Công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế
Hoạt động ngoại giao của bất kỳ nước nào từ xưa đến nay bao giờ cũng nhằm ba mục tiêu cơ bản là (i) góp phần bảo vệ độc lập , chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; (ii) tranh thủ và tạo những điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất ...
Hoạt động ngoại giao của bất kỳ nước nào từ xưa đến nay bao giờ cũng nhằm ba mục tiêu cơ bản là (i) góp phần bảo vệ độc lập , chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; (ii) tranh thủ và tạo những điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước; (iii) nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế. Ba mục tiêu này liên quan mật thiết với nhau, tác động qua lại, tạo ra một thể thống nhất để phát triển đất nước, trong đó vai trò sức mạnh kinh tế có thể nói đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ba mục tiêu trên có thể nói là không thay đổi, song nội dung cụ thể và phương pháp tiến hành thay đổi theo thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia.
Chiến tranh lạnh kết thúc vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20 đã mở ra thời kỳ mới để các nước trên thế giới tập trung sức người, sức của cho cho phát triển kinh tế trong nước và mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế. Việc tham gia mở rộng kinh tế đối ngoại không chỉ dừng lại ở mức độ tham gia kiến tạo chính sách kinh tế đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi, tham gia giải quyết những khúc mắc, khó khăn ... mà còn đi vào những vấn đề rất cụ thể như xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư, thu hút viện trợ nước ngoài và môi giới những hợp đồng kinh tế lớn. Nhiều nước như Anh, Canđa, úc, Thuỵ Điển, Hà Lan, Hàn Quốc kết hợp chặt chẽ về tổ chức giữa ngoại giao và thương mại. Nhiều nước phần viện trợ nước ngoài (ODA) đặt trong Bộ Ngoại giao. Philippines coi ngoại giao kinh tế là một trong 3 trụ cột của chính sách đối ngoại. Hội đồng kinh tế đối ngoại của Philippines do Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Công thương làm đồng Chủ tịch. Brunei đặt yêu cầu ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, đa dạng hoá cơ cấu nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào xuất dầu. Bộ trưởng ngoại giao Brunei làm Chủ tịch Hội đồng kinh tế. Tại ấn Độ, Bộ Ngoại giao là cơ quan thường trực của Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế với các nước....
Năm 1985, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước (các Đồng chí Lê Duẩn, Tố Hữu, Đỗ Mười...), công tác ngoại giao phục vụ kinh tế được chính thức xác định là nhiệm vụ chính của Ngành ngoại giao và được thảo luận sâu sắc và rộng rãi. Đại hội VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới và mục tiêu 'dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh' được coi là lợi ích cao nhất. Từ đó đến nay, công tác ngoại giao phục vụ kinh tế luôn được thảo luận tại các Hội nghị ngành và tập trung hướng vào việc đa phương, đa dạng hoá quan hệ kinh tế đối ngoại, phá thế bao vây, cấm vận của phương Tây, mở rộng thị trường, tranh thủ viện trợ, đầu tư, công nghệ và từng bước hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương IV, khoá VIII (12/1997) nêu nhiệm vụ ' tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan ngoại giao trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại'. Qua những hoạt động thực tế, những năm gần đây nhận thức của ngành về ngoại giao phục vụ kinh tế đã được nâng cao thêm một bước, đặc biệt là tính cấp bách của công tác này cũng như nội dung phương hướng của hoạt động ngoại giao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 23 tháng 12/2001, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh "Trong thời gian rất dài, xây dựng kinh tế luôn luôn là nhiệm vụ trung tâm, do đó phục vụ kinh tế phải thực sự là trọng tâm công tác của Ngành Ngoại giao ".
Định hướng cụ thể ngoại giao phát triển kinh tế.
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 23 tháng 12/2001, Thủ tướng Phan Văn Khải đã giao những nhiệm vụ của ngành ngoại giao:
+ Góp phần mở rộng thị trường theo hướng đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường, nhóm sản phẩm.
+ Tăng cường công tác thông tin về thị trường, đối tác, những thay đổi về môi trường chính sách của các nước.
+ Tích cực vận động FDI, ODA.
+ Tích cực xúc tiến du lịch, xuất khẩu lao động (phấn đấu đưa hàng triệu lao động ra nước ngoài).
+ Tăng cường công tác thông tin, tình báo kinh tế, khoa học công nghệ.
+ Bên cạnh việc cần làm tốt hơn những lĩnh vực mà xưa nay Ngành đã làm, cần trú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp.
Những biện pháp thúc đẩy công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 9 về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế đối ngoại và những nhiệm vụ kinh tế mà lãnh đạo cấp cao đã giao cho ngành ngoại giao, nhiều biện pháp cụ thể đã được đưa ra nhằm làm tốt hơn, có hiệu quả hơn công tác ngoại giao phát triển kinh tế. Sau đây là một số biện pháp lớn thúc đẩy công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế.
Thông tin, tuyên truyền, tình báo kinh tế - kỹ thuật- công nghệ.
