18/06/2018, 15:46

Cấu trúc và nội dung cơ bản của “Kinh Thư”

sách Kinh Thư hoàn chỉnh Blog người hiếu cổ Thượng Thư hay còn gọi là Kinh Thư là một trong các bộ kinh điển của Nho gia, là bộ tổng tập các văn kiện thời Tiên Tần, nội dung ghi chép chủ yếu là các đối thoại giữa vua tôi các triều đại thời Thượng cổ như Hạ, ...

kinh thu

sách Kinh Thư hoàn chỉnh

Blog người hiếu cổ 

Thượng Thư hay còn gọi là Kinh Thư là một trong các bộ kinh điển của Nho gia, là bộ tổng tập các văn kiện thời Tiên Tần, nội dung ghi chép chủ yếu là các đối thoại giữa vua tôi các triều đại thời Thượng cổ như Hạ, Thương, Chu…

Lịch sử truyền bản, chỉnh lý, thành sách của Kinh Thư vô cùng phức tạp, có thể kể đến các bộ như Kim văn thượng thư, Cổ văn thượng thư, Ngụy cổ văn thượng thư… Dưới đây, chúng tôi không đi sâu phân tích lịch sử văn bản Kinh Thư, chủ yếu nêu lên nội dung cơ bản và kết cấu của một bộ sách Kinh Thư hoàn chỉnh.
 
Nội dung mà Kinh Thư ghi chép rất phong phú, trải qua nhiều triều đại, bắt đầu từ thời vua Nghiêu, vua Thuấn cho đến thời kỳ Xuân Thu của Tần Mục Công, bao quát cả thời Tam Đại là Hạ, Thương, Chu. Vì thế, nếu phân loại theo triều đại ghi chép trong Kinh Thư thì bộ sách này gồm 4 loại: Ngu thư, Hạ thư, Thương thư, Chu Thư. Bản thông dụng nhất hiện nay chúng ta sử dụng có cả thảy 56 thiên. Có thể nêu sơ lược nội dung của các thiên như sau:
 
Ngu thư: Gồm 5 thiên, ghi lại truyền thuyết lịch sử về thời đại vua Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, bao gồm cả những lời đối thoại giữa quân thần, hay những sự kiện nhường ngôi và các dấu vết chính trị thời đó. Cả 4 thiên đều lấy vua Thuấn làm trung tâm, vì thế nên gọi là Ngu thư.
·    Nghiêu Điển: Hay còn gọi là “Đế điển”, ghi chép sau khi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, ca ngợi công đức và những việc làm của vua Nghiêu, nhất là đề cao tinh thần “doãn cung khắc nhượng” (cung kính mà biết nhượng ngôi cho người hiền).
·    Thuấn Điển: Ghi chép những việc làm và lời nói của vua Thuấn.
·    Đại Vũ mô: Đại Vũ là bề tôi của vua Thuấn, trị thủy rất giỏi, lập được công lớn. Thiên này ghi chép về việc mưu hoạch chính sự giữa vua Thuấn với Đại Vũ.
·    Cao Dao mô: Cao Dao là bậc đại thần của vua Thuấn, nắm giữ hình pháp. Thiên này ghi về việc mưu hoạch chính sự giữa vua Thuấn với Cao Dao.
·    Ích Tắc: Ghi chép việc thảo luận việc nước giữa vua Thuấn với Vũ và Cao Dao, đồng thời khuyên răn nhau không được ngạo ngược, hoang dâm. Vua Thuấn cũng răn các bề tôi không được bề ngoài, mà sai điều gì đều phải chỉ ra cho rõ.
 
Hạ thư: Gồm 4 thiên. Ghi chép lại những việc làm thời sơ kỳ nhà Hạ của vua Đại Vũ.
·   Vũ Cống: Ghi chép lại các phương diện về địa lý, phương vật và các loại thuế thời cổ đại Trung Quốc.
·    Cam Thệ: Lời thề giữa quân đội của vua Hạ khi chuẩn bị đánh họ Hữu Hỗ tại đất Cam.
·    Ngũ Tử chi ca: Thơ ca giữa năm anh em vua Thái Khang nhà Hạ.
·    Dận Chinh: Ghi chép về việc trưởng  quan vận hành nhật nguyệt hậu duệ của ông Hi Hòa chìm trong dâm loạn. Trước khi đi thảo phạt, Dận làm thiên “Dận chinh” để cổ vũ sĩ khí.
 
