18/06/2018, 15:46

Cuộc Chiến Thương Mại Của Chính Quyền Chúa Nguyễn

Quân chúa Nguyễn Hòang đến Quảng Nam vào năm 1570 (ảnh tocphamtruong.com) Nguyễn Lục Gia Cùng với tiến trình chinh phục xuống phía Nam về mặt lãnh thổ, chính quyền chúa Nguyễn đã không ngừng khai thông, củng cố và mở rộng tuyến đường thương mại nội địa lẫn ven bờ biển Đông. Một ...

Quân chúa Nguyễn Hòang đến Quảng Nam vào năm 1570

Quân chúa Nguyễn Hòang đến Quảng Nam vào năm 1570 (ảnh tocphamtruong.com)

Nguyễn Lục Gia

Cùng với tiến trình chinh phục xuống phía Nam về mặt lãnh thổ, chính quyền chúa Nguyễn đã không ngừng khai thông, củng cố và mở rộng tuyến đường thương mại nội địa lẫn ven bờ biển Đông. Một cuộc chiến thương mại giữa chính quyền chúa Nguyễn với các thế lực lái buôn khu vực và phương Tây diễn ra thực sự quyết liệt ngay từ đầu dưới nhiều hình thức, kéo dài từ cửa Việt đến trấn Hà Tiên, trải rộng từ đất liền ra hải đảo, mà dai dẳng nhất là các trở lực Hoa thương. Nếu như giặc Hiển Quý, Ô Lan, Man An Liệt có tính chất nhất thời thì những loạn A Ban, Linh Vương – Quảng Phú, Lai – Lăng, Lý Văn Quang, Hoắc Nhiên, Trần Thái… trở nên vấn nạn cáo cấp thường trực. Lợi ích kinh tế cũng sống còn sánh bằng chính trị, thậm chí vượt lên trên chính trị trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử vương quyền Việt Nam

Trong suốt 200 năm kiến lập và phát triển xứ Đàng Trong, chính quyền chúa Nguyễn đã định hướng cho mình đường lối hướng biển theo gương vương quốc Champa, đồng thời phát huy phương thức khai thác và quản lý nông nghiệp với một tư duy thực sự khai mở. Nhờ vậy, Đàng Trong đã bứt phá vượt lên, không những đủ sức đương đầu với Đàng Ngoài của họ Trịnh mà còn đẩy nhanh tiến trình chinh phục xuống phía Nam trong xu thế mở rộng ảnh hưởng ra ngoài của thế giới và khu vực. Trong một giới hạn nào đó, chính quyền chúa Nguyễn đã theo kịp thời đại và hội nhập thành công. 

Để giành lấy thế mạnh thương trường, chính quyền chúa Nguyễn đã liên tục dẹp bỏ các trở lực thương mại trong phạm vi quốc gia lẫn khu vực, quốc tế. Tiến trình này di chuyển theo hướng từ Bắc xuống Nam cùng với cuộc chiến tranh xác lập chính thể, mở rộng đất đai của vương triều họ Nguyễn từ lúc Nguyễn Hoàng đặt chân lên đất Thuận Quảng đến trước nội chiến thời Tây Sơn.           

Vụ Hiển Quý tặc tại cửa Việt (1585).

 “Ất Dậu… bấy giờ có tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý (Hiển Quý là tên hiệu của bọn tù trưởng Phiên, không phải tên người) đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiến thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy (…) Từ đó giặc biển im hơi” [1].           

Theo quan sát của GS. Shigeru Ikuta, mặc dù năm 1565 nhà Minh đã phải bãi bỏ lệnh hải cấm, song lại “không cho phép các tàu Nhật được đến cảng của mình. Do đó việc buôn bán được tiến hành bởi người Bồ Đào Nha hoặc bởi những kẻ giang hồ ngoài khơi”, “bao gồm dân đi biển đủ mọi nguồn gốc và thường được gọi là hải tặc Nhật, những kẻ trú ngụ trên những hòn đảo ngoài biển Đông Trung Hoa” [2]. Do vậy, tuy mang tiếng “hải tặc”, phần lớn họ là những đội thương thuyền đóng vai trò buôn bán trung gian giữa Nhật với Trung Hoa trong vùng biển Đông Nam Á. Nhưng đó là người Bồ Đào Nha, tức Tây Dương hay người Nhật?           