Đây là lĩnh vực mà ngoại giao có ưu thế, cần thúc đẩy để làm tốt hơn nữa. Công tác này bao gồm các cơ quan đại diện thực hiện tuyên truyền phục vụ kinh tế đối ngoại về các chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam, tiếp xúc với các đối tác, tham gia các hoạt động hội thảo, hội nghị, toạ đàm, gặp gỡ doanh nghiệp để quảng bá, tuyên truyền về Việt Nam, thu hút giới đầu tư, thương mại và khách du lịch. Các cơ quan đại diện ở nước ngoài có điều kiện thu thập, nắm bắt và thẩm định thông tin tại chỗ để cung cấp cho trong nước, nhất là về chính sách, luật lệ, thủ tục, thuế quan của các nước, nhu cầu về các loại mặt hàng của thị trường sở tại mà ta có khả năng xuất khẩu, khả năng của các đối tác....
Một điều kiện quan trọng để có thể làm tốt công tác này là sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thông tin hai chiều giữa ngành ngoại giao, đặc biệt là các cơ quan đại diện với các cơ quan, tổ chức kinh tế và doanh nghiệp trong nước là cơ sở và điều kiện tiên quyết để các cơ quan đại diện làm tốt công tác này.
Tham mưu, tư vấn cho các cơ quan và doanh nghiệp.
Với kinh nghiệm quốc tế của mình, ngành Ngoại giao có thể tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong một số lĩnh vực cụ thể:
+ Nghiên cứu và kiến nghị về kinh nghiệm, chính sách, chiến lược, luật lệ kinh tế của nước sở tại và kiêm nhiệm để phục vụ việc hoạch định chính sách trong nước.
+ Phối hợp với các cơ quan trong nước đàm phán với nước sở tại về các vấn đề kinh tế; xây dựng, đàm phán và ký kết các hiệp định, hợp đồng, dự án với các đối tác nước ngoài.
+ Theo dõi tình hình và kiến nghị cho trong nước về các chủ trương, chính sách, tình hình viện trợ của các nước (nhất là các nước cấp viện trợ và các nước nhận viện trợ lớn, thông tin về sự phản hồi của Chính phủ, các TCQT và các NGO về môi trường đầu tư, tình hình triển khai ODA của Việt Nam).
Vận động (lobby) ở nước ngoài.
Đây là lĩnh vực mà ngành Ngoại giao có thế mạnh. Các đồng chí Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện là người thích hợp nhất trực tiếp vận động chính giới sở tại, các tổ chức kinh tế, chính trị, doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề lớn trong quan hệ hợp tác kinh tế với nước ta. Các vấn đề lớn này còn bao gồm cả những tranh chấp kinh tế, thương mại lớn, việc xoá bỏ các hàng rào thuế và phi thuế đối với xuất khẩu của ta, đấu tranh nhằm thực hiện tốt các hiệp định kinh tế, thương mại với nước sở tại.
Góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Ngành Ngoại giao hỗ trợ kinh tế trong nước qua các công tác khác như: theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các thoả thuận và cam kết quốc tế về hợp tác kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất nhập cảnh và giải quyết các thủ tục lãnh sự; làm tốt công tác cộng đồng, huy động tối đa các nguồn lực từ người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư và kinh doanh trong nước.
Giúp mở rộng thị trường và giới thiệu đối tác,
Đối với những thị trường mà ta chưa có mặt, Ngoại giao cần nghiên cứu khả năng tiếp cận, đi bước trước và hỗ trợ doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam thâm nhập. Các CQĐD cần làm cầu nối giữa các doanh nghiệp của ta với các đối tác nước ngoài, giúp tìm thị trường, móc nối, khơi thông và thẩm tra đối tác, nhất là các đối tác đầu tư, nhập khẩu lao động, du lịch, cũng như các nguồn tín dụng, công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp thẩm tra đối tác về uy tín, khả năng tài chính, công nghệ sẽ giảm bớt và đi tới lừa đảo kinh tế thương mại, giúp xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, giảm bớt sự mất mát đáng kể đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp tại nước sở tại.
Các cơ quan đại diện phối hợp tổ chức và hỗ trợ các đoàn thương nhân trong nước ra hoạt động ở nước ngoài; hỗ trợ các hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp; tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp đàm phán ký kết hợp đồng; bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và công dân Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng. Các cơ quan đại diện thực hiện phương châm " ở đâu khó, có chúng tôi". Tuy vậy, các cơ quan và doanh nghiệp trong nước cần giúp các cơ quan đại diện làm tốt việc này bằng cách thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về công tác thông tin, báo cáo khi ở nước ngoài.
Giúp vận động trong đấu thầu.
Đấu thầu quốc tế hiện còn là vấn đề tương đối mới đối với các doanh nghiệp của ta vì nhiều lẽ như tiềm lực của các công ty ta còn khiêm tốn, ta chưa có nhiều kinh nghiệm và nhất là công ty ta chưa hiểu luật lệ, tập quán kinh doanh, đối tác của nước sở tại. Các cơ quan đại diện là người thích hợp nhất giúp các công ty trong nước về thông tin các mặt, kể cả việc vận động để thắng trong các gói thầu lớn, các đơn đặt hàng lớn của các tổ chức quốc tế và các nước viện trợ.