Thương thư: Gồm 19 thiên. Ghi lại những sự kiến lịch sử thời nhà Thương, bắt đầu từ sự kiện vua Thành Thang đánh vua Kiệt nhà Hạ cho đến giai đoạn mạt của nhà Thương.
·    Thang Thệ: Lời thề trước quân đội của vua Thang khi đi chinh phạt vua Kiệt nhà Hạ.
·    Trọng Hủy chi cáo: Lời cáo của Trọng Hủy – hiền tướng của vua Thương Thang.
·   Thang Cáo: Lời bố cáo của vua Thang nói về tội tác của vua Kiệt nhà Hạ và tuyên cáo cương lĩnh chính trị của nhà Thương cho dân chúng.
·    Y Huấn: Vua Thang băng hà, Thái Giáp là cháu nội của vua Thang lên ngôi. Sau Y Doãn làm nên các thiên “Y huấn”, “Tứ mệnh” và “Tồ hậu” ghi lại bộ luật hình sự quan trọng của nhà Thương.
·    Tứ Mệnh
·    Tồ Hậu
·    Thái Giáp thượng
·    Thái Giáp trung
·    Thái Giáp hạ
·    Hàm Hữu nhất đức: Ghi chép lại lời đối thoại giữa Y Doãn và vua Thái Giáp.
·    Bàn Canh thượng: Ba thiên “Bàn Canh” đều ghi chép những lời nói của vua Bàn Canh trước và sau khi nhà thương dời đô. Đề xướng các chủ trương tiết kiểm, sửa đổi phong khí để đến một cục diện yên ổn.
·    Bàn Canh trung
·    Bàn Canh hạ
·    Thuyết Mệnh thượng: Ghi lại lời vua Cao Tông nói với ông Phó.
·    Thuyết Mệnh trung: Ghi lại lời ông Phó nói với vua Cao Tông.
·    Thuyết Mệnh hạ: Ông Phó luận về sự học.
·    Cao Tông dung nhật: Vua Cao Tông tế vua Thành Thang, thấy con chim trĩ bay đậu trên cái đỉnh. Để răn các vua nên làm các thiên “Cao Tông dung nhật” và “Cao Tông chi huấn”.
·   Tây Bá kham lê: Ghi chép lại sự việc sau khi Chu Văn Vương đánh thắng nước Lê và ghi chép lại những lời đối thoại giữa vua Trụ và bề tôi nhà Thương thời mạt kỳ.
·    Vi Tử: Ghi chép về cảnh tưởng thời diệt vong của nhà Thương.
 