TS. Li Tana khẳng định bất ngờ: tên cướp biển Shirahama Kenki, người Nhật đầu tiên được nhắc đến trong Tiền Biên đã bị lầm là người phương Tây thì lạ lùng thay, 16 năm sau, cái tên Hiển Quý lại xuất hiện trong một bức thư Nguyễn Hoàng gửi cho vị tướng quân Tokugawa thứ nhất, Ieyasu, vào năm 1601. Bức thư giải thích rằng do không biết Hiển Quý là một thương gia của chính quyền Tokugawa phái tới nên quan quân đã đánh đắm thuyền ở cảng Thuận An, nay cho hộ tống về nước. Trong thư phúc đáp, Tokugawa nói rõ Hiển Quý không phải là đặc phái viên của ông ta: “Những con người độc ác ấy đã phạm tội giết người đáng bị dân tộc quý ngài trừng phạt. Lòng quảng đại của quý ngài đối với các thuỷ thủ ấy đáng được chúng tôi ghi lòng tạc dạ một cách sâu sắc”, kèm thêm một thông cáo: “Trong tương lai, các tàu thuyền từ xứ chúng tôi tới thăm xứ của Ngài phải được chứng nhận bởi con mộc đóng trên bức thư này và tàu thuyền nào không có con mộc sẽ bị coi là bất hợp pháp” [3]. Đó chính là chế độ Shuin Jo, thời kỳ Châu ấn thuyền nổi tiếng trong lịch sử hải thương nước Nhật (1592-1635) mà Đàng Trong liên tục duy trì và mở rộng suốt 3 thập niên từ năm 1604 đến 1635. 

Vụ Ô Lan tặc tại cửa Eo (1644). 

“Bấy giờ giặc Ô Lan [Hà Lan] đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa [Phúc Lan] đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử [Phúc Tần] tức thì mật báo với Chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của Hy Tông), ước đưa thuỷ quân ra đánh. Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử đốc thúc chiến thuyền của mình tiến thẳng ra (…) Chiến thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhằm thẳng phía Đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết. Thế tử bèn thu quân về…” [1]. 

Diễn biến trên được sử gia Lê Quý Đôn xác định xảy ra năm Quý Mùi (1643) và tóm lược: “con thứ hai (Phúc Lan) là Phúc Tần đem thuỷ quân đánh phá được mười chiếc tàu của giặc Ô Lan ở cửa Eo. Phúc Lan khen là dũng, bèn có ý dựng làm con nối nghiệp” [4].           

Thực ra biến cố ở cửa Eo (Thuận An) là điểm nút của một chuỗi dài các tác nhân trong quan hệ giao thương giữa chính quyền chúa Nguyễn với Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) suốt từ năm 1613, có sự can dự của họ Trịnh Đàng Ngoài. Các chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan một mặt mở cửa mời gọi thương thuyền Hà Lan từ Batavia đến buôn bán, mặt khác tịch thu không hoàn trả hàng hoá và đại bác trục vớt từ các tàu bị đắm của VOC. Ngược lại, VOC vừa quan hệ với Đàng Trong, vừa ngầm giúp chính quyền Đàng Ngoài, thậm chí còn tổ chức nhiều vụ bắt giết thường dân ven biển dọc phủ Hoài Nhơn đến Đà Nẵng làm áp lực đòi trao trả hàng hoá và thuỷ thủ với chính quyền chúa Nguyễn [5]. Cuối cùng, VOC đã công khai đứng về phía Đàng Ngoài chống lại Đàng Trong bằng hành động quân sự.                

