trung ương, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng Liên đoàn không quá 35 uỷ viên. Trường hợp Công đoàn ngành Trung ương, LĐLĐ tỉnh, thành phố có từ 100.000 đoàn viên trở lên Ban Chấp hành không quá 41 uỷ viên. Riêng Ban Chấp hành các LĐLĐ thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh không quá 45 uỷ viên.

Trường hợp Ban Chấp hành cần số lượng vượt quá số lượng quy định phải được Công đoàn cấp trên đồng ý.

Khi khuyết Uỷ viên Ban chấp hành ở cấp nào, thì do Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể hoặc Ban Chấp hành cấp đó bầu bổ sung. Số lượng uỷ viên Ban Chấp hành khuyết cần bầu bổ sung trong nhiệm kỳ Đại hội không vượt quá một phần ba (1/3) số lượng uỷ viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định.

Việc bầu bổ sung số uỷ viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vượt quá số lượng Đại hội Công đoàn toàn quốc đã thông qua do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, quyết định nhưng không quá ba phần trăm (3%) số lượng uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được Đại hội Công đoàn toàn quốc quyết định.

Ủy viên Ban Chấp hành khi chuyển công tác ra khỏi ngành hoặc địa phương, đơn vị thì thôi tham gia Ban Chấp hành Công đoàn  ở ngành, địa phương, đơn vị đó. ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn các cấp khi nghỉ hưu, thôi việc thì thôi tham gia Ban Chấp hành.

Trường hợp ủy viên Ban chấp hành là cán bộ chuyên trách công đoàn, khi chuyển công tác không là chuyên trách công đoàn nữa thì do Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó xem xét việc tiếp tục tham gia hay không tham gia Ban Chấp hành và đề nghị công đoàn cấp trên quyết định.

  • Nhiệm vụ của Ban Chấp hành Công đoàn các cấp gồm:
  1. Tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội công đoàn cấp mình.
  2. Thi hành Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, công đoàn cấp trên.
  3. Chỉ đạo, kiểm tra hoạt động đối với công đoàn cấp dưới.
  4. Định kỳ báo cáo tình hình tổ chức hoạt động công đoàn cấp mình với cấp uỷ Đảng đồng cấp, công đoàn cấp trên và thông báo cho công đoàn cấp dưới.
  5. Quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn theo quy định của Nhà Nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
  • Hội nghị thường kỳ của Ban Chấp hành Công đoàn các cấp:
  1. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Ban Chấp hành Công đoàn ngành Trung ương 1 năm họp 2 lần.
  2. Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp của công đoàn cơ sở 3 tháng họp 1 lần. Đối với Ban Chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có công đoàn cơ sở hoạt động trên nhiều tỉnh, thành phố 6 tháng họp ít nhất 1 lần.
  3. Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, Công đoàn cơ sở thành viên, Nghiệp đoàn 1 tháng họp 1 lần. Đối với những công đoàn cơ sở lớn, có nhiều công đoàn cơ sở thành viên hoạt động trên nhiều địa bàn 3 tháng họp ít nhất 1 lần.
  • Cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Công đoàn các cấp.

Cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là Đoàn Chủ tịch.

Cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Công đoàn các cấp là Ban Thường vụ.

Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) công đoàn cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó bầu ra. Số lượng uỷ viên Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) nhiều nhất không quá một phần ba (1/3 ) số uỷ viên Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó, gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và một số uỷ viên. Nếu số lượng ủy viên Ban Chấp hành chỉ có 3 người thì bầu 1 Chủ tịch; từ 4 đến 8 người  thì  bầu Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch. Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) được phân công một số đồng chí làm thường trực.

Ban Thường vụ công đoàn các cấp có trách nhiệm thay mặt Ban Chấp hành chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ban Chấp hành và chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành, điều hành các hoạt động giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, báo cáo hoạt động của mình tại hội nghị thường kỳ của Ban Chấp hành; trực tiếp chỉ đạo hoạt động của cơ quan và đơn vị trực thuộc.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thay mặt Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ban Cchấp hành, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn. Đoàn Chủ tịch được ra các Nghị quyết hoặc Quyết định để tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc Công đoàn Việt Nam và các nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đoàn Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo hoạt động của cơ quan Tổng Liên đoàn và các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam.

Chủ tịch là người đứng đầu Ban Chấp hành có trách nhiệm điều hành hoạt động của Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ).

Khi khuyết Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc ủy viên Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) thì Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cho bầu bổ sung trong số các uỷ viên Ban Chấp hành.

Trường hợp cần thiết, công đoàn cấp trên được quyền chỉ định bổ sung uỷ viên Ban Chấp hành và các chức danh trong cơ quan thường trực của Ban Chấp hành Công đoàn cấp dưới.

0