Chu thư: Gồm 28 thiên. Có thể chia làm hai phần: Phần đầu nói đến sự kiện nhà Chu đánh nhà Thương và những công tác xây dựng củng cố bộ máy chính quyền nhà Chu, nội dung phần này rất phong phú, có thể nói đây là những tinh hoa tốt nhất trong Kinh Thư. Phần thứ hai ghi chép những tư liệu nguyên thủy quan trọng trong thời kỳ nhà Chu. Có thiên “Hồng phạm” nói đến thuyết ngũ hành, không hẳn là tư liệu lịch sử. Nhưng nói chung các tư liệu trong Chu thư có thể là đáng tin cậy.
·   Thái Thệ thượng: Ba thiên “Thái thệ” ghi chép sau khi vua Chu Vũ Vương tiêu diệt nhà Thương xây dựng đất nước, năm sau đến xem sĩ tốt ở Minh Tân rồi làm thiên “Thái tệ” để khiển trách tội ác của vua Trụ nhà Thương.
·   Thái Thệ trung
·   Thái Thệ hạ
·   Mục Thệ: Ghi lại lời thề trước khi quyết chiến trận Mục Dã của vua Chu Vũ Vương khi đánh nhà Thương.
·    Vũ Thành: Ghi lại sự kiện vua Vũ Vương chinh phạt vua Trụ.
·   Hồng Phạm: Ghi chép lại lời hội thoại giữa vua Vũ Vương và Cơ Tử, nội dung lien quan đến ngũ hành.
·    Lữ Ngao
·    Kim Đằng: Ghi chép lại sự kiện sau khi vua Chu Vũ Vương mất, Thành Vương bỏ hết những hiểu lầm về Chu Công.
·   Đại Cáo: Chu Vũ Vương băng hà, bọn Tam Giám và Hoài Di làm phản, Chu Công giúp đỡ Chu Thành Vương đi truất thiên mệnh của nhà Ân, làm thiên “Đại cáo”
·    Vi Tử chi mệnh: Sau khi Thành Vương đã truất thiên mệnh nhà Ân thì giết Võ Khang, lệnh cho Vi Tử Khải thay Ân.
·    Khang Cáo: Sau khi Thành Vương đánh Quản Thúc, Sái Thúc và diệt bọn Tam Giám, phong cho Khang Thúc quản trị bọn dư dân của nhà Ân, lấy bọn dân Tam Giám cho Khang Thúc làm Vệ hầu.
·    Tửu Cáo: Thiên này do Chu Công làm ra, nội dung khuyên người không nên uống nhiều rượu, làm ra thiên này khi Chu Thành Vương mới lên ngôi, Chu Công lo rằng Thành Vương chưa hiểu chính sự, lại sợ sẽ theo bọn quý tộc nhà Thương ham mê rượu mà quên chính sự.
·   Tử Tài: Lời Tử Tài nói với Khang Thúc đạo vi chính cũng như là việc đẽo gọt tính người để mà trị nước.
·   Thiệu Cáo: Thành Vương muốn dời đô về Lạc Dương, phái Thiệu Công đến xây dựng. Khi Thiệu Công đến thị sát Lạc Dương, bèn ủy thác Chu Công dâng sách, cáo với Thành Vương nên kính đức để thiên mệnh được dài lâu.
·    Lạc Cáo: Lời bói điểm tốt xấu để xây dựng kinh đô nhà Chu ở Lạc Dương.
·    Đa Sĩ: Đa sĩ tức là nói đến các bề tôi cũ của nhà Thương. Sau khi nhà Chu diệt nhà Thương, các bề tôi cũ nhà Thương trong lòng bất mãn, ngoan cố không chịu theo giáo hóa. Vì thế, sau khi phong cho ở Lạc Ấp, Chu Công mới làm bài cáo để khuyến dụ cho bọn bề tôi cũ nhà Thương.
·    Vô Dật: Nói lên tư tưởng cấm việc hoang dâm.
·   Quân Thích: Là lời Chu Công đáp lại Thiệu Công, biểu thị sự tôn kính của Chu Công với Thiệu Công.
·   Sái Trọng chi mệnh: Sau khi Sái Thúc Độ được bị lưu đày, tước vị cũng bị tước đoạt, con của Sái Thúc Độ là Sái Trọng là người có đức hạnh nên Chu Công phong cho Sái Trọng ở đất Sái và viết thiên này.
·    Đa Phương: Chu Thành Vương về Tự Yêm, ở Tông Chu cáo với các thứ bang.
·    Lập Chính: Chu Công viết thiên này vì sợ Thành Vương còn chưa hiểu việc, trễ nải chính sự, vì thế mà khuyên răn việc vua tôi lập chính.