Đoàn chiến thuyền của Hà Lan xuất phát từ Batavia chia làm hai cánh: cánh thứ nhất gồm 3 chiến thuyền có tên Wakendebode, Kievit, Meerman do Isaac Davids chỉ huy thẳng hướng ra Đàng Ngoài để đón và đi với chúa Trịnh Tráng, vua Lê cùng một binh đoàn 100.000 quân; cánh thứ hai cũng 3 tàu, có tên Wojdenes, Waterhond, Vos do Baek chỉ huy trực chỉ hướng Thuận An. Đoàn chiến thuyền quân Nguyễn do Nguyễn Phúc Tần chỉ huy lập tức tổ chức vây đánh đội tàu do Baet dẫn đầu, khiến chúng hoảng loạn bỏ chạy. Trong tình thế cấp bách, đối phương đành tự phóng lửa đốt cháy chiếc tàu tiên phong do chính Baet chỉ huy, giải vây cho hạm đội trong tiếng súng rền vang lẫn lửa khói mù trời [6].           

Tám năm sau, năm 1651 VOC chủ động dàn hoà và được chính chúa Nguyễn Phúc Tần đứng ra ký kết thương ước. Tuy nhiên, phải hơn một thế kỷ sau, năm 1754 các nhà buôn Hà Lan mới đặt chân trở lại xứ Đàng Trong.         

 Vụ Hoàng Tiến tạo phản ở Đông Phố (1688 – 1689).           

“Tháng 6, phó tướng Long Môn Hoàng Tiến giết chủ tướng là Dương Ngạn Địch ở cửa biển Mỹ Tho, tự xưng là Phấn dũng hổ oai tướng quân, thống lĩnh dư chúng Long Môn, dời đồn sang Nan Khê (nay thuộc huyện Kiến Hoà, tỉnh Định Tường), thủ hiểm đắp luỹ, đúc đại bác, đóng chiến thuyền, thả quân đi cướp bóc” [1]. Nhân đó phiên thần Chân Lạp cũng bỏ việc triều cống, âm mưu đắp chiến luỹ cố thủ.

Mười năm về trước, năm 1679 binh tướng bại trận nhà Minh không chịu thần phục Thanh triều đã kéo vào Đàng Trong xin nhận làm thần dân chúa Nguyễn, được phát lệnh khai khẩn xứ Đông Phố – Đồng Nai. “Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá, thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập, do đó mà minh hoá Hán [phong hoá văn minh] thấm dần khắp miền Đông Phố” [1].

Nhằm độc chiếm cả một trung tâm thương mại sầm uất vừa mới trỗi dậy này, Hoàng Tiến đã sát hại chủ tướng rất mực trung thành với chúa Nguyễn, xâm lấn và cướp bóc Chân Lạp, mưu phản triều đình. Lợi ích buôn bán và kinh tế nông nghiệp khai thác trên vùng đất mới đem lại nguồn của cải dồi dào cho chính quyền của Chúa, vì vậy trừng phạt Chân Lạp không nạp cống chỉ là cái cớ, tiêu diệt Hoàng Tiến mới đích thị lý do, cho dù chiếu lệnh vẫn ghi “đem quân đánh Chân Lạp. Sai Hoàng Tiến làm tiên phong, dưới quyền tiết chế của Vạn Long” [1]. Diễn biến cuộc thảo phạt mùa xuân năm Kỷ Tỵ (1689) cho thấy Thống binh Mai Vạn Long phải tốn nhiều công sức lẫn cơ mưu mới đánh bại được Hoàng Tiến, còn việc trừng phạt Chân Lạp tỏ ra kéo dài, không dứt khoát. Cho đến năm sau (1690) khi Nguyễn Hữu Hào được cắt cử vào thay Mai Vạn Long, tình hình đôi bên vẫn dùng dằng mà nguyên nhân viện dẫn không mấy thuyết phục là bởi sự khất hẹn của nữ sứ Chiêm Dao Luật, cuối cùng đành buộc lui binh, chấp nhận cách chức. Phải chăng vấn đề khai thông mạng lưới thương mại trên vùng châu thổ giàu có sản vật phương Nam là lợi ích thiết thực hàng đầu nên tranh thủ được sự đồng tình của quan quân, còn việc tiến sâu vào chinh phục nội địa Chân Lạp lúc này vừa chưa cần thiết vừa oai uy quá đáng, bởi như lời của Mai Vạn Long: “họ đã hàng phục thì còn chiến đấu làm gì?” hay lời của Nguyễn Hữu Hào: “Yên vỗ người xa, quý lễ mà không quý vật” [1].       