Có thể giúp làm đại diện cho địa phương, hiệp hội ngành nghề trong tham gia hoạt động ở nước ngoài, nhất là đối với các hiệp hội ngành nghề còn hạn chế về kinh phí hoạt động.
Những nhiệm vụ cụ thể nêu trên và cả những vấn đề khác nữa, ngành ngoài giao có thể và có điều kiện làm được nhằm góp phần đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước theo quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta, được thể hiện rất rõ trong văn kiện Đại hội Đảng làn thứ 9 vừa qua. Tuy nhiên, để thực hiện tốt những nhiệm vụ này đòi hỏi nhiều nhân tố, trong đó một số nhân tố đã có sẵn, một số nhân tố đã được hình thành và đang trong quá trình phát triển. Sau đây, xin nêu một số nhân tố:
Một là, Lãnh đạo cấp cao và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao rất quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường công tác này ở các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như các đơn vị liên quan trong nước. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đặc biệt Đồng chí Bộ trưởng, đã giành nhiều thời gian, công sức chỉ đạo chặt chẽ công tác này, luôn nhắc nhở các đơn vị trong nước và cơ quan đại diện ở nước ngoài đầu tư nhiều hơn thời gian, trí lực, sức lực và kinh phí cho công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế.
Hai là, các đơn vị trong nước và các cơ quan đại diện đã có nhiều cố gắng trong công tác này. Tuy vậy, so với yêu cầu, các đơn vị trong và ngoài nước cần phải cố gắng nhiều hơn, liên tục hơn, đặc biệt trong công tác tổ chức, cán bộ, chương trình, kế hoạch công tác hàng ngày, hàng tháng, hàng quý và năm mới nâng cao được hiệu quả công tác này.
Ba là, phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp với các cơ quan đại diện Việt nam ở nước ngoài và Bộ Ngoại giao. Quan hệ và thông tin hai chiều này cực kỳ quan trọng giúp ngành đối ngoại hoàn thành tốt nhiệm vụ phụ vụ phát triển kinh tế, có lợi cho sự nghiệp chung, đồng thời cũng có lợi trực tiếp cho các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong nước. Để phục vụ mục tiêu này, Bộ Ngoại giao đã thí điểm ký kết Thoả thuận hợp tác với 6 tỉnh/thành gồm Đà Nẵng, Thanh Hoá, Hà Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Khánh Hoà nhằm hỗ trợ các địa phương này hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời Bộ Ngoại giao đã ký kết Thoả thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cũng như các địa phương xúc tiến kinh tế đối ngoại.
Bốn là, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là chủ thể rất quan trọng trong việc thúc đẩy công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Gần 70 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ta cần có hành lang pháp lý để đẩy mạnh công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Chính vì vậy, ngày 10 / 2 / 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định về hoạt động phục vụ kinh tế của cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Nghị định đã hệ thống hoá và chi tiết hoá các nội dung hoạt động phục vụ kinh tế của các CQĐD. Nghị định cũng quy định quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành và Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh trong quản lý hoạt động phục vụ kinh tế của các CQĐD; tăng cường cơ chế phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và các cơ quan quản lý kinh tế đối ngoại nhằm nâng cao hiệu quả và sự chủ động của các CQĐD trong hoạt động phục vụ kinh tế. Thêm vào đó, Nghị định quy định những biện pháp cụ thể về kinh phí, tổ chức và cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm khuyến khích và hỗ trợ CQĐD trong hoạt động phục vụ kinh tế.
Năm là, nguồn kinh phí nhất định cho một số hoạt động đột xuất hoặc tính đặc thù trong công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế là rất cần thiết. Chính vì lẽ đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết đinh 195/QĐ - TTg ngày 18/9/2003 về việc thành lập Quỹ hỗ trợ hoạt ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế do Ngân sách Nhà nước cấp ban đầu là 16 tỷ đồng (khoảng 1 triệu USD). Quỹ này sẽ tập trung chi vào các hoạt động như:
- Tìm hiểu, xúc tiến và tìm kiếm thị trường mới, cơ hội mới trong các lĩnh vực kinh tế đối ngoại;
- Hoạt động của cơ quan đại diện hỗ trợ giải quyết các tranh chấp trong hoạt động kinh tế đối ngoại;
- Thu thập thông tin về kinh tế, công nghệ, khoa học – kỹ thuật có giá trị;
- Trợ giúp các tổ chức kinh tế, khoa học kỹ thuật trong nước nhận được những công nghệ tiên tiến trong việc phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ;
- Hoạt động đối ngoại cần thiết nhằm xây dựng mối quan hệ với chính giới và tài giới của nước sở tại;
- Các hoạt động khác theo chỉ đạo của Chính phủ;
- Các hoạt động trực tiếp hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế của cơ quan đại diện do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định.(Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương - Bộ Ngoại giao).