·    Chu Quan: Sau khi Thành Vương truất mệnh nhà Thương, diệt bọn Hoài Di, đi về đến đất Phong thì làm thiên “Chu quan”. Thành Vương tuy dựng Lạc Ấp nhưng vẫn về Tây Chu. Chu quan tức là nói đến phép đặt quan phân chức của nhà Chu.
·   Quân Trần: Sau khi Chu Công mất, Thành Vương rất coi trọng những việc mà Chu Công đã làm, bèn lệnh cho Quân Trần đến ở Chính Đông Hiệu Thành làm quan.
·   Cố Mệnh: Thành Vương trước khi băng hà, phong cho Thiệu Công, Tất Công tước Bá, cùng chia thiên hạ mà cai trị, đốc suất chư hầu giúp sức cho Khang Vương nên viết thiên này.
·    Khang Vương chi cáo: Khi Khang Vương lên ngôi thiên tử, làm thiên này để bố cáo với chư hầu.
·    Tất Mệnh: Khang Vương lệnh cho Tất Công làm việc phân chia chỗ ở, phân biệt thiện ác.
·    Quân Nha: Mục Vương lệnh cho Quân Nha làm Chu đại tư đồ.
·    Quynh Mệnh: Mục Vương lệnh cho Bá QUynh làm Chu thái phó chánh.
·    Lữ Hình: Hình pháp thời sơ kỳ nhà Tây Chu gồm có: kinh điển, trung điển và trọng điển, gọi là “Tam điển”, dùng để bảo vệ sự an định của xác hội và chế độ. Chu Mục Vương lệnh cho Lữ hầu tham chiếu các bộ hình luật của nhà Hạ mà chế định ra.
·    Văn Hầu chi mệnh: Đây là sách phong của Chu Bình Vương cho Tấn Văn Hầu làm Phương Bá.
·    Phí Thệ: Lỗ hầu là Bá Cầm chọn Khúc Phụ là đất phân phong của nước Lỗ. Lỗ hầu đi chinh phạt ở đất Phí làm lời thề với chúng nhân.
·    Tần Thệ: Ghi lại lời thề của Tần Mục Công.
     Nhìn vào tên gọi của các thiên, chúng ta thấy rõ được văn thể được sử dụng rất đa dạng. Khổng Dĩnh Đạt trong Thượng Thư chính nghĩa cũng nói văn thể của sách Thượng Thương có thể phân làm 10 loại. Trong sách Tam tự kinh cũng nêu ra được 6 loại chính trong sách. Gọn mà chính xác, chúng tôi xin nêu ra 6 loại hình văn thể đó như sau:
·   Điển: Điển tức là điển phạm, điển tịch, kinh điển. Điển không phải là thể tài của đương thời, người đời sau tôn sung nên gọi là điển. Tỉ lệ điển so với các thể tài khác trong Kinh Thư rất ít.
·   Mô: Mô tức là mưu mô, mưu hoạch. Là những lời vấn đáp mưu hoạch chính trị giữa vua tôi. Số thiên thuộc thể mô cũng rất ít.
·    Huấn: Huấn là dụ, là bảo, tức là lời dụ của vua đối với bề tôi.
·    Cáo: Cáo là cáo dụ. Thể này chiếm số lượng khá lớn trong toàn sách. Có một số thiên không có chữ “cáo” nhưng vẫn được tính vào thể này như “Bàn Canh”, “Tử Tài”, “Đa phương”, “Vô dật”…
·    Thệ: Thệ là lời thề. Cách đặt tên của thể tài này cũng không thống nhất. Như “Thang thệ” là lời thề của vua Thành Thang khi đánh vua Kiệt nhà Hạ. “Phí thệ”, “Mục thệ” thì lại dùng địa điểm để đặt tên. Thệ chiếm số lượng cũng khá nhiều, số lượng xấp xỉ với thể cáo.
·    Mệnh: Mệnh tức là mệnh lệnh. Thể loại này không nhiều, tuy nhiên lại rất khó đọc.
 
Tóm lại, Kinh Thư là một bộ kinh điển quan trọng của Nho gia nói riêng và trong việc nghiên cứu lịch sử cổ đại Trung Quốc nói chung. Trải qua thời gian, qua nhiều sự thay đổi văn bản, nhưng chúng ta vẫn có thể nắm bắt một cách khái quát và thống nhất về cấu trúc của Kinh Thư. Qua bài viết này, chúng tôi không tập trung đi vào cụ thể, mà nêu một cách khái quát về bộ thư tịch này. Tuy nhiên, ý vị của thánh nhân là vô lượng, bài viết khó tránh khỏi sai sót, chúng tôi xin dành thời gian nghiên cứu một cách tỉ mỉ hơn trong những bài viết tiếp theo.

Nguồn

0