Vụ A Ban nổi loạn ở trấn Thuận Thành (1693 – 1694).                

“Tháng 12, người Thanh A Ban cùng với hữu trà viên là Ốc nha Thát ở Thuận Thành nổi loạn. Trước là A Ban đến ở Thuận Thành, vốn cùng Ốc Nha Thát đi lại rất thân. Từ lúc Bà Tranh bị bắt, hai người đều chạy về đất Đại Đồng, A Ban đổi tên là Ngô Lãng, tự xưng mình có phép hô phong hoán vũ, gươm đao không thể làm bị thương. Người Thuận Thành là Chế Vinh kêu họp dân Man đi theo” [1]. A Ban chiếm giữ Phố Hài, đánh tan quân cứu viện từ Bà Rịa, khống chế Phan Rí, vây bức Phan Rang. Nhận được sự cứu viện từ Bình Khang, quân Nguyễn phản công và truy đuổi đến tận địa giới Chân Lạp, dẹp yên biến loạn.           

Giữa Champa và Trung Hoa xác lập quan hệ buôn bán lâu đời nên có lẽ tại khu vực mệnh danh quốc cảng Panrik của vương quốc Champa trên vùng đất tận cùng này, Hoa thương xuất hiện sớm hơn người Việt đồng thời tạo được mối bang giao chặt chẽ với cộng đồng Champa hơn so với người Việt, vốn đối thủ theo cả hai nghĩa: chính trị lẫn thương trường. Phản ứng mang tính chất sống còn thể hiện ngay từ đầu đã công khai về một lợi ích căn bản được xác lập chắc chắn giữa thương gia và lãnh chúa. Lãnh chúa Thát thì đứng ra tập hợp dân Chàm, có đồ đảng Chế Vinh làm thay; lái buôn A Ban thì núp bóng làm Ngô Lãng, vừa phỉnh dụ Chàm tộc bởi phép tắc thần thông vừa đánh lừa người Việt bằng nhân thân đã được Việt hoá, nhân danh người Việt chống lại chính sách cai trị của quan quân Việt. Thái độ trấn áp mạnh mẽ của quan quân Nguyễn đã làm tan vỡ liên minh giữa nhà buôn với quý tộc, đè bẹp sự thách thức về quyền lợi của giới Hoa thương trên vùng đất mới mở cực Nam Trung Bộ này.           

Vụ Linh Vương – Quảng Phú tụ đảng tại Quảng Ngãi – Qui Ninh (1695).           

“Người lái buôn ở Quảng Ngãi tên là Linh (không rõ họ) tụ đảng hơn 100 người, tự xưng là Linh Vương, tạo chiến thuyền, đúc binh khí, cùng người Qui Ninh là Quảng Phú (không rõ họ) hợp đảng, ra vào núi rừng, hoành hành cướp bóc, quan địa phương không dẹp được, nhân dân sợ hãi chạy báo lên” [1].           

Quảng Ngãi cùng với Qui Ninh trực thuộc dinh Quảng Nam ngay từ đầu đã là đất trị quản của họ Nguyễn, thấm nhuần pháp chế khoan dung, thuần thục lâu đời. Hầu như không có những biến động xã hội đáng kể xảy ra ở đây cho đến tận đầu thế kỷ sau, trừ đôi lần đột nhập của một bộ tộc vùng cao, gọi là Mọi Đá Vách nhằm cướp của, bắt người. Nhờ vậy, cư dân yên ổn làm ăn, kinh tế phát đạt, buôn bán sầm uất, nhất là hoạt động thương mại cảng thị ven biển, thường do thương nhân người Hoa nắm giữ và điều tiết. Với thế lực kinh tế trong tay, bộ phận đại Hoa thương có khuynh hướng thao túng cả tuyến đường thương mại của Đàng Trong bằng nhiều thủ đoạn, kể cả việc cấu kết, dung nạp các băng nhóm cướp biển, cướp núi. 

Lái buôn tên Linh tuy gốc gác không rõ ràng, như rất nhiều trường hợp mà trong Tiền biên xác định rằng “không rõ họ”, song có thể nhận diện kẻ cầm đầu này qua danh xưng và kẻ đồng mưu. Tự xưng Linh Vương, điều này thường thấy ở các nhóm giặc Tàu Ô, mà đây là thương gia chứ không đơn thuần tướng cướp; hợp đảng với Quảng Phú, rõ ràng họ Quảng đích thị Tàu rồi [7]. Cả hai chứng cứ đã xác quyết Linh Vương nguyên là một Hoa thương chính hiệu. Lợi dụng tình hình bất ổn cũng như sự dồn sức đối phó của chính quyền chúa Nguyễn ở hai đầu vương quốc, loạn A Ban tại phủ Bình Thuận phía Nam (cuối 1693 – đầu 1694) và loạn cung đình Huệ – Thông ngay tại Chính Dinh phía Bắc (1694), Linh Vương lập tức hành động. Giả hoặc cũng có thể cả ba thế lực tạo phản này cùng liên kết và hậu thuẫn cho nhau, nhưng do kế hoạch bất nhất nên hành động không đồng loạt? Dù âm mưu thế nào, chính quyền chúa Nguyễn cũng đã mạnh tay trừ khử: “Chúa sai dinh Quảng Nam hợp với hai phủ Quảng Ngãi, Qui Ninh đem quân đi đánh. Khi các đạo quân xông tới sơn trại thì Linh đã chết. Quảng Phú cả sợ, trốn vào Phú Yên, dân Man bắt đem nộp. Chúa sai giết cùng với đồ đảng 20 người, và hậu thưởng dân Man” [1]. Lệnh trực tiếp từ Minh Vương, có sự tiếp sức của người Thượng dọc dài trên một vùng rừng núi rộng lớn phía Tây, chứng tỏ tính chất khẩn trương lẫn nguy hiểm của vấn đề. 

Vụ Man An Liệt chiếm cứ đảo Côn Lôn (1702 – 1703). 

“Giặc biển là người Man An Liệt [Anh, English] có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người (…) cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác” [1]. 

Côn Đảo thuộc chủ quyền chúa Nguyễn nằm ngoài khơi biển Đông, án ngự trên tuyến đường thương mại Ấn Độ – Trung Hoa nên là điểm dừng chân lý tưởng của các hạm thuyền quốc tế ngang qua khu vực. Công ty Đông Ấn của chính phủ Anh (EIC) âm mưu thiết lập một trạm trung chuyển nhằm tập kết và phát tán hàng hoá hoặc giao nhận mệnh lệnh. Sự kiện trên nằm trong một nổ lực lớn của người Anh nhằm vào mục đích đó, song họ đã bị thất bại: “trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc Phan mộ 15 người Chà Và sai làm kế trá hàng đảng An Liệt để thừa chúng sơ hở thì giết. Bọn An Liệt không biết. Ở Côn Lôn hơn một năm không thấy Trấn Biên xét hỏi, tự lấy làm đắc chí. Người Chà Và nhân đêm phóng lửa đốt trại, đâm chết nhất ban nhị ban, bắt được ngũ ban trói lại, còn tam ban tứ ban thì theo đường biển trốn đi. Phúc Phan nghe tin báo, tức thì sai binh thuyền ra Côn Lôn, thu hết của cải bắt được dâng nộp…” [1]. 

Tuy nhiên, cách giải thích của các tài liệu lại không trùng khớp nhau, thậm chí còn mâu thuẫn về nguyên nhân và thời điểm biến cố xảy ra. Phía người Anh cho biết Allan Catchpole, giám đốc thương điếm của công ty Đông Ấn Anh, có mang theo “một số người Maccassar [Mã Lai] được dùng làm lính và giúp dựng một công sự và đã ký với họ một hợp đồng ba năm”, và vì một lý do nào đó, ông này vào phút cuối đã không thực hiện hợp đồng, do đó những người Mã Lai “đầy căm thù và độc ác” đã giết gần hết số người Anh vào năm 1705; nhưng theo một văn bản khác, Nhật ký của công ty Đông Ấn buôn bán với Trung Hoa (1635 – 1834) thì một chiếc tàu tên là Catherine của công ty Anh tới Côn Đảo ngày 5.7.1704, giám đốc vẫn là Allan Catchpole mà vào thời điểm cuối tháng 7 này có tới 5 tàu Anh khác trên đường đi Trung Hoa đã ghé qua nhận mệnh lệnh [3]. 

Trong khi đó, chiến tích cùng công trạng của Trấn thủ dinh Trấn Biên Trương Phúc Phan mãi mãi được chúa Nguyễn vinh danh trên bảng vàng các bậc đại công thần khai quốc: “giặc biển Man An Liệt là lũ Thuyền, Tô, Lỵ, Gia, Thi 5 người, xưng là 5 ban, cùng đồ đảng 200 người đóng ở đảo Côn Lôn lập đồn trại chứa của báu như núi. Bốn mặt đảo, chúng đều đặt súng lớn (…) Phan bèn triệu mộ 15 người Chà Và, mật sai trá hàng rồi nhắm ban đêm phóng hoả đốt giết (…) thu hết vàng lụa đem về nộp. Chúa hậu thưởng cho. Lúc Phan chết, được tặng phong hàm Thái bảo Phan Quốc công” [8]. 

Vụ người Man ở Thuận Thành, người Thanh ở Đông Phố và giặc biển ở Long Xuyên (1746 – 1747).           

Năm 1746, “Người Man Thuận Thành [người Chàm] là Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng nổi loạn. Lưu thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Cương [Cường] đem quân đi đánh, đắp luỹ Cổ Tỉnh để chống giặc, thừa lúc sơ hở đánh úp bắt được Bao Lai và Mã Lăng giết đi”; tháng giêng năm 1747, “khách buôn người Thanh là Lý Văn Quang đánh úp dinh Trấn Biên (…) Lưu thủ Nguyễn Cường đem binh của dinh giàn ở bờ phía Bắc, gởi hịch báo cai cơ đạo Hưng Phúc là Tống Phước Đại hợp quân đánh dẹp. Bắt được Văn Quang và đồ đảng 57 người. Chúa thấy là người Thanh không giết vội, đều hạ ngục; tháng 8 “giặc biển là tên Đức (không rõ họ) cướp bóc miền ngoài biển Long Xuyên. Mạc Thiên Tứ được tin báo, tức thì sai cai đội Từ Hữu Dụng đem 10 chiến thuyền, đi bắt được bọn giặc đem giết hết” [1].           

Xâu chuỗi 3 biến cố trên, diễn biến một cuộc chiến giành giựt thị trường thương mại trên vùng đất đang khai mở ở phía Nam mang tính chất sống còn thật sự giữa chính quyền chúa Nguyễn với thế lực người Hoa đội lốt đủ các thành phần. 

Lai, Lăng không có vẻ gì là Chàm tộc cả, bởi họ Dương Bao, Diệp Mã hoàn toàn là những họ kép của Trung Hoa [7]. Sử gia nhà Nguyễn đã lầm lẫn một cách cố ý để tiêu diệt không nương tay hành động chống trả người Việt cùng những quyền lợi kinh tế mà chính quyền chúa Nguyễn xác lập trên phần đất cuối cùng của vương quốc Champa có nhiều mối ràng buộc với thương lái Trung Hoa trước khi người Việt đặt chân đến. Họ liên kết với giới quý tộc và kích động dân Chàm phản kháng dưới chiêu bài chính trị rằng “không phục tùng chế độ cai trị của nhà Nguyễn” [9], như thường thấy ở nhiều nơi, vào nhiều thời điểm trên đất Thuận Phủ để giành lại địa vị thương mại tại một vị trí có nhiều cảng thị quan trọng, nối liền vùng Nam Trung Bộ phong phú các chủng loại đặc sản truyền thống với đồng bằng Nam Bộ dồi dào các nguồn hàng nông nghiệp. 

Việc dẹp loạn Lai – Lăng có thể kéo dài chứ không gọn ghẽ như niên biểu mà Tiền biên đưa ra (khoảng cuối năm 1746), bởi để ngăn chặn hiệu quả các mũi tấn công của đối phương trên cả một vùng rộng lớn phía Nam Bình Thuận, Trấn thủ Nguyễn Cường của dinh Trấn Biên đã phải cho quân lính đắp luỹ Cổ Tỉnh dài hơn 645 trượng kiên cố [10], sau đó từng bước phản kích và lợi dụng sơ hở đánh úp doanh trại kẻ chủ mưu. Do đó, tranh thủ thời cơ lực lượng tại chỗ của chúa Nguyễn đang bị thu hút ở mặt Bắc, Lý Văn Quang dẫn đồng đảng đánh úp dinh Trấn Biên. Tuy nhiên Lưu thủ Nguyễn Cường đã kịp thời phối hợp với Cai cơ đạo Hưng Phúc là Tống Phước Đại bao vây bắt sống.

Trong khi đó, giặc Đức hoạt động ráo riết vùng biển từ Qui Nhơn đến Long Xuyên, Ba Thắc cũng đã táo tợn tấn công cướp lấy thuyền long bài (thuyền vua ban) và hàng ban phẩm của Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ. Lai lịch cùng hành động của Đức ngờ rằng là một Tàu Ô hơn tên cướp Việt qua mô tả của văn thần nhà Nguyễn: “giặc biển nguỵ xưng là Vũ Vương (…) tên là Đức Bụng (người phủ Qui Nhơn, tên là Đức, vì bụng to gọi là Đức bụng)” [11], bởi dám liều lĩnh công khai tuyên chiến với quan quân nhà Chúa và rặt kiểu xưng vương bá chủ như thương tặc Đông Phố Đại Vương Lý Văn Quang, Linh Vương…

Những vụ tập kích trấn Hà Tiên (1767 – 1771). 

Trên điểm dừng chân cuối cùng của họ Nguyễn ở phương Nam này đã liên tục bị khuấy động bởi một loạt các tranh chấp thương mại, cướp biển, cát cứ, chiếm đoạt đất đai của người Hoa lẫn Xiêm La, người Chà Và và Chân Lạp, từ Mã Lai, Sumatra đến Miến Điện. Năm 1767, “người Triều Châu nước Thanh là Hoắc Nhiên rủ nhau họp đảng, lấy đảo Cổ Công là nơi hiểm trở hẻo lánh, dựa làm sào huyệt, thường ẩn hiện ở vùng duyên hải, đón cướp thuyền buôn, vây cánh ngày một nhiều, có ý ngầm nhòm ngó Hà Tiên”; năm 1769, “Người Triều Châu là Trần Thái họp đảng ở núi Bạch Mã, mưu đánh úp Hà Tiên, ngầm kết với người họ Mạc…”; năm 1770, “Phạm Lam họp đảng ở Hương Úc và Cần Vọt cùng với người Chà Và là Vang Ly Ma Lư và người Chân Lạp là Ốc nha Kê họp quân hơn 800 người và 15 chiếc thuyền, chia đường thuỷ bộ đánh úp Hà Tiên”; năm 1771, lại “vua Xiêm (…) dùng tên giặc [núi] Bạch Mã là Trần Thái làm hướng đạo, vây trấn Hà Tiên…” [1]. 

 Có thể nhận thấy chặng cuối con đường giao thương của chính quyền chúa Nguyễn là nơi quy tụ các lợi ích to lớn của giới thương nhân khu vực, trong đó tập trung đông đảo nhất vẫn là các lái Trung Hoa. Thủ đoạn vẫn như cũ, song mức độ tranh chấp của người Hoa càng về sau càng trở nên căng thẳng, khốc liệt. Thêm một tác động cùng chiều, đúng vào thời điểm này tại Xiêm La, Trịnh Quốc Anh tự lập làm vua: “Quốc Anh là người Triều Châu nước Thanh (…) thừa lúc nước Xiêm trống trải suy yếu, bèn dấy quân đánh úp lấy đất, tự xưng làm quốc vương” [1]. Cơ may của người đồng hương phương Bắc đã kích thích lòng tự tôn của những gã lái buôn phiêu lưu, khiến chúng càng nóng lòng manh động, liều lĩnh như trong canh bạc cuối: được ăn cả, ngã về không! 

Với tính chất là một thể chế thương mại [3], chính quyền chúa Nguyễn đã thiết lập ở đây một đầu cầu giao dịch quan trọng, mệnh danh một Tiểu Quảng Châu và được bảo vệ một cách nghiêm ngặt bằng lực lượng bố phòng địa phương, dưới sự hỗ trợ tích cực của Gia Định. Từ năm 1714, Minh Vương phong Mạc Cửu làm Thống binh trấn Hà Tiên, tước Cửu Ngọc hầu. Mạc Cửu chết, năm 1736 con là Mạc Thiên Tứ thế tập, được Ninh Vương “thăng làm Khâm sai Đô đốc Tung Đức hầu, ban cho 3 chiến thuyền long bài, miễn cho lệ thuế thuyền buôn, hàng năm ra nước ngoài mua đồ vật quý, đến Kinh dâng tiến” [11]. Rõ ràng quyền lợi của chúa Nguyễn tại đây là không thể nhân nhượng, do đó các thế lực tranh chấp đều lần lượt bị đè bẹp, ngay cả quân Xiêm cũng bị đánh cho đại bại, vua Xiêm phải gửi thư xin cầu hoà. 

Cùng lúc này, phong trào Tây Sơn nổ ra đã cuốn hút những nổ lực của họ Nguyễn từ mở đất và thương mại chuyển sang giành giữ đất và chiến tranh. Tuy nhiên, những kinh nghiệm giao thương và lợi thế kinh tế của vùng đất phía Nam đã được họ Nguyễn phát huy tối đa, tạo nên đối trọng vật chất to lớn, góp phần vươn lên giành lấy thắng lợi chung cục trong cuộc nội chiến mất còn suốt ba thập niên cuối thế kỷ XVIII. 

Tài liệu trích dẫn.

[1] QSQ triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, NXB Sử học, HN, tr.37, 73-74, 135, 125, 136, 140-142, 148, 152, 159, 161, 209-210, 233-240.

[2]  UBQG (1991), Đô thị cổ Hội An, NXB KHXH, HN, tr.255-256.

[3] Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, NXB Trẻ, tr.87-88, 113-114, 125.

[4] Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, NXB Văn hoá – Thông tin, tr.65-66.

[5] Nguyễn Lương Bích (2003), Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước, NXB Quân đội nhân dân, tr.179-181.

[6] Tôn Châu Quân (2008), “Nguyễn Phúc Tần và trận hải chiến lịch sử năm 1644”, tạp chí Xưa nay (số 304), tr.12-13.

[7] Nguyễn Khôi (2006), Các dân tộc ở Việt Nam: cách dùng họ và đặt tên, NXB Văn hoá dân tộc, HN, tr.161-163.

[8] QSQ triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập 1, NXB Thuận Hoá, tr.126.

[9] ƯBND tỉnh Bình Thuận (2006), Địa chí Bình Thuận, Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Bình Thuận, tr.228.

[10] QSQ triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hoá, tr.166.

[11] Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, NXB Giáo dục, tr.120-121